TP - Đâu là nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ? Vai trò của các giáo sĩ phương Tây? Người Việt góp phần hoàn thiện chữ Quốc ngữ như thế nào?... là những vấn đề được đưa ra bàn luận tại Hội thảo “100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam”.
Hội thảo quy tụ đông đảo nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong ảnh, GS.TS. Roland Jacques (ĐH Saint Paul, Canada) tham dự hội thảo với tham luận “Nghiên cứu tiếng Việt từ 1651 đến 1775” Ảnh: Thanh Trần
Hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 28/12, thu hút đông đảo nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia.
Công lao của giáo sĩ Dòng Tên
GS.TS. Roland Jacques (ĐH Saint Paul, Canada) mở đầu hội thảo bằng ghi nhận: Ngay từ năm 1622 khi đến Việt Nam, Francisco de Pina đã hợp tác với các chàng trai có học thức tạo ra một số công cụ ngôn ngữ học, với hai mục đích: Cho phép người nước ngoài nắm vững tiếng Việt một cách tối ưu và thúc đẩy người Việt phát triển ngôn ngữ của họ. Một trong những công cụ đó là phiên các ngữ âm thành một hệ thống khôn khéo, dựa trên bảng chữ cái Latin, ngày nay gọi là chữ Quốc ngữ. Thứ hai là biên soạn cuốn từ điển chính thức của tiếng Việt. Sau khi Pina qua đời, một số đệ tử tiếp tục kế hoạch của ông, trong đó có Alexandre de Rhodes. Đến năm 1651, cuốn từ điển được ra mắt mang tên Alexandre de Rhodes.
Trong tham luận của mình, bà Châu Yến Loan đến từ TP. HCM cũng nêu lại quá trình tới Hội An truyền đạo, nghiên cứu tiếng Việt của hai giáo sĩ. Việc Alexandre de Rhodes soạn cuốn sách giáo lý bằng chữ Quốc ngữ, cuốn từ điển Việt - Bồ - La, cuốn “Văn phạm Việt Nam”, bà nhấn mạnh đó là “những tài liệu vô giá, chẳng những đã cống hiến cho chữ Quốc ngữ một hình thức xác định và một địa vị vững chắc, mà còn là viên đá đầu tiên của ngữ học, văn học và truyền giáo học ở Việt Nam”.
TS. Nguyễn Thị Vĩnh Linh (ĐH Quảng Nam) nhìn nhận hoạt động truyền giáo của các linh mục Dòng Tên Bồ Đào Nha đóng vai trò quyết định cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Lịch sử ghi nhận các công trình của Francisco de Pina thực hiện ở Hội An và Dinh trấn Thanh Chiêm ra đời sớm nhất, đặt những nền tảng đầu tiên cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ theo chữ Latin. Alexandre de Rhodes là người kế thừa và hoàn chỉnh một cách hệ thống dẫn đến sự xuất hiện chính thức của chữ Quốc ngữ.
Người Việt tiên phong sử dụng chữ Quốc ngữ
Người Việt tiên phong sử dụng chữ Quốc ngữ
Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh…là những người Việt tiên phong trong việc sử dụng, truyền bá và góp phần hoàn thiện chữ Quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX.
TS. Nguyễn Thị Lệ Hà (Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho rằng người Việt Nam có công truyền bá chữ Quốc ngữ đầu tiên là Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của. “Khi đó Trương Vĩnh Ký đã đem những sách đọc dễ hiểu và gần gũi với tâm lý người Việt như: Lục súc tranh công, Phan trần truyện, Lục Vân Tiên…in ra bằng chữ quốc ngữ. Mục đích của ông là truyền bá dễ dàng chữ quốc ngữ trong nhân dân. Năm 1868, ông viết sách Tiếng An nam thực hành, dùng cho trường thông ngôn. Năm 1876, ông xuất bản cuốn Sách học đánh vần chữ Quốc ngữ”, bà Hà nói. Bà nhấn mạnh thêm, sau này, Nguyễn Văn Vĩnh phát động, hô hào và dấy lên một phong trào học chữ Quốc ngữ sâu rộng, đóng góp to lớn trong việc phát triển báo chí tiếng Việt….
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Lân Bình (Hà Nội) cũng đóng góp tham luận về “Lý tưởng sống còn của Nguyễn Văn Vĩnh với sự nghiệp phổ cập chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX ở Việt Nam”.
Đem đến một đề tài khá thú vị, “Phan Bội Châu và chữ Quốc ngữ”, NCS. Nguyễn Đình Khánh (ĐH Trung Sơn, Trung Quốc) trình bày: Phan Bội Châu đã chủ trương dùng chữ Quốc ngữ từ rất sớm và tán thành văn tự này như một công cụ hữu hiệu để khai dân trí.
Đem đến một đề tài khá thú vị, “Phan Bội Châu và chữ Quốc ngữ”, NCS. Nguyễn Đình Khánh (ĐH Trung Sơn, Trung Quốc) trình bày: Phan Bội Châu đã chủ trương dùng chữ Quốc ngữ từ rất sớm và tán thành văn tự này như một công cụ hữu hiệu để khai dân trí.
Tại hội thảo, nhiều vấn đề học thuật liên quan đến chữ quốc ngữ cũng được đem ra bàn luận như: Sự thay đổi theo hướng hoàn thiện của chính tả tiếng Việt trong diễn trình phát triển của chữ Quốc ngữ từ lúc khai sinh đến giữa thế kỷ XX; giới thiệu và đánh giá các truyện thơ, tiểu thuyết và văn chương chữ Quốc ngữ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX; vấn đề giảng dạy chữ Quốc ngữ và bảo tồn tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài…
THANH TRẦN