TTO - Chỉ 100 năm tính từ kỳ thi chữ nho cuối cùng năm 1919 đến nay, chữ quốc ngữ mới được phổ cập chính thức một cách rộng rãi. Thế nhưng, những tranh cãi về chữ quốc ngữ chưa bao giờ ngớt.
Hội thảo 100 năm chữ quốc ngữ diễn ra sáng 21-12 do Hội Ngôn ngữ học TP.HCM tổ chức đã quy tụ nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành để thảo luận quá trình hình thành, phát triển của chữ quốc ngữ với 23 tham luận khoa học.
Còn ngàn trang tài liệu cần được giải mã
Mặc dù cuộc hội thảo vẫn đặt trọng tâm vào sự thay đổi của chữ quốc ngữ một thế kỷ qua, thế nhưng, để đi xa hơn trong việc tìm ra nguyên nhân của sự bén rễ của chữ quốc ngữ đối với Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã không ngần ngại xới lại khởi sự của loại chữ viết này cách đây 400 năm.
Câu chuyện ấy không mới, GS.TS Roland Jacques, người cũng có mặt trong buổi tọa đàm, đã không ít lần khẳng định công lao của linh mục Francisco de Pina trong lịch sử chữ quốc ngữ. Căn cứ của GS Roland dựa trên tập tài liệu chép tay do Honufer Burgin soạn dựa trên văn bản ban đầu (hiện chưa được tìm thấy) của linh mục Pina, người đã tới Hội An năm 1617 và là thầy của Alexandre de Rhodes.
Không chỉ vinh danh Francisco de Pina, GS.TS Roland Jacques cũng bộc bạch ông không còn đủ sức nghiên cứu nhưng vẫn còn ít nhất vài ngàn trang tài liệu về chữ quốc ngữ cần được giải mã ở thư viện Vatican và Paris.
"Tôi hi vọng những người trẻ, với lòng nhiệt huyết của họ, có thể sớm nghiên cứu các tư liệu quý giá này và khép lại những phỏng đoán của chúng tôi" - GS Roland tâm sự.
Bên cạnh những nghiên cứu về lịch sử ra đời chữ quốc ngữ, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định giá trị của chúng trong các lĩnh vực giáo dục, báo chí và sáng tác văn học kể từ sau năm 1919.
Từ chuyện học giả Phan Khôi tham gia biên dịch kinh thánh Tin Lành, TS Văn Phú Quang đã tinh ý phát hiện sự ảnh hưởng của những bài vịnh trong kinh đến sáng tác của ông, đặt nền tảng cho nền thơ mới Việt Nam.
Với công dụng tích cực của chữ quốc ngữ, chúng dần được truyền bá và tác động sâu rộng đến xã hội tuy buổi đầu chỉ là tự phát. Nhà giáo ưu tú Trần Chút - chủ tịch danh dự Hội Ngôn ngữ học TP.HCM - đưa ra góc nhìn thẳng thắn rằng chính nhân dân Việt Nam đã tự nguyện chọn chữ quốc ngữ làm chữ viết tiếng Việt, hoàn toàn không có sự ép buộc nào.
Các phong trào Duy Tân hay Đông Kinh Nghĩa Thục, sự kiện triều Nguyễn quyết định bãi bỏ nền khoa cử phong kiến, quyết định của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau ngày thành lập đã đưa chữ quốc ngữ đến với mọi người.
Cần luật ngôn ngữ để văn hóa phát triển
Trăm năm đã qua của chữ quốc ngữ cũng mang theo những kỷ niệm của các nhà nghiên cứu.
Nhà giáo Trần Chút bồi hồi khi nhớ lại tên đường Alexandre de Rhodes ở TP.HCM đã từng bị gỡ bỏ, rồi hội thảo do ông tổ chức để kỷ niệm 400 năm ngày sinh của vị linh mục cũng bị buộc phải ngưng.
Nhà nghiên cứu Vu Gia lại nhớ đến những câu Sách quốc ngữ/ Chữ nước ta/ Con cái nhà/ Đều phải học... trong bài thơ Lên sáu của Tản Đà. Ông thầm phục nhà thơ Tản Đà, vốn là một nhà nho, bỗng chuyển rụp sang ủng hộ chữ quốc ngữ.
Mới chuyển sang dùng ngót 100 năm, thứ chữ viết này đã gặp nhiều thách thức, có những tranh luận về "cha đẻ" của bộ chữ, xét lại công lao của các nhà truyền giáo, cũng có ý kiến đòi phải thay đổi hoặc cải tiến.
Thế nhưng, "đụng đến chữ viết là đụng đến văn hóa. Không nên xáo trộn. Chuẩn chính tả thì cần" - câu nói của GS.TS Đinh Văn Đức đã được nhiều nhà nghiên cứu trong hội thảo tán đồng.
Các ý kiến cho rằng hệ thống ngôn ngữ Anh, Pháp sở dĩ phát triển được là do tính ổn định của chúng, sáng tạo ra một chữ viết mới không những làm nền tảng văn hóa lung lay mà còn khiến việc hệ thống hóa ngôn ngữ rơi vào bế tắc.
Thế nhưng, để chuẩn mực hóa chữ quốc ngữ phải cần có sự ra đời của luật ngôn ngữ. Theo nhà giáo Trần Chút, luật phải xác định cụ thể những quy tắc cơ bản của chính tả tiếng Việt, tên gọi của chúng và ghi rõ bảng chữ cái, các dấu thanh.
Chuyển tự từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ
Trong khuôn khổ hội thảo, hệ thống chuyển tự tự động từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ của PGS.TS Đinh Điền đã gây hứng thú, tò mò cho các nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Ấp ủ dự án từ năm 1999, đến gần đây nhờ sự phát triển của ngành học máy (machine learning), ông mới có cơ hội hiện thực hóa công trình.
Trên trang web kimtudien.com.vn, người dùng có thể nhập văn bản chữ Nôm để tra tìm chữ quốc ngữ tương ứng. Tuy nhiên, hiện nay PGS.TS Đinh Điền đang gặp nhiều khó khăn trong việc đa dạng hóa, hệ thống hóa dữ liệu chữ Nôm để đưa vào.