Câu
chuyện dưới đây đã được kể đi kể lại 9999 lần, và lần nào cũng khiến tôi nhỏ lệ…
Năm
ấy bà đổ bệnh, ông đã dùng xe ba gác đưa bà lên thị trấn để tìm phòng khám. Ông
năn nỉ gãy lưỡi, rồi còn dốc hết tất cả tiền xu trong túi ra, cuối cùng bác sĩ
mới cho bà một mũi tiêm và cấp cho hai gói thuốc bọc trong giấy tre vàng
Xong xuôi ông
lại đỡ bà lên xe và kéo về. Ông kéo xe ngang qua con phố nhỏ, quành về bên
phải, rồi lại qua một con ngõ nhỏ khác nữa. Bỗng một mùi vị thơm ngon từ đâu
thoảng đến, phảng phất, phảng phất. Ông cố nhịn nuốt nước bọt vào cổ họng, ngập
ngừng vài giây. Ông dừng bước, quay đầu lại nói với bà: “Bà có muốn ăn bánh
quẩy không?”.
Nãy giờ nằm
trên xe ba gác, bà cũng phải nén nuốt nước miếng. Lúc này bất chợt nghe ông
hỏi, bà ngẩn ra một lúc rồi lắc đầu: “Không muốn ăn, không muốn ăn”. Bà ấn ấn
vào chiếc túi vải, trong đó vẫn còn mấy củ khoai lang luộc chín. “Đã có củ
khoai này rồi, nếu đói tôi sẽ ăn khoai”. Bà biết rõ rằng, trong túi ông ngay cả
một hào một cắc cũng không có, lấy đâu ra tiền mà mua quẩy chứ?
Ông lặng lẽ
nhìn bà, giống như đã nhìn thấu tâm sự của bà vậy. Bà lại nghĩ vẩn vơ, ngượng
ngùng cúi đầu xuống. Chết tiệt, cái mùi vị thơm ngon béo ngậy ấy lại bay qua,
khiến bà không thể không nuốt nước miếng thêm lần nữa.
Ông nhẹ nhàng
kéo chiếc xe vào lề đường và đỗ ở đó, rồi sải bước về phía góc phố, nơi có quán
hàng nhỏ đang bày bán quẩy rán. Ánh mắt người vợ đuổi theo bóng lưng dài và
rộng của chồng, chỉ thấy ông đứng tần ngần một hồi lâu trước mặt chủ quán hàng.
Mặt bà đỏ lên
vì xấu hổ, và dường như quá tủi nhục, bà nhắm mắt lại nghẹn ngào. Trời đất ơi,
chúng ta không phải là ăn mày, sao ông có thể hạ mình đi cầu xin người khác
chứ? Bà vừa mở mắt ra, đã thấy ông cười rạng rỡ giơ lên một chiếc quẩy rán thơm
phức hướng về phía bà.
Bà tức giận
quay mặt đi, nói: “Tôi không ăn! Tôi không phải là ăn xin, không ăn những thứ
đi xin từ thiên hạ!”.
Ông nói: “Ai
bảo chiếc quẩy này là đồ ăn xin chứ? Tôi là lấy thuốc để đổi đó”.
Bà ngạc
nhiên: “Đổi bằng thuốc sao? Thế khi ông muốn hút thuốc thì làm thế nào?”. Ông
đã hút thuốc nhiều năm trời. Người ta nói: “Người là sắt, cơm là thép”, còn ông
thì nói: “Người là sắt, thuốc là thép”. Trong mắt ông, thuốc lá cũng quan trọng
như cơm ăn nước uống hàng ngày. Lúc mệt, ông chỉ cần hút một điếu thuốc là lại
thấy tinh thần phấn chấn. Còn lúc đói, ông cũng chỉ cần một điếu thuốc là lại
thấy trong bụng no đầy.
Thuốc lá của
ông là thứ thuốc tự làm, từ chính cây trồng trong vườn nhà. Lá thuốc được cắt
thành sợi nhỏ, phơi khô dưới nắng, đóng vào từng túi bóng nhỏ, rồi lại cất vào
trong bao. Khi muốn hút thuốc, ông chỉ cần lấy một nhúm nhỏ cho vào giấy rồi
cuộn thành “chiếc loa tròn”.
Ông cười:
“Một ngày hay nửa ngày không hút thuốc thì cũng không thể chết được. Còn nếu
thèm thuốc không chịu nổi, tôi chỉ cần hái chiếc lá khô ven đường, vò vụn lại
rồi vê thành cái loa, cuộn vào trong mẩu giấy là có thể hút được…”. Vừa nói ông
vừa đưa chiếc quẩy cho bà. “Bà ăn đi, ăn nhanh kẻo nguội, vẫn còn mềm và thơm
lắm đây này”.
Bà nói: “Vợ
chồng mình chia đôi nhé, ông một nửa, tôi một nửa cùng ăn”. Ông lắc lắc đầu:
“Không, tôi không thích ăn quẩy, mà cũng chả thích ăn những đồ chiên rán. Bà ăn
nhanh đi kẻo nguội bây giờ”.
Bà ngập ngừng
rồi cắn một miếng, hai mắt đọng giọt sương, chỉ muốn lấy tay lau đi nhưng lại
không dám lau, sợ ông biết…
Ông cười tươi
nhìn bà, hào hứng hỏi: “Thế nào, có thơm không, có ngọt không?”. Bà buột miệng
nói: “Đắng, đắng lắm”.
Ông suýt chút
nữa thì nhảy dựng lên: “Đắng? Sao có thể đắng được chứ? Tôi đã bảo họ lấy cho
chiếc quẩy mềm nhất, thơm nhất, và ngọt nhất cơ mà”.
Bà ngẩng mặt
lên, cau mày nói: “Không tin thì ông cứ nếm thử mà xem”. Bà cố hết sức bẻ đôi
chiếc quẩy rồi đút vào miệng ông. Ông cắn một cái, rồi lại cắn thêm cái nữa.
Chà, kỳ lạ quá, có đắng chút nào đâu, ngọt thế này cơ mà, bánh quẩy nóng hôi
hổi, vừa ngọt lại vừa thơm.
Thấy vẻ mặt
bối rối của ông, bà không nhịn được bèn bật cười một tiếng. Mãi đến lúc này ông
mới hiểu ra, thì ra bà chỉ “lừa” ông để mời ông ăn nửa chiếc quẩy còn lại.
Người chồng
trong câu chuyện trên là cha tôi của 30 năm về trước, còn người vợ là mẹ tôi
cũng của 30 năm về trước. Câu chuyện này đã được kể đi kể lại, cha đã kể cho
tôi 9999 lần, mẹ cũng kể cho tôi 9999 lần, nhưng phiên bản của cả cha và mẹ lại
có đôi chút khác biệt. Cha luôn bỏ qua chi tiết lấy món thuốc lá mà ông yêu
thích nhất để đổi lấy chiếc quẩy rán, và liên tục nhấn mạnh vào việc mẹ đánh
lừa để mời ông ăn. Còn mẹ thì nhắc đi nhắc lại chuyện cha phải từ bỏ thuốc lá
mà ông nghiền nhất chỉ để có được chiếc quẩy rán mang về cho bà, nhưng lại cố
tình phớt lờ câu nói dối của mình.
Suốt 30 năm
qua tôi đã nghe đi nghe lại chuyện của cha và mẹ mà không biết chán, lần nào
cũng cảm thấy nước mắt rơm rớm trên khóe mi. Cả cha và mẹ, không giàu có về vật
chất nhưng lại giàu có về tình cảm. Cha vẫn thường nói với tôi: Cả đời này,
hạnh phúc của cha chính là mẹ.
Hạnh phúc là
gì?
Hạnh phúc
không phải là khoác lên mình bộ đồ hào nhoáng, ăn những thứ sơn hào hải vị,
cũng không phải là sống trong căn biệt thư nguy nga lộng lẫy, hay lái chiếc
siêu xe sang chảnh trên đường.
Hạnh phúc là
khi bạn khóc có ai đó cho bạn bờ vai làm điểm tựa, khi bạn buồn có ai đó ngồi
bên nghe bạn tỉ tê tâm sự. Hạnh phúc là những gì nhỏ nhoi nhưng lại rất chân
tình mà chúng ta dành cho nhau.
Hạnh phúc ấy
không phải là có trong tay tất cả, mà là dành cho nhau tất cả những gì ta đang
có.
Phong cảnh dù
mỹ lệ đến đâu, nhưng nếu không có người thưởng thức thì phong cảnh ấy cũng trở
nên vô nghĩa. Cuộc sống dù tươi đẹp đến đâu, nhưng nếu không có người cùng chia
sẻ thì cuộc sống ấy cũng trở thành ảm đạm.
Vật chất
không cần phải quá xa hoa, tình yêu cũng không cần phải quá lãng mạn. Chỉ cần
tay trái luôn nắm lấy tay phải, anh luôn ở bên em, chúng ta không bao giờ rời
xa, cũng không bao giờ thay đổi.
Tiền bạc chỉ
đem đến sự thỏa mãn về vật chất, nhưng tình yêu mới mang đến sự thỏa mãn về
tinh thần. Tình yêu chân thành là thứ hạnh phúc không cần tiền để mua, cũng
không cần thời gian để đánh đổi.
Hạnh phúc rất
đơn giản, đó là một bàn tay ấm áp, một bờ vai vững vàng, và một trái tim son
sắt đến cuối cuộc đời.
Theo
Soundofhope
Tâm Minh
Minh Nguyễn ST