F tháng 8 2020 ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


4 thiền viện nổi tiếng nhất Việt Nam

Không chỉ mang đến cảm giác an nhiên tự tại, Trúc Lâm Tây Thiên, Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Đà Lạt còn say đắm lòng người với bức tranh sơn thủy hữu tình, cảnh quan tuyệt đẹp.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Vĩnh Phúc thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử tọa lạc tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây.

Truyền thuyết kể rằng, khoảng thế kỷ thứ 3, có một vị hòa thượng tên là Khương Tăng Hội dừng chân ở đây, dựng chùa truyền giáo, vì thế nơi đây là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Ảnh: phatgiao.

Thiền viện được khởi công xây dựng từ ngày 4/4/2004, hoàn thành vào ngày 25/11/2005 với kinh phí 30 tỷ đồng. Đây là thiền viện được xây dựng nhanh nhất với kinh phí thấp nhất. Lý do của đều này là nhờ sự góp công của người dân, các thợ thủ công và các làng nghề. Về thiết kế, thiền viện mang đậm dấu ấn, kiến trúc chùa Việt Nam đương đại với cổng Tam Quan, những họa tiết, chi tiết điêu khắc tinh tế và sắc sảo. Ảnh: Giacngo.

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam nằm trong khu di tích lịch sử Lộ Vòng Cung, TP Cần Thơ. Thiền viện được công xây dựng vào ngày 16/7/2013, tổng diện tích là 38.016 m2, kinh phí khoảng 145 tỷ. Với diện tích như vậy, đây là thiền viện lớn nhất miền Nam. Ảnh: commons.

Chính điện lợp ngói tám mái theo theo phong cách nhà Trần. Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách Lý triều. Lầu trống, gác chuông lợp ngói mười hai mái... Ảnh: Commons.

Ngoài tượng Phật Thích Ca bằng đồng, toàn bộ hệ thống tượng thờ tại đây đều bằng gỗ thủy tùng.

Khuôn viên thiền viện được bày trí các gian nhà rất cân đối gồm Quan Âm điện, Di Lặc điện (Thủy tạ), chùa Một Cột, giảng đường, khách đường, trai đường, thư viện, phòng đông y Nam dược... Ảnh: Commons.

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt 
Là một công trình kiến trúc độc đáo bên cạnh hồ Tuyền Lâm. Chính điện có diện tích 192 m2. Giữa điện thờ tượng Phật Thích Ca cao khoảng 2 m, tay phải cầm cành hoa sen. Bên phải là Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử. Bên trái là Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà. Phía bên phải của chính điện là lầu chuông với quả đại hồng chung nặng khoảng 1,1 tấn. Ảnh: dulichdalat.

Thiền viện hút du khách với vẻ uy nghiêm của một ngôi chùa nổi tiếng, không gian thoáng đãng và những thảm hoa rực rỡ khoe sắc.

Ngoài viếng cảnh chùa, nếu thích, du khách có thể đăng ký tour khám phá vẻ đẹp hồ Tuyền Lâm với mặt nước mênh mông, tiểu đảo đầy thông hay khám phá Đà Lạt từ trên cao với hệ thống cáp treo nối đèo Robin với thiền viện. Ảnh: vietnamdicoveries.

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử 
Còn gọi là Chùa Lân, Long Động Tự thuộc thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đây là ngôi chùa do vua Trần Nhân Tông cho tôn tạo, xây dựng vào năm 1293. Tương truyền ngày đó, ba vị sư tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang thường đến đây thuyết pháp. Ảnh: Panoramio.

Chùa nằm trên một quả đồi có hình dáng một con lân nằm phủ phục. Hiện ngõ chùa vẫn còn lưu dấu tích xưa với ngõ dài, rộng, hai bên có nhiều tháp mộ các nhà sư. Ảnh: wikimedia.

Các công trình chính của chùa gồm chính điện, nhà thờ Tổ, lầu trống, lầu chuông, nhà tăng, La Hán đường... Đặc biệt, chùa có tượng đồng Thích ca mâu ni nặng gần 4 tấn và tượng Bồ Đề Đạt Ma làm bằng gỗ dáng hương nặng khoảng 3,2 tấn. Ngoài ra, nơi đây cũng có quả cầu được trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác định là quả cầu Như ý lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Panoramio.

Theo Linh San/Zing

Cười té ghế với những biển quảng cáo

Tận dụng sự đa dạng và phong phú về ngôn ngữ, nhiều người đã nghĩ ra rất nhiều chiêu trò chơi chữ để biến quảng cáo của cửa hàng mình độc đáo, thu hút được sự chú ý của nhiều người. Dưới đây là những tấm biển quảng cáo độc lạ, bá đạo khiến bất kỳ ai nhìn vào cũng phải phì cười.

Khuyến mại có cũng như không.

Đánh chìa khóa, sửa chìa khóa thì bình thường quá, ghi “phô tô” cho nó độc đáo.

Quán đồ nướng khiến các ông chồng thích thú.

Cửa hàng có đủ món từ chim, chim gì cũng có từ chim nhỏ đến chim to.

Quảng cáo bún chả chính hiệu của nhà mình nhưng cũng không quên dìm đối thủ bên cạnh.

Tên món ăn cũng đủ thu hút sự chú ý của nhiều người.

Bánh mì patê thì bình thường quá, giờ phải bánh mì bốn tê mới đắt khách.

Người yêu có thể bỏ bạn bất cứ lúc nào nhưng bia thì không bao giờ bỏ bạn.

Quán chỉ bán chè cho khách đi biếu sếp và bố vợ, còn những người khác cứ chờ đấy.

Biển quảng cáo phiên âm sẵn từ tiếng Anh ra tiếng Việt để bất kỳ ai cũng hiểu quán bán gì.

Tên món ăn độc lạ khiến bất kỳ khách hàng nào cũng muốn thử.

Chủ cửa hàng làm hẳn thơ lục bát để chào đón khách đến với quán karaoke của mình.

Theo quảng cáo này, cứ uống sinh tố là xinh đẹp, là kiếm được người yêu…

Quảng cáo bưởi hồ lô không cuống.

Mất tiền hay mất xe, chỉ được chọn một thôi nhé!







Description: 👨Phương Phùng

Nguon: https://quantrimang.com/

Căn nhà ngày xưa

Có một chiều thênh thang bước đi trên con đường ngoằn ngoèo dẫn về ngôi nhà cũ trong lòng chợt dậy lên cảm giác ngổn ngang những thương nhớ bùi ngùi.

Dường như sự xa cách cũng làm cho lòng người dễ xốn xang, rung động trước một khung cảnh thân thương, quen thuộc. Cứ ngỡ như cảnh cũ, người xưa hiện về rồi chợt thấy đâu đó hiện lên hình ảnh của mình ngày xưa - ngây ngô, thơ dại trong cái khung cảnh đơn sơ, thuần khiết ấy. Rồi đâu đó thấy mình như đang trong vai một cô bé con với đầm hoa, nơ đỏ lon ton nhảy chân sáo trên những con đường rợp hoa, bóng dáng nhỏ bé chạy theo những vạt nắng đang dần tắt giữa buổi chiều tà.

Đã lâu rồi tôi không về lại căn nhà ngày xưa, không đi qua những lối mòn quen thuộc. Căn nhà đã lâu không người ở, bụi phủ dày trên lớp kính những hoa văn nguệch ngoạc. Ven nhà cỏ dại mọc đầy, rêu xanh bám kín tường, duy chỉ có giàn hoa giấy bao mùa vẫn rộ nở dù không có ai ngắm. Ngày trở về căn nhà chẳng còn đông đủ người thân. Tôi chẳng còn được nghe tiếng cơm sôi, mùi thức ăn thơm nồng nơi cánh mũi mỗi sớm tinh mơ hay chiều đổ bóng. Chỉ có tiếng gió thi thoảng vờn qua kẽ lá. Dẫu không có người chăm sóc, mảnh vườn vẫn xanh tươi, chim chóc vẫn ghé qua hát ca rộn ràng. Dẫu có những nỗi đau của sự mất mát hiện về mỗi khi tôi trở về căn nhà cũ, trái tim tôi vẫn cảm thấy được xoa dịu khi bắt gặp vài hình ảnh trong trẻo gợi nhắc tôi về một ngày xưa êm đềm.

Lần nào trở về tôi cũng dạo qua những con đường quen thuộc ngày thơ bé thường chạy nhảy vui đùa. Và lúc nào cũng vậy, tôi luôn bị những ký ức tuổi thơ níu kéo, dẫn dụ. Ký ức ấy đưa tôi trở về với những tháng ngày ấm áp không khí gia đình. Đó là những ngày cùng ba mẹ lên nương. Những bữa cơm gia đình đông đủ. Những bữa tối quây quần uống trà dưới ánh trăng. Có những hôm cả nhà cùng đón đợi một chương trình truyền hình. Tôi còn nhớ những buổi chiều tắm mưa và chơi đùa cùng chúng bạn...

Căn nhà ngày xưa là nơi tôi luôn thấy mình nhỏ bé mỗi khi trở về. Trong căn nhà của mình, tôi không cần phải gồng lên và cố gắng chứng tỏ bản thân. Tôi chỉ việc trở về, cởi bỏ những lo toan và sống với trái tim trẻ thơ, hồn nhiên như ngày nào. Ở đó luôn có những người yêu thương và chấp nhận chính tôi, dẫu cho tôi có những sai sót, bất toàn.

Chiều nay nắng vàng soi chiếu từng lối nhỏ, tôi lại trở về căn nhà xưa, bước đi trên cánh đồng làng ngày nào mà ngỡ như đang bước đi trong giấc mơ. Khung cảnh thân quen ấy dẫn dắt tôi bước vào miền ký ức. Tôi gặp lại mình trong hình hài một cô bé con, đang lang thang đuổi bướm bắt hoa, lăn tăn cùng nhóm bạn chạy nhảy như ngày nào. Những cánh đồng xanh mướt hiện ra trước mắt. Dưới bóng nắng liêu xiêu, bước chân tôi dè dặt vạch từng lối đi chạy đến tíu tít nói cười với lũ bạn. Phía sau là nụ cười ấm áp của những người thân yêu. Những giọng nói thân thương trìu mến gọi vang tên tôi giữa buổi chiều tà đang êm đềm trôi…

 TRẦN NGUYÊN HẠNH

Ngôi giáo đường có mái đầu đao

Nhìn từ bờ bên kia kênh xáng Xà No, nhà thờ Vị Hưng nổi bật với màu ngói đỏ, nhiều lớp mái xếp chồng lên nhau.

Nhà thờ Vị Hưng được thành lập vào những năm cuối thế kỷ thứ 19 do cha Phaolô Nguyễn Thanh Cần sáng lập. Thời gian đầu, họ đạo tên là Vị Thanh, sau đổi tên thành Vị Hưng, tọa lạc tại khu vực 2, phường 4, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Hình ảnh các mái đầu đao uốn cong trên nóc nhà thờ. Mái đầu đao vốn là cách thiết kế đặc trưng của đình chùa Việt Nam, song mái ở nhà thờ Vị Hưng không chạm trổ.


Nhà thờ có bề ngang 21 m và dọc 41 m. Vì diện tích chung hẹp nên phải tận dụng độ cao để thiết kế 2 tầng, tầng trệt và khu hành lễ. Tầng trệt dùng cho các sinh hoạt trong giáo xứ như dạy giáo lý, tập văn nghệ, sinh hoạt thiếu nhi… Việc nâng sàn cho khu hành lễ làm cho không gian nơi này thêm trang nghiêm, trang trọng.

Các vòm cửa ra vào nhà thờ được lấy cảm hứng từ phong cách thiết kế Gothic với hình chóp nhọn hướng lên trời. Các khung cửa sổ được thiết kế hình vòm theo kiến trúc Roman.

Năm 1890, nhà thờ Vị Hưng được xây dựng với nhà thờ bằng lá tại rạch Mùa Ôm, cách nhà thờ hiện nay khoảng 2 km, có 15 gia đình theo đạo lúc đó. Từ năm 1897 đến năm 1915, nhà thờ được dời về kênh xáng Xà No, được cất lại nhiều lần bằng lá, ngói và cột cây.


Năm 2007, nhà thờ cũ được tháo dỡ để xây mới. Hầu hết thợ xây nhà thờ đều là giáo dân trong họ đạo, dưới sự hướng dẫn, giám sát về kỹ thuật, thiết kế của thầy Micae Trần Độ. Mọi vật liệu, gạch ngói đều mua từ Đồng Nai chở về kênh Xáng Xà No.

Kiến trúc phương Tây được thể hiện đặc trưng qua các cửa kính Tracery, gồm nhiều ô màu khác nhau ghép lại, lấy ánh sáng tự nhiên bên ngoài làm nổi bật hình ảnh trên ô cửa.

Đến nay, sau 130 năm nhà thờ vẫn còn giữ nhiều công trình, hiện vật từ những ngôi nhà thờ cũ trước kia. Trong đó có tượng thánh gia được xây từ năm 1956 và núi Đức Mẹ Lộ Đức được xây từ năm 1974.

Huỳnh Nhi

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên - người đội vương miện cho nhan sắc Đà Lạt
Với “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ hoa đào”…, nhạc sĩ Hoàng Nguyên được coi là người đội vương miện cho nhan sắc Đà Lạt. Đây là những ca khúc ra đời trong thời gian nhạc sĩ gắn bó với thành phố mù sương ở tuổi hoa niên tươi đẹp, lãng mạn…

Mối tình âm nhạc với thành phố mù sương

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên tên khai sinh là Cao Cự Phúc, sinh năm 1930 tại xã Diễn Bình (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Sau một thời gian học hành ở Huế, ông lên Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) dạy học ở trường Bồ Đề từ năm 1954. Tại thành phố sương mù, bằng vốn kiến thức được trau dồi những ngày đi theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương ở Liên khu 4, anh giáo viên Cao Cự Phúc bắt đầu viết nhạc với bút danh Hoàng Nguyên.

Ca khúc đầu tiên nhạc sĩ Hoàng Nguyên viết về Đà Lạt là nhạc phẩm “Bài thơ hoa đào”. Có lẽ bởi tới từ vùng đất khô nóng, lần đầu tiên chạm mặt vào hơi sương lạnh, ngắm nhìn màu hoa đào mơ màng, rực rỡ, Hoàng Nguyên đã bật ra xúc cảm để viết những ca từ ca ngợi loài hoa đặc trưng nhất của thành phố mù sương: “Ngày nào dừng chân phiêu lãng/ Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi”.

Nhưng dù cảm hứng được nảy sinh từ hoa hay sương, nó vẫn không khỏi gắn với tuổi xuân, với tình yêu, với những dáng thiếu nữ áo dài xinh đẹp của phố núi: “Màu hoa in dáng trời/ Tình hoa lưu luyến người”.

Sau một vài năm sống và dạy học ở Đà Lạt, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã tích đủ tình yêu, sự gắn bó và cảm hứng để viết lên một trong những ca khúc tuyệt vời nhất, ca khúc mà dường như ai cũng biết về Đà Lạt. Đó là “Ai lên xứ hoa đào”.

Chắc hẳn rằng, trái tim đôi mươi dâng tràn nhựa sống, tình yêu của chàng trai trẻ mang tâm hồn nhạc sĩ đã vang lên những lời thúc giục, đòi hỏi thốt lên những lời tình nồng nàn. Ngay từ những lời đầu tiên, những nốt nhạc đầu tiên được cất lên, một Đà Lạt mơ huyền, lãng mạn, một Đà Lạt mang đậm “chất Đà Lạt” đã hiện ra trong lòng người nghe: “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi/ Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều xuân mây êm trôi/ Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ”.

Tờ nhạc “Ai lên xứ hoa đào” lần đầu phát hành

Ca từ tuyệt đẹp, giai điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào đã mang lại cho “Ai lên xứ hoa đào” một vị trí đặc biệt trong lòng người Đà Lạt, người yêu Đà Lạt và làng âm nhạc Việt. Và dù bài hát đã ra đời quá nửa thế kỷ, nhưng mỗi khi nhắc tới Đà Lạt, không ai có thể không nhớ tới ca khúc tuyệt vời này.

Không chỉ có “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ hoa đào” viết cho Đà Lạt, Hoàng Nguyên còn “Hoa đào ngày xưa”, “Đà Lạt mưa bay” dành cho phố núi. Đặc biệt, “Đà Lạt mưa bay” vẫn mang dáng dấp một Hoàng Nguyên tài hoa, đa tình với những dáng hình thiếu nữ dịu dàng: “Sương mù chiều vương trên làn tóc rối/ Chiếc gối chung đầu mình kể chuyện đêm đêm/ Chừ em đi rồi mình tôi còn ở lại/ Đà Lạt buồn mưa mãi mãi không thôi/ Sương ngủ trên đồi sương vây thành phố/ Nhớ cánh hoa đào nào vương trên áo tôi”.

Đà Lạt trong ca khúc Hoàng Nguyên quen mà lạ. Quen bởi những gì ông nhắc tới đều là những điều đặc trưng nhất của phố núi: là sương, là hoa, là thông, là tà áo dài thấp thoáng trong sương. Lạ bởi những hình ảnh thân quen ấy được nhìn qua lăng kính một tâm hồn lãng mạn, một “người phiêu lãng” như ông tự nhận về mình.

Ca từ lãng mạn, âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Nguyên cũng không khác, nhẹ nhàng, ngọt ngào, tha thiết như một lời tự sự. Giữa tuổi hoa niên cháy bỏng, ông đã trao hết tài năng thiên phú vào những ca khúc dâng tặng thành phố mù sương, nơi ông neo bước trên đường lữ hành xa tít.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (1940 - 2016, người em và là học trò thân thiết được nhạc sĩ Hoàng Nguyên dìu dắt trong thời gian dạy học ở trường Bồ Đề) từng chia sẻ: “Thầy Hoàng Nguyên sống rất lặng lẽ, hàng ngày chỉ đến trường học rồi về nhà cặm cụi bên cây đàn. Khi tôi theo học nhạc thì thầy cư ngụ ở khu vực Nhà thờ Con Gà. Thầy hiền lành và chan hoà với mọi người. Thầy chơi được rất nhiều nhạc cụ khác nhau. Dù mục đích tôi chỉ học chơi nhạc cụ, nhưng thầy đã gợi ý cho tôi đi theo con đường sáng tác ca khúc. Những bài hát đầu tay của tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều phong cách của thầy”.

Sống ở Đà Lạt được vài năm, nhạc sĩ Hoàng Nguyên rời phố núi bởi những biến cố bất ngờ. Theo lời nhạc sĩ Nguyễn Ánh, nhạc sĩ Hoàng Nguyên ít có dịp quay lại Đà Lạt. Nhưng tình yêu trong ông dành cho thành phố mù sương, nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp nhất thuở hoa niên thì không bao giờ phai nhạt. Vẫn thoảng đâu đó trong những ca khúc ông viết trong hoàn cảnh khác, tâm trạng khác, nhưng có chút mơ màng của phố núi.

Cung đàn tài hoa bạc mệnh

Năm 1956, trong một đợt truy lùng của chính quyền Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Nguyên bị nghi vấn tham gia kháng chiến nên bị khám xét nhà. Mật vụ đã tìm thấy trong hộc tủ có bản nhạc “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao nên anh giáo viên Cao Cự Phúc lập tức phải chịu án lưu đày ra Côn Đảo.

Dù là thân phận người tù, nhưng tài hoa của nhạc sĩ Hoàng Nguyên rất được mến mộ. Chỉ huy ngục Côn Đảo đã mời ông về tư dinh để dạy nhạc và dạy văn cho con gái cưng 19 tuổi. Không ngờ, lửa tình giữa chàng nhạc sĩ và cô học trò bùng cháy mãnh liệt. Cuộc tình ấy đã cho kết quả là cô học trò mang thai.

Chỉ huy ngục Côn Đảo lập tức tìm cách giải quyết hậu quả. Trước hết, vận động thả nhạc sĩ Hoàng Nguyên về Sài Gòn, rồi lo liệu đám cưới. Thế nhưng, Hoàng Nguyên đợi mãi vẫn không thấy người yêu xuất hiện. Thì ra, chỉ huy ngục Côn Đảo vẫn hoài nghi lý lịch của ông nên không dám chấp nhận ông làm rể. Do đó, chỉ huy ngục Côn Đảo đã đưa con gái mình về quê Huế sinh nở và sắp xếp một cuộc hôn nhân khác.

Bẽ bàng cho cuộc tình tan thành mây khói, nhạc sĩ Hoàng Nguyên viết ca khúc “Cho người tình lỡ” rất lâm ly: “Khóc mà chi, yêu thương qua rồi/ Than mà chi, có ngăn được xót xa/ Tiếc mà chi, những phút bên người/ Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua/ Anh giờ đây như là chim/ Rã rời cánh biết bay phương trời nào/ Em giờ đây như cành hoa/ Trót tả tơi đón đưa ngọn gió nào”.

Năm 1961, nhạc sĩ Hoàng Nguyên vào học Khoa Anh văn ở Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và tiếp tục đi dạy học. Trong thời gian học tại đây, do sớm nổi tiếng, nhạc sĩ Hoàng Nguyên kết thân với nhiều nhân vật thành đạt trong xã hội Sài Gòn lúc ấy. Một trong những người có quan hệ gắn bó với ông là nữ diễn viên Huỳnh Khanh. Nữ diễn viên đã đưa ông đến gặp chồng mình là Tỉnh trưởng Phan Thiết Phạm Ngọc Thìn.

Cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên

Ông Thìn sau đó nhờ nhạc sĩ Hoàng Nguyên làm gia sư cho con gái Phạm Thị Ngọc Thuần. Kết quả, nữ sinh Phạm Thị Ngọc Thuần không đậu đại học mà trở thành vợ của nhạc sĩ Hoàng Nguyên và sinh cho ông 3 người con.

Ngày 21/8/1973, nhạc sĩ Hoàng Nguyên bị tai nạn giao thông qua đời tại Vũng Tàu. Xung quanh cái chết bất ngờ ở tuổi 43 của ông có nhiều đồn đoán khác nhau. Và đến nay, cái chết đầy bí ẩn này vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

“Nhạc sĩ Hoàng Nguyên vĩnh viễn ra đi đã gần nửa thế kỷ, gửi lại cho đời không ít những tác phẩm đáng trân trọng bởi nét nhạc tài hoa và ca từ thấm đậm”, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng chia sẻ.

Có lẽ, trong lòng những người yêu nhạc sẽ mãi mãi vang vọng những giai điệu kỷ niệm của một thời. Và, khi dâng lên câu hát: “Ai lên xứ hoa đào…”, người Đà Lạt không quên nhạc sĩ Hoàng Nguyên, cũng như hàng triệu trái tim yêu âm nhạc không quên ông - người nhạc sĩ đã dành cho Đà Lạt những ca khúc tuyệt vời.

Đình Phùng (biên soạn)




Có bồ vì 'nó' cứ rủ

Có bồ vì 'nó' cứ rủ
Chồng suốt này tụ tập ăn nhậu cùng bè bạn, vơ cằn nhằn.

- Sao ngày nào anh cũng la cà nhậu nhẹt thế? Chẳng nghĩ gì đến vợ ở nhà.

Chồng tặc lưỡi bảo:

- Bây giờ người ta cứ rủ biết làm sao được chứ.

Một thời gian sau, chồng phát hiện vợ có bồ. Chồng nổi cơn thịnh nộ chất vấn:

- Sao cô lại đi cặp bồ với nó?

Cô vợ nhún vai đáp:

- Thì tại nó cứ tán tỉnh, biết phải làm sao được.

- !?!


Nỗi niềm của vợ trẻ đại gia

Một cô gái trẻ đẹp gả cho một cụ ông gần đất xa trời.

Lấy nhau được 7 năm thì ông chồng mất. Theo giấy mời, cô vợ đến tòa án để nghe đọc bản thừa kế tài sản theo di chúc của chồng. Cô chờ hơn một tiếng đồng hồ mới được gọi vào làm việc. Vị cán bộ tòa án ôn tồn nói:

- Xin lỗi, cô chờ lâu lắm rồi phải không?

Cô vợ háo hức nói:

- Vâng! Tôi đã chờ ngày này suốt 7 năm nay rồi!


Phản ứng hoang đường của vợ khi thấy vết son trên áo chồng

Cuối tuần, Tý đang ngồi xem ti vi thì thấy vợ cầm áo lao đến.

- Cổ áo của anh có vết son này!

Tý xanh mét mặt, lắp bắp nói:

- Vợ... đợi chút... nghe anh giải thích một chút!

- Không cần! - vợ Tý nôn nóng ngắt lời - Anh hỏi giúp em xem cô ta dùng son hiệu gì, màu gì là được rồi!

- !?!

TIẾU TIẾU (Sưu tầm)

Bảng lảng chớm thu

Hạ đi qua một cách bận rộn, lại không rõ ràng bởi bao nhiêu thứ đã bị xáo trộn. Dăm cánh phượng còn sót lại như muốn nói lời chia tay vội vàng cho thu sang với chút chơi vơi, chùng lắng từ cõi lòng: “Lặng nhìn mùa hạ qua mau, không gian quạnh vắng lá sầu nhẹ rơi…”.

Sáng nay chớm thu đã bảng lảng trong sắc áo vàng phai thiếu nữ trôi nhẹ trên phố xa, nơi con đường có hàng cây xanh thân quen. Mình nhận ra chớm thu trong ngọn gió nhẹ hơi lạnh cùng xam xám bầu trời. Những bó hoa cúc vàng mời gọi khách hàng trong phiên chợ sớm mai, cùng với đó là hoa thạch thảo nhỏ nhắn, mang chút dư vị buồn man mác và đậm sắc hương cổ xưa. Có cả hoa hoàng anh vàng ươm chất đầy từng dãy theo con đường nhỏ trên phố chợ, người qua…

Hít một hơi thật sâu, thong dong cuối tuần trên chiếc xe máy cũ thân quen theo con đường mới từ ngoại vi Phan Thiết về Hàm Tiến - Mũi Né ta thấy cuộc đời thật thanh thản, nhẹ nhàng theo những hạt mưa tháng 8 lất phất bay. Lướt qua và ngoảnh lại những mảng xanh của biển, của thảm cỏ các resort, hàng dương rì rào, đồi cát vàng nhấp nhô… ôi, tuyệt đẹp làm sao. Ấy thế mà lại trào dâng chút buồn ái ngại khi du khách từng mê đắm nơi này đã có chút ngại ngần khi biết rằng “cô vy” lần nữa ghé qua đâu đây nơi dải đất miền Trung thân thương ấy, một sự dè chừng ảnh hưởng bởi sự chuyển dịch, đông người. Thế là thưa vắng hơn những bước chân, tiếng cười của khách phương xa. Dù cho ngoài kia, biển vẫn xanh một màu quyến rũ.

Lòng bỗng se sắt làm sao khi nhớ lại ánh mắt của người phụ nữ bế bé trai 1 tuổi mò mẫm gần 2 giờ đồng hồ tại khu vực vùng núi giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc để trở về quê hương. Người mẹ này kể với các chiến sĩ biên phòng rằng phải bỏ tiền cho môi giới để dẫn đến nơi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam do bên Trung Quốc làm ăn khó khăn. Nhìn cảnh người lính biên phòng lo từng bát cháo cho cháu bé vì sợ cháu đói trong đêm mà thấy thương và cảm phục cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Xin Cái - Mốc 450, Bộ đội Biên phòng Hà Giang biết nhường nào…

Cơn mưa bay dứt hạt đã lâu, cho ta thấy một khoảng xanh dịu của bầu trời cao. Chút bảng lảng chớm thu đã biết cách vẽ nên chân dung của riêng mùa về, để mọi người có thể nhận ra và nhớ. Riêng mình còn nhớ hơn những tấm lòng, những con người thơm thảo, bao dung một nét đẹp bình dị giữa đời thường.

LÊ QUANG

Nguon: baobinhthuan.com.vn

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Thất Tịch

Ngày Thất Tịch là ngày 7 tháng 7 Âm lịch, gắn liền với sự tích Ngưu Lang Chức Nữ. Ngày nay, lễ Thất Tịch đã có mặt ở nhiều nước Á Đông và được coi là ngày lễ tình nhân của phương Đông.

Sự tích Ngưu Lang Chức Nữ

Tương truyền rằng, Ngưu Lang là một anh chàng chăn trâu nghèo nhưng rất chăm chỉ và thiện lương nên dành được tình cảm của Chức Nữ, con gái út của Vương Mẫu Nương Nương, chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời.

Ngưu Lang và Chức Nữ đã kết duyên vợ chồng. Cả hai đã có những năm tháng hạnh phúc bên nhau dưới trần gian và có được 2 người con, một trai một gái.

Một ngày kia, Chức Nữ buộc phải quay về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế để lại Ngưu Lang và 2 con ở dưới trần gian. Chàng Ngưu Lang nhớ thương vợ nên đã mang theo hai con đuổi theo nàng. Nhưng tới sông Ngân Hà, ranh giới phân chia giữa hai cõi phàm tục thì không thể đi tiếp. Tuy nhiên, Ngưu Lang nhất định không chịu từ bỏ và quyết định ở đó đợi chờ Chức Nữ quay về. Chính vì vậy, từ đó xuất hiện thêm một vì sao bên cạnh sông Ngân Hà, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang.

Cảm động trước tấm chân tình của hai người, Vương Mẫu đã cho phép Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày Thất Tịch (7 tháng 7 âm lịch) trên chiếc cầu Ô Thước do đàn quạ trời tạo nên.

Ý nghĩa của lễ Thất Tịch trong văn hóa phương Đông

Với nguồn gốc câu chuyện về tình yêu cảm động như vậy, nên ngày mồng 7 tháng 7 Âm lịch dần trở thành ngày lễ tình nhân của phương Đông.

Ngày lễ Thất Tịch tại Nhật Bản được gọi là lễ Tanabata. Vào ngày này, người Nhật sẽ viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu mong may mắn, vụ mùa bội thu và sự thịnh vượng. Các bạn trẻ cũng tới các đền thờ trong ngày lễ Tanabata để cầu nguyện, mong tìm được ý trung nhân.

Tại Nhật Bản, nhiều hoạt động lễ hội được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 âm lịch.

Tại Hàn Quốc, lễ Thất Tịch còn được gọi là lễ Chilseok, được biết đến như là lễ hội để thưởng thức đồ ăn làm từ lúa mì. Ngoài ra, vào ngày này, người Hàn Quốc sẽ tắm với mong muốn đem lại một sức khỏe tốt.

Ngày Thất Tịch ở Việt Nam

Ngày lễ Thất Tịch, mồng 7 tháng 7 Âm lịch tại Việt Nam còn được gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu” bởi vào ngày này, trời thường mưa rả rích trong suốt một ngày. Tương truyền đó chính là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi gặp nhau.

Trong văn hóa Việt, ngày lễ Thất Tịch có lẽ bắt đầu vào đời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Theo ghi chép của lịch sử, khi vua ở độ tuổi 42 nhưng vẫn chưa có con để truyền ngôi vị, nên đã vào một ngôi chùa để cầu tự vào ngày 7/7 và nhờ đó sinh ra Thái tử Càn Đức. Vì vậy, vào ngày 7/7 Âm lịch hàng năm, một lễ hội đã được tổ chức ở chùa Hà và trở thành lễ hội cầu tình duyên, gia đình hạnh phúc, con đàn cháu đống.

Người ta tin rằng, trong ngày Thất Tịch nếu hai người yêu nhau cùng ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ thì sẽ mãi mãi bên nhau.

Trong những năm gần đây, giới trẻ Việt còn truyền nhau rằng, ăn chè đậu đỏ vào ngày Âm lịch sẽ giúp cầu nhân duyên, những cặp đôi sẽ càng thêm bền lâu còn người đang lẻ bóng sẽ sớm gặp được ý trung nhân.

Phương Phùng