Được coi là cặp hát đôi gây ấn tượng nhất trong làng nhạc Việt trước 1975, trước khi chia tay Lê Uyên- Phương đã để lại cho khán giả yêu nhạc nhiều tinh khúc tuyệt vời cũng như những tiết mục trình diễn nồng nàn, đầy lãng mạn. Hình ảnh của cặp ca sĩ - nhạc sỹ cùng những các ca khúc của họ đã làm lên vẻ đẹp một thời của nhạc Việt.
Lê Uyên Phương sinh ngày 2/7/1941 tại Đà Lạt. Tên khai sinh của ông là Lê Văn Lộc. Trước đó cha mẹ ông đặt là Lê Minh Lập, nhưng do sự nhầm lẫn của nhân viên hộ tịch mà trở thành Lê Minh Lộc.
Nhạc sĩ bắt đầu sáng tác năm 1960 với ca khúc đầu tiên Buồn đến bao giờ được viết tại Pleiku, khi ông dạy học tại đó và ký tên là Lê Uyên Phương. Bút danh này được ông lấy chữ lót tên mẹ, ghép với tên người tình đầu tiên là Uyên mà thành.
Còn nữ sinh Lâm Phúc Anh tình cờ lên Đà Lạt gặp Lê Uyên Phương rồi nên duyên và trở thành ca sỹ Lê Uyên. Hai người kết hôn vào năm 1968 và hầu hết các ca khúc trong giai đoạn này của Lê Uyên Phương từ đây về sau đều ghi tặng vợ. Năm 1970, lần đầu tiên 2 vợ chồng về Sài Gòn trình diễn, Lê Uyên - Phương được nhạc sỹ giới thiệu là Lê Uyên và Phương. Và xưng danh cặp đôi ca sỹ - nhạc sỹ Lê Uyên- Phương cũng được khán giả biết tới từ đây.
Lê Uyên- Phương
Theo đánh giá của giới chuyên môn, Lê Uyên- Phương đã đem đến một luồng gió mới cho Tân nhạc Việt Nam với những ca khúc nồng nàn, khắc khoải và đôi khi bàng bạc, triết lý như Bài ca hạnh ngộ, Dạ khúc cho tình nhân, Lời gọi chân mây, Vũng lầy của chúng ta... và được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Hình ảnh chàng ngồi đàn, nàng xoã tóc cất tiếng ca của Lê Uyên- Phương đã trở thành biểu tượng của một thời mà sau này nhiều cặp ca- nhạc sỹ cũng học theo.
Hình ảnh đẹp của cặp đôi đã trở thành biểu tượng của một thời
Nam danh ca Thái Châu cho biết những tác phẩm của Lê Uyên Phương mang tính đặc thù riêng với ca từ đẹp và những đoạn melody thử thách ca sĩ. Hầu hết các sáng tác của Lê Uyên Phương là viết về cuộc tình của chính ông với người vợ của ông, về những trăn trở và lo lắng cho cuộc sống hai người.
“Bất cứ bài hát nào anh Lê Uyên Phương cũng cho vào những nốt đặc thù như thăng, nốt giáng, ca sĩ thể hiện đến đoạn đó phải cố gắng hát đúng nốt, giữ cảm xúc của nhạc sĩ, lẫn tinh thần bài hát xuyên suốt. Đây là thử thách đặt ra cho bất cứ ai thể hiện dòng nhạc của Lê Uyên Phương. Ngoài ra, các bài hát hầu như đều về chuyện tình Lê Uyên và Phương” - Thái Châu cho biết.
Ngoài ra Thái Châu thú nhận anh tuy nghe nhiều ca khúc của Lê Uyên Phương nhưng chưa bao giờ dám “chạm” đến nhạc của ông vì sợ không làm hài lòng nhạc sĩ và không chuyển tải đúng bài hát với khán giả về dòng nhạc Lê Uyên Phương.
Trong Người kể chuyện tình, ca sỹ trẻ Châu Ngọc Hiếu hóa thân thành Lê Uyên Phương, thời điểm người nhạc sĩ đang dạy môn Triết tại Đà Lạt và được cô nữ sinh Lâm Phúc Anh (ca sĩ Lê Uyên sau này) thầm thương trộm nhớ. Dù cách nhau 11 tuổi nhưng họ trở thành người trong mộng và chia sẻ nhiều niềm vui nỗi buồn trong Tình khúc cho em. Còn ca sĩ Bảo Đăng sẽ hóa thân thành người nhạc sĩ đang say đắm trong tình yêu trình diễn sáng tác nổi tiếng Buồn đến bao giờ, đây là bài hát đầu tay của Lê Uyên Phương viết giữa sương khói cao nguyên Pleiku, khi ông tiếc nhớ về cuộc tình đầu.
Với mối tình của cô nữ sinh Lâm Phúc Anh, khi đó nhạc sỹ đã bị phát hiện ung thư xương nên gia đình Phúc Anh không chấp nhận. Chuyện tình của họ đã gia đình bị cấm đoán. Phúc Anh đau đớn tột cùng để chứng minh tình yêu đích thực, cô từng dùng tới thuốc ngủ để được “chết” vì yêu và nhạc sỹ đã cảm tác để viết lên Dạ khúc cho tình nhân... Mối tình sâu đậm vượt mọi thử thách đó sẽ được nữ ca sỹ Nguyễn Kiều Oanh tái hiện khi hóa thân cô nữ sinh Lâm Phúc Anh.
Nguon: https://www.tienphong.vn/