Ở các vùng quê, bờ rào ngăn cách nhà nọ với nhà kia vốn tồn tại bao đời nay. Bờ rào giản dị thôi nhưng đã đi vào thơ ca: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn”. Bờ rào không chỉ xuất hiện ở các vùng quê, nếu ai đã từng sống ở Hà Nội những thập niên trước đây, hẳn vẫn còn nhớ những hàng rau bờ rào.
Còn nhớ, ở khu tập thể cũ nhà tôi, các nhà được phân định “ranh giới” bởi những bờ rào xanh mướt. Ban đầu, các bờ rào được trồng bằng cây cúc tần, cây duối, có nhà còn cho hoa bìm bìm tím nhạt leo lên trông đến là lãng mạn. Lũ trẻ con chúng tôi thường tìm trên bờ rào những quả duối chín vàng mọng ăn với nhau. Những bông hoa bìm bìm tím nhạt được chúng tôi kết dây hoa đội đầu chơi trò công chúa, hoàng tử.
Thế nhưng, thời bao cấp cái gì cũng thiếu, kể cả rau. Và, thế là hàng rào ngăn giữa các nhà được các bà các mẹ thay thế bằng các loại rau. Cụm từ “rau bờ rào” ra đời trong ngôn ngữ của lũ trẻ phố chúng tôi như vậy đấy.
Bờ rào nhà tôi ngăn với nhà hàng xóm là rặng rau ngót. Mẹ tôi đi chợ Mơ, mua nắm rau giống về “giâm” dọc bờ rào. Chẳng mấy chốc, rau lớn nhanh như thổi, cao ngang hông người lớn. Những thân cây rau ngót được mẹ tỉa gọn gàng. Sau khi hàng rau ngót đã lên xanh tốt, mẹ tôi trồng thêm rau mồng tơi cho leo lên bờ rào. Những ngọn mồng tơi mềm mại, xanh nõn, quấn quýt thân rau ngót cứng cỏi thật hợp.
Sáng sớm và chiều muộn, lũ trẻ chúng tôi thường được các mẹ phân công tưới nước gạo cho hàng rau bờ rào. Dù nắng hạ chói chang gay gắt nhưng những hàng rau bờ rào của các bà các mẹ xóm tôi vẫn lên xanh mướt. Nếu hôm nào nhà hàng xóm đi vắng, nhà nọ lại tưới cây cho nhà kia mà chẳng nề hà gì.
Không chỉ trồng rau, mẹ tôi còn trồng cả mướp và hoa thiên lý trên chiếc giàn tre nhỏ trước sân. Mẹ mát tay nên cây mướp hương trổ quả sai trĩu trịt, vừa ăn vừa cho hàng xóm mà không xuể. Hoa thiên lý như những vì sao nhỏ màu xanh ngọc cũng đua nhau khoe sắc đưa hương trên giàn. Khoảng sân nhà tôi mát dịu và thường là nơi cả xóm hay tập trung quây quần cùng uống nước trà xanh, chuyện trò vui vẻ.
Hồi đó, mỗi buổi chiều, các mẹ lại gọi chúng tôi: “Ra hái ít rau bờ rào về nấu canh đi con ơi”. Thế là chúng tôi cắp rổ ra đứng ở hàng rào, vừa hái rau, vừa tán chuyện đến là vui. Rau bờ rào thường lộn xộn nhiều thứ, mỗi nhà vài loại trộn lẫn vào nhau. Nhà này chia cho nhà kia nắm rau mình trồng, thế là có rổ rau thật đa dạng. Nào là rau dền, rau đay, mồng tơi, ngọn hoa thiên lý, đọt ớt, quả mướp hương... thứ nào cũng tươi nõn.
Mẹ tôi thường nấu rau bờ rào với cua đồng hoặc tép giã nhỏ. Mẹ nấu tài lắm, rau vừa chín tới vẫn xanh nguyên mà không “nồng”. Cái ngọt của cua, tép quyện với hương của rau tươi mới hái có một phong vị đặc sắc riêng. Mùa hè oi nóng, chan bát canh rau ăn kèm quả cà pháo thật là đưa cơm lắm.
Năm tháng trôi, Hà Nội giờ không còn những hàng rau bờ rào như xưa nữa. Nhưng, mỗi khi hạ về, lòng tôi không khỏi bồi hồi nhớ tới những người hàng xóm cũ và bát canh rau bờ rào của mẹ nấu năm xưa.
Vy Anh