Từ ngày trong
hồ sơ bệnh án ghi “mãn tính”, cũng có nghĩa là từ nay phải sống chung với bệnh
đau, giống như người miền Tây sống chung với lũ lụt, người Phi Luật Tân sống
chung với bão tố, như Bác sỹ thường động viên “Anh cứ xem việc uống thuốc hàng
ngày như ăn cơm, đi Sài Gòn theo định kỳ như đi công tác…”. Thế là mỗi tháng một lần, bỏ qua một bên mọi
ưu tư tính toán trong cuộc sống, thoải mái nhìn những đổi thay 2 bên đường qua
ô cửa chiếc xe gường nằm để vào “Chợ Rẫy”… tái khám.
Lần nào cũng
thế, lấy số thứ tự, chờ đến lượt để được Bác Sỹ hỏi dăm ba câu rồi kê đơn, nhận
thuốc, lên Taxi đến bãi đậu xe để về. Năm giờ rưỡi chiều xe mới lăn bánh, vậy
là có khoảng một tiếng ngồi ghế đá công viên 23/9 nhìn dòng xe cộ ồn ào nối
đuôi nhau qua lại. Trong công viên, từng tốp từng tốp, người thì đi bộ thể dục,
người thì đá cầu, trẻ em thì chạy xe đạp, trượt patin; tiếng chuyện trò, cười
nói hòa với những hoạt động thể dục thể thao làm công viên nhộn nhịp, sinh động
hẳn lên. Đây là khu vực có nhiều người nước ngoài nghĩ trọ khi đến Sai Gon. Buổi
chiều, họ cũng dạo chơi trong công viên, người thì cao lều khều như đi cà kheo,
người thì lùn tịt như người Nhật Bản ngày xưa; người thì trắng bum như Bạch Tuyết
và bảy chú lùn, người thì đen thủi đen thui như hình ông Bảy Chà trên cây kem
đánh răng Hynos; người thì váy đầm lùng thà lùng thùng như đi dạ hội, người thì
quần áo cụt ngụn không còn chỗ để ngắn hơn. Mỗi người một vẻ, mỗi người một
dáng, mỗi người người một màu sắc làm công viên trở nên phong phú, đa dạng.
Có một tốp người
nước ngoài vừa đàn ông vừa đàn bà đi tới, một người dừng lại cúi xuống nhặt cái
vỏ đựng bánh không biết ai vô tình hay cố ý đánh rơi, bỏ vào thùng rác rồi lại
tiếp tục đi. Hình ảnh này cũng không có gì mới bởi tôi cũng thường xem trên mạng
hoặc trên tivi, hình như đây là nét đẹp đã trở thành thói quen tất nhiên của
người nước ngoài, hễ thấy rác là nhặt, là bỏ vào thùng rác, không cần biết của
ai, vô tình, cố ý hay vô văn hóa vất ngoài đường. Lại một tốp học sinh khoảng bảy,
tám tuổi bước vào công viên, vừa đi vừa nhặt bất cứ thứ gì người ta xả, gom lại
bỏ vào thùng rác, chúng giành nhau như hễ nhặt được nhiều rác là đạt được nhiều
thành tích. Đây mới là nét văn hóa đẹp mà tôi mong muốn được nhìn thấy. Một em
học sinh đến bên tôi, chỉ vào cái khăn giấy tôi vừa lau để bên cạnh “cho con lấy bỏ vào thùng rác?”. Tôi trả
lời “để lát nữa chú bỏ vào thùng rác cũng
được”. Chú bé nhanh nhảu “để con làm
giúp chú”. Tôi có cảm giác chiều nay công viên 23/9 đẹp hơn, mát hơn, vui
hơn như lòng tôi đang vui vì những nét văn hóa đẹp mà tôi vừa chứng kiến.
Có lần đi xe
bus, vừa bước lên xe, cô bán vé nói nhỏ với chú bé khoảng 10 tuổi “đứng lên nhường ghế cho chú”, tôi rất
ái ngại khi phải để người khác mất ghế vì mình nhưng cũng rất vui khi thấy có sự
chuyển biến mới trong cách cư xử trên các phương tiện công cộng. Tuần trước lại
có việc đi xe bus, không cần ai nhắc nhở, cậu thiếu niên khoảng 14, 15 đứng lên
“mời chú ngồi ghế”. Tôi trả lời “cháu cứ ngồi đi”, cậu thiếu niên dứt
khoát nhường ghế cho tôi. Thật tình mà nói, với cái tuổi 60 chân mỏi, gối mềm
có được cái ghế trên xe bus để ngồi thật là sung sướng và hạnh phúc, chẳng qua
lịch sự nói với cậu thiếu niên thế thôi nhưng trong lòng rất vui. Chiếc xe dừng,
một phụ nữ luống tuổi bước xuống với 2 tay hai giỏ nặng trịch, cậu thiếu niên
nhanh nhẹn tới giúp, người phụ nữ mĩm cười “cám
ơn cháu!”. Trời! những cử chỉ, những hành động, những lời nói vô cùng đẹp,
có thể nói là đã lâu lắm rồi, giờ tôi mới lại được nhìn thấy, làm tôi nhớ đến
ngày xưa thời còn đi học, điều sơ đẳng của môn công dân giáo dục là một trong những
cách ứng xử đẹp như tôi vừa nói ở trên mà học sinh chúng tôi phải được học và
thực hành. Lòng vui thật vui, miên man nghĩ đến những nét văn hóa đẹp được chứng
kiến ở công viên 23/9, ở trên xe bus mà quên đi đã về đến nhà, xe chạy qua một
đoạn xa mới kịp dừng.
Lửng thửng đi
ngược trở lại về nhà trong niềm vui với những hình ảnh đẹp luẩn quẩn trong đầu,
một chiếc xe 7 chỗ đời mới bóng nhoáng chạy qua, từ trong cửa văng ra giữa đường
một túi nylon tung tóe nào là vỏ trái cây, vỏ bao bánh kẹo, vỏ chai nước uống…
Tôi đứng lại thẩn thờ nhìn mà lòng ngồn ngang những điều rối rắm không viết
thành lời, chứng kiến hình ảnh vừa mới xảy ra, chỉ ngẫm ra một điều: ở đời, cái
đẹp, cái xấu; cái được, cái mất; cái hay, cái dỡ; cái vui cái buồn chỉ cách
nhau trong gang tấc mà thôi ./.
PhamDinhNhan