F tháng 4 2020 ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Anh dìu em về

Anh dìu em về


Hồi nhỏ ở quê, nhà không có cái gì để nghe nhạc. Dân quê hồi đó thường nghe nhạc trên đài. Nghe đài trở thành một kiểu coi giờ thay cho đồng hồ. Chẳng hạn năm lớp 3 hay 4 gì đó mình học buổi chiều, nên trưa tranh thủ ăn cơm rồi chạy bộ tới trường, trên đường đi thế nào cũng ghé rủ thằng Lâm. Có hôm đi sớm quá, thằng Lâm còn đang ăn cơm, thấy mình vô sân, nó và vội miếng cơm rồi chạy ra nói, mày đi sớm vậy, giờ này mới có cải lương à, còn lâu mới vô lớp. Mình ngơ ngác hỏi lại, mày nói cải lương gì? Nó nhe răng cười, đưa tay chỉ qua nhà cậu Mười sát vách, bảo, nghe đi nghe đi. Mình lắng tai nghe, thì ra nhà cậu Mười đang mở đài và lúc ấy đang là chương trình cải lương. Và mặc dù không biết khung giờ cải lương phát buổi trưa là từ mấy giờ đến mấy giờ vì nhà mình có đài đâu mà nghe, nhưng lập tức hiểu cách "nói giờ theo đài" của thằng Lâm, nên mình cười cười bước vô nhà xớ rớ chờ nó thay đồ lấy cặp rồi cùng đến trường.

Nói vậy để thấy, cái sự nghe đài cũng không phải nhà nào cũng có. Thằng Lâm "nghe giờ" như vậy là nhờ cái đài của ông cậu bên nhà ngoại chứ không phải nhà nó.

Thế rồi ít lâu sau, cái xóm chài phía dưới nhà mình khá lên. Có 1 nhà mua được cái cassette 1 hộc băng, nói theo kiểu vênh váo của những chủ nhân thời đó là cassette này thuộc loại "2 loa 1 tép". Sau đó có nhà giàu hơn sắm loại 2 loa 2 tép tức có 2 hộc băng, có thể sang băng tức là bật cuộn băng có nhạc rồi ghi sang cuộn băng trắng. Thuở đó chẳng hiểu tép là gì mặc nhiên cho nó là cái hộc băng, sau này mới biết đó là chữ tape, cũng là băng thôi.

Trở lại cái nhà đầu tiên ở xóm dưới có máy cassette, cứ chiều chiều lúc cả nhà vợ chồng con cái ngồi vá lưới là chiếc máy được bật lên. Theo chiều gió đưa, tiếng nhạc vang ra mấy nhà xung quanh đều được nghe ké. Mùa gió nam thì nhà mình nghe tiếng cassette này rõ nhất.

Hồi đó mua băng ở mấy tiệm dưới chợ Phan Rí hoặc trên chợ Hòa Đa, toàn các giọng ca Chế Linh, Duy Khánh, Hương Lan, Hoàng Oanh... Mà chủ máy cũng không có nhiều băng, có khi 1 cuộn nghe đi nghe lại đến nhão đứt mới thôi, lắm lúc đứt vẫn còn dán nối lại nghe tiếp chứ chưa thôi.

Nhờ cái cassette của gia đình đan lưới nọ mà mình nghe được giọng ca Chế Linh, nghe đi nghe lại cái bài anh xin đưa em về về quê hương ta đó, có khi gió tạt chỉ nghe được giai điệu chứ lời hát nghe không rõ, rồi đám trẻ con quanh xóm từ chỗ nghe nhạc lại kéo nhau hò reo chế lời, hôm nay anh đi chùa, chùa hôm nay cúng chuối, hôm nay anh đi chùa, chùa hôm nay cúng chè, thầy chùa nhắm mắt tụng kinh chúng em thi nhau mò chuối... Mãi sau này mới biết đó là bài Rước tình về với quê hương của Hoàng Thi Thơ.

Và như một trùng hợp không rõ vô tình hay hữu ý, cứ mỗi lần trời chuyển mưa đêm, là nhà nọ lại bật bài “anh dìu em về, đường về nhà em qua phiến đá xanh xao”. Mà thường lúc đó mình đã cơm nước xong, ngồi vào bàn định học bài, cầm sách lên hay giở tập ra lại nghe “Anh dìu em về đường về nhà em mưa lất phất mưa bay”... Mình lại dừng tay, ngồi yên lắng tai nghe, gió tạt nên giọng Chế Linh tiếng được tiếng mất, rốt cuộc nghe rõ nhất vẫn là mấy chữ đầu như vậy. Và rồi mình mơ màng hình dung, cái tình huống hai người dìu nhau đi dưới mưa như vậy là thuộc thể loại gì không hiểu nhưng vẫn thấy hay hay...

Rồi mình rời cái làng xưa, xa những nếp nhà dân chài, lâu rồi không còn nghe nhạc từ cái máy 2 loa 1 tép nào cả. Nhưng dọc đường gió bụi, chưa bao giờ mình nghe bản nhạc Anh dìu em về... nào mà thấy hay và xúc động như hồi ở quê.

Hôm rồi lục mấy tờ nhạc, thấy mình kịp lưu giữ 1 tờ mới tinh bài Mùa mưa đi qua, chính là cái bài Anh dìu em về đường, về nhà em qua phiến đá xanh xao ấy. Tác giả bài nhạc này là Du Uyên. Cơ mà Du Uyên là ai mình còn chưa kịp biết. 

Nguyễn Lam Điền

Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra

Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra 

Sau khi phẫu thuật, bác sĩ nói với bệnh nhân:

-Vết mổ tốt, mấy hôm nữa ông sẽ được xuất viện.

- Thưa bác sĩ, có nghĩa là điều tồi tệ nhất đã không xảy ra phải không?

- Chưa nói trước được, ông hãy chờ xem hóa đơn viện phí đã…

- !?!

Thật là trùng hợp

Ở quán rượu, một người đàn ông đang ngồi nhâm nhi tại quầy bar thì một cô gái xinh đẹp bước vào và ngồi bên cạnh.

Ông ta quay sang bắt chuyện:

- Tôi đang ăn mừng cho một ngày đặc biệt.

Người phụ nữ đáp:

- Thật là trùng hợp. Tôi cũng đang ăn mừng. Vậy ông mừng vì dịp gì vậy?

- Tôi nuôi gà cảnh. Trước đây con gà mái của tôi không đẻ, nhưng hôm nay nó nhảy ổ rồi và cho ra một quả trứng rất xinh.

- Thật trùng hợp! Nhiều năm nay vợ chồng tôi không có con, nhưng bác sĩ vừa báo rằng tôi đang mang thai. Thật là mừng! Thế sao con gà của ông đẻ được vậy?

- Ồ, tôi đã đổi con gà trống khác!

- Thật là trùng hợp!...

Điều kinh khủng của bà vợ

Cô vợ bước về nhà với vẻ mặt ỉu xìu. Ông chồng thấy vậy liền cất tiếng hỏi:

- Sao trông em buồn rầu thế?

Vợ kêu lên:

- Thật kinh khủng anh ạ!

Anh chồng lo quá, tưởng vợ có chuyện gì vội hỏi:

- Đã xảy ra chuyện gì với em vậy?

- Khi em đi qua các cửa hàng mua quà sinh nhật cho anh, thì em toàn nhìn thấy những thứ phù hợp với em!

- !?!


Theo Bảo Anh (st) (thoidaiplus.giadinh.net.vn)

7 kỳ quan thế giới cổ đại

Theo thời gian, 6 trong số 7 kỳ quan thế giới cổ đại đã bị phá hủy với những cách thức khác nhau.

Vườn treo Babylon: Đây là công trình do vua Nebuchadrezzar II xây dựng năm 603 TCN ở Iraq để tặng cho người vợ mà ông rất yêu quý giúp bà vơi nỗi nhớ xứ Medes quê nhà. Vườn treo có hệ thống đài phun nước gồm hai bánh xe lớn liên kết với nhau bằng dây xích có gắn thùng gỗ. Khi bánh xe quay, dây xích và thùng nước cũng chuyển động đưa nước ở bể phía dưới lên cao tưới cho cây. Nguyên nhân dẫn tới sự biến mất của kỳ quan này cho đến nay vẫn còn là bí ẩn, kể cả địa điểm tồn tại của nó.

Tượng thần Zeus: Được hoàn thành năm 432 TCN, xây dựng để tôn vinh những kỳ thi Olympic đầu tiên. Cấu trúc nổi bật của bức tượng khắc họa vị thần ngồi trên ngai vàng bằng gỗ nạm ngọc, cao 12 m, rộng 7 m, một tay cầm vương trượng hình chim đại bàng tượng trưng cho quyền lực tối cao, tay kia cầm tượng thần Victory có cánh biểu tượng cho chiến thắng trong các kỳ Thế vận hội, được làm từ ngà voi và kim loại quý giá. Đầu thần Zeus trang điểm vòng hoa ô liu, ngai vàng làm bằng gỗ tuyết tùng và ngà, chân thần đặt lên một ghế lớn. Các nhà sử học cho rằng tượng thần Zeus đã được chuyển đến Istanbul ngày nay nhưng sau đó bị thiêu cháy.


Tượng thần Mặt trời ở Rhodes: Có chiều cao 33 m, được ghi nhận là bức tượng cao nhất thế giới cổ đại. Nó được làm bằng đá, sắt, bề ngoài bằng đồng. Đây là tượng đồng khổng lồ về Helios - vị thần bảo hộ của thành Rhodes. Công trình kỳ vĩ trong số 7 kỳ quan thế giới này có thời gian tồn tại ngắn nhất trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Được hoàn thành vào năm 282 TCN sau 12 năm xây dựng, bức tượng đã bị sụp đổ bởi một trận động đất diễn ra 56 năm sau đó.


Lăng mộ Mausolus: được nữ hoàng Artemisia II xây dựng cho chồng (vua Mausolus của Caria) vào khoảng giữa thế kỷ 4 TCN tại phía Tây Nam lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Công trình gồm phòng chôn cất được trang trí bằng vàng, bên ngoài có những trụ gạch đá cầu kỳ và nhiều tác phẩm điêu khắc. Để xây dựng công trình dài 40 m, cao 45 m này, khoảng 1.200 thợ thủ công phải làm việc trong 17 năm liên tục. Đến thế kỷ XV, hiệp sĩ của cuộc Thập Tự Chinh - Christian Crusaders - đã tháo dỡ một khối đá cẩm thạch ở phần nền để xây dựng lâu đài mới ở khá gần ngôi mộ của vua Mausolus. Ngày nay, lâu đài này vẫn còn tồn tại với những mảnh đá cẩm thạch được tách riêng khỏi ngôi mộ của vua Mausolus.


Đền Artemis: Đền thờ nữ thần săn bắn Artemis còn được gọi là Diana, được xây dựng từ đá cẩm thạch, hoàn thành khoảng năm 550 TCN ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Ngôi đền dài 115 m, rộng 55 m, gồm 120 cột đá, mỗi cột cao 20 m, được cho là cất giữ rất nhiều tác phẩm nghệ thuật tinh tế, trong đó có bức tượng đồng của Amazon. Năm 356 TCN, một người đàn ông tên Herostratus đã đốt cháy ngôi đền với mong muốn trở nên bất tử. Năm 262, người Goths đã đốt ngôi đền lần thứ hai và tới năm 401, ngôi đền bị phá. Phần nền và một số phần khác của ngôi đền thứ hai còn tồn tại đến ngày nay.

Hải đăng Alexandria: Ngọn hải đăng được xây dựng trên hòn đảo nhỏ ở thành phố cảng Alexandria của Ai Cập từ năm 285 đến 247 TCN. Hải đăng gồm 3 tầng, bậc dưới cùng hình vuông, gồm nhiều phòng cho bộ phận canh gác, gia súc và lương thực. Đây là một trong những công trình cao nhất thế giới trong nhiều thế kỷ. Ngọn hải đăng được vận hành bằng cách sử dụng lửa vào ban đêm và gương đồng đã đánh bóng để phản chiếu Mặt Trời trong ngày. Theo các tư liệu, ánh sáng từ ngọn hải đăng có thể được nhìn thấy từ khoảng cách 50 km ngoài biển. Cấu trúc khổng lồ này đã đứng sừng sững bên bờ biển Địa Trung Hải trong hơn 1.500 năm trước khi bị hư hỏng nghiêm trọng bởi trận động đất vào năm 1303 và 1323.

Kim tự tháp Giza: Được xây dựng vào khoảng thế kỷ 26 TCN, đây là lăng mộ của một Pharaon (hoàng đế Ai Cập cổ đại). Toàn bộ công trình được xây dựng từ 230.000 phiến đá, độ nghiêng của các mặt bên Kim tự tháp khoảng 51,5 độ. Bốn mặt của kim tự tháp nhìn về 4 hướng. Đỉnh cao nhất của kim tự tháp lên tới 146 m, diện tích bề mặt khoảng 1.300 m2, chiều cao của mặt nghiêng là 195 m. Kim tự tháp là kỳ quan thế giới cổ đại duy nhất còn tồn tại nguyên vẹn, chứa đựng nhiều bí ẩn đối với các nhà khoa học.

Theo Hà Sơn


Bức ảnh chụp đồi cát Mũi Né

Bức ảnh chụp đồi cát Mũi Né đạt giải cuộc thi ảnh quốc tế

Đó là tác phẩm “Trò chơi đơn giản” của tác giả Trần Tuấn Việt đã đạt giải nhất cuộc thi “Fun 2020” (Niềm vui 2020) do ứng dụng ảnh Agora tổ chức với hình ảnh nhóm trẻ đang chơi với những chiếc lốp xe máy cũ trên đồi cát Mũi Né (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).

Cuộc thi “Fun 2020” được phát động từ ngày 6/3/2020 với từ khóa “Niềm vui có ý nghĩa gì với bạn?” dành cho tất cả các nhiếp ảnh gia cả nghiệp dư và chuyên nghiệp thế giới. Trong 9.118 tác phẩm dự thi, có 50 ảnh ấn tượng nhất được chọn vào chung kết. “Trò chơi đơn giản” đạt giải nhất với tiền thưởng 1.000 USD dựa trên kết quả bình chọn của người dùng trên toàn thế giới.

Theo mô tả của tác giả, hàng ngày có nhiều đứa trẻ đến đồi cát Mũi Né để làm công việc cho thuê ván trượt cát phục vụ du khách. Ngoài làm việc chăm chỉ, trẻ em ở đây còn luôn tìm thấy những niềm vui từ những điều đơn giản nhất, trong đó có trò chơi lăn lốp xe trên cát. Tác giả chia sẻ thêm, sẽ dành toàn bộ tiền thưởng để ủng hộ quỹ chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Được biết, ngoài tác phẩm đạt giải, nhiều tác phẩm về khung cảnh, con người Việt Nam của các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước cũng được chọn vào chung kết.

N.VŨ

Nguon: baobinhthuan.com.vn

Mùa điều chín

Tháng tư trở mình với cái nắng oi nồng xen lẫn những cơn giông đầu mùa bất chợt. Gió mang hơi ngọt quánh dịu từng cơn đượm mùi quả điều chín.
Tuổi thơ trên mảnh đất đỏ bazan của đám trẻ chúng tôi gắn liền với tháng tư khi đến mùa điều. Thuở bé, tôi từng hỏi mẹ: “Sao lại gọi quả điều là đào lộn hột hả mẹ?”. Mẹ bảo vì nó vốn là quả đào nhưng có cái hột mọc ngược phía dưới quả nên người ta gọi tên như vậy. Đó là cái lý lẽ của người lớn, tôi thầm nghĩ vậy. Mỗi lần đứng dưới tán cây nhìn mấy quả điều treo lúc lỉu trong gió, tôi hay tưởng tượng ra một trái tim căng phồng và cái hạt lẽo đẽo chính là sự sống bám trụ vào trái tim quyết không chia lìa.
Ngày ấy, một buổi đi học thì buổi còn lại đám trẻ trong xóm chúng tôi lại hẹn nhau ra vườn điều. Học đòi theo phim Tây Du Ký, chúng tôi cũng tự đặt cho khu vườn cái tên là “hội bàn đào”. Ngày nào cũng thế, đều đặn chúng tôi vào cái lều nhỏ ngay mé vườn đào để nhận rổ, lượm quả cho chủ vườn để được ăn quả và nộp lại hạt. Hồi ấy còn bé, chúng tôi cũng không hiểu người ta lại lấy hạt điều để làm gì. Chỉ biết rằng mỗi lần được vào khu vườn, cả đám thích thú túa ra như bầy ong vỡ tổ tranh nhau nhặt những quả rụng.
Vườn điều được một người tên Sáng quản lý nhưng chú lại không phải chủ vườn. Chú Sáng là bộ đội xuất ngũ. Trong mắt chúng tôi, đó là một người đàn ông có tính cách hơi dị biệt và nghiêm nghị. Cuộc đời rất tréo ngoe với chú bởi tên Sáng nhưng mắt chú lại rất kém. Chú không thể nhìn xa, mỗi lần chúng tôi vào nhận rổ nhặt điều thì chú phải nheo mắt thật lâu để nhận diện từng đứa.
Vườn điều là cả khu vườn cổ tích với chúng tôi. Nó đều thẳng tăm tắp, mát lành và dịu ngọt đến lạ. Từng quả điều chín mọng rơi xuống đất nhưng vẫn nguyên vẹn, có thể nhờ lớp đất bazan mềm mại hoặc nhờ chính tấm đệm lá cây. Quả chín ươm ướp nước đỏ rực, có vị ngọt thanh lại có vị chát nhẹ, chua chua xen lẫn như trái cây đã lên men. Tất cả hòa quyện thành mùi hương rất khó tả. Khi ăn những miếng đầu tiên lúc nào cũng cảm thấy vị ngọt thanh như được uống ly nước chanh giữa trời nắng, nhưng càng ăn lại càng thấy vị chan chát, gắt gắt trong họng. Buổi đầu tiên vì bị hấp dẫn bởi mùi thơm lạ lùng của quả điều, lượm đến đâu chúng tôi ăn lấy ăn để đến đó, tới mức đứa nào đứa nấy rộp phồng cả lưỡi, có đứa hôm sau đi học còn bị mất tiếng. Những lần sau đó chúng tôi nộp lại hạt cho chú Sáng, còn quả thì đem về làm quà cho mấy đứa nhỏ ở nhà.
Quanh quẩn với vườn điều, nhặt rồi rượt đuổi, đùa giỡn cùng nhau mãi cũng chán. Đám trẻ bàn nhau sẽ không nộp hết số hạt điều mà đem giấu một ít để đem ra mé vườn nướng ăn. Thú thật lúc ấy tôi háo hức lắm nhưng lại sợ không dám làm. Tôi và thằng bạn thân không muốn lừa chú Sáng nên cứ nấn ná ở vườn chứ không theo lũ bạn. Đến khi trời đổ mưa, chúng tôi chạy nhanh vào cái lều của chú Sáng trú tạm. Mặt hai đứa buồn thiu vì nghĩ đám kia có lẽ đã nướng xong hạt điều ăn rồi. Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, chú bảo: “Hai đứa đem hạt lại bếp than vùi vào đấy, ăn xong đợi tạnh mưa rồi về”. Lúc ấy chúng tôi như vỡ òa vì sung sướng. Sau khi được vùi vào than, mủ của hạt chảy ra cháy xèo xèo phực lửa, bốc lên mùi hăng hắc, khen khét. Hạt chín, chú Sáng lấy cái búa đập vỡ và chúng tôi cứ thế nhặt nhân mà ăn. Mùi thơm của hạt điều ngon như đậu phộng rang, cái vị béo bùi và ngọt hậu quả thật đáng nhớ. Mùi vị ấy với mùi khói mờ ảo của tuổi thơ cứ xen lẫn, đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ! 
Vườn điều xưa giờ đang được máy múc lên để quy hoạch bến xe mới của phố huyện. Lòng tôi bỗng dậy lên một cảm giác buồn đến lạ. Những quả điều chín đỏ mọng đung đưa trong gió và hương thơm của chúng cứ thoang thoảng, vấn vít lấy nỗi nhớ khiến khóe mắt tôi cay cay.
TRÚC PHÙNG

Ăn đầu cá giúp cải thiện trí thông minh

Sự thật ngã ngửa sau quảng cáo "ăn đầu cá giúp cải thiện trí thông minh" 

Green là người bán cá nổi tiếng là thông minh nhất vùng. Một hôm, có người khách tò mò hỏi anh ta:

- Điều gì khiến cậu thông minh đến thế? 

- Thường thì tôi không tiết lộ bí mật này đâu! - Green thì thầm - Nhưng nể tình ông là khách quen, tôi sẽ nói cho ông biết. Đầu cá, ông ăn càng nhiều thì sẽ càng thông minh. 

Người khách phấn khích hỏi:

- Thế cậu có bán đầu cá không?

- Có chứ! - Green vui vẻ đáp - 4 đô la một cái. 

Người khách mua 3 cái. Một tuần sau, ông ta quay lại cửa hàng phàn nàn:

- Mấy cái đầu cá đó mùi vị chẳng ra gì, mà tôi ăn xong cũng chả thấy thông minh lên tí nào!

Green điềm tĩnh đáp:

- Đó là do ông ăn chưa đủ số lượng thôi. Phải ăn thật nhiều vào mới khôn lên được. 

Người khách tiếp tục mua thêm 20 cái đầu cá. Một tuần sau đó, ông ấy quay lại và la ầm lên:

- Cậu nghĩ sao mà bán cho tôi một cái đầu cá giá 4 đô la. Trong khi đó, với 2 đô la tôi có thể mua được cả con cá to. Cậu đang lừa tôi đấy à? 

Green nghe thế liền cười phá lên:

- Đấy, ông bắt đầu thông minh hơn rồi đấy!

- !?!


Tuyệt chiêu để chồng "răm rắp" về nhà đúng giờ

Hai người hàng xóm cùng tâm sự, một người nói:

- Tôi đến khổ với chồng tôi, chị Tũn ạ. Hôm nào cũng phải đến ba bốn giờ sáng, ông ấy mới chịu về nhà. 

Tũn cười:

- Trước đây, ông nhà tôi cũng y hệt vậy. Thế là tôi đặt ra quy định: 'Nếu 11 giờ đêm chưa về thì khóa cửa'.

- Hiệu quả chứ? - cô hàng xóm tò mò. 

- Tuần đầu tiên thì hiệu quả lắm. - Tũn lắc đầu - Nhưng đến tuần thứ hai thì lão ấy lại bắt đầu về trễ, tôi cứ theo quy định khóa cửa. Thế là sau đó, lão ấy ngủ ở công ty luôn, không thèm về nữa. 

Cô hàng xóm kinh ngạc:

- Trời ạ, thế sau đó chị làm thế nào?

Tũn khẽ cười:

- Sau đó, tôi đã đưa ra một quy định mới: 'Nếu 11 giờ đêm chồng chưa về thì tôi sẽ mở cửa đi ngủ'. Thế là từ đó về sau, ông ấy luôn rất đúng giờ. 


Không nên lấy chồng giỏi giang

Hai cô hàng xóm tán gẫu về các ông chồng, một cô tự hào nói:

- Chồng tôi là một người đàn ông vô cùng tuyệt vời. Chị không tin được đâu, anh ấy có thể sửa chữa tất cả mọi thứ trong nhà. 

- Tuyệt! - người hàng xóm cảm thán - Nhưng mẹ tôi vẫn luôn khuyên là không nên lấy những người đàn ông có thể sửa chữa mọi thứ. 

- Tại sao chứ?

- Vì điều đó đồng nghĩa với việc cô sẽ chẳng bao giờ có cơ hội mua đồ mới. 

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn

Chuyến kinh lý của vua Bảo Đại đến Bình Thuận

Chuyện ít biết về chuyến kinh lý của vua Bảo Đại đến Bình Thuận

Quá trình tìm hiểu về Bình Thuận xưa, chúng tôi phát hiện tư liệu và hình ảnh quý giá về chuyến kinh lý đầu tiên của vua triều Nguyễn đến Bình Thuận năm 1933.

Vua Bảo Đại thăm ngôi chùa trong dinh Tuần vũ Bình Thuận.

 Hoàng đế Đại Nam

Năm 1925 vua Khải Định mất, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy khi mới 12 tuổi từ Pháp về nước thọ tang cha rồi được tôn lên kế vị hoàng đế, lấy niên hiệu Bảo Đại. Tháng 3 cùng năm, Bảo Đại trở lại Pháp để tiếp tục học tập. Sau 10 năm học tại Pháp, tháng 9 năm 1932, Bảo Đại về nước, ra đạo dụ số 1 tuyên cáo tự chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ Đại Nam Hoàng Triều. Sau khi chấp chính, Bảo Đại đã cải cách công việc trong triều như sắp xếp lại việc nội chính, hành chính, cải tổ nội các và sắc phong thêm 5 thượng thư mới xuất thân từ giới học giả và hành chính nhằm thay thế các thượng thư già yếu hoặc kém năng lực. Đồng thời vua đã thực hiện kinh lý các tỉnh từ Bắc vào Nam.

 Tuần du phương Nam

Ngày 13 tháng giêng năm Quý Dậu (năm Bảo Đại thứ 8), tức ngày 7/2/1933, Ngự tiền Văn phòng triều đình Huế ra dụ: “Tuần hạnh là không phải đi chơi, chính là đi xem xét. Trẫm lên nối ngôi cao… Nay nhân tiết xuân, khí trời ấm áp, định đến hạ tuần tháng này đi vào các tỉnh đạo  Gia Lai, Kontum, Ban Mê Thuột, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai Thượng. Hành trình nhật ký sẽ do Cơ mật thương đồng quy tòa lục ra cho biết. Giá hạnh đến đâu, thời trú tất tại Hành cung hay Đạo lỵ cho quan viên địa phương và thân sĩ chiêm yết, để cho trên dưới thỏa tình. Còn việc nghinh tiếp, nên theo ý trẫm, làm cho giản tiện, chớ nên phiền dân”.

Các quan đại thần hộ giá gồm: Nguyễn Hữu Bài, Viện trưởng Viện cơ mật; Thượng thư Ngự tiền Phạm Quỳnh và các quan tùy tùng, hộ vệ. Ngoài ra còn có Khâm sứ Trung kỳ Châtel và các quan Pháp tùng giá. Đoàn xa giá gồm 10 xe, trong đó có 2 xe chở đồ ngự dụng và hành lý thường đi trước đạo Ngự chừng một vài giờ.

1 tuần sau, ngày 20 tháng giêng (14/2/1933), lễ xuất phát tại kinh thành Huế: “Sáng 8 giờ 15 phút, Ngài ngự ra ngồi tại điện Cần Chánh, quan Hộ giá đại thần và quan Lưu kinh đại thần làm lễ bái mạng, vái ba vái, rồi ông Hoàng thân và các quan đại thần Cơ mật, Tôn nhân, với văn võ đình thần đều mặc nhung phục vào chầu thỉnh an và tống giá. 8 giờ rưỡi quan Khâm sứ qua chầu. Ngài ngự ra cửa Đại Cung Môn lên xe khải loan. Trên kỳ đài bắn bảy phát lịnh. Các quan tùng giá theo thứ tự đã sắp đặt đều lên xe đi theo. Buổi mai ấy tạnh ráo, không nắng không mưa, khí trời ấm áp, dễ chịu”.

Toàn bộ chuyến tuần du phương Nam của hoàng đế Bảo Đại và tùy tùng đã được quan Cơ mật thương đồng quý tòa ghi chép tường thuật chi tiết qua bài “Ngự giá Nam tuần hành trình ký” ký tên Song Cử in trên Nam Phong tạp chí phát hành năm 1933.

 Đến Bình Thuận

Trải qua 6 ngày thăm các tỉnh đạo Gia Lai, Kontum, Ban Mê Thuột, Khánh Hòa, Ninh Thuận, khoảng 1 giờ chiều ngày 20/2/1933 vua đến địa đầu Bình Thuận. Tại Cà Ná, quan Sứ Auger và quan Tuần phủ Bình Thuận Ngô Đình Diệm chực nghinh giá. 3 giờ vua đến Long Hương, quan huyện Tuy Phong đón tiếp và tổ chức người dân múa hát cho vua xem. Sau đó đoàn tiếp tục đi Phan Thiết.

Trong bài “Ngự giá Nam tuần hành trình ký”, Song Cử thuật lại: “5 giờ 30 phút đến Phan Thiết. Khi đi dọc đàng đến địa phận Bình Thuận thấy cờ Long tinh cắm cả hai bên đàng cái. Đến tỉnh thân hào sĩ nữ đứng chực cung nghinh tỏ ý nhiệt thành lắm. Khi đó ngài truyền hạ mui xe ngự xuống để cho thiên hạ cung chiêm. Đến cửa Hành cung (tỉnh đường), có phường nhạc người Nam kỳ đánh bài Đăng đàn cà bài Quốc ca chào. Ngài ngự và quan khâm sứ đứng trên xe đợi cho hết bản rồi mới vào Hành cung”.



Tại tỉnh đường, quan Tuần vũ và quan Sứ Bình Thuận làm lễ   nghinh giá rất trọng thể. Sau khi đáp từ xong, nhìn ra ngoài thấy rất nhiều thân hào, trí thức, Hoa kiều đứng chầu ngoài sân, Bảo Đại đã đi bộ ra sân gặp gỡ mọi người. Sau đó ngài đến tòa sứ ngự thiện (ăn tối), rồi ra bờ sông Cà Ty xem các tiết mục biểu diễn múa đèn theo tiếng nhạc và múa lân, múa rồng rất khéo léo của người dân Phan Thiết. Vua đã dùng xe ngự bộ đi dọc bờ sông Cà Ty xem các chiếc thuyền hoa đăng trên sông được người dân trang trí rất đẹp đón tiếp nhà vua.

 Thăm Bia Đài

Sáng hôm sau (21/2) nhà vua xuất giá đi kinh lý các nơi ở Phan Thiết. Đầu tiên vua đi dự lễ lạc thành nhà bia ghi công những nhà hảo tâm đóng góp cho hội “Như Tây Du học hội” (Bia Đài) ở làng Tú Luông nằm trên đường cái quan Nam Bắc (đường 1). Dọc đường vua đi, hai bên phố phường, nhà nào cũng có bày bàn bái hạ. “Khi xe ngự đi qua ở các lư hương trên bái hạ, khói lên nghi ngút, trầm thơm ngạt ngào… Giữa khí trời nắng đang nóng, mà thiên hạ chen nhau đứng đợi cung chiêm đông lắm”. Đại diện cho hội viên “Như Tây Du học hội” ông Phan Quang Hướng đọc lời chúc, trong đó có đoạn “Nay hoàng thượng ngự giá đến chỗ dựng bia này trước hết, mặt trời soi đến, rạng vẻ hào quang… thật là rực rỡ muôn phần, xưa nay tỉnh này chưa có. Dân chúng tôi như cỏ mây gặp mùa xuân, xin bắt chước người đời xưa đem câu tam chúc mà dâng hoàng thượng”.

Sau đó Bảo Đại đến thăm “Hội Đồng nghiệp nước mắm”. Hội này lập ra từ năm 1926 tập hợp các nhà hàm hộ làm nước mắm cả người Pháp và người Nam tại Bình Thuận. “Khi giá đến, viên hội trưởng cung nghinh và đọc tờ chúc đại ý bày tỏ tình hình của hội, rồi cung đạo Ngài dự lãm cách làm nước mắm cho đế các vô hũ (tỉn) gởi đi bán các nơi”, Song Cử viết.

 Thăm Trường Pháp Việt

9 giờ 30 phút, Bảo Đại đến thăm Trường tiểu học Pháp Việt Phan Thiết. Vì vua muốn thưởng lãm lớp học nên trước đó các quan đã thông báo cho học sinh ở lại trong lớp chứ không ra ngoài   nghinh đón. Khi vua vào thăm, 1 học sinh đại diện cho học sinh Bình Thuận đọc tờ chúc “Muôn tâu hoàng đế. Hôm nay mong ân thánh giá giá lâm, thiệt là một hạnh phúc rất lớn cho trường Phan Thiết và cho con dân thiếu niên chúng tôi. Trong lịch sử các trường nhỏ nhen này, sẽ có thêm được một trường rực rỡ từ xưa đến nay chưa từng có. Vậy chúng tôi xin đại diện cả thiếu niên tỉnh Bình Thuận để kính chúc hoàng thượng thọ tỷ Nam sơn, phước như Đông hải, và xin nguyện rằng đương lúc thanh xuân này, cố công rèn tập để ngày sau trưởng thành trở nên người dân trung thành với thánh chúa. Muôn chúc Bảo Đại hoàng đế vạn tuế!”.

 Thăm tứ bang người Hoa

Sau khi thăm trường học, vua đến Nghĩa từ của tứ bang người Hoa. Các bang trưởng mặc áo lễ phục dài ra cung nghinh. Sau khi vua đã an tọa xem các tiết mục múa hát chúc tụng của học sinh người Hoa. Rồi các bang trưởng là đại biểu Hoa kiều ở Nam kỳ ra, lần lượt kéo nhau ra sắp hàng đứng trước Ngự tọa làm lễ tam khấu. Sau đó vua đi thăm trường học của người Hoa và xem triển lãm các sản phẩm thủ công, đồ thêu, dệt, vẽ… của học sinh người Hoa làm. Sau đó hoàng đế đi thăm Bệnh viện Phan Thiết. Bác sĩ Terrisse Giám đốc Bệnh viện nghinh giá và đưa vua đi tham quan bệnh viện.

Đến trưa vua về lại dinh Tuần vũ ngự thiện (ăn trưa) và nghỉ ngơi. Đến chiều khoảng 2 giờ khải giá đi Đồng Nai Thượng.

Sau năm Quý Dậu ấy đúng 1 giáp (12 năm), vào năm Ất Dậu 1945, Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn đã trở thành “cựu hoàng” trong cuộc thoái vị lịch sử.

Lê Huân

Như một thánh đường châu Âu lộng lẫy giữa cố đô

Tọa lạc tại một thung lũng bằng phẳng giữa vùng rừng núi của huyện Nho Quan, Đan viện Châu Sơn với lịch sử gần một trăm năm đẹp và thanh bình như một thánh đường châu Âu giữa miền đất cố đô Ninh Bình linh thiêng, huyền thoại.

Đan viện Châu Sơn mang vẻ đẹp cổ kính của một thánh đường châu Âu

Đan viện Châu Sơn được xây dựng năm 1939, nằm trong khu vực rừng núi yên tĩnh của huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), hướng theo trục Tây - Đông. Quần thể Đan viện với tổng diện tích rộng hàng chục hecta, bao gồm nhiều hạng mục như nhà thờ Châu Sơn, dòng tu, vườn cầu nguyện Fatima, vườn hoa tiểu cảnh... 

T
Từ cổng vào, thánh đường Châu Sơn hiện ra với màu tường gạch đỏ au nổi bật giữa màu xanh bát ngát của những hảng cây 

Nhà thờ Châu Sơn được thiết kế theo kiểu gothic với bức tường bao quanh dày tới 0,6m, chỗ có cột dày 1,2m tạo sự ấm áp về mùa đông và mát mẻ về mùa hạ. Nhìn từ hai bên, điểm nhấn suốt chiều dài 64m chính là những cột nhà được thiết kế thành những tháp nhỏ cân xứng; tường được trang trí hài hòa bởi các cửa sổ chia thành hai tầng trên và dưới, phía trong là cửa kính gỗ, phía ngoài chính là những bức tranh "chạm thủng" họa hình các Thánh, hình người vác thánh giá và cầu nguyện. 

Thiết kế theo phong cách kiến trúc gothic với vật liệu chính là gạch đỏ không tô trát mang đậm nét kiến trúc của các nhà thờ cổ châu Âu, phía trong thánh đường Châu Sơn ánh sáng tự nhiên vừa đủ lọt vào hai hành lang rộng qua những cửa sổ lớn tôn lên những hàng cột tròn, những họa tiết trang trí và phù điêu có tính khái quát cao. Mái vòm trắng cao 21m là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc trong lòng thánh đường.

Trong lòng tòa thánh với kiến trúc sâu hun hút gợi cho ta liên tưởng về sự huyền bí, linh thiêng 

Những cửa sổ mái vòm cực kỳ tinh xảo, lấy ánh sáng tự nhiên, là đỉnh cao nghệ thuật và kiến trúc 

Những cột nhà được thiết kế thành những tháp nhỏ cân xứng; tường được trang trí hài hòa bởi các cửa sổ chia thành hai tầng trên và dưới, phía trong là cửa kính gỗ, phía ngoài chính là những bức tranh họa hình các Thánh, hình người vác thánh giá và cầu nguyện.

Ngoài thánh đường Châu Sơn với đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc, Đan viên còn hút hồn du khách bởi khuôn viên rộng với nhiều tiểu cảnh tuyệt đẹp, khung cảnh yên tĩnh, thanh bình. Men dưới bóng râm của bức tường gạch đỏ trăm năm tuổi hay những tàng cây cổ thụ xanh um là lối sỏi trắng cũ kỹ nằm im lìm giữa hai bên thảm cỏ xanh mướt điểm xuyết vô vàn nhưng bông hoa li ti của các loài kỳ hoa dị thảo…

Khuôn viên Đan viện Châu Sơn với rất nhiều hạng mục: hoa cảnh, hồ nước, cầu cuốn 

Khu vườn cầu nguyện với những viên đá bạch ngọc như những quả trứng khổng lồ 

Và khu vườn chum khổng lồ kiên nhẫn và tĩnh lặng lấng nghe tất cả những tâm sự, nguyện cầu của nhân gian 
Vườn cầu nguyện trong khuôn viên tòa thánh với các tiểu cảnh: vườn tượng thánh, hồ nước, khu vườn chum với những chiếc chum khổng lồ nằm la liệt, khu vườn đá bạch ngọc (những viên đá trắng tinh như quả trứng khổng lồ nên còn được gọi là vườn trứng)…  Tất cả đều cực kỳ ấn tượng và khác biệt, không giống bất kỳ khuôn viên một tòa thánh nào nhưng lại có nét chung là đều hướng đến sự tĩnh lặng, thanh bình.
Có điều, Đan viện Châu Sơn không phải là điểm tham quan du lịch. Bởi vậy, không phải ai biết cũng được vào lễ thánh hoặc tham quan. Nơi đây chỉ mở cửa đón khách theo thời gian nhất định. Nếu bạn đủ duyên, hãy ghé thăm nơi đây vào một ngày đẹp trời và mang theo những cầu nguyện tốt lành để "Chúa ở lại cùng anh chị em"…

Bảo Trâm

Hoa trái tuổi thơ

Những đồi sim chín tím một góc chiều. Cái vị ngọt thơm rưng rức như được chắt lọc từ những dòng nước ngầm dưới cát trắng khô cằn của trái sim vừa chín tới

Làng dưới kêu là hoa trù trè; làng trên gọi là hoa lại mèo, làng tôi lại kêu là hoa lài; rồi có người gọi nó là hoa dẻ hay hoa tày... Hoa thả từng chùm trong những lùm cây dại mọc sát chân động cát quê tôi. Những chùm hoa hiền dịu cũng là sắc vàng óng ả đầu tiên trong vùng cây xanh lá gọi nắng hè về. Hương của hoa đứng xa cả trăm mét đã nghe thoang thoảng. Những chùm hoa trù trè được hái xuống, nâng niu, hít hà rồi ép vào trong vở. Hương hoa vấn vít tuổi học trò làng quê trong những ngày cuối năm học.

Người bạn kể rằng đã hứa sẽ gửi mấy chùm hoa trù trè cho một người bạn gái ở Sài Gòn; cô bạn mà hắn đã từng hái bao nhiêu chùm hoa trù trè để tặng bỗng dưng một ngày bỏ trường, bỏ bạn theo gia đình vô Nam lập nghiệp năm nào. Vắng bạn, hắn cũng không đi hái hoa trù trè nữa cho đến tận bây giờ. Nhưng lời hứa của hắn sẽ hái hoa thơ quê nhà, ép khô gửi cho bạn cũ vẫn chưa thực hiện được...

Có người bạn của tôi gọi loài trái cây dại đó là loài cây huyền thoại. Hiểu theo một nghĩa nào đó thì đúng đó là một loài trái cây huyền thoại của tuổi thơ chúng tôi. Bù tru, cái tên nghe thật xưa cũ, nghe như tiếng của người Chăm xưa... Bù tru mọc tự nhiên trên rú cát suốt dọc miền thùy dương Ngũ Điền quê tôi. Có đến mấy loài bù tru: tẻ, mèo, trày... Là dân làng tôi gọi tên như thế từ bao đời trước; bây giờ lũ chúng tôi chỉ biết theo đó mà gọi chứ không hiểu vì sao lại có tên trày hay tên mèo nữa...

Trái mốc ngọt thơm trên vùng nắng gió

Chúng từng là bầu bạn của tuổi thơ quê nhà; rồi khi lớn lên, chúng khuất nẻo dần trong trí nhớ cho đến một ngày chợt ùa về gần gũi thân tình khi ai đó đưa hình ảnh của mấy chùm bù tru chín lên Facebook. Những buổi đi hái bù tru, vui nhất là lũ con gái đứng dưới chìa mũ hay áo hứng để mấy thằng con trai trèo lên cây hái từng chùm thả xuống trong tiếng cười như nắc nẻ. Bù tru có vị ngọt thanh dễ chịu và ngon nhất là bù tru trày vì chúng có cơm dày, ngọt bùi và thơm.

Khi những trái cây của mùa hạ từ ổi, thị ở trong vườn nhà hay cả những trái cây dại như móc, mao, bù tru, trâm bù trên động cát của làng tôi đã ngót thì mới đến mùa sim chín. Động cát quê tôi chỉ lác đác vài bụi sim thấp lè tè nên trái cũng không nhiều. Bởi thế, sim là thứ trái dại quý nhất và có lẽ cũng là ngon nhất trong hàng chục thứ trái có thể ăn được từ những loài cây sống trên những đồi cát cằn khô mà cho bao nhiêu là trái ngọt…

Tôi nhớ cái bụi sim ở động Cao ngay cạnh bên con khe Ngòi Viết nước trong vắt chảy từ động cát ra sông Ô Lâu. Cái bụi sim nằm lẩn khuất trong những bụi cây rậm nên ít người để ý cứ đến đầu thu là trái sim chín tới. Lũ trẻ xóm tôi tranh nhau tìm trái chín chỉ trong thoáng chốc là đã hết cả bụi sim.

Nhưng nhớ đến mùa sim là nhớ mấy cái động mả Ngài của làng Kế Môn cạnh làng tôi. Đó là những đồi cát khá cao nằm sát với cánh đồng cỏ dại hoang sơ nối với biển. Không hiểu tại sao ở đây không có loài cây nào sống được ngoài những bụi sim. Cả mấy đồi sim nối tiếp nhau ngây ngất. Ở động cát làng tôi phải băng bộ khoảng 5 km mới đến những đồi sim này. Nhưng có hề chi, sim chín rồi thì chân ta cứ đi… Những đôi chân trần của lũ trẻ chúng tôi băng bộ qua những trảng cát dài chừng nửa giờ là đã đến đồi sim. Sau mấy cơn mưa đầu mùa, sim chín tím rịm đầy cây. Cũng chẳng cần tranh nhau làm chi nữa, mỗi đứa một bụi sim tha hồ vừa hái vừa ăn. Ăn no nê xong lại hái bỏ vô bọc áo, vô mũ mang về nhà phân phát cho mấy đứa con gái trong xóm.

Những đồi sim chín tím một góc chiều. Cái vị ngọt thơm rưng rức như được chắt lọc từ những dòng nước ngầm dưới cát trắng khô cằn của trái sim vừa chín tới, ngọn gió hoang liêu thổi mênh mang giữa những đồi cát và cả thanh âm của chú chim chiền chiện cứ chấp chới vỗ cánh mà hát ca vang trời… Đó là những gam màu ký ức của đứa trẻ là tôi mỗi lần đã ăn no nê sim chín rồi nằm ngửa trên cát mà chơi!

Đã từng nghĩ rằng sau này sẽ trở lại thăm đồi sim trong một buổi chiều tà nào đó. Nhưng đến nay tôi vẫn chưa một lần trở lại. Không biết khi trở về đồi sim của tuổi ấu thơ, tôi có như nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: "Giữa thu vàng bên đồi sim trái chín, một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay"… 


Thơ... bù tru

Chợt nhớ một chuyện ở làng năm cũ. Có một anh đi tán gái khi nào cũng đọc vài câu thơ trong câu chuyện của mình. Có lần anh đọc thơ cho một nàng nghe, nàng khen: "Thơ anh ngọt như bù tru!". Từ đó, trẻ con làng tôi mỗi lần thấy anh đều đọc vè trêu: "Thơ văn, thơ võ, thơ bù tru...". Tôi thì mỗi lần thấy chùm bù tru thì ký ức cứ ùa về cảnh cả bầy con nít chân trần trên cát nóng vùng động cát hình chữ nhất phía sau làng tôi. Chúng tôi lủi từ truông động xóm Kế rồi chạy về lùm họ Hoàng rồi lại vô Bàu Cạn, lên động Cao lủi tìm bù tru và tiếng cười giòn tan ngày xưa của mấy đứa con gái lại vọng về trong trẻo lắm...

Bài và ảnh: PHI TÂN

Khi thấy vợ xinh đẹp là lúc nên về nhà

Khi thấy vợ xinh đẹp là lúc nên về nhà 

Một người đàn ông đến quầy bar và yêu cầu một ly rượu.​ Vừa uống hết ly rượu, ông ta khẽ liếc vào túi áo mình rồi mới gọi thêm ly rượu khác. Cứ như thế, người đàn ông luôn nhìn vào túi áo trước khi gọi rượu. Điều này khiến người phục vụ không khỏi tò mò.

- Tôi có thể phục vụ cho ông cả đêm nhưng tại sao trước khi gọi ông cứ phải nhìn vào túi áo mình thế.

Người đàn ông cười lớn:

- Đó là cách giúp tôi xác định mình còn tỉnh táo hay không ấy mà.

Người phục vụ ngạc nhiên:

- Làm sao có thể chứ?

- Bên trong túi áo là một bức ảnh của vợ tôi. Khi tôi bắt đầu thấy bà ấy xinh đẹp thì đó chính là lúc tôi nên về nhà rồi.


"Bà còn may hơn tôi" 

Một bà vợ đứng trước gương ngắm nghía một lúc rồi bật tiếng thở dài:

- Trời ạ! Tôi đã già, béo và xấu xí đến mức này sao?

Thấy chồng không mảy may chú ý, bà vợ tiếp tục than:

- Phụ nữ đúng là số khổ mà. Có chồng con xong nhan sắc tàn tạ, giờ thảm đến mức soi gương cũng không dám nữa.

Ông chồng ngồi đọc báo gần đó lên tiếng:

- Bà còn may mắn hơn tôi. Than thở gì chứ?

Bà vợ bực mình:

- Đàn ông các ông thì có phải lo lắng gì đâu mà phải chán, lại còn bảo tôi may hơn.

Ông chồng buông tờ báo rồi thở dài:

- Bà tự ngắm mình trước gương có mấy phút thôi đã đau khổ vậy rồi. Còn tôi phải ngắm suốt từ ngày này sang tháng nọ có dám than vãn tiếng nào đâu.


Đừng gọi em là bà xã

Đêm tân hôn, Tèo ôm chầm lấy vợ ngọt ngào nói:​

- Kể từ hôm nay em đã là bà xã của anh rồi. Cứ nghĩ tới việc mỗi sáng thức dậy đều nhìn thấy bà xã là anh đủ hạnh phúc rồi.​

Vợ Tèo nghe vậy liền nghiêm mặt:

- Anh đừng gọi em là bà xã.

- Vậy anh biết gọi thế nào đây? - Tèo nũng nịu.

- Thì anh cứ gọi là vợ yêu hay gì cũng được, đừng gọi là bà xã.

Tèo tò mò:

- Vì sao thế em?

Vợ Tèo hắng giọng:

- Tôi còn lạ gì đàn ông các anh. Gọi bà "xã" rồi bên ngoài có thêm các bà "tỉnh", bà "huyện", bà "trung ương" rồi cả tá bà "địa phương" nữa chứ gì?

Nguồn: http://thoidaiplus

Sa mạc


Chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của các sa mạc nổi tiếng

Sa mạc Sahara trải dài qua 11 quốc gia Bắc Phi. Những cồn cát dài bất tận cùng những cao nguyên đá và thung lũng khô cằn đã làm nên nét đặc trưng khó lẫn của một trong những vùng đất khắc nghiệt nhất thế giới này.


Sa mạc Gobi ở Mông Cổ nổi tiếng là sa mạc lớn nhất châu Á và lớn thứ năm thế giới. Những triền cát trải dài cùng cuộc sống nguyên sơ, hoang dã nơi đây đã khiến Gobi là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.


Nằm ở phía tây nam của nước Mỹ, Mojave là sa mạc khô cằn nhất Bắc Mỹ. Đến đây, du khách còn có thể ghé thăm công viên quốc gia Joshua Tree và Thung lũng Chết nằm trong sa mạc có cảnh quan vô cùng ấn tượng.


Trải dài qua biên giới của các quốc gia Chile, Peru, Bolivia và Argentina, Atacama ở Nam Mỹ là sa mạc khô cằn nhất thế giới với lượng mưa trung bình hằng năm còn chưa đạt tới 1mm. Tuy nhiên, trong những thời điểm hiếm hoi, hiện tượng “sa mạc nở hoa” diễn ra tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp cho vùng đất này.


Sa mạc Bắc cực gây ấn tượng bởi vẻ đẹp độc đáo. Nơi đây trong một năm sẽ có 9 – 10 tháng không nhận được ánh sáng mặt trời.

Sa mạc Namib là nơi những triền cát bất tận gặp gỡ với biển xanh bao la. Không chỉ là sa mạc lớn nhất Namibia, Namib còn là sa mạc “già” nhất thế giới với tuổi đời khoảng 80 triệu năm.


Sa mạc Arabian bao phủ tám quốc gia và là một trong những sa mạc lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 2,33 triệu ki-lô-mét vuông.


Chắc bạn sẽ rất bất ngờ khi biết rằng Nam Cực chính là sa mạc lớn nhất thế giới. Mặc dù không có nắng nóng, bão cát nhưng việc phân loại sa mạc dựa vào lượng mưa trung bình hằng năm. Do nhiệt độ ở Nam Cực rất lạnh nên lượng mưa ở Nam Cực vô cùng ít, chỉ khoảng 50mm/năm.

Sa mạc Bardenas Reales ở Tây Ban Nha là một trong số ít những sa mạc ở châu Âu. Nơi đây không chỉ có cảnh quan ấn tượng mà còn là địa điểm tuyệt vời để ngắm sao trời.
Sonoran là sa mạc nóng nhất Bắc Mỹ nhưng thảm động, thực vật nơi khô cằn này rất đa dạng và phong phú với nhiều loài độc đáo.

Sa mạc Trắng chính là báu vật hiếm có của thiên nhiên Ai Cập. Những khối đá khổng lồ được gió chạm khắc tạo nên những hình thù kì lạ rải rác khắp sa mạc. Màu trắng của cồn cát và những công trình kiến trúc tự nhiên đã tạo nên khung cảnh vô cùng ấn tượng.

Nguồn: https://vov.vn
Theo Kiều Anh/VOV