Thành phố cao nguyên Đà Lạt đã từng khiến cho hồn bao lữ khách lãng đãng buồn theo màu lam chiều xứ lạnh vấn vương trên dốc đồi ngàn thông. Và, nhạc sĩ Lam Phương cũng vậy. Với nhạc phẩm “Thành phố buồn”, Lam Phương sẽ sống mãi cùng những người yêu Đà Lạt, yêu âm nhạc…
Bìa băng catset Thành phố buồn và hình nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ
Nhạc phẩm trị giá gấp 18 lần chiếc xe hơi
Đà Lạt là xứ sở mộng mơ, thơ mộng, từ lâu đã gợi lên biết bao nhiêu cảm xúc, nỗi niềm với những tao nhân mặc khách từ thập phương ghé đến. Không thể liệt kê đầy đủ những ca khúc đã viết về xứ lạnh này, nhưng khi nhắc đến Đà Lạt không thể không nhắc đến nhạc phẩm “Thành phố buồn” của nhạc sĩ Lam Phương (SN 1937, tại tỉnh Kiên Giang).
Năm 1970, Lam Phương đến Đà Lạt, cảm xúc chợt đến và ông viết “Thành phố buồn” như một sự thôi thúc trong tâm tưởng. Ca khúc không hề cầu kỳ, hoa mỹ trong khúc thức hay hòa âm, mà chỉ được viết lên rất chân phương với giai điệu slow rock chậm buồn đặc trưng của bolero miền Nam thời đó. Nội dung nhạc phẩm kể về mối tình dang dở của ông với một giai nhân ông đã từng yêu tha thiết - ca sĩ Hạnh Dung.
“Năm 1970, tôi theo Ban Văn nghệ Hoa Tình Thương lên Đà Lạt trình diễn. Trước vẻ trầm lặng của một thành phố trập trùng đồi núi, sương mù bao quanh những con đường dốc quanh co, cùng nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn, tôi đã viết nên nhạc phẩm “Thành phố buồn”. Đây là một trong những ca khúc có số lượng xuất bản rất cao”, nhạc sĩ Lam Phương kể.
Bản thảo nhạc phẩm Thành phố buồn
Nhắc về bóng hồng tạo nguồn cảm hứng để viết “Thành phố buồn”, nhạc sĩ Lam Phương từng tiết lộ, mối tình của hai người lâm vào bế tắc vì xa cách. Vì Hạnh Dung, ông cũng đã viết nhiều tác phẩm nổi tiếng thể hiện sự bế tắc, day dứt cho mối tình ngắn ngủi này như: “Phút cuối”, “Giọt lệ sầu”, “Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi”… Và nổi tiếng nhất có lẽ là “Thành phố buồn”.
Nhạc phẩm “Thành phố buồn” công bố lần đầu trên sóng Đài Phát thanh Đà Lạt, chỉ một thời gian ngắn sau đó đã lan tỏa khắp nơi. Ca khúc không chỉ xuất hiện trên truyền hình, sóng phát thanh, mà được nhiều người yêu thích. Tờ nhạc “Thành phố buồn” còn là một trong những ấn phẩm nhạc bản bán chạy nhất tại miền Nam trước đây. Ca khúc cũng trở thành bài hát quen thuộc của Ban Kịch Sống. Người Sài Gòn xưa đi xem kịch của Ban Kịch Sống lưu giữ nhiều kỷ niệm đặc biệt với “Thành phố buồn”.
Một bài báo của tác giả Thanh Thủy thuật lại, thời ấy cứ mỗi tối thứ năm hàng tuần, Đài Truyền hình Sài Gòn có tiết mục thoại kịch và những vở kịch của Ban Kịch Sống của Túy Hồng bao giờ cũng thu hút nhiều người xem. Thời ấy truyền hình còn hiếm, người ta kéo nhau tới những nhà có ti vi để xem kịch, trong nhà, cửa ra vào, ô cửa sổ… đều chật cứng người xem. “Tôi còn nhớ, bài hát “Thành phố buồn” của Lam Phương được hát dìu dặt trong suốt một vở kịch của Túy Hồng phát trên truyền hình. Sáng hôm sau, bài hát ấy bán đắt như tôm tươi, chàng học sinh, sinh viên nào cũng muốn mua bài “Thành phố buồn” về để trên kệ sách”, trích bài báo của tác giả Thanh Thủy.
Lãng tử Lam Phương - ông hoàng nhạc tình
|
Và, câu chuyện nhuận bút của bài “Thành phố buồn” được biết tới như mức đỉnh cao cho thu nhập một nhạc sĩ thành công thời bấy giờ. Sách “Đà Lạt, một thời hương xa” của Nguyễn Vĩnh Nguyên cho hay: “Số lượng xuất bản rất cao và doanh thu bài hát này vô cùng lớn, đó là điều được báo chí Sài Gòn đương thời tính toán được: khoảng 12 triệu đồng bản quyền, tiền Việt Nam Cộng hòa (hồi suất chính thức năm 1970 là 1 USD = 275 đồng, vậy 12 triệu đồng tương đương 432.000 USD). Con số này quá lớn với một ca khúc”.
Nói thêm rằng, thời điểm đó vàng chỉ khoảng 36.000 đồng/lượng. Để dễ hình dung, Nguyễn Vĩnh Nguyên đưa ra so sánh: “Một chiếc xe hơi hiệu La Dalat của hãng Citroen sản xuất tại miền Nam Việt Nam vào năm 1971 có giá khoảng trên dưới 650.000 đồng”. Như vậy, bản quyền ca khúc “Thành phố buồn” có thể giúp Lam Phương mua tới hơn 18 chiếc xe hơi.
Viết về Đà Lạt mà không đụng đến một từ Đà Lạt
Viết về Đà Lạt nhưng Lam Phương không sử dụng một chữ Đà Lạt nào trong phần lời của “Thành phố buồn”. Bài hát chỉ vẽ ra hình ảnh lãng đãng khói sương: “Đường quanh co quyện gốc thông già…/Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa/ Người lưa thưa chìm dưới sương mù…/ Và con đường ngày xưa lá đổ…”. Những ca từ gợi lên trong chúng ta về một thành phố cao nguyên, nơi có những con dốc quanh co, sương chiều lãng đãng, cơn gió chiều lạnh buốt co ro của những lứa đôi bên đồi thông xanh và nỗi buồn len vào kỷ niệm.
Đà Lạt mộng mơ- thành phố của những cặp tình nhân
|
Ở đó dễ nảy sinh tình yêu lãng mạn của trai gái yêu nhau. Ai một lần đến Đà Lạt cũng dễ nhận ra những hình ảnh mà nhạc sĩ Lam Phương đã trải lòng trong nhạc phẩm này. Đà Lạt dễ làm cho người ta gần nhau hơn. Lành lạnh. Sương mờ. Gió nhẹ. Đồi dốc quanh co. Tiếng chuông chiều buông lơi và hơi ấm trong bàn tay nhau… Người ta bắt gặp sự đồng cảm khi nghe “Thành phố buồn” có lẽ vì khung cảnh Đà Lạt là thiên đường cho tình yêu, là tìm chốn êm đềm.
Để rồi cũng chính đô thị khói sương ấy lại khắc khoải buồn trong bức tranh tiễn biệt. Và, nửa thế kỷ trôi qua, “Thành phố buồn” đã không chỉ còn là một ca khúc viết riêng cho Đà Lạt hay cho mối tình của Lam Phương, mà đã được khái quát trở thành những giai điệu của nhớ nhung day dứt. Khi nhạc phẩm được vang lên, người nghe đã thấy dâng trào những niềm thương cảm vô bờ.
Nhắc về Đà Lạt, trong hồi ký “Chuyện kể sau 40 năm”, danh ca Khánh Ly kể, những năm thập niên 1960, con gái Đà Lạt ai nấy đều xinh xắn, với nước da trắng hồng, mái tóc đen dày óng mượt. Tất cả đều vô tư, hồn nhiên và hiền lành. Các bà bán hàng trong chợ, dù là bán mắm cá cũng mặc áo dài, bán đậu hủ rong cũng áo dài, bán ngô nướng lúc nửa khuya, bán mì Quảng, xôi gà cũng áo dài, hai má cứ ửng hồng lên bên cạnh bếp lửa.
Theo nữ danh ca, điều chắc chắn phải nói là người Đà Lạt hiền. Hiền như nước mưa, nước suối. Hiền như cây trái tốt tươi. Hiền như hoa như gió. Như tiếng chuông reo bốn mùa. Hiền như bãi xe lam dăm ba chiếc im lìm nơi bến đậu. “Hiền như những cơn mưa bất ngờ bay nghiêng qua thành phố, không hề làm rối chân khách bộ hành. Những con đường vắng lặng. Những ngôi biệt thự nằm xa nhau, không tường bao bộc, chỉ có hoa và hoa dưới những cây thông rải rác, tưởng như mọc vô tình không người săn sóc.
Ấy thế mà trong cái vô tình gần như hoang dã ấy, luôn có những lúc rộ lên tiếng cười rộn ràng ngây thơ. Đời sống đẹp và đáng sống biết bao nhiêu”, trích hồi ký “Chuyện kể sau 40 năm”. Danh ca Khánh Ly bảo, thời đó, bà mới 18, 19 tuổi (năm 1963, 1964) còn ham ăn, ham chơi. Chẳng có gì thú vị cho bằng quăng giày dép, chân không, đi, chạy, nhảy khắp Đồi Cù, xuống Tòa Tổng Giám mục, men theo con đường Tình Yêu dẫn lên Tòa Tỉnh, rồi lại lên Đồi Cù nằm khểnh dưới gốc thông hoặc thẳng tay chân trên bãi cỏ thênh thang nhìn ngắm mây trời. “Không nhớ đến ai cũng không cần biết mình là ai, ngày mai sẽ ra sao. Không nhớ ai thật, không cả yêu đương. Không hề nghĩ đến gia đình và Sài Gòn. Tôi thương các con, song thường tự hỏi vì sao tôi có chúng trong khi tôi chẳng có một chuẩn bị nào, chưa hề có một khái niệm về gia đình.
Những lúc lang thang trên Đồi Cù, cùng các bạn gái đắm chìm dưới suối Liên Khương, tôi ước ao trở lại tuổi 14, 15”, trích hồi ký “Chuyện kể sau 40 năm”. Đó là ý nghĩ của một thiếu phụ tuổi 19, nằm ngủ quên dưới gốc thông già. Buổi trưa nắng vàng chan hòa trên cỏ lá, tiếng thông reo ngân dài, bất tận như một lời ru buồn. Lời ru âm thầm đi vào giấc ngủ và ở lại đó.
Đình Phùng (biên soạn)
Nguon: https://baophapluat.vn/