Ở quê tôi, hầu hết các gia đình khi làm nhà đều quy hoạch một khoảng đất hợp lý để làm chái bếp bên cạnh nhà ngang phía sau và có cửa riêng để vào bếp. Hướng bếp thường vuông góc với hướng nằm đầu giường của chủ gia để tránh khi ngủ đạp chân vào bếp hoặc quay đầu vào bếp. Có hỏi tại sao thì cũng không ai có câu trả lời chính xác, chỉ biết rằng đó là đặc điểm của làng quê truyền từ đời này sang đời khác; người quê quen gọi cái tên thân thuộc là: “chái bếp”, hay còn gọi là “căn nhà thêm”.
Chái bếp, hai từ nghe giản dị, tưởng chừng như chẳng có ý nghĩa gì nhưng lại rất quan trọng của một gia đình. Có bữa cơm ăn ngon, bữa ăn đúng giờ hay không phụ thuộc rất nhiều vào chái bếp; nơi cất dành củi để nấu nướng, nơi để nồi niêu, xoong chảo; ở đó có cái “tủ bếp”, người thành thị gọi là tủ gạc-măng-giê, phiên âm theo tiếng Pháp, nghĩa là nơi giữ thức ăn và là nơi mẹ cất những vật dụng cần thiết để nấu ăn. Trước cửa chái bếp là nơi dành cho những người khi nấu ăn ngồi nhổ tóc sâu trò chuyện trao cho nhau những sẻ chia, tâm sự đã là cảm hứng để nghệ sĩ Bắc Sơn viết một câu cho bài hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, “chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau”. Tôi lớn lên gắn liền với sự đổi mới và phát triển của đất nước; làng quê ngày ngày không ngừng thay da đổi thịt; chái bếp của mỗi nhà cũng đổi thay theo năm tháng. Bếp than, bếp củi đã dần thay thế bằng bếp ga, nồi cơm điện; nồi niêu, xoong chảo không còn bám khói, bụi đen; tất cả thay bằng vật dụng inox trắng tinh, bóng loáng.
Nhắc tới hình ảnh chái bếp, khi chiều hôm có khói bay lững lờ theo dòng chảy thời gian ở quê xa xôi, tôi chợt nhớ những khoảng khắc cả nhà quây quần bên nhau trong chiều mưa mùa hạ, đợi mẹ nấu xong bữa cơm cho cả gia đình. Chái bếp cũng là nơi gắn liền với người con gái thôn quê, trước khi lập gia đình nhà trai đi xem mắt vợ cho con thường không quên ghé vào nhìn ngó chái bếp nhà gái để có cơ sở đánh giá con dâu tương lai của mình về cách ăn, nếp ở có gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp hay không. Ngày xưa ông bà ta có câu: “Lựa vợ cũng phải coi cái bếp. Cái bếp nói lên hết trơn tính tình của đứa con gái!”.
Chái bếp chẳng biết tự bao giờ đã đi vào ký ức của đám trẻ nhà quê chúng tôi; giản dị và đơn sơ, nhưng hễ nhắc đến là hiện về cả một bầu trời nhung nhớ, khiến lòng bâng khuâng, xao xuyến nhớ về khoảng thời gian ấu thơ nơi mình đã sinh ra và gắn bó với người thân, với quê hương xóm làng.
Những người con xa quê hương, biết rằng ở quê đã có nhiều thay đổi theo thời gian và cuộc sống ngày càng hiện đại hóa; người đi xa vẫn còn hình ảnh quê nhà, còn hình ảnh chái bếp với khói lam chiều, với đôi mắt mẹ, mắt chị, mắt đứa em gái cay xòe trong chái bếp chạy ra và biết bao kỷ niệm. Chái bếp thuở xa dù sau này không còn lưu giữ nguyên vẹn, nhưng tôi tin ký ức xưa vẫn còn và đồng hành với cuộc sống chúng tôi mãi đến mai sau vẫn còn lưu dấu.
Đỗ Văn Cường
Nguon: baobinhthuan.com.vn