F Chợ quê lam lũ ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Chợ quê lam lũ

 Những phiên chợ quê đã nuôi những đứa trẻ lớn lên, là một phần không thể thiếu trong tâm thức nhiều thế hệ.

Một lần đi công tác rất xa, tôi phải đi từ bốn giờ sáng. Con đường nhanh nhất là đi qua một vùng quê. Trời vẫn còn tối đen, những ngôi nhà rải rác vẫn ngủ say sau những rặng cây nhấp nhô xa gần. Không gian tĩnh mịch, tiếng động cơ trôi êm ru như độc thoại.

Cảm giác tĩnh mịch khiến tâm trí tôi cũng thức dậy những cảm giác mơ hồ. Không khí trong lành dễ chịu vô cùng. Thỉnh thoảng, tôi nghe tiếng xe máy phía sau cùng ánh đèn rọi sáng. Những người bán hàng sớm, trên xe ràng rịt các bao hàng đủ kiểu vụt qua rồi mất hút trong bóng đêm.

Đi thêm một quãng nữa, tôi gặp một cái chợ. Người mua kẻ bán trong ánh mờ mờ. Họ đều nhỏ tiếng, có lẽ vì buổi sớm mai yên tĩnh nên chỉ nói nhỏ là mọi người đã nghe được nhau, không cần phải ồn ào. Ánh đèn xe soi những con gà, con vịt bị cột chân nằm la liệt bên đường, những bao lưới đựng đầy cua đồng ngọ nguậy không ngừng, những chiếc rổ đựng đầy ốc còn tươi roi rói, cá lóc, cá rô, tôm đất nhảy tanh tách, bầu, bí, rau tươi nguyên vừa mới hái, và những sản vật khác của vùng quê này mà tôi không biết tên.


Ảnh: Internet

https://ads.vietbao.vn/www/delivery/lg.php?bannerid=48&campaignid=31&zoneid=47&loc=https%3A%2F%2Fwww.phunuonline.com.vn%2Fcho-que-lam-lu-a1422158.html&cb=a31a447757http://ads.phunuonline.com.vn/www/delivery/lg.php?bannerid=49&campaignid=38&zoneid=32&loc=https%3A%2F%2Fwww.phunuonline.com.vn%2Fcho-que-lam-lu-a1422158.html&cb=f49b4e109cTôi dừng xe mua vài ký ốc, sẵn tiện hỏi chuyện người bán. Người đàn ông trạc tuổi 60 kể tôi nghe, ông vừa bắt chúng đêm qua. Ở đây khá nhiều người làm công việc này, những cánh đồng ngập nước trong vùng cho khá nhiều ếch, cua, cá, ốc.

Với chiếc đèn buộc ngang trán soi đường, họ lội đồng từ đầu hôm đến khuya mới về, sáng lại dậy sớm đi bán. Giá ốc tôi mua rẻ chỉ bằng một phần ba giá thường mua trên phố. Người đàn ông cho biết, đây là chợ đầu mối của vùng nên chợ họp từ rất sớm, để những người bán hàng từ những chợ khác đến mua rồi mang về bán lại. Từ chợ này, sản vật của vùng sẽ tỏa đi khắp nơi.

Ông kể, vùng này xưa kia vốn trên bến dưới thuyền, là chợ trung tâm của cả huyện. Khi còn chưa có các phương tiện đi lại như bây giờ, vào những ngày chợ họp, người các xã khác đi bộ cả tiếng đồng hồ mới tới nơi, họ phải thức dậy đi từ ba giờ sáng mới kịp buổi chợ. Thời gian thoi đưa, trung tâm của vùng giờ đã dịch chuyển, nhưng thiên nhiên vẫn hào phóng ban tặng sản vật trù phú. Chợ tuy không còn phồn thịnh như xưa, nhưng vẫn là nơi tập trung buôn bán đầu mối cho cả vùng.

Hình như từ khá lâu rồi, tôi không có thói quen đi chợ sớm. Buổi sáng ở phố bận bịu đi làm, hết giờ tạt qua chợ mua vài món kịp làm bữa trưa. Những ngày cuối tuần, cả nhà thường dậy muộn hơn lệ thường, nên có đi chợ cũng không quá sớm. Chưa kể thỉnh thoảng lại dẫn nhau đi siêu thị, những thứ cần mua cũng đầy đủ và vô cùng tiện lợi.

Tình cờ gặp phiên chợ mai nơi này, ký ức chợt sống dậy trong tôi. Ngày còn nhỏ, tôi cũng sống ở nông thôn. Khi tôi ngủ dậy, hỏi chị mẹ đâu, chị bảo rằng mẹ đi chợ rồi. Trong lúc chị em tôi còn chìm đắm trong giấc ngủ hồn nhiên chẳng biết gì, mẹ đã dậy nấu sẵn nồi cơm cho chị em tôi dậy ăn, rồi mới đi bán hàng. Hàng của mẹ là những quả bí, bầu, su su, cà rốt, hành tây, cà chua… mà mẹ đã mua từ chiều hôm trước, khá nặng nên ba tôi phải phụ mẹ chở đi.

Nhiều bữa bán không hết, các món tươi bị héo, hỏng, mẹ lại chặc lưỡi than thở. Chị em tôi lớn lên từ gánh hàng của mẹ, rồi ra phố, đi làm, lập gia đình, có cuộc sống riêng. Thỉnh thoảng về thăm, thấy mẹ vẫn cặm cụi chở hàng đi chợ. Tụi tôi can: “Mẹ à, mẹ cũng lớn tuổi rồi, không cần phải đi bán hàng nữa”. Mẹ cười: “Để mẹ đi chợ cho vui, mẹ chỉ chở nhẹ thôi chứ không bán nhiều như trước đây, chứ ở nhà buồn lắm”. Phiên chợ quê cứ thế mà thành một phần trong cuộc sống của mẹ tôi. 

Phiên chợ xa dần phía sau, cùng những cảnh đời lam lũ. Con đường sáng dần trong sắc hồng rực rỡ đằng đông. Bình minh ở quê đẹp lạ lùng. Lòng tôi thầm cảm ơn những phiên chợ quê đã nuôi những đứa trẻ lớn lên, là một phần không thể thiếu trong tâm thức, làm nên vẻ đẹp bình dị Việt Nam. 

Duyên An

Nguon: phunuonlile.com.vn