F tháng 6 2020 ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Tiếng chim trưa

May mà còn đôi chim cu về đậu trên mấy ngọn tre kia bật lên tiếng hót mong manh. Có vẻ như tiếng chim từng hồi gióng lên cao rồi xuống thấp theo nhịp điệu gió vít đầu ngọn tre cong vòng xuống, là từng hồi kể lể mênh mang trước vô tận những biến dịch muôn thuở sông cạn đá mòn...

Ảnh: MINH TRÍ

Trên con đường bỏng rát nắng nóng giữa một buổi trưa, đáng lẽ ra tôi vù xe chạy thêm một nhoáng nữa là qua cầu về tới nhà ở phố xá bên kia sông. Ấy vậy mà tiếng hót (hay là tiếng gáy) của đôi chim cu “Cúc… cù… cu” trên ngọn hàng tre nơi cái bìa làng thôn nhỏ ven sông này cám dỗ tôi quành xe lại đứng ngẩn ngơ dưới hàng tre vừa trốn nắng, vừa nghe ngọt ngào chút âm thanh chim hót vung vãi giữa mấy tầng không.

Chẳng phải tôi rành gì mấy thú chơi chim để thưởng thức cái âm giọng thổ pha kim nồng nàn của đôi chim cu trống mái đang tình tự với nhau theo từng nhịp gió thổi. Nhưng quả thực, nghe cái tiết tấu “gù… gù… gù” rồi luyến láy trầm bổng vang xa “cúc… cù… cu…” trên vòm xanh kia, từ tầng cao ấy, có cảm giác như tỏa ra một năng lượng có khả năng hóa giải, làm dịu mát cơn nắng nóng đầu mùa. Và hơn thế nữa, dường như đấy là thứ âm thanh biết hoài cảm của giống loài chim đa tình dễ làm thao thức nỗi hoài hương của những người xa xứ.

Cái làng quê ven sông này từ mấy năm nay thực ra cũng chẳng còn là… làng quê nữa. Dăm ba cây tre còn lại nơi con đường bìa làng, bên một cái lạch nước, có lẽ do người ta cần bóng mát cho một công trường xây dựng nên chưa cày ủi san lấp nốt. Nhờ vậy mà một buổi trưa tình cờ có chỗ cho tôi và chim chóc khu trú vào đó, để mỗi kẻ một nỗi niềm riêng tha hồ mà hoài vọng về một quê xứ khôn khuây từng ngày biển đã xanh dâu.

Chuyện những thôn xóm làng quê bây giờ đã dần hồi “lên đời” đô thị hóa âu cũng chẳng lấy gì làm lạ. Ngày nay, đến tận các làng bản xa xôi ở những vùng miền núi non heo hút, còn có nơi bát ngát hơi hướm phố thị hiện đại can dự vào các sinh hoạt đời sống, huống chi là cái làng ven sông ở cuối vùng ngoại ô này.

Chỉ có điều sự thay đổi nơi đây không theo cái dòng chảy thời gian loang dần dần từng phần, từng vùng, kiểu như mỗi ngày “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, mà là sạch sành sanh, thay đổi triệt để đến từng cây cỏ. Hàng trăm, hàng nghìn mẩu đất đai ruộng đồng tươi tốt, vườn tược sum sê cây trái đều cày xới san ủi trắng xóa, đến không còn mong gì nhìn thấy bóng dáng một làn khói rơm rạ nào đó may mắn sót lại bay lên.

May mà còn đôi chim cu về đậu trên mấy ngọn tre kia bật lên tiếng hót mong manh. Có vẻ như từng hồi tiếng chim gióng lên cao rồi xuống thấp theo nhịp điệu gió vít đầu ngọn tre cong vòng xuống, là từng hồi kể lể mênh mang trước vô tận về những biến dịch muôn thuở sông cạn đá mòn. Mà thanh âm của đôi chim cu kỳ diệu thật! Cứ chầm chậm ngắt quãng đều đặn như một giai điệu slow thanh bình gieo vào những tầng không. Hễ cách một quãng ngắt là không gian tưởng chừng như hun hút xa xăm hơn và thanh vắng một cách lạ lùng.

Buổi trưa đi vào giữa lòng lá nhỏ. Tiếng kêu kia còn một chút mong manh. Dòng nức nở những tia hồng đốm đỏ. Lạc trời cao bóng tụ kết không thành. Cũng chẳng rõ vì sao những lúc nghe tiếng chim vang xa gọi cả trời thanh vắng kia, tôi lại lầm thầm ngâm nga mấy câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng. Có một hiệp thông nào đó từ cái thôn nhỏ ven sông này mách bảo, hay là “tiếng kêu kia” của loài chim bàng bạc một thứ mật ngôn, mật ngữ có khả năng dẫn đường cho vô thức vẽ vời cái quê xứ siêu hình ẩn tàng giữa không gian mênh mông trắng xóa.

Chợt nhớ có lần tham dự Festival của một thành phố. Tại đấy, người ta bày ra, xen trong không gian tấp nập của phố phường dăm ba cái lều tranh có phên tre liếp cửa, có quanh co đường làng, có cầu tre lắt lẻo…

Nhìn vào đấy, ai cũng có thể hiểu đó là một làng quê, nhưng mà là một làng quê… sân khấu kiểu sức, làng quê trình diễn, được tạo dựng lên như một thứ mốt hoài cổ. Kể cũng lạ, có những xóm làng yên vui thanh bình xanh ngời sức sống, đẹp như cổ tích, vậy rồi người ta chối từ, ào ạt dọn dẹp tất cả đi để đua bơi cho ra đô thị hiện đại.

Đến một ngày, chợt thấy thiên hạ tưng bừng lễ hội văn hóa, lễ hội tâm linh…, có nơi còn xênh xang và đồng bóng các kiểu, vậy là mình cũng lều tranh cây đa bến nước sân đình, cho nó “đậm đà bản sắc”, mà người tinh ý sẽ sớm nhận ra mớ đồ giả thêu thùa trên những tâm hồn trống trơn cằn khô văn hóa.

Đứng dưới bóng tre còn nấn ná sót lại của làng, cận kề cái mép nước một con lạch chảy từ sông vào, không dưng mà từ những chùm ấu dại xanh bập bềnh trên nhánh nước kia hiện ra những con thuyền giấy chở đầy tuổi thơ tôi…

Quê nhà của ai mà bàng bạc trong tôi, mơ hồ trong tôi những gương mặt ruột rà đến vậy! Rồi mai mốt đây con đường làng của thôn nhỏ này cùng với cái lạch nước bồng bềnh những chùm ấu dại xanh biếc kia, sẽ không còn lý do để tồn tại trước các dự án mênh mông ngày ngày chăm bẳm cái công việc cày xới, đo lường phân lô phân nền tính chuyện mua với bán. Lẽ đương nhiên đôi chim cu trên cao ấy cũng sẽ không còn chỗ để bay về cất tiếng hót tình tự ru mát những trưa nồng.

Chả hiểu chim có dự cảm gì không mà tiếng hót mênh mang chậm rãi từng hồi, như niềm chung thủy cuối cùng tan vào từng ngọn gió nồm thưa thớt thổi qua đồng bãi trắng xóa từng nỗi niềm hoài vọng khôn khuây!

NGUYỄN NHÃ TIÊN

Những sa mạc tuyệt đẹp trên thế giới

Dù là nơi cằn cỗi, nhưng nhiều sa mạc sở hữu cảnh quan tuyệt đẹp trên thế giới.

Hoang mạc Mojave, người địa phương thường gọi là High Desert (có nghĩa là Hoang mạc trên cao), chiếm một phần lớn vùng đông nam California và những phần nhỏ hơn của trung California, nam Nevada, và tây bắc Arizona ở Mỹ. Hoang mạc được đặt theo tên của bộ lạc Mohave, một bộ lạc người bản thổ Mỹ và trải rộng trên diện tích 64.749km2.

Sahara là sa mạc lớn nhất thế giới. Diện tích thực tế của sa mạc Sahara liên tục thay đổi. Sa mạc bao phủ hầu hết phía bắc châu Phi.

Sa mạc Black Rock ở Nevada nổi tiếng với việc tổ chức lễ hội nghệ thuật trình diễn Burning Man.

Sa mạc Thar nằm ở Ấn Độ và Pakistan. Là sa mạc lớn nhất Ấn Độ, lớn thứ ba châu Á và thứ bảy thế giới với diện tích hơn 200.000km2, sa mạc Thar có những cồn cát cao tới hơn 150m với niên đại hơn 1,8 triệu năm.

Chihuahuan sa mạc là sa mạc lớn nhất ở Bắc Mỹ. nơi đây nhận được nhiều mưa hơn và mùa đông lạnh hơn so với các sa mạc Bắc Mỹ khác.

Sa mạc Namib là một trong những sa mạc lâu đời nhất thế giới. Nơi đây nổi tiếng với những cồn cát đỏ, trải dài gần 2000km dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi.

Sa mạc băng ở Nam Cực là nơi nhận được ít hơn 25cm mưa mỗi năm.

Sa mạc Gobi ở Trung Quốc và Mông Cổ chứa các khối đá đầy màu sắc, cũng như hóa thạch khủng long lớn nhất thế giới. Trong tiếng Mông Cổ, Gobi có nghĩa là "nơi không có nước".

Sa mạc Negev của Israel với tàn tích của các thành phố cổ nằm rải rác.

Sa mạc Great Basin nằm giữa dãy núi Sierra Nevada và Wasatch. Sa mạc được biết đến với những cây thông bristlecone - cây lâu đời nhất trên thế giới.

Sa mạc Ả Rập là sa mạc lớn nhất ở châu Á và là sa mạc lớn thứ hai trên hành tinh.

Sa mạc Sonoran có đời sống thực vật đa dạng nhất trong tất cả các sa mạc Bắc Mỹ. Một số loài, như xương rồng saguaro, chỉ có thể được tìm thấy ở Sonoran. Sa mạc trải rộng ở Arizona, đông nam California, và một phần của Mexico.

Sa mạc Atacama ở Chile là nơi khô nhất trên Trái đất. Một số nơi của sa mạc chưa bao giờ nhận được lượng mưa nào. Mặc dù điều kiện khắc nghiệt, sa mạc vẫn có khoảng 550 loài thực vật.

Sa mạc Kalahari là vùng đất trải rộng 900.000 km vuông, trải dài trên lãnh thổ của các nước Botswana, Namibia và Nam Phi. Kalahari là nơi sinh sống của rất nhiều động vật hoang dã./.

Phương Anh/VOV.VN

Theo Insider

Bàn thêm về nguồn gốc chữ Quốc ngữ

Được coi là đại diện cho ngôn ngữ, chữ viết in đậm dấu vết chặng đường một dân tộc đã đi qua. Vì thế cần nghiên cứu lịch sử các loại chữ viết dân tộc ta từng sử dụng trong hơn 2000 năm qua. Đó là chữ Nho, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Bài này sẽ bàn về nguồn gốc và mối tương quan của ba loại chữ viết đó.

Vào khoảng thế kỷ II trước CN, khi phong kiến Trung Quốc chiếm nước ta và bắt dân ta học chữ Hán, tổ tiên ta đã học theo cách đọc chữ bằng tiếng Việt mà không đọc bằng tiếng Hán, và gọi chữ Hán đã Việt hóa phần ngữ âm là chữ Nho. Mỗi chữ Nho ứng với một âm Hán - Việt. Như vậy, người Việt chỉ học chữ mà không học tiếng Hán, nhờ thế học chữ Hán dễ hơn và có chữ để dùng.

Nhờ có chữ viết, dân tộc ta thoát khỏi thời tiền sử lạc hậu, tiến sang thời đại văn minh có chữ để ghi lại lịch sử. Việc dùng chữ Hán mà không nói tiếng Hán còn giúp dân ta một mặt vẫn đạt yêu cầu học chữ của kẻ cai trị, mặt khác lại giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ, qua đó tránh được thảm họa ngôn ngữ bị Hán hóa, dân tộc bị Trung Quốc hóa sau nghìn năm Bắc thuộc. Rõ ràng, chữ Nho là một sáng tạo ngôn ngữ xuất sắc của người Việt.

Chữ Hán chủ yếu là loại chữ biểu ý (chữ ghi ý, ideograph), tương tự những chữ tượng hình vẽ con vật hoặc chữ số 1, 2, 3… , các dân tộc đều hiểu ý nghĩa của các ký hiệu biểu ý ấy nhưng đọc bằng tiếng của họ. Tổ tiên ta đã lợi dụng tính chất đó để đọc chữ Hán bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Nhưng vì là chữ Hán mượn về nên chữ Nho vẫn là chữ biểu ý và không ghi được hệ ngữ âm của tiếng Việt. Trên thực tế chữ Nho không ghi được được ngôn ngữ của tầng lớp bình dân, chỉ một số ít người trong giới quan lại và giới tinh hoa biết dùng, và chỉ dùng để viết (bút đàm), không dùng để nói.

Để sửa nhược điểm ấy, vào khoảng từ thế kỷ XII, tổ tiên ta đã dùng các ký tự vuông gốc chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, qua đó làm ra chữ Nôm. Đây là bước thử nghiệm tiến tới tạo một loại chữ biểu âm (chữ ghi âm, phonograph) ghi được tất cả các âm tiếng Việt.


Sau mấy thế kỷ phát triển và hoàn thiện, chữ Nôm đã đạt mức ghi được hầu như gần hết âm tiếng Việt đã dùng. Có thể thấy điều đó từ các tác phẩm chữ Nôm như Truyện Kiều.

Chữ Nôm được xây dựng trên cơ sở chữ Hán đọc theo âm Hán-Việt, kết hợp cả hai yếu tố biểu ý và biểu âm. Ban đầu chữ Nôm mượn dạng chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, dần dần ghép hai chữ Hán để tạo ra một chữ mới, một phần gợi âm, một phần gợi ý, được dùng ngày càng nhiều và có hệ thống hơn. Tương tự chữ Hán, mỗi chữ Nôm thể hiện một âm tiết. Vì tiếng Việt giàu âm tiết nên có rất nhiều chữ Nôm. “Từ điển Chữ Nôm dẫn giải” của GS Nguyễn Quang Hồng sưu tầm 9.450 chữ Nôm trong đó có gần 3.000 chữ Nôm tự tạo, ghi 14.519 âm tiết tiếng Việt.

Chữ Nôm từng có thời được gọi là “Quốc ngữ” hoặc “Quốc âm”, tức chữ của “tiếng nói nước ta”. Tuy không phải là chữ Hán nhưng do cấu tạo trên nền tảng chữ Hán nên chữ Nôm phụ thuộc vào chữ Hán, khó học (biết chữ Nho mới học được chữ Nôm), khó phổ cập, lại chưa được đông đảo giới trí thức và chính quyền phong kiến nước ta thừa nhận. Vì vậy việc phát triển và hoàn thiện chữ Nôm gặp nhiều khó khăn. Tuy thế, văn thơ chữ Nôm, tức văn thơ tiếng Việt, do nói lên được tiếng nói và nỗi lòng của người bình dân nên đã tỏ ra trội hơn hẳn văn thơ chữ Nho, từng làm nên nền văn học chữ Nôm tỏa sáng rực rỡ với những tác phẩm tiếng Việt của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV), Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ XVI), Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương (thế kỷ XVIII-XIX) v.v…

Sau mấy thế kỷ phát triển và hoàn thiện, chữ Nôm đã đạt mức ghi được hầu như gần hết âm tiếng Việt đã dùng. Có thể thấy điều đó từ các tác phẩm chữ Nôm như Truyện Kiều… và bản dịch chữ Nôm các tác phẩm chữ Hán như Truyền kỳ mạn lục, Chinh phụ ngâm khúc, v.v.. Trong 200 năm sau khi chữ Quốc ngữ đã ra đời nhưng chưa được sử dụng, các linh mục Công giáo đều dùng chữ Nôm để viết tài liệu giảng đạo.

Dù sao, vì các ký tự vuông trong chữ Nôm không phải là chữ cái có thể ghép vần cho nên mức độ ghi âm tiếng Việt còn kém chính xác, nhiều chữ phải đoán âm đọc.

Thế kỷ XVII, các giáo sĩ Dòng Tên Francisco de Pina, Antonio Barbosa, Gaspar do Amaral, António de Fontes, Alexandre de Rhodes v.v… đến nước ta truyền giáo. Dòng Tên mang tên Chúa Jesus cao cả, chỉ tuyển người có học vị tiến sĩ1, yêu cầu nhà truyền giáo phải thông thạo ngôn ngữ và tuân theo phong tục tập quán của dân bản xứ.

Như đã biết, cha Francisco de Pina đến Việt Nam năm 1617, chỉ ba năm sau đã cùng các giáo sĩ khác biên soạn tài liệu giáo lý bằng chữ Nôm. Giáo sĩ Girolamo Maiorica trong khoảng 1632-1656, đã viết 45 tác phẩm lớn nhỏ bằng chữ Nôm, nổi tiếng nhất là cuốnCác Thánh Truyệnviết năm 16462. Kho lưu trữ thư tịch chữ Nôm hiện còn giữ được nhiều tài liệu của các giáo sĩ Gaspar d’ Amaral, Antoine Barbosa…

Vì đối tượng truyền giáo là nông dân, ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi nên dĩ nhiên các tài liệu giảng đạo chữ Nôm phải dùng từ ngữ của dân thường. Từ đây có thể suy ra hai điểm:

- Thứ nhất, chữ Nôm thời đó đã ghi được phần lớn các âm “thuần Việt” dân dã;

- Thứ hai, các vị giáo sĩ rất giỏi chữ Nôm ấy không thể không nhận thấy đây thực sự là loại chữ có yếu tố biểu âm ghi được hệ thống ngữ âm của tiếng Việt; nhưng chỉ vì dùng ký tự vuông của Hán ngữ nên ghi âm chưa thật chính xác, và khó học, khó phổ cập. Họ cũng hiểu rằng việc chữ Nôm đã tồn tại 500 năm và từng làm nên những tuyệt tác văn thơ chứng tỏ tiếng Việt thích hợp với chữ biểu âm. Ngày nay, ngôn ngữ học hiện đại cho biết tiếng Việt và tiếng Hán tuy đều là ngôn ngữ đơn âm tiết nhưng chỉ tiếng Việt do giàu âm tiết nên mới thích hợp với chữ biểu âm.3

Với nhận thức như vậy, các giáo sĩ-bậc thầy ngôn ngữ học kể trên dĩ nhiên đã nảy ra ý tưởng dùng chữ cái La tinh để phiên âm chữ Nôm, biến thứ chữ có yếu tố biểu âm Hán hóa ấy thành thứ chữ biểu âm La tinh hóa dễ học dễ dùng cho việc truyền giáo của họ.

CÁC GIÁO SĨ DÒNG TÊN ĐÃ PHIÊN ÂM VÀ BIẾN ĐỔI CHỮ NÔM THÀNH MỘT THỨ CHỮ BIỂU ÂM LA TINH HÓA VỀ SAU GỌI LÀ CHỮ QUỐC NGỮ. NHƯ VẬY CHỮ QUỐC NGỮ CHÍNH LÀ CHỮ NÔM ĐƯỢC LA TINH HÓA VÀ HIỆN ĐẠI HÓA.

Rõ ràng, phiên âm một thứ tiếng đã có chữ viết ghi lại âm của tiếng đó thì đơn giản nhiều so với việc phiên âm một thứ tiếng chưa có chữ viết - ở thời xưa, đó là một công trình lao động sáng tạo cực kỳ phức tạp, cần nhiều người làm trong hàng trăm năm.

Thực tế cho thấy, các giáo sĩ kể trên dù ít người và làm việc phân tán nhưng đã tạo ra chữ Quốc ngữ trong thời gian ngắn kỷ lục: từ năm 1617 đến 1649.4 Họ đã nhanh chóng tìm ra các chữ cái La tinh phù hợp thay cho các ký tự vuông ghi âm tiếng Việt trong chữ Nôm. Năm 1617 Francisco de Pina đến Đàng Trong, năm 1619 đã viết xong một bản từ vựng tiếng Việt bằng chữ La tinh. Năm 1631 Gaspar d’ Amaral đến Đàng Ngoài, năm sau đã ghi âm rất tốt tiếng Việt, đến năm 1634 đã làm xong một cuốn từ vựng tiếng Việt. Trong mấy cuộc gặp tại Macao (1630-1631), các giáo sĩ đã xác định được 6 thanh điệu và tính đơn âm tiết của tiếng Việt. Năm 1649 Rhodes rời Việt Nam mang theo bản thảo Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum). Năm 1651 Từ điển này được in và xuất bản tại Roma, đánh dấu chữ Quốc ngữ Việt Nam chính thức ra đời.

Trong mấy chục năm làm chữ Quốc ngữ, các giáo sĩ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, chủ yếu do hệ thống ngữ âm của tiếng Việt cực kỳ phong phú và mới lạ. Vấn đề phức tạp nhất là phải sáng tạo ra hệ thống ký hiệu thể hiện được các thanh điệu sắc, huyền, hỏi. ngã, nặng, và các con chữ thể hiện được các ngữ âm không có trong bộ chữ La tinh như ă, â, ê, ơ, ô, ư, đ. Bộ ký hiệu và con chữ ấy làm nên cái gọi là “giày và mũ” trong nhận xét của một học giả nổi tiếng Trung Quốc: “Chữ viết của Việt Nam sau khi phiên âm hóa, đầu đội mũ, chân đi giày, rất nực cười.”5. Thực ra “mũ, giày” ấy là những sáng tạo hợp lý tới mức người Việt xưa nay đều không chấp nhận bất cứ thứ chữ Quốc ngữ nào không có các ký hiệu và con chữ đó. Ngoài ra các giáo sĩ thông thái ấy đã hiệu chỉnh các âm tiếng Việt mà chữ Nôm chưa ghi được chính xác, và hiện đại hóa phần ngữ pháp của chữ viết, như áp dụng các dấu ngắt câu, ngắt đoạn, viết hoa v.v…

Các nhà nghiên cứu ở Viện Hán Nôm sưu tập tư liệu chữ Hán, Nôm trong các thư khố của Pháp. Ảnh: Fb Nguyễn Tuấn Cường.

Chữ Quốc ngữ có hình dạng khác xa chữ Nôm, nhưng về bản chất, cả hai đều là các hệ chữ viết ghi âm tiếng Việt; chữ Quốc ngữ trong Từ điển Việt-Bồ-La thể hiện rất rõ mối tương quan với cấu tạo chữ Nôm 6.

Cuối cùng, các giáo sĩ Dòng Tên kể trên đã phiên âm và biến đổi chữ Nôm thành một thứ chữ biểu âm La tinh hóa về sau gọi là chữ Quốc ngữ. Như vậy chữ Quốc ngữ chính là chữ Nôm được La tinh hóa và hiện đại hóa.

Giả sử thời ấy chưa có chữ Nôm, chỉ có chữ Nho, thì việc làm chữ của các giáo sĩ sẽ vô cùng khó khăn vì chữ Nho vốn là chữ Hán. Thực tiễn cải cách chữ viết ở Trung Quốc đã chứng tỏ không thể dùng bất cứ bộ chữ cái nào để phiên âm chữ Hán thành chữ biểu âm.

Năm 1582 giáo sĩ Dòng Tên người Ý Matteo Ricci đến Trung Quốc truyền giáo. Ông rất giỏi Hán ngữ, đã dành nhiều năm nghiên cứu cách phiên âm chữ Hán. Năm 1605 Ricci đưa ra phương án phiên âm chữ Hán bằng chữ cái La tinh, nhưng phương án này chỉ giúp người Âu học chữ Hán dễ hơn, chứ chưa phải là một loại chữ viết mới. Về sau, giới trí thức Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu theo phương hướng của Ricci nhằm mục tiêu tạo ra một thứ chữ biểu âm có thể thay thế chữ Hán mà họ muốn loại bỏ. Nhưng mọi cố gắng ấy đều bất thành. Năm 1958 Ủy ban Cải cách chữ viết Trung Quốc làm ra Phương án phiên âm (Pinyin) Hán ngữ dùng chữ cái La tinh, nhưng chỉ có tác dụng phụ trợ là ghi chú âm cho chữ Hán, không phải là một loại chữ viết. Từ đầu năm 1986 Nhà nước Trung Quốc không còn nhắc tới mục tiêu tạo ra loại chữ biểu âm thay cho chữ Hán.

Tóm lại, việc dùng chữ cái La tinh phiên âm chữ Nôm đã thành công ngay từ đầu thế kỷ XVII trong khi mọi cố gắng phiên âm chữ Hán cho tới nay vẫn chưa có kết quả. Vì sao vậy? Vì chữ Nôm có yếu tố biểu âm, chữ Hán không có yếu tố ấy. Nói cách khác, không có chữ Nôm thì các giáo sĩ đáng kính nói trên sẽ không làm được chữ Quốc ngữ. Đến đây có thể kết luận: Bằng việc sáng tạo chữ Nôm, tổ tiên ta đã góp phần quan trọng dẫn đến sự hình thành chữ Quốc ngữ.

***

Đã hơn trăm năm nay nước ta chính thức sử dụng chữ Quốc ngữ, thứ chữ viết được các nhà trí thức tiên tiến đầu thế kỷ XX ca ngợi là Hồn của đất nước, công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt. Lẽ tự nhiên, dân tộc Việt Nam giàu truyền thống nhân văn uống nước nhớ nguồn không bao giờ quên công lao của những người đã góp phần làm ra loại chữ viết kỳ diệu ấy. Đáng tiếc là cho tới nay công luận trong nước vẫn chưa nhất trí chọn được các nhân vật tiêu biểu cần vinh danh, và cơ quan công quyền có trách nhiệm thay mặt dân giải quyết vấn đề này dường như cũng chưa tỏ thái độ rõ ràng. Đây không phải là công việc quá khó. Để tình trạng trên kéo dài sẽ không có lợi cho hình ảnh một dân tộc văn minh. Vấn đề này đã đến lúc cần bàn thảo rộng rãi và chính quyền cần sớm có kết luận cùng hành động tri ân.

Thời thuộc Pháp, có thể vì để đề cao “mẫu quốc” mà các sách giáo khoa ở ta đều quy công trạng làm ra chữ Quốc ngữ cho giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes. Quan điểm ấy trở thành chính thống trong một thời gian dài. Gần đây dư luận yêu cầu ghi công các giáo sĩ không phải người Pháp như Francisco de Pina, Antonio Barbosa, Gaspar d’Amaral, António de Fontes… và đóng góp của cộng đồng giáo dân miền Nam nước ta từng giúp các nhà truyền giáo học tiếng Việt, và đóng vai trò “thẩm định” trong quá trình thí điểm sử dụng chữ Quốc ngữ. Sự thay đổi quan điểm như vậy là hợp tình hợp lý.

Chúng tôi cho rằng dù thế nào cũng phải mãi mãi tôn vinh công trạng làm ra chữ Nôm của tổ tiên ta, một sáng tạo ngôn ngữ góp phần quyết định sự hình thành chữ Quốc ngữ–– thành quả kết hợp trí tuệ của nền văn minh Việt với nền văn minh Ki Tô giáo. □

Tiếng nói của các dân tộc ở gần nhau thường ảnh hưởng lẫn nhau. Trong bốn nước từng sử dụng chữ Hán, tiếng Việt và tiếng Hán cùng là ngôn ngữ đơn âm tiết (còn gọi đơn lập, monosyllabic) cho nên tiếng Việt rất dễ chịu ảnh hưởng của tiếng Hán, dễ bị Hán hóa khi phong kiến Trung Quốc chiếm đóng nước ta hơn 10 thế kỷ. Tiếng Nhật và tiếng Triều Tiên thuộc loại ngôn ngữ chắp dính nên không dễ bị Hán hóa. Thế nhưng Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc vẫn giữ được “Tiếng ta còn, nước ta còn”.



Ghi chú:

[1]https://tuoitre.vn/chu-quoc-ngu-nhung-nguoi-dau-tien-khai-sang-20191206213804476.htm

[2]https://vi.wikipedia.org/wiki/Girolamo_Maiorica . Lã Minh Hằng: “Đôi nét về thư tịch Hán Nôm Công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm”

[3]Nguyễn Hải Hoành: “Một vài tìm tòi về ngôn ngữ”. TC Tia Sáng số 11 (5/6/2020)

[4]Phạm Thị Kiều Ly: “Lịch sử chữQuốc ngữ từ 1615 đến 1861: Quá trình La-tinh hóa tiếng Việt trong trào lưu ngữ học truyền giáo”. TC Tia Sáng số (2019).

[5]Nguyễn Hải Hoành: “Sao lại nói chữ Quốc ngữ Việt Nam rất nực cười?”

[6]Nguyễn Ngọc Quân: “Chữ Quốc ngữ trong Từ điển Việt-Bồ-La trong tương quan với cấu tạo chữ Nôm đương thời”.

Theo Tiasang

Đứng lại cho tao đá đã

Đứng lại cho tao đá đã

Bà mẹ dặn con trai mới dạm vợ: "Sang nhà bên ấy, thấy bố vợ làm gì thì phải làm theo nghe con!".

- Vâng! Con nhớ rồi!

Ðến nơi, thấy bố vợ đang ngồi bắt chéo chân uống trà, anh ta liền đến kéo ghế, ngồi bắt chéo chân bên cạnh, rót nước uống tự nhiên. Ông bố vợ nổi giận, vừa lúc thấy con chó đến gần, ông ta giơ chân đá nó một cái. Con chó kêu ẳng một tiếng rồi chạy đi. Chàng rể vội kêu lên:

- Ðứng lại cho tao đá, rồi hãy chạy!


Học sinh hết hồn với cách vào đề bá đạo của thầy giáo

Thầy giáo bước vào lớp, liền rút dép ném mạnh về phía bóng đèn.

'Choang...' bóng đèn vỡ tan. Lớp tối om. Học sinh sợ xanh mặt. Thầy nghiêm giọng hỏi:

- Các em thấy thế nào?

Học sinh rụt rè:

- Thưa thầy, tối lắm ạ!

Thầy mỉm cười:

- Tối lắm hả? Vậy hôm nay chúng ta học về tác phẩm 'Tắt đèn' của Ngô Tất Tố.

- !!!


Khi giáo sư tiếng Anh nuôi vẹt

Một giáo sư về ngôn ngữ Anh đến phàn nàn với chủ cửa hàng thú nuôi ở London.

- Con vẹt mà ông bán cho tôi hồi tuần trước nói năng bậy bạ quá!

Ông chủ cửa hàng kinh ngạc:

- Sao lại vậy? Tôi thề là chưa bao giờ dạy con vẹt đó nói tục cả. 

Vị giáo sư lắc đầu:

- Ý tôi không phải vậy! Chỉ là tôi thấy nó phát âm quá tệ và nói chuyện thì chẳng bao giờ dùng đúng thì cả.

- !?!

Nguon:vtc.vn

Giấc mơ chim sẻ

Nhà bà Chiên ở sát cánh đồng. Bà sống một mình trong căn nhà ngói ba gian cũ kỹ đã hơn ba mươi năm nay. Cuộc sống cứ thế đều đặn trôi và bà thì ngày một già đi. Thật buồn tẻ cho bà nếu như không có đàn chim sẻ lúc nào cũng bay lượn quanh nhà. Chúng như những vật nuôi của bà, nhưng không bao giờ bị bắt giết thịt hay bán cho ai. Cũng từng ấy năm, càng ngày đàn chim sẻ càng sinh sôi, nảy nở đông thêm. Điều đó cũng làm cho bà Chiên thêm vui. Lũ chim sẻ đã trở thành những người bạn thân thiết, đến nỗi bà đã từng nghĩ nếu một ngày nào đó chúng bay đi nơi khác thì bà cũng buồn mà chết

Minh họa của Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái)

Ngôi nhà nằm đơn lẻ một mình cách xa làng xóm và bị ngăn cách bởi một cái đầm lớn, vì thế mà cảnh nhà luôn quạnh quẽ. Mối liên hệ với làng chỉ là những dịp chợ phiên, hay đi cỗ bàn mà thôi. Thi thoảng có người làm đồng ghé vào xin hớp nước, la cà vài ba câu chuyện với bà. Đêm, những âm thanh từ làng vọng ra là những tiếng chó sủa, những tiếng gà gáy sang canh. Ngoài vườn lũ đom đóm lập lòe, tiếng dế kêu càng làm cho bà cảm giác cô đơn. Nhưng mãi cũng thành quen, sau những tiếng thở dài được nén lại thì bà vẫn phải sống, phải thích nghi. Và đương nhiên, trong cảnh ấy, lũ chim sẻ sống ở đây như một món quà quý giá của bà. Còn một lý do nữa từ sâu thẳm trong lòng, khiến bà yêu thương gần gũi lũ chim như thế, điều này chỉ mình bà biết. Đó là điều bí mật khiến bà thấy được an ủi, để bà vin vào mà sống những bấy nhiêu năm.

*  *  *

Thời con gái, Chiên là một cô gái đẹp. Chiên đã đi vào giấc mơ của những trai làng hằng đêm. Thế rồi cô cũng nên duyên cùng một người con trai, cả hai đều rất yêu thương nhau. Đôi vợ chồng trẻ và cả gia đình ngày ngày trông ngóng một đứa trẻ con chào đời. Nhưng một năm, hai năm, ba năm… cái bụng của Chiên không thấy phồng to lên. Bà mẹ chồng mới đầu còn nhỏ to bóng gió, sau đó là những lời thở than, chì chiết. Bà lo lắng bởi vì chồng Chiên là con trai độc nhất, nếu không có con thì sẽ tuyệt tự từ đây. Anh chồng ban đầu cũng còn bênh vợ và trấn an mẹ, sau anh ta cũng nản và lạnh nhạt dần. Chiên vẫn hy vọng, vẫn chạy chữa thuốc men và đêm đêm cầu mong trời phật rủ lòng thương. Đợi mãi, đợi mãi, đã sáu năm ròng Chiên nhẫn nhịn và hy vọng, nhưng sức chịu đựng của con người cũng có hạn. Chiên chủ động xin phép về nhà mẹ đẻ để cho chồng tìm vợ mới. Ngày khăn gói về nhà mẹ đẻ, lòng Chiên quặn thắt, hai mẹ con ôm nhau khóc như mưa. Những giọt buồn tủi chảy ra không lấp nổi những tiếng xì xào của những người ác ý, lời than vãn không thể làm thay đổi được số phận. Chiên nương vào mẹ để sống, khuôn mặt đượm buồn.

Chiên xin được một đứa con nuôi, thằng bé rất kháu khỉnh dễ thương. Thêm thằng bé, căn nhà của hai mẹ con Chiên rộn ràng hẳn lên. Thằng bé càng lớn càng tỏ ra thông minh và ngoan ngoãn. Nó thích nuôi chim, một cái lồng chim nho nhỏ, trong ấy nuôi hai con chim sẻ nâu, nó rất quý đôi chim này. Hễ đi đâu thì thôi, chứ về nhà là nó lại hí húi bên chiếc lồng chim, lấy thóc, thay nước cho đôi chim. Ban đêm, lúc đi ngủ nó phủ cái áo kín chiếc lồng rồi treo nơi cuối giường, vì sợ mèo bắt mất chim. Rồi một nỗi đau ập đến với Chiên, thằng con trai đi thả bò tắm sông bị dòng nước cuốn đi mất xác. Năm ấy thằng bé đã lên mười tuổi. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì mẹ già cũng bỏ Chiên đi. Đôi chim của thằng bé vẫn nhảy nhót trong lồng. Chiên thả đôi chim sẻ ra với cuộc sống tự do. Có đôi chim chỉ khiến Chiên nhớ tới đứa con đã mất, càng làm nỗi đau thêm nhức nhối. Nhưng đôi chim không bay đi, chúng cứ quanh quẩn quanh ngôi nhà này. Đó là đôi chim trống mái, con trống lưng có màu nâu đỏ, con mái thì lông nhạt hơn và có những vệt vằn vèo. Chúng làm tổ ngay đầu hồi nhà, trong ống tre của cây đòn tay. Năm này qua năm khác, nhiều tổ chim như thế được xây trên đầu hồi nhà và đàn chim ngày càng một đông thêm.

*  *  *

Bà Chiên đứng ngắm đàn chim, chúng đồng loạt bay lên tạo nên âm thanh vù vù đến là vui tai. Tiếng kêu chanh chách của chúng như những lời trò chuyện làm vơi đi nỗi cô đơn của bà. Bà tưởng như là linh hồn đứa con xấu số bám víu vào những con chim về đây thăm mẹ. Bởi thế bà coi lũ chim như con và chăm sóc chúng với những cử chỉ đầy yêu thương. Bà Chiên thường vãi thóc ra sân cho lũ chim ăn, chúng bay xuống gần kín mảnh sân nhỏ. Những chấm nâu nhảy nhót  nhịp nhàng trên khoảng sân rêu mốc làm lòng bà Chiên rưng rưng. Hình ảnh thằng con trai năm nào lại hiện về với tiếng cười vang vọng trong đầu bà. Bà đưa tay ra đón con, thằng bé lao vào lòng rồi dụi dụi đầu vào ngực mẹ. Tóc nó khét nắng, chua chua mùi mồ hôi quen thuộc làm nước mắt bà chảy ra, rớt xuống bàn tay già nua tự lúc nào.

- Đứa con bé bỏng của mẹ! Con đừng đi nữa nhé, sao con mải chơi thế, bỏ mẹ một mình!

- Thì đàn chim sẻ sẽ bên mẹ, mẹ đừng buồn nhé. Con không thể…

Mắt bà Chiên nhòe đi, bà vuốt ve đứa con một cách đầy âu yếm. Bỗng chốc thằng bé nhẹ bẫng trong vòng tay bà. Hoảng hốt, bà kêu lên thất thanh. Không có ai ngoài bà và đàn chim sẻ. Vài chú chim nghe tiếng kêu bất ngờ khác lạ của bà, bay vót lên đậu trên dây phơi trước sân rồi lại đáp xuống, thản nhiên nhặt thóc. Bà Chiên sực tỉnh, mặt buồn rười rượi, lủi thủi bước vào nhà.

*  *  *

Bái là một tay săn chim chuyên nghiệp. Thực ra hắn cũng chỉ mới làm nghề này vài năm nay. Ban đầu hắn coi đây là nghề tay trái, nhưng dần dà thấy kiếm ăn được nên hắn thường xuyên đi bẫy chim, mà chỉ chuyên bẫy chim sẻ. Bây giờ các quán nhậu nổi lên san sát nên việc tiêu thụ cũng cực kỳ dễ dàng nhanh chóng. Trong các quán bia, món chim sẻ quay là một trong những món khoái khẩu, những đĩa chim sẻ vàng ươm luôn luôn rất ngốn bia. Họ còn kháo nhau, chim sẻ là món ăn bổ dương, thế nên các quý ông lại càng thêm phần ưa chuộng.

Bái tình cờ đi qua cánh đồng này và thấy chim sẻ nhiều quá. Kinh nghiệm nghề nghiệp khiến hắn mò đến ngay cạnh nhà bà Chiên. Hắn để ý thấy lũ chim tập trung đông nhất ở khu vườn có ngôi nhà ngói ba gian nằm trơ trọi bên rìa đồng. Thế là hắn dừng xe máy, đứng nép sau bụi cây chó đẻ để quan sát. Bái thật bất ngờ khi thấy một đàn chim sẻ đáp xuống sân, ngay dưới chân một bà lão. Hắn đoán thầm, chắc bà này cũng trên dưới bảy mươi gì đấy. Thoáng nghĩ thế nhưng cái mà hắn quan tâm là lũ chim sẻ đang vây quanh bà lão kia. Hắn có cảm giác lũ chim như là một đàn bồ câu, hay thậm chí là một đàn gà, là vật nuôi trong nhà bà lão, chứ hoàn toàn không phải là một đàn chim sẻ. Thì rõ ràng bà ấy đang bưng một rổ thóc quãi ra cho lũ sẻ ăn đấy thôi. Ơ, lạ nhỉ! Hắn ngẩn người suy nghĩ một lúc lâu rồi mới sực tỉnh, nhớ ra là mình cần phải làm cách nào để bẫy được đàn chim sẻ đông đến vài trăm con kia. Mà thật chưa bao giờ hắn rơi vào tình huống lạ kỳ khó hiểu như thế này. Lũ chim ăn xong rồi bay lên nóc nhà đậu thành hàng trên mái ngói, số khác thì đậu kín những cành xoan nơi góc sân.

Hắn bắt đầu giở đồ nghề ra: Một tấm lưới cùng với bộ khung là cái bẫy tháo lắp rất linh hoạt, một cái loa có cắm USB dùng để phát ra tiếng chim sẻ kêu. Hắn bắt đầu lắp bẫy trên bãi cỏ trước nhà bà lão, rải một ít thóc, gạo vào đó. Sau khi bật loa, ròng sợi dây nối liền với lẫy của bẫy đến bụi cây ẩn nấp, hắn yên tâm ngồi chờ đợi.

Âm thanh tiếng chim sẻ phát ra từ chiếc loa lọt vào tai bà Chiên, bà giật mình chạy ra trước hiên nghiêng tai nghe ngóng. Âm thanh giả kia không thể đánh lừa được bà. Bao nhiêu năm làm bạn với lũ chim sẻ khiến bà đã quen lắm với những tiếng kêu. Đây đích thị là tiếng thu âm, xen lẫn tiếng chim còn có cả vài tạp âm nữa thêm vào. Bà bước ra bãi cỏ nơi có âm thanh phát ra kia. Bà Chiên nhận ra ngay những vật lạ. Lâu nay bà đã nghe về những kẻ bẫy chim sẻ và bà giật mình, lia mắt về phía bụi rậm nơi có người đang ẩn nấp.

- Mời anh ra ngay đây - Câu nói của bà Chiên rõ ràng, rành rọt từng tiếng.

Bái ngồi trong bụi cây đang không biết phải làm sao thì giọng bà Chiên lại vang lên:

- Ai cho anh bẫy chim ở đây?

Nghe thấy câu hỏi vô lý của bà lão, Bái lao bổ ra, mặt hắn hầm hầm:

- Thế tôi hỏi bà, bà có quyền gì mà cấm tôi?

- Tôi thấy là anh đang định bẫy đàn chim trong vườn nhà tôi. Lũ chim ấy là bạn của tôi, tôi đã nuôi và có nhiệm vụ bảo vệ chúng.

- Vô lý. Chim trời, cá nước, không ai cấm nổi tôi.

Bà Chiên rất tức tối trước những câu nói và thái độ hùng hổ của kẻ lạ mặt. Nói cứng thế, nhưng bà thì đang rất lo lắng cho đàn chim. Làm sao có thể suốt ngày ở nhà canh giữ chúng được, cũng phải đi chỗ này chỗ kia chứ. Nhưng cần kiên quyết chứ không thể để thế này, như vậy kẻ lạ mặt kia sẽ hại lũ chim. Bà lão xăm xăm bước vào nhà, khi quay lại trên tay lăm lăm con dao, bà quát:

- Tôi sẽ băm nát cái lưới kia cho anh xem.

Bái cuống quýt thu tấm lưới lại. Hắn biết dù có sức lực bằng mười bà lão nhưng cứ bị quấy rối thế này thì cả năm cũng chả bẫy nổi một con, huống hồ là cả đàn chim. Hắn cun cút gom đồ ra xe máy và định bụng sẽ còn quay lại chờ cơ hội. Cứ tính nhẩm nếu bẫy được đàn chim này thì hắn cũng có ngót nghét triệu bạc thì dễ gì mà bỏ cuộc. Với lại bà già này đúng là dở hơi, có vấn đề rồi, chim trời mà cấm người ta bẫy thì vô lý thật.

Từ hôm ấy, Bái đi bẫy chim ở nơi khác nhưng vẫn dành nhiều thời gian rình mò gần nhà bà Chiên. Hắn sốt ruột vì bà lão cứ quanh quẩn ở nhà, lũ chim thì cứ bay lượn quanh khu vườn như khiêu khích, như mời gọi hắn. Thế rồi cơ hội cũng đến, cửa nhà bà lão khóa trái, đích thị phải đi đâu xa thì mới khóa thế. Trong lòng hắn rộn lên niềm vui sướng và cả sự hồi hộp, chưa bao giờ hắn bẫy một đàn chim mà lại hồi hộp đến thế. Hắn luýnh quýnh lấy đồ nghề, trống ngực nện thình thịch như một kẻ đi trộm lần đầu. Bố trí bẫy mà đôi mắt hắn không ngừng liếc ngang liếc dọc, hắn hoảng hốt khi nghĩ đến cảnh bà lão lù lù trở về. Cuối cùng công việc cũng xong, hắn lui vào phía bụi cây, tay cầm sợi dây sẵn sàng giật.

Bái không phải chờ lâu, đàn chim đã lượn xuống bãi cỏ, một nửa số chim đã vào nhặt thóc trong khu vực lưới, những con khác đang tiến dần vào cùng đồng bọn. Hơi thở của Bái hòa với tiếng tim đập trong lồng ngực hắn, hai thái dương căng lên tưng tức. Những con chim sẻ cuối cùng đã vào hết trong lưới, Bái giật mạnh sợi dây vẫn nắm chặt trong tay, hai mảng lưới cùng đổ sập hướng vào trong, cả đàn chim đã nằm gọn trong lưới. Bái tin là đã bắt trọn cả đàn không một con nào bay thoát, hắn nhảy cẫng lên hú lớn và chạy ra thu dọn mẻ lưới mà mình đã kỳ công mới có được.

Cả đàn chim sẻ đã bị Bái cho vào một cái túi lưới, miệng túi đã buộc chặt, lũ chim kêu lên những tiếng hoảng hốt, bay lạch phạch. Bái nâng túi chim lên ngang mặt ngắm ngía, hắn cười hô hố và mang túi đó buộc vào xe. Bóng Bái và chiếc xe vút đi trên con đường đồng ngoằn ngoèo, bỏ lại phía sau đám bụi bay lên mù mịt.

*   *   *

Bà Chiên về nhà sau đợt điều trị mổ ruột thừa. Những ngày xa nhà không lúc nào bà không lo lắng cho đàn chim sẻ. Bà linh cảm thấy điều chẳng lành đã xảy ra với chúng, nhưng đang ở viện nên cũng chả biết làm thế nào. Đứa cháu họ đưa bà về tới sân là bà đã cảm thấy một sự lạ. Như mọi ngày là chúng đã nhảy nhót trên mái nhà hoặc kêu lách chách ngoài vườn, nhưng hôm nay im ắng quá. Lòng bà Chiên vừa lo lắng lại vừa như muốn khóc, mắt bà đảo một vòng và bà thất vọng. Thôi, thằng bẫy chim kia đã bắt hết lũ chim của bà rồi!

Buổi trưa, đang nằm trên giường bỗng nghe thấy một âm thanh quen thuộc, bà ngồi dậy nghe lại lần nữa. Đúng rồi, tiếng chim sẻ. Bà chạy ra thềm nhà, dưới sân một chú sẻ nâu đang nhảy nhót ở đó. Rồi bà thấy xuất hiện thêm một con nữa, thêm nữa, thêm nữa… có tất cả sáu chú chim sẻ đang nhảy nhót trước mắt bà. Thế là vẫn sót lại được sáu con. Bà khấp khởi bước vào nhà mang thóc ra cho chúng ăn. Lòng bà rộn nên một niềm vui mừng và sung sướng. Bà ngả lưng trên cái võng mắc trước thềm để được thấy lũ chim.

Gió đồng hiu hiu thổi, bà Chiên chìm dần vào giấc ngủ. Bà thấy ba đôi chim sẻ đang xây những chiếc tổ mới. Bà lại thấy những chú chim non với những cái miệng há to kêu choe chóe đòi ăn. Lũ chim bố mẹ bay đi bay về ríu rít trên đầu hồi nhà. Bà Chiên khẽ nhoẻn miệng cười, nụ cười mới hiền từ làm sao!




LÊ MINH HẢI

Những cánh đồng hoa đẹp nhất thế giới

Cùng chiêm ngưỡng vẻ lộng lẫy của những cánh đồng hoa đẹp nhất thế giới khi bước vào mùa nở rộ.

Furano, Hokkaido, Nhật Bản nổi tiếng với những cánh đồng hoa oải hương, cùng với đó là hoa lupin và hoa cải dầu. Cánh đồng hoa oải hương ở Furano bắt đầu nở rộ vào cuối tháng 6 và cao điểm vào giữa tháng 7 đến đầu tháng 8. Những bông hoa khác nở từ tháng 6 đến tháng 9.

Bên ngoài thị trấn Carmona của Tây Ban Nha, những cánh đồng hoa hướng dương trải rộng 5.000 ha. Những bông hoa hướng dương nở rộ từ tháng 5 đến tháng 7.

Rừng Hallerbos của Bỉ được gọi là " Green Forest" trải rộng 1.360 mẫu Anh. Khu rừng được đông đảo du khách yêu thích nhờ thảm thực vật xanh tím tuyệt đẹp, nở rộ vào khoảng giữa tháng 4.

Những cánh đồng hoa cải dầu ở Luoping, Trung Quốc nở rộ từ tháng 2 đến tháng 3 khiến nơi đây mang vẻ đẹp lộng lẫy như chốn thần tiên.

Hồ Tekapo, nằm trên hòn đảo phía nam của New Zealand, là một địa điểm nổi tiếng để ngắm hoa lupin. Những bông hoa thường nở vào giữa tháng 11 đến giữa tháng 1.

Cao nguyên Kaas ở Maharashtra, Ấn Độ có tới hơn 450 loại hoa trên 1.000 mẫu Anh. Hoa Balsam hồng, Smithia vàng và Utricularia xanh nở rộ vào tháng 9 và tháng 10. Nơi đây cũng được vinh danh là Di sản Thế giới của UNESCO

Công viên bờ biển Hitachi ở Ibaraki, Nhật Bản trồng tới 350 ha hoa. Hoa nemophila màu xanh nổi tiếng của công viên đang vào mùa từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5. Còn những bụi cây kokia màu xanh lá cây chuyển sang màu đỏ rực rỡ vào tháng 10.

Những cánh đồng tím biếc của hoa Bluebonnet ở miền Tây Texas của Mỹ nở rộ từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4.

Tuscany, Italy nổi tiếng với những cánh đồng hoa hướng dương tuyệt đẹp. Những bông hoa hướng dương nở rộ vào giữa tháng 6 đến đầu tháng 8.

Cánh đồng hoa oải hương nở rộ trên khắp Provence, Pháp. Hoa oải hương nở từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8.

Hơn 50 mẫu hoa Mao lương làm bừng sáng Cánh đồng hoa Carlsbad ở California, Mỹ. Mùa nở rộ cao điểm là giữa tháng 3 đến giữa tháng 4.

Trang trại hoa oải hương Mayfield ở Banstead, Anh, trải rộng 25 mẫu. Hoa oải hương bắt đầu nở rộ vào giữa tháng 6 và đạt đến mùa cao điểm vào tháng 7 và tháng 8.

Thung lũng Skagit ở Washington được trải thảm bằng hàng và hàng triệu bông hoa tulip đầy màu sắc. Thung lũng Skagit tổ chức Lễ hội hoa tulip hàng năm vào tháng 4. Mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới để ngắm nhìn những cánh đồng hoa tulip rực rỡ sắc màu.

Thung lũng Antelope thuộc khu bảo tồn Poppy gần Lancaster, California, Mỹ nổi tiếng với thảm hoa poppy màu cam rực rỡ.

Hơn 7 triệu bông hoa tulip đủ sắc màu nở từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5 ở Vườn Keukenhof, Lisse, Hà Lan, khiến nơi đây trông như chốn thần tiên.

Hoa Lupin nở khắp Iceland vào mùa hè, nhưng một trong những nơi đẹp nhất để ngắm nhìn chúng là Vestrahorn.

Hà Phương/VOV.VN

Theo Insider