Nhắc tới Hòn Chồng, hầu như ai cũng biết, nhưng Hòn Vợ thì chắc chắn rất ít người biết. Tới giờ này, nhiều người Nha Trang vẫn không biết Hòn Vợ ra sao, ở đâu trong quần thể danh thắng Hòn Chồng.
Trước hết, ta hãy giở cuốn “Xứ Trầm Hương” của nhà thơ Quách Tấn, nghe ông cùng các nhân sĩ nổi tiếng viết về danh thắng thiên nhiên này. Theo Quách Tấn: “Cảnh quan Hòn Chồng có hai khóm, khóm nằm ngoài biển là hòn đực (chồng), hòn nằm bên rìa khóm Cù Lao gọi là hòn cái (vợ). Cũng theo “Xứ Trầm Hương”, nhà chí sĩ Trần Cao Vân triều Vua Duy Tân khi tới thăm Hòn Chồng đã làm thơ: “Đất nắn trời nung khéo định đôi/Hòn chồng hòn cái phối hai ngôi”. Ý Trần Cao Vân đã ví đây là đôi vợ chồng do thiên nhiên tạo tác. Còn Quách Tấn lại tả dưới góc độ gia đình ông cháu, chị em: “Trời mây biển nước cảnh mênh mông/Chân núi dô ra đá mấy chồng/Khắng khít thớt em nương thớt chị/Vững vàng hòn cháu đỡ hòn ông”. Có thi sĩ khác thấy cảnh Hòn Chồng - Hòn Vợ lại cảm nghĩ như Thi Sách với Trưng Trắc - Trưng Nhị vì thấy Hòn Vợ có hai cụm đá đứng thẳng bên nhau như hai người phụ nữ!
Như vậy, danh thắng Hòn Chồng từ lâu đã có truyền thuyết mang màu sắc con người, mà ở đây là vợ - chồng chứ không đơn giản chỉ là những cục đá chồng lên nhau. Chính thuyết này cùng với thơ ca làm cho danh thắng thêm nhuốm màu huyền ảo và thi vị.
Vậy vì sao lâu nay nhiều người không để ý đến Hòn Vợ khi tới thăm danh thắng Hòn Chồng? Bởi vị trí Hòn Vợ ở dưới vách đá khu Hội quán Hòn Chồng, đi ra từ trên nhìn xuống có thấy. Tuy nhiên, để ngắm được trọn vẹn dáng thế của Hòn Vợ phải men xuống dưới sát biển. Hòn Vợ là khối đá gồm 4 cục đá vuông xếp thành 2 hàng vươn lên cao. So với Hòn Chồng kiêu hãnh ưỡn ngực ra biển thì Hòn Vợ nằm ẩn khuất ở góc eo biển giữa những khối đá to nhỏ như giữa bầy con của mình.
Thực ra ngắm kỹ Hòn Vợ thấy rất đẹp, đó là khối đá vững chắc, không chông chênh hiểm trở như Hòn Chồng. Xung quanh Hòn Vợ có vô số đá to nhỏ vây kín như đàn con, gia đình, lưng dựa vào vách ghềnh đá, chân đụng sóng biển. Càng thi vị khi từ Hòn Đỏ có tiếng chuông chùa vẳng lại, tạo nét thanh bình của mái nhà bình yên với biểu tượng là người vợ, thi sĩ Quách Tấn còn “nhìn thấy” giống như người phụ nữ mặc áo dài ngồi ngắm chồng qua eo biển nhấp nhô đá.
Đến thăm Hòn Chồng mà không ghé ngắm Hòn Vợ là điều đáng tiếc rất lớn với du khách khi đến Nha Trang.
Dương Trang Hương