Ngày ấy, cuộc sống gia đình tôi nói riêng và đa số những gia đình nhà nông nói chung vẫn đang còn túng thiếu. Đa số nhà lợp tranh, vách đất. Bữa cơm chiều lúc no, lúc đói, giản dị rau vườn, cá ao hoặc tôm, tép ở sông, ở mương tự bắt được. Cuộc sống nghèo khổ khiến những đứa trẻ quê ngày ấy biết thương ba mẹ rất sớm, ngoan ngoãn nghe lời ba mẹ. Có được bữa cơm chiều cả nhà quây quần bên gia đình là sự cố gắng rất lớn của mẹ. Chiều tàn, ngoài đồng về quần còn ống thấp ống cao, mẹ liền vào thẳng bếp, vo gạo, lặt mớ rau muống mới hái vội ở ao đầu làng về để sửa soạn cho bữa ăn cả gia đình. Thật tình mà nói: “Ăn cơm mẹ nấu thật là ngon”. Mặc dầu có hôm cơm có thể bị khê hoặc sống do mưa dầm củi ướt chưa kịp khô khói mù mịt cả nồi cơm trên bếp. Bữa cơm chiều lúc ấy đọng chứa yêu thương, chắt chiu từ mồ hôi nước mắt của ba, mẹ nuôi tôi khôn lớn như ngày hôm nay.
Ảnh minh họa.
|
Những bữa cơm chiều đầy đủ ông, bà, cha mẹ và các con, ba tôi thường hết khen ngợi món này tới món khác cũng chỉ vì ông muốn những đứa con ăn ngon miệng mà quên đi rằng mâm cơm quá đỗi giản dị, đơn sơ, bình thường như những mâm cơm các nhà nghèo khác. Nhờ có tiếng nói của ba mà bữa cơm thật sự ngon hơn hẳn. Với tôi đó là cách mà ba thể hiện tình cảm, một việc làm nhỏ nhưng sâu sắc, ngập tràn yêu thương. Đó là những gì tôi học được ở mâm cơm chiều của gia đình về tình yêu thương, đoàn kết, sự sẻ chia. Tôi học được cách cố gắng nhìn cuộc sống bằng những gam màu tươi sáng, để nỗ lực vượt qua. Và bản thân thấy có trách nhiệm hơn, gắn bó, yêu thương người thân ruột thịt… Thời bao cấp, đặc biệt là những năm đầu thập niên 80 ở thế kỷ trước, có những bữa cơm chiều cả nhà chỉ ăn toàn bắp và khoai. Đó là thời gian mùa lúa chưa thu hoạch, khi mà gạo trong khạp đã cạn, là lúc sử dụng đến bắp, khoai được phơi khô dự trữ của năm trước. Ba mẹ thường nhìn nhau, nuốt từng giọt nước mắt vào trong khi bắc nồi bắp, nồi khoai lên bếp, rồi nhìn anh em chúng tôi như có lỗi. Anh em chúng tôi vì cả ngày đói, nên ăn thật là ngon lành và ngon nhất là những bữa ăn bắp hầm chan với nước cá nục kho; nhưng có biết đâu mẹ thì rưng rưng nhìn đàn con ăn ngon lành trong thiếu thốn. Tôi là anh lớn, nên thường xuyên quan tâm đến ba mẹ trong các bữa ăn, ba mẹ cũng ăn cùng lúc như anh em chúng tôi, nhưng cả bữa ăn chưa khi nào thấy mẹ ăn hết được một chén, phải đợi cho anh em chúng tôi ăn xong, đi rửa mặt, uống nước thì ba mẹ mới ăn hết những gì còn sót lại. Tôi biết thế, nhưng phải tránh không nói ra sợ ba, mẹ lo thêm và luôn động viên mình phải biết quên đi những khó khăn, cực khổ; và có suy nghĩ nếu muốn làm ba mẹ vui thì hãy cố gắng vượt khó, vươn lên học giỏi.
Rồi thời gian trôi đi, anh em chúng tôi khôn lớn; tôi đã không ở lại quê lập gia đình như bao người bạn cùng trang lứa; tuy có trễ một vài năm, nhưng tôi quyết tâm rời làng ra phố tiếp tục việc học hành. Thời gian đi học xa nhà, đóng tiền ăn cơm hàng tháng, với mức thấp nhất lúc bấy giờ; nhưng đến bữa cơm chiều nhìn những hạt cơm trắng thơm, tôi nhớ hình ảnh những bữa cơm độn khoai, bắp, rồi rổ rau lang, rau muống luộc chấm với nước mắm dằm ớt mà ba mẹ và em đang phải ăn từng bữa ở quê nhà mà lòng nghẹn ngào, tuôn trào những giọt lệ. Miếng cơm trắng tôi đang ăn một mình còn khó nuốt hơn những bữa cơm thiếu thốn được ăn cùng ba mẹ và các em. Tôi càng quyết tâm cố gắng học tập để sau này cả gia đình mình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Và cũng kể từ đó, bữa cơm chiều quê nhà ba mẹ buồn tủi ăn cùng nhau. Chái bếp vơi đi tiếng nói cười rộn ràng. Guồng quay cuộc sống cuốn vào mỗi người những bến đỗ ước vọng khác nhau.
Hôm nay, bữa cơm chiều của tôi nói riêng và của cuộc sống hiện đại nói chung không còn như ngày xưa; khói bếp và những bữa ăn cả gia đình quây quần bên nhau chỉ còn trong ký ức, gửi lại nơi chốn quê hương thanh bình. Bữa cơm chiều nhà nghèo có đầy đủ cha mẹ, anh chị em năm xưa trong tôi luôn mãi khắc ghi hình bóng quê nhà, hình bóng của thôn quê một thuở thiếu thốn trăm bề nhưng tình cảm gia đình thì luôn dào dạt yêu thương. Câu hát ru: “Thà ăn bắp hột đông vui, còn hơn giàu có mồ côi một mình” cứ văng vẳng bên tai tôi khi chiều hoàng hôn vừa tắt nắng.
Đỗ Văn Cường
Nguon: baobinhthuan.com