F Truyện cổ tích: Nhà vua hứa cho ông lão áo ấm ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Truyện cổ tích: Nhà vua hứa cho ông lão áo ấm

Nhà vua hứa cho ông lão áo ấm nhưng bận rộn nên quên mất và hồi kết bất ngờ, đáng ngẫm

Ngày xưa, có một vị hoàng đế là người đứng đầu một vương quốc. Vào một ngày mùa đông giá lạnh, ông ta quyết định ra ngoài vi hành để xem xét cuộc sống của người dân. 

Sau khi xong việc và quay trở về nhà, trước khi tới cổng cung điện, vị hoàng đế bỗng nhìn thấy một ông lão ăn mày ngồi co ro trong một góc tối, trên người chỉ là một bộ quần áo mỏng manh và rách rưới, dường như chẳng đủ giữ ấm cho ông ta. 

Vị hoàng đế kinh ngạc khi thấy rằng, với trang phục sơ sài như vậy mà người đàn ông vẫn có thể sống sót giữa tiết trời mùa đông rét buốt đến như thế này. Quả là một điều kỳ diệu. 

Chính vì thế, hoàng đế đi tới gần, hỏi ông lão ăn mày: "Ông không cảm thấy lạnh sao?". 

Người đàn ông đáp lại: "Thưa bệ hạ, tất nhiên là tôi có cảm thấy lạnh chứ. Thế nhưng, là một kẻ ăn mày nghèo khổ, tôi có thể làm gì được chứ? Tôi cũng muốn có được những bộ quần áo ấm áp để không phải chịu cái lạnh cắt da cắt thịt. 

Nhưng đó chỉ là mơ ước mà thôi. Nhiều năm đói khổ đã giúp tôi rèn luyện một ý chí kiên cường, giúp tôi quen với cái lạnh, không còn cảm thấy nó đáng sợ nữa và có thể chung sống với nó hàng ngày".  

Nghe được những lời nói chân thật của người ăn mày, nhà vua bỗng dưng thấy rất cảm động và đồng thời cũng thương xót ông ta, vì thế mới bảo: "Đừng lo, chốc nữa ta sẽ sai người hầu mang quần áo ấm đến cho ngươi, ngươi sẽ không còn phải chịu đựng cái lạnh cắt da cắt thịt này nữa". 

Ông lão ăn mày cảm thấy vô cùng vui mừng, miệng không ngớt lời cảm ơn sự hào phóng và tử tế của nhà vua. 

Hồi kết đáng suy nghĩ

Tuy nhiên, khi bước vào trong cung điện nguy nga, vì bận xử lý công việc, nhà vua đã quên khuấy đi mất lời hứa của mình với ông lão nghèo khổ. Sau đó, nhà vua mệt quá mà ngủ thiếp đi, đến sáng mới giật mình chợt nhớ ra câu chuyện với ông lão ăn xin, liền nhanh chóng phái lính canh đem áo ấm ra bên ngoài cung điện cho ông ta. 

Thế nhưng, khi lính canh đem áo ấm ra cho ông lão ăn mày, họ kinh ngạc phát hiện ra cái thi thể từ lâu đã không còn chút hơi ấm nào. Có lẽ đêm qua, ông lão đã chết vì bị lạnh cóng. Thế nhưng, điều khiến họ bất ngờ nhất lại là một lá thư của ông lão để bên cạnh. 

Nội dung bức thư như sau: "Bệ hạ muôn năm. Bao lâu nay, chỉ với bộ quần áo mỏng manh này, tôi vẫn có thể sống sót, nhưng chính lời hứa của bệ hạ vào tối qua đã khiến tôi không thể vượt qua cái lạnh này". 

Và bài học cho mỗi người

Sự trông đợi của ta vào một ai đó, nếu không được đáp ứng, sẽ dễ dàng trở thành điểm yếu của chính ta. Do đó, dù có gặp phải những thử thách, những khó khăn đến như thế nào đi chăng nữa, cũng không nên ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác, vì rất có thể bạn sẽ chỉ nhận về những thất vọng mà thôi. 

Có một câu chuyện kể rằng, một người đàn ông đang đánh xe ngựa đi trên đường thì không may bị sa lầy vào một vũng bùn. Người đàn ông nhảy xuống xe, chắp tay cầu xin Thượng đế xuất hiện và giúp anh ta giải quyết vấn đề. 

Đúng như lời cầu nguyện, Thượng đế hiện lên, nhưng lại cất lời nghiêm khắc với người đàn ông: "Ta chỉ giúp những người tự biết giúp mình, cố gắng hết sức để vượt qua khó khăn mà thôi. Anh còn chưa cố gắng cùng chú ngựa kéo chiếc xe qua vũng bùn, sao lại dám yêu cầu sự giúp đỡ từ Thượng đế?".   


    Chính vì thế, trên con đường dài và không ít những chông gai, ai cũng nên học cách tự dựa vào sức mạnh của chính bản thân mình để sống, để tồn tại, đó mới là cách tốt nhất để bảo đảm cho sự thành công của mỗi người, và chính những con người đó cũng mới xứng đáng để nhận được sự giúp đỡ của người khác. 

    Như Đức Phật từng nói, "Hãy là ánh sáng của chính mình", khi bạn dựa dẫm vào người khác cũng là lúc bạn không phát huy hết khả năng tiềm ẩn của bản thân và đánh giá thấp những thế mạnh của chính mình. 

    Hãy độc lập, hãy dũng cảm, nhất định bạn sẽ tự tạo ra những kỳ tích cho riêng mình. 

    Theo Moral Stories




    Vinh quang nằm trong nỗ lực, không phải kết quả, nỗ lực hết mình là thắng lợi hoàn toàn_Mahatma Gandhi