F “Người ngoài phố” viết khi không một xu sắm Tết! ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


“Người ngoài phố” viết khi không một xu sắm Tết!

Tình khúc bất hủ “Người ngoài phố” viết khi không một xu sắm Tết!

Nhờ “Người ngoài phố”, nhạc sĩ Anh Việt Thu không những trả được nợ cũ, mà còn đủ tiền để cùng vợ con đón được một cái Tết đầm ấm. Và, khán giả yêu nhạc vàng thì được thưởng thức thêm một tác phẩm bất hủ trong suốt gần 50 năm qua.

Bản hạc tình bất hủ ra đời từ… không tiền sắm Tết

Nhạc phẩm “Người ngoài phố” của nhạc sĩ Anh Việt Thu (1939 - 1975) là bài hát bolero kinh điển của dòng nhạc vàng, được nhiều khán giả trước và sau năm 75 yêu mến. Nhạc sĩ Anh Việt Thu qua đời vì bạo bệnh năm 1975, nên hoàn cảnh, xuất xứ những sáng tác bất hủ của ông thường trở thành bí ẩn, hoặc được kể lại bởi những câu chuyện không thể xác thực. 

Một trong những câu chuyện về xuất xứ nhạc phẩm “Người ngoài phố” được kể lại rằng, trong một ngày cuối tháng chạp năm 1972, trời đang chuẩn bị vào xuân, dòng người nô nức qua lại trên đường phố. Nhưng với riêng nhạc sĩ Anh Việt Thu thì không như vậy. Ông vừa bước ra khỏi cửa hiệu của Hãng đĩa Việt Nam ở đường Võ Di Nguy (Sài Gòn). Nơi đây đã từ chối cho ông vay tiền để sắm Tết, vì ông vẫn chưa trả hết nợ cũ, đã lâu rồi chưa có thêm sáng tác mới nào để bán.

Theo lời kể của một người bạn nhạc sĩ Anh Việt Thu, thời điểm đó ông đang rất cần tiền để lo cho gia đình và trang trải dịp Tết. Bước ra đại lộ Lê Lợi trong một chiều cuối năm, dưới ánh nắng vàng nhạt, nhạc sĩ Anh Việt Thu ngồi lại bên đường nhìn dòng người đang náo nhiệt mua sắm trên phố mà xót thương cho hoàn cảnh của mình. 

Với áp lực kinh tế, cùng với sự tưởng tượng về một cuộc giã từ mối tình của mình, Anh Việt Thu đã viết thành ca khúc “Người ngoài phố” ngay trong buổi chiều cuối năm để bán cho hãng dĩa.

Nhờ “Người ngoài phố”, nhạc sĩ Anh Việt Thu không những trả được nợ cũ, mà còn đủ tiền để cùng vợ con đón được một cái Tết đầm ấm. Và, khán giả yêu nhạc vàng thì được thưởng thức thêm một tác phẩm bất hủ trong suốt gần 50 năm qua.

Người thu âm ca khúc này đầu tiên trong dĩa nhựa của Hãng đĩa Việt Nam là ca sĩ Phương Đại, sau này bài hát cũng được Thanh Tuyền và Hương Lan hát lại trong băng cối vào đầu thập niên 1970. Sau năm 1975, hầu như ca sĩ nhạc vàng nào cũng từng thể hiện ca khúc này. 

Nhạc sĩ Anh Việt Thu thời trẻ.

Cả ca từ và hình ảnh của nhạc phẩm “Người ngoài phố” đều gợi về những ký ức của đôi tình nhân: Người đi đi ngoài phố, chiều nắng tắt bên sông/ Người đi đi ngoài phố, bóng dáng xưa mịt mù/ Thành ghế đá chiều công viên/ Ngày xưa, ngày xưa, ngày xưa đã hết rồi…”

Đã bao nhiêu hôm rồi, anh vẫn lang thang vô định trên con phố dài buồn tênh. Bóng chiều đang dần tàn úa, nắng đã tắt ở cuối trời, anh chưa biết đi về đâu, khi trong lòng còn đang giông bão, không một nơi nương tựa trú ẩn nào. Thành ghế đá quen thuộc kia nay đã lẻ loi dưới ánh đèn công viên vàng vọt, thiếu vắng bóng dáng xưa êm đềm. Và ái ân ngày cũ thì cũng chẳng còn nữa.

Có phải những mối tình đầu thường dang dở? Nhưng có phải những mối tình đầu cũng thường đẹp nhất, ngọt ngào nhất? Và vì thế, những mối tình đầu thường khó quên nhất? Vẫn biết rằng thời gian chẳng thế nào quay lại, nhưng trong lòng vẫn nuối tiếc đầy vơi. Anh không chạy trốn ký ức, mà quay về đối diện với ký ức, về với góc phố của riêng anh, của riêng em và của riêng đôi ta. 

Cuộc đời này bỗng chốc hóa thành hư không, lạc loài và cô đơn. Đánh rơi mất cuộc tình rồi, anh như một đứa trẻ bỗng bơ vơ vì lạc mẹ. Hình bóng cũ người xa xưa, xin ngủ yên vào dĩ vãng, còn lại đây vây quanh mình một nỗi quạnh vắng không gọi thành tên. Vẫn biết tình đầu thường chia ly và khó kết tròn mộng, nhưng trong lòng người không thể ngăn được cơn bão nổi từng cơn.

Xin làm chim mỏi cánh đường bay, xin cơn mưa mau hãy xối tuôn đi những muộn phiền đang giằng xé tâm can. Nước mắt đêm tạ từ này đây xin là lần sau cuối và chờ đón một ngày mai yên bình...

Vì sao lấy bút danh Anh Việt Thu?

Nhạc sĩ Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, quê ở tỉnh Tiền Giang. Em dâu của Anh Việt Thu từng kể về tên thật của nhạc sĩ rằng, sau khi kết hôn, cha mẹ nhạc sĩ mãi không có con. Cả 2 sang một chùa ở Campuchia cầu con và sau đó sinh hạ được nhạc sĩ. Để nhớ ơn sư thầy tại ngôi chùa đó, cha mẹ nhạc sĩ đã lấy tên của sư thầy là Kim Sang để đặt tên cho con trai. 

Trong gia đình Kim Sang có 3 người em khác. Trong đó, người em út tên là Việt Thu. Là anh cả, rất thương em, nhạc sĩ đã quyết định lấy bút danh Anh Việt Thu, tức anh của Việt Thu, với ngụ ý là anh luôn yêu thương, bảo vệ em.

Em dâu nhạc sĩ Anh Việt Thu cũng tiết lộ chuyện “nội bộ” trong gia đình. Đó là không hiếm lần, vợ nhạc sĩ ghen tuông chồng. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện ghen theo kiểu “đàn bà” khi thấy chồng nổi tiếng, có nhiều học trò vây quanh. Còn thực chất, chưa bao giờ nhạc sĩ Anh Việt Thu bị bắt gặp có chuyện gì khuất tất với ai.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu hoạt động văn nghệ ở Sài Gòn. Các bài hát của ông đã quá quen thuộc với khán giả như: “Người ngoài phố” , “Hai vì sao lạc”, “Đa tạ”, “Tám điệp khúc”… Vào năm 1964, Anh Việt Thu từ Sài Gòn đến Tây Ninh dạy học ở trường Nam (nay là trường PTTH Trần Hưng Đạo). Có thể nói, ông là người đầu tiên đưa âm nhạc vào học đường thời ấy. 

Lớp học trò bây giờ ở trên tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, vẫn còn nhớ bài hát mang điệu valse ngọt ngào mà thầy Thu đã dạy: “Dòng An Giang sông sâu nước biếc/ Dòng An Giang cây xanh lá thắm/ Lã lướt về qua Thất Sơn… Dòng An Giang đáy nước in sâu/ Nhịp cầu tre ngắm bóng say sưa/ Nắng vẫn chiếu trên làn nước nhấp nhô…”. Đây là ca khúc “Dòng An Giang” mà nhạc sĩ viết khi mới 17 tuổi.

Bìa nhạc bài “Người ngoài phố” thời điểm phát hành lần đầu

Ông dạy nhạc có những nét độc đáo khó quên. Lúc ngẫu hứng, thầy cùng học trò đi bộ từ chợ xuống dốc sương mù Mít Một vào khu vườn sầu riêng của người bạn để vui chơi ca hát. Lương bổng thời đó rất khá, tương đương một chiếc xe Honda Nhật, nhưng do tính nghệ sĩ nên cũng túng thiếu dài dài. Có lần ông phải bán chiếc radio 3 band để trả tiền thuê nhà.

Anh Việt Thu là một trong những người đưa những âm điệu nhẹ nhàng bình dân vào nhạc cùng với các nhạc sĩ Trúc Phương, Châu Kỳ, Minh Kỳ, Lam Phương… 

“Có thể coi, Anh Việt Thu là thế hệ nhạc sĩ sau cùng sinh trưởng tại miền Nam (nếu lấy ngày 30/4/1975 làm dấu mốc) viết nhạc với tâm hồn đôn hậu của người miền Nam, ít cầu kỳ, cả trong giai điệu lẫn ca từ. Nghe nhạc Anh Việt Thu người ta nghĩ đến những kinh rạch chứ không phải những ao hồ. Ao hồ có một vẻ gì đó u uẩn, tù túng. Kinh rạch như lòng người miền Nam, khi thủy triều rút đi, khô cạn, phơi mở không còn gì giấu giếm, lúc thủy triều trở lại, lại kín đáo, tràn đầy”, nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhận xét.

Trong một chương trình truyền hình, danh ca Giao Linh tiết lộ, những năm 1970 của thế kỷ trước, bà từng được nhạc sĩ Anh Việt Thu giúp tập nhạc. Trong mắt bà, Anh Việt Thu là một người hiền lành, kín tiếng, ít nói. Đặc biệt, nhạc sĩ tập nhạc cho danh ca Giao Linh rất kỹ, ông giúp bà từ cách lấy hơi, nhả chữ đến sửa cho bà từng câu hát.

Bên cạnh đó, nữ danh ca cũng chia sẻ một kỷ niệm thú vị với người cha của nhạc sĩ Anh Việt Thu. Đó là trong một lần đi biểu diễn, cha nhạc sĩ Anh Việt Thu đã lên sân khấu gặp bà và nói: “Tôi có thể yêu cầu bài “Hai vì sao lạc” để nhớ đến con trai hay không?”. Và sau đó, danh ca Giao Linh đã vui vẻ hát tặng người cha Anh Việt Thu ca khúc này.

Đình Phùng (biên soạn)