Kỷ niệm nào buồn, một ca khúc của Nhạc sĩ Hoài An mà có lần bạn bè
chúng ta đi dự đám cưới con bạn Vàng ở Đồng Tháp, cô ca sĩ Cao Lãnh hát bài này
làm ai cũng thích và thích mãi đến bây giờ. Nhưng kỷ niệm nào buồn của tôi còn
buồn lê thê hơn Nhạc sĩ Hoài An. Số là như thế này:
Từ khi có cái điện thoại chung, tức là điện thoại bàn, còn gọi là điện
thoại cố định rồi tiến lên một bước là điện thoại riêng, tức là điện thoại cầm
tay, còn gọi là điện thoại di động, đặc biệt là nếu có cái “xì-mát-phôn” thì
mọi thứ chuyện trên trời dưới đất trở nên cực kỳ đơn giản thuận tiện vô cùng.
Điều này không cần nói ra ai ai cũng biết mà nếu có nói thì nói mãi đến ngày
mai cũng chưa hết. Rồi thì không ít lần gọi nhầm, chỉ cần “em-so-ri” là vui vẻ
huề cả làng hoặc gọi nhầm như NguyenTienDao gọi NguyenThiNgocXuan trong đêm
khuya thanh vắng phải đưa ra xử thì không nói làm gì, đàng này nhầm kiểu như
tôi mới đau chứ, đau như… bồ đá.
Tối hôm đó, vì có việc, tôi gọi cho một người bạn, mở danh bạ thấy tên
bạn này có 2 số, gọi số thứ nhất, đầu bên kia vang lên giọng cô gái trẻ quát
tháo dữ dằn, cộc lốc cơ hồ tóc gáy tôi muốn dựng ngược, (mà tóc gáy trủi lẳng rồi do mới
hớt kiểu đầu mới trước tết, mọc chưa kịp còn đâu nữa mà dựng) “ai đó!”. Thế là trật người rồi, bạn
mình đâu có ai ăn nói kiểu này, cúp máy ngang xương thì thiếu văn hóa quá, tôi
hỏi thêm “có phải số máy này của… không?”; lần này giọng chợ búa còn dữ dằn mãnh
liệt hơn “Lộn rồi cha nội! mệt quá!”.
Chưa kịp để tôi bày tỏ phép lịch sự bằng 2 chữ xin lỗi, cô tắt cái rụp, không
biết cái điện thoại đó có bị hư không chứ tôi nghe tiếng bấm mạnh tay lắm, có khi còn dằn cái bạch cũng nên. Tôi chưng hửng hết mấy giây rồi bấm máy gọi
số thứ 2, đúng là người bạn tôi cần gặp, sau khi trao đổi những điều cần trao
đổi, tôi hỏi: “ngoài số này, em còn số khác nữa phải không?” “Dạ! nhưng từ khi
ra nước ngoài bỏ luôn, không sử dụng nữa. Khi về lại Việt Nam thì xài số
mới này”. Giờ thì tôi đã vỡ lẽ.
Nhớ đến giọng của cô gái, ấm ức lắm, ý tưởng làm thám tử điều tra trỗi
dậy, gọi lại xem con cái nhà ai? Cư trú ở đâu? … cho tường tận, nhưng nghĩ đi
nghĩ lại lơ tơ mơ bị một tràng nữa bịt tai không kịp thì chết chắc, giấc mộng
làm thám tử cũng tan thành mây khói, đành xếp hồ sơ. Mà tôi đâu có gọi nhầm, chính
xác số đấy chứ, lỗi là tại cái ông viễn thông thay người không chịu “thông
báo”. Lần đầu tiên trong đời được nghe câu nói của một cô gái trẻ như xô nước
đá dội vào mặt (ông bà ta ngày xưa chỉ mới ở mức gáo nước lạnh) thấy không vui.
Ngoài hiên, trời không một “giọt mưa thu thánh thót rơi” mà sao tôi thấy “dương
thế bao la sầu” đến thế…
Thôi thì cũng xin được công báo cho tất cả, ai có nhu cầu gọi nhầm
người, hoặc chán đời muốn nghe chưởi chơi, vui lòng liên lạc với tôi để lưu lại
số điện thoại, hầu sử dụng khi cần thiết. Riêng tôi vẫn cất dành số này, xem
đây như “kỷ niệm nào buồn”./.