…Vì chén cơm manh áo, người
ta có thể đánh mất lý tưởng của mình. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể chà
đạp phẩm giá của mình cũng như của người khác. Vì chén cơm manh áo, người ta có
thể chối bỏ niềm tin của mình. Ðó là mối hiểm nguy mà bất cứ ai cũng có thể rơi
vào….
Một linh sư Ấn giáo nọ rất
hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử. Nhận thấy rằng người đệ tử không cần
đến sự dìu dắt của ông nữa, cho nên ông mới bỏ mặc anh trong túp lều tranh rách
nát bên cạnh một bờ sông. Một buổi sáng, khi thức dậy, người đệ tử xuống dòng
sông thanh tẩy theo đúng nghi thức, rồi giặt chiếc áo rách rưới của mình. Ðây
là tài sản duy nhất của anh ta.
Ngày nọ, anh đau đớn vô cùng
khi nhận ra chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn tả tơi. Không còn cách nào
nữa, người đệ tử đành phải vào làng gõ cửa để xin một chiếc áo khác. Cái áo lần
nữa cũng bị chuột gặm nát. Anh mới xin được một con mèo. Lần này anh khỏi phải
lo lắng về mấy con chuột nữa. Nhưng không xin áo mặc, thì người đệ tử cũng phải
xin cơm, bánh mà thôi.
Ngày ngày phải vác bị đi khất
thực, người đệ tử cảm thấy mình như một thứ gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ
thế, cho nên anh mới tìm cách tậu cho bằng được một con bò để lấy vốn làm ăn.
Nhưng có bò thì cũng phải có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu, anh còn tự mình cắt
cỏ cho bò ăn. Về lâu về dài, nhận thấy không còn thì giờ cho sự cầu nguyện nữa,
cho nên anh đành phải thuê người cắt cỏ cho bò. Bò càng ngày càng sinh sản ra
nhiều, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Không mấy chốc, mảnh đất xung quanh túp
lều của anh đã biến thành một nông trại. Con người đã một thời muốn bỏ đi tất
cả mọi sự để trở thành một tu sĩ nay nghiễm nhiên trở thành một chủ nông trại
giàu có. Có tiền, có mọi sự, cho nên anh cũng muốn có người chia sẻ công việc
của anh. Anh đành phải cưới vợ. Và không mấy chốc, anh đã trở thành một trong
những chủ nông trại giàu có nhất trong làng.
Vài năm sau, khi có dịp trở
lại thăm ngôi làng cũ, vị linh sư đã một thời dẫn dắt anh, ngạc nhiên vô cùng vì
thay cho túp lều nghèo nàn bên bờ sông, nay là cả một cơ nghiệp đồ sộ. Dò hỏi
được tung tích của người chủ nông trại, vị linh sư mới lên tiếng hỏi người đệ
tử của mình: “Thế này nghĩa là gì hả con?”. Người đệ tử mới trả lời: “Có lẽ
thầy không tin. Nhưng tất cả cơ nghiệp này hiện hữu là cũng chỉ vì con đã không
làm cách nào để giữ được chiếc áo rách”.
Vì chén cơm manh áo, người ta
có thể đánh mất lý tưởng của mình. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể chà đạp
phẩm giá của mình cũng như của người khác. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể
chối bỏ niềm tin của mình. Ðó là mối hiểm nguy mà bất cứ ai cũng có thể rơi
vào.
Nguồn: R. Veritas
TH (ST)