F NHỚ LẮM TẾT XƯA PHAN THIẾT ... ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


NHỚ LẮM TẾT XƯA PHAN THIẾT ...


Chia sẻ với bạn bè gốc PT 1 bài viết của bạn Lê Huân ( Cám ơn Nguyen Quang đã Fw )
Khi những cơn gió bấc cuối mùa bớt thổi mạnh, những tờ lịch tháng chạp xuất hiện, thì bắt đầu có trong tôi những cảm giác nao nao đến lạ lùng.
Đó là cảm giác của ký ức, của những cái tết xưa thời còn thơ ấu. Ngày ấy nhà tôi ở đường Trần Quý Cáp, nơi mà người ta quen gọi là dãy nhà tole. Cũng như mọi nhà ở xóm nghèo Đức Long thời đó, tuy trước là nhà phố nhưng phía sau kéo dài ra đến bờ sông Cà Ty nên có mảnh đất trống. Từ tháng mười một, má tôi đã mua vài con vịt về nuôi để ăn tết. Không khí tết của nhà tôi xuất hiện từ tiếng cạp cạp của đàn vịt ấy. Anh em tôi được phân công cho vịt ăn, dọn dẹp chuồng,... tuy cực nhưng đều vui và ngóng chờ tết đến.
Khi ngoài đường xuất hiện những cành mai cột sau xe đạp của những người lên rừng chặt về thì phố phường Phan Thiết bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Nhà tôi ở đường đi về phía nghĩa địa của thị xã nên từ hai ba giờ sáng là đã rộn ràng tiếng xe, tiếng nói của những người dãy mả ( tảo mộ ) và nhộn nhịp tiếng của các chị, các cô từ Mương Mán, Hàm Mỹ, Hàm Kiệm gánh những bó củ cải trắng căng tròn, những trái bưởi to xanh có cả cuốn lá rất đẹp, những quầy chuối sứ còn vươn mủ trắng do mới vừa cắt trước đó mang xuống chợ đêm trên đường Đinh Tiên Hoàng. Chợ đêm những ngày này gồm nhiều loại rau quả nhưng phần nhiều là dưa cải, củ cải trắng, súp lơ, củ kiệu là những thứ dùng cho ngày tết. Đến hai mươi hai, hai mươi ba tháng chạp thì chợ đông hơn do nhiều người đi chợ mua đồ về cúng ông Táo. Chợ tết nghèo thời đó không có những loài hoa "cao cấp" như ly, lan,.. như ngày nay, nhưng cũng rực rỡ với đủ sắc màu. Cúc trắng, cúc vàng, thược dược, vạn thọ, trường sanh cùng chen nhau khoe sắc với hoa mồng gà đỏ thắm. Tất cả đều được trồng ở vùng ven Phan Thiết.
Những ngày này, các nhà bắt đầu rục rịch dọp dẹp nhà cửa đón tết. Ba tôi tháo gần như tất cả những thứ gì trong nhà có thể tháo được ra để chùi rửa. Mẹ thì lo bàn thờ. Trước đó khi đi dãy mả, ba tôi đã chặt những bó thơm tàu ( loại có gai lể ốc ruốc ) ở nghĩa địa về ngâm với bộ chân đèn, lư hương cho ra ten rồi hì hục mấy ngày mới chùi xong bóng loáng.
Dù nhà nghèo, nhưng mẹ tôi vẫn cố gắng mua được một ít củ kiệu, củ cải, vài lạng măng khô. Những ngày này, tối nào không khí trong nhà tôi cũng rộn ràng. Má cắt rể củ kiệu, lột vỏ ngoài rồi ngâm nước. Anh em tôi ngồi xem mà mà ai cũng rơi nước mắt vì mùi kiệu cay. Kiệu làm xong được phơi một nắng xếp thật đẹp trong hủ rồi pha với nước đường, giấm, muối. Củ cải cũng vậy nhưng ngâm với nước mắm và đường. Tất cả đều được “niêm phong” chỉ được mở sau mùng một tết. Xóm nghèo Đức Long của tôi thời đó chỉ có một vài nhà có điều kiện mới đóng cốm. Nhà ai đóng cốm lúc nào bọn trẻ chúng tôi đều biết và tập trung đến xem, rồi chờ người lớn cho vài vắt nổ sau khi đã trộn với đường. Đứa nào được ăn đến vắt thứ hai thì sung sướng phải biết.
Tết xưa Phan Thiết có nhiều loại bánh mứt, như mứt me, mứt gừng, mứt khế, bánh đậu xanh, bánh bột năng,... tất cả đều tự làm chứ ít ai ra chợ mua. Má tôi nói những thứ đó làm rất đắt tiền nên hầu như năm nào nhà tôi chỉ có mỗi mứt... dừa. Mùi vani thơm phức trộn trong mứt dừa có có lẽ trong đời tôi một năm mới được ngửi một lần. Thời đó, phải trộn mứt bằng đường tán thắng ra nên mứt không trắng đẹp như sau này, nhưng sao thấy ngon và tuyệt vời lắm. Cái sung sướng nhất của bọn trẻ chúng tôi là được vét chảo đường mà trong đó còn sót lại vài miếng mứt vụn. Sau làm mứt là rang và nhuộm hột dưa. Khi làm món này cả nhà tôi tay chân ai cũng đỏ. Đỏ đến hết tết vì phẩm nhuộm thời đó kém chất lượng. Tôi đã từng bị ăn đòn trong mấy ngày tết vì để phẩm đỏ dính quần áo mới.
Những năm ấy gia đình tôi rất khó khăn, ba chạy xe lam chẳng kiếm được bao nhiêu đồng, phải nhờ đến sự giúp đỡ của ngoại. Có được chút tiền má tôi tằn tiện mua sắm những thứ cần thiết để đón tết nhưng cũng thiếu trước hụt sau. Có năm chẳng còn đủ tiền mua quần áo mới cho anh em chúng tôi. Ngày đó tôi đã thật tủi thân khi bạn bè có quần áo mới, còn mình phải mặc bộ đồ tuy mới, nhưng là đồ cũ do má tôi lấy quần áo từ thời con gái của mình ra cắt may, sửa lại thành những bộ đồ tết cho anh em chúng tôi. Giờ lớn lên, nghĩ lại chuyện này tôi càng thấy thương ba má mình nhiều hơn.
Đến hai mươi bảy, khi chợ đêm họp ở khu vườn bông nhỏ là lúc anh em tôi chộn rộn chờ ba má dẫn đi dạo chợ. Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé là "nhà sách nhân dân" ở Ngã Bãy để ba tôi mua mấy bức tranh Đông Hồ, tranh thủy mặc, những câu đối, những tấm poster có hình nhành mai, phong pháo và dòng chữ “mừng xuân mới”, về nhà treo trên bàn thờ và trên tường cho thêm không khí tết. Ký ức trẻ thơ của tôi về chợ đêm Phan Thiết ngày đó thật đẹp và "hoành tráng" với đầy đủ sắc màu. Từ những phong bánh in bọc giấy kiếng đến các loại mứt me, mứt gừng và những phong pháo tống, pháo trung, pháo chuột,... Năm nào ba tôi cũng dẫn tôi đi xem chợ hoa và khu bán những cành mai rừng dọc bờ sông Cà Ty, nhưng hầu như năm nào ba tôi cũng chỉ mua được .... một chậu vạn thọ hoặc cúc vàng.
Đêm ba mươi năm nào nhà tôi cũng thơm phức mùi măng kho với thịt mỡ và nồi thịt kho trứng sôi sùng sục trên bếp. Đúng thời khắc giao thừa cả nhà đều mặc đồ mới thắp nhang ông bà. Rồi ba đốt pháo. Sau đó cả nhà xẻ một trái dưa hấu cùng ăn. Năm nào có tiền thì ba má tôi lì xì không thì im luôn. Chúng tôi cũng hơi thất vọng nhưng không dám đòi hỏi vì biết ba mẹ mình nghèo.
Sáng mùng một, cả gia đình về ngoại thắp nhang ông bà. Tôi chỉ mong ba má đi thăm nhanh các nhà bà con để tôi có tiền lì xì. Có tiền lì xì là cả bọn chúng tôi tung hoành thỏa thích những ngày tết. Địa điểm tôi thích nhất là khu vườn bông lớn với đủ loại trò chơi ngày tết và 3 rạp chiếu phim với nhiều phim hấp dẫn chiếu liên tục từ sáng đến tối. Có năm, để vào được những chổ này bọn tôi chen rách cả áo quần.
Đã hơn bốn mươi năm trôi qua, nhưng hương vị tết xưa cứ sống mãi trong tôi. Ngày nay, không còn cảnh thiếu thốn và không phải nhọc công làm từng món ăn như xưa, nhưng tôi vẫn cảm thấy thích những cái tết xưa. Mà nhờ có nó tôi đã lớn, biết yêu thương cha mẹ, gia đình và quý giá cuộc sống này.
Còn nhiều lắm những cảm giác mỗi lúc tết đến, xuân về.
LÊ HUÂN
Minh Nguyễn (St)