F tháng 3 2020 ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


MỘT THUỞ YÊU NGƯỜI


Còn tuổi nào cho Em
Khi rừng xưa đã khép
Sóng về đâu để biển nhớ
Thương một người Em hãy ngủ đi
Ta ra đồng giữa ngọ
Nghe những tàn phai thuở Bống là người

Phúc âm buồn cho gia tài của Mẹ
Ướt mi rồi ta như cánh vạc bay
Nhìn những mùa thu đi
Sao Người về bỗng nhớ
Im lặng thở dài cho yêu dấu tan theo…

Còn ai với ai ?
Ôi bên đời hiu quạnh
Biển nghìn thu ở lại,
Ta một cõi đi về …

Lời : Ngô Chẩn
Nhạc : Thành Phố Biển

Bị đuổi việc vì ngủ ngon giấc

Bị đuổi việc vì ngủ ngon giấc

Hai người bạn nọ lâu rồi mới có dịp gặp nhau. 

- Tình hình dạo này thế nào? Nghe bảo cậu mới đi làm chỗ nào tốt lắm à

- Ừ, nhưng đó là 1 tuần trước thôi, giờ thì nghỉ rồi.

Thấy người bạn có vẻ rầu rĩ, anh này liền hỏi:

- Thế sao mà nghỉ? Giờ kiếm việc khó lắm đấy, đừng kén cá chọn canh. 

- Có phải tại tớ đâu. Vừa đi làm được mấy hôm, sếp hỏi tớ đêm qua thế nào thì tớ trả lời là ngủ ngon. Vậy là bị đuổi việc. 

- Sếp cậu sao lại vô lý vậy. Nhân viên ngủ ngon giấc thì trí não minh mẫn chứ sao? 

- Ừ, nhưng tớ là bảo vệ ca đêm... 


Chữa bệnh tận gốc 

- Thưa bác sĩ, tôi bị đau bụng.

- Ông ăn gì mà bị đau bụng?

- Có lẽ tôi ăn thức ăn ngày Tết để lâu quá chăng?

- Ông đưa mũi đây tôi nhỏ thuốc.

- Tôi có bị đau mũi đâu. - bệnh nhân thảng thốt.

Bác sĩ đáp:

- Tôi sẽ chữa bệnh tận gốc. Trước tiên phải chữa cho mũi ông hết viêm, hết bệnh để có thể ngửi thấy mùi ôi thiu và sẽ không ăn thức ăn hỏng nữa, sẽ không bị đau bụng nữa. Ông rõ chưa?


Khi trộm giả mèo 

Hai tên trộm chui qua ống khói đột nhập vào một nhà triệu phú. Không may, hôm đó ông chủ lại thức khuya đọc báo. Nghe thấy động, ông hỏi:

- Ai đó?

Tên trộm thứ nhất bèn giả giọng mèo để đánh lạc hướng:

- Meo... meo...

Tưởng mèo thật, chủ nhà yên tâm tiếp tục nằm đọc.

Tên thứ hai gây tiếng động mạnh hơn, làm chủ nhà bật hẳn dậy:

- Ai?

- Lại một con mèo khác thôi mà, thưa ông.

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn

TIẾNG THỞ DÀI CỦA BÓNG ĐÊM


TIẾNG THỞ DÀI CỦA BÓNG ĐÊM
Tiếng Thở Dài Của Bóng Đêm 
 Sáng tác: Nguyễn Hoàng Đô 
 Trình bày: Clara Ngo 
 Video: Cảnh Ngô

 

Điều mệt mỏi nhất trong cuộc đời này là gì?

Điều mệt mỏi nhất trong cuộc đời này là gì? Câu trả lời đó chính là lòng đố kị.
Nếu như đang ở bên cạnh một cô gái mà bạn lại đi khen cô gái khác xinh đẹp, điều đó sẽ khiến cô gái cảm thấy khó chịu.
Nếu như khen một người đàn ông tài hoa, có học thức và năng lực trước mặt một người đàn ông khác, khi đó anh ta cũng sẽ cảm thấy không thoải mái. Trong cuộc sống, so sánh hơn thua không chỗ nào là không có, nó xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Từ khi con người còn bé, lòng đố kị biểu hiện đã khá rõ.
Một đứa trẻ đang chơi đồ chơi rất vui vẻ, nhưng nếu có một đứa trẻ khác tới, nó sẽ vội vàng cất giấu đồ chơi đi. Nhìn thấy đứa trẻ khác có đồ chơi mới nó lại muốn chiếm lấy thứ vốn dĩ không thuộc về mình.
Con người từ lúc sinh ra đã bắt đầu đố kị với người khác, đố kị với người có tiền, có quyền, đố kị với nhan sắc với tài hoa của người khác, thậm chí đố kị cả với cái ăn cái mặc của người.
Suy cho cùng, điều mệt mỏi nhất trong cuộc đời này là gì? Câu trả lời đó chính là lòng đố kị!
Mệt mỏi không phải đến từ tham, si. Bạn tham ăn, rốt cuộc bạn có thể ăn được bao nhiêu? Bạn sân hận, nhưng bạn chỉ sân hận với đối phương chứ không sân hận với bản thân. Bạn vô minh ngu si, thì cũng chẳng bao giờ đi so sánh với người.
Xung đột giữa người với người đều đến từ lòng đố kị.
Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta thấy một đôi bạn rất tốt với nhau nhưng rồi chỉ cần một trong hai tài hơn, giỏi hơn, hạnh phúc hơn, lòng đố kỵ của người còn lại sẽ nảy sinh, thậm chí còn có trường hợp trở từ bạn thành thù.
Tôi có một người bạn, khi anh ta nhìn thấy người khác có máy bay anh cũng muốn có một cái.
Sau khi mua về chỉ biết đắp chiếu một chỗ, bởi anh đâu có biết lái máy bay, cả ngày suy đi tính lại xem thuê ai lái, chi phí lái một lần thôi cũng khiến người ta phải giật mình, hơn nữa việc xin phép bay cũng không dễ, có lúc phải đợi vài ngày, nếu là việc gấp thì liệu có đợi được chăng?
Thế mới thấy, dục vọng quá lớn làm nảy sinh ra thói so sánh đố kỵ và rõ ràng, điều này chỉ khiến ta mắc sai lầm, gặp phiền phức. Khi sinh ra, chúng ta trần trụi đến với đời, lúc chết đi cũng không mang theo được gì, cả đời chỉ những hư vinh mà thôi.
Cần phải làm gì để thoát ra?
Chúng ta cần thường xuyên nhắc nhở bản thân, cái gì là cần thiết, cái gì không cần thiết, ẩn lấp sau mong muốn của mình phải chăng là lòng đố kị? Bạn làm như vậy sẽ có được hạnh phúc hay sẽ bị lòng đố kị làm cho mệt mỏi?
Thích so sánh không phải là không được, muốn so sánh thì hãy so sánh xem ai làm nhiều việc thiện hơn, ai cống hiến cho xã hội hơn, ai giúp đỡ nhiều sinh mệnh hơn? Đó mới là điều so sánh cao quý.
Còn nếu như so sánh và đố kị người các việc như tiền tài danh vọng thì chỉ khiến bản thân ngày càng khổ.
Làm thế nào để xóa bỏ tâm đố kị? Đó là hoan hỉ, vui mừng!
Người ta thường nói tùy hỉ, tùy hỉ, nếu như thấy người vui mình cũng vui, thấy người ta thành đạt, mình cũng vui thay cho người.
Còn nếu thấy người làm điều xấu mà bạn cũng tùy hỉ thì bạn sẽ trở thành đồng phạm. Trên pháp luật cũng vậy, bao che phạm nhân cũng chính là phạm tội.
Tùy hỉ những việc thiện lương của người thì bản thân cũng nhận được những quả báo thiện lương, khiến cho thân và tâm cảm thấy bình an và hỉ lạc.
Những câu nói giúp bạn sống an nhiên hơn
- Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, hãy nghĩ rằng mình còn sống là một đặc ân lớn lao được hít thở, được suy nghĩ, được tận hưởng và được yêu thương.
- Nếu đã là con đường của bạn, bạn phải tự bước đi. Người khác có thể đi cùng, nhưng không ai có thể bước hộ bạn.
- Trong cuộc đời này, có một số chuyện nhất nhất phải tự mình giải quyết. Dù đêm tối đến đâu, đường xa đến mấy thì vẫn cứ phải một mình kiên cường tiến lên phía trước.
- Bạn không thể nào thẳng tiến bước trên đường đời cho đến khi bạn biết cho qua và học hỏi từ những thất bại, sai lầm và đau buồn trong quá khứ.
- Tình yêu bắt đầu bằng nụ cười, đơm hoa kết trái bằng nụ hôn và kết thúc bằng những giọt nước mắt...
Dù đó là giọt lệ buồn hay vui thì tình yêu ấy đã cho bạn những kỷ niệm thật ấn tượng và sâu sắc, là dấu ấn của tâm hồn và đánh dấu bước trưởng thành của bạn.
Theo Vũ Ngọc/Khỏe & Đẹp

ĐI QUA CƠN DỊCH


Quê hương biển cả mênh mông
Biển xanh gió nhẹ yêu thương quê mình
Nhấp nhô biển sóng xinh xinh
Hòn bà đứng lặng lung linh giữa trời
Cầu Bà phù hộ cho người
Đi qua cơn dịch biển vui với người
Không ai biển vắng buồn ơi
Cùng hoa ta ước cầu trời dịch qua
Rồi trời sẻ sáng thôi mà
Tự tin chống dịch ở nhà bình an
Chấp hành ta sẻ đánh tan
Chung tay dập dịch khó khăn cũng thành
Mỹ Lagi

Truyện cười: Đi dập dịch trong khách sạn

Đi... dập dịch

Đang mùa dịch, khách sạn vắng hoe vắng hoắt, cô nhân viên lễ tân mắt bỗng sáng bừng khi thấy một cặp đôi trẻ tuổi có vẻ từ xa tới, bước vào hỏi thuê phòng, cô đon đả cất tiếng hỏi:

- Anh chị có cần gì thêm gì nữa không ạ?

- Không, tôi không cần gì nữa – người thanh niên đáp

- Thế còn vợ anh? – cô lễ tân hỏi thêm

- À, may quá, cảm ơn cô đã nhắc tôi, bán cho tôi cái thẻ cào điện thoại nhé, vợ tôi chắc sẽ cần tôi gọi điện về.


Lời tự sự đầy xúc động

Hôm nay thành phố đã bước vào ngày thứ hai mươi mấy của cuộc chiến chống dịch cúm covid-19 giai đoạn hai đầy cam go.

Anh lướt xe nhè nhẹ trên phố để về nhà khi trời bắt đầu nhá nhem tối, những cơn gió mát thoảng nhẹ thổi từ hồ Bảy Mẫu sang hồ Ba Mẫu, vừa qua cổng công viên Thống Nhất, một cô gái khá xinh xắn, dáng hình gợi cảm giơ bàn tay nhỏ nhắn ra vẫy vẫy anh, cô cất tiếng hỏi với theo:

- Anh ơi, vui vẻ không anh ?!.

Anh ngoái đầu lại mỉm cười đáp:

- Vui chứ em, hôm nay anh vui lắm, bao nhiêu công ty sắp phá sản vì covid mà công ty anh vẫn có lương, cảm ơn em nhiều nhiều nhé!

Xe đã lướt qua một lúc lâu mà trong lòng anh vẫn còn lưu lại một cảm giác ấm áp đến kỳ lạ; ở đâu đó giữa cái thành phố bình thường vốn đông đúc và xô bồ này vẫn có những tâm hồn đẹp đẽ và vô tư đến vậy, người con gái ấy thật biết quan tâm, chia sẻ cảm xúc với cộng đồng, dù rằng không hề quen biết.

Theo Cử Tạ 

Nguồn: http://danviet.vn

Một việc không ai ngờ

Thấy máy bay của địch bốc khói, phi công người Đức lập tức bám theo và làm 1 việc không ai ngờ

Đọc hết câu chuyện trên người ta mới bùi ngùi nhận ra rằng: Hóa ra trong bất cứ tình huống nào , con người chúng ta cũng cũng có thể sống lương thiện, chỉ là chúng ta có muốn làm điều đó hay không thôi.

Câu chuyện hy hữu nhưng có thật này xảy ra trong thế chiến thứ hai. Khi mà người ta đang cố gắng hết sức tiêu diệt kẻ thù vì đó là trận đấu sinh tử 1 mất 1 còn thì lại có những con người vì nhau như thế.

Vào ngày 20/12/1943, một phi công lái máy bay ném bom của Mỹ có tên Charlie Brown đang cùng 7 chiến hữu chuẩn bị ném bom một xưởng dược của Đức.

Thế nhưng chiếc máy bay ném bom B17 do họ lái chưa kịp bay đến địa điểm cần đến thì đã bị pháo cao xạ của Đức tấn công trúng phần đầu, kính buồng lái vỡ tan. 2 động cơ số 2 và số 3 thì bị hỏng hoàn toàn không sửa được.

Thậm chí 1 thành viên tổ bay thiệt mạng và 6 người còn lại bị thương, chỉ còn Brown nỗ lực điều khiển máy bay tháo chạy.

Đúng lúc Brown cảm thấy bế tắc nhất, anh bỗng phát hiện bên ngoài khoang lái, một chiếc máy bay của Đức đang bay lại gần máy bay của mình. Thế nhưng, viên phi công người Đức không tấn công mà dùng ngôn ngữ cơ thể ra hiệu cho họ hạ cánh.

Những người bạn của anh định dơ súng ra bắn nhưng Brown đã kịp thời cản lại.

Không hiểu chuyện gì đang xảy ra?

Thì ra vào thời điểm máy bay Mỹ gặp nạn, viên phi công Franz Stigler đang vừa tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ Messerschmitt Bf 109 G-6 của mình. Vừa hút thuốc vừa ngước nhìn lên bầu trời quan sát động tĩnh trên không thì phát hiện ra máy bay ném bom của Mỹ đang bốc khói.

Franz Stigler quyết định sẽ hướng dẫn cho chiếc máy bay Mỹ hạ cánh tại sân bay của Đức và chấp nhận đầu hàng.

Brown và các chiến hữu của anh nhận ra ý của đối phương, tuy nhiên họ quyết định giữ tự tôn nghiêm đến cùng chứ không chấp nhận đầu hàng.

Franz Stigle lại nghĩ ra một cách khác, đó là sẽ hướng dẫn họ bay đến khu vực biên giới nước trung lập là Thụy Sĩ. Đáng tiếc là Brown đã không hiểu được ý đồ của Franz Stigler, vẫn cứ tiếp tục bay.

Đột nhiên, Franz Stigler phát hiện ra một tình huống không hay: Ở dưới mặt đất, vài cỗ pháo cao xạ đã phát hiện ra chiếc B17 của Mỹ và họ đang chuẩn bị khai hỏa...

Trong giây phút sinh tử ấy,Franz Stigler đã có một hành động không tưởng: Anh lái chiến đấu cơ của mình bay đến bên cạnh chiếc B17, dùng thân máy bay của mình ngăn pháo, không cho lính Đức bên dưới hạ gục kẻ địch đang gặp nạn.

Cuối cùng, lính Mỹ bay được ra đến bờ biển và giúp họ hạ cánh, xong việc, anh mới lái máy bay rời đi.

Cho đến năm 1990, trong một chương trình truyền hình, Brown kinh ngạc phát hiện phi công người Đức từng giúp đỡ mình vẫn còn sống và người đó sống ở Vancouver cách ông không xa.

Ngay lập tức, Brown bay sang Canada tìm gặp Franz Stigler và trở thành hai người bạn thân thiết kể từ đó, cho đến khi cả hai cùng qua đời vào năm 2008.

Cuộc sống vẫn luôn như thế, vẫn tồn tại những điều tốt đẹp, và con người vẫn có thể làm việc tốt mọi lúc mọi nơi, chỉ cần trong tâm chúng ta muốn.

Và trong cuộc sống này, dù thế nào cũng hãy tin vào những điều tốt đẹp ở phía trước, hãy nhớ rằng:

Không nên phiền muộn, không nên chán nản,

Càng không nên chỉ nhìn vào khoảng thời gian tồi tệ này.

Hãy biết nhìn xa trông rộng, để mở mang tầm mắt

Không nên ân hận, càng không nên oán trời trách người,

Luôn lạc quan, cố gắng, tin rằng ông trời sẽ không tuyệt đường của người tốt.

Theo Minh Ngọc/Khỏe & Đẹp

Làm một ngày ăn cả năm

"Làm một ngày ăn cả năm" 

Có cô gái nọ được trời phú cho ngoại hình cao ráo lại dễ nhìn. Đến tuổi cập kê vẫn chưa có mối tình vắt vai nên hàng xóm, họ hàng đều sốt ruột thay, tìm cách mai mối. 

Lần đó ngại từ chối người quen nên cô đành đến buổi gặp mặt. Vừa nhìn anh chàng ngồi đối diện, cô đã thấy không ưng mắt vì cách ăn mặc quá chân chất. 

- Anh làm nghề gì thế?

- À, anh làm một ngày thôi thì đủ em ăn cả năm.

Nhìn chàng trai không có vẻ gì là đang khoác lác, cô gái ngạc nhiên lắm liền hỏi tiếp.

- Vậy anh là chủ thầu xây dựng hay có công ty riêng?

- Không. Anh làm muối!


Cô hàng xóm "đáng yêu" 

Chàng trai để ý cô gái phòng trọ kế bên từ lâu nhưng chưa có dịp ngỏ lời. Một hôm bóng đèn phòng cô bị hư, cô nhờ anh thay hộ. Chàng trai nghĩ cơ hội tới, vui sang phòng cô, anh hỏi:

- Em chưa có bạn trai à?

Cô gái đáp:

- Dạ không, em có rồi ạ.

- Tại sao em không bảo bạn trai thay bóng đèn? - chàng trai thất vọng.

Cô gái ngượng ngùng nói: 

- Dạ, em sợ bạn trai em bị giật điện.


Bị sa thải vì hoàn thành 200% công việc 


Người phỏng vấn hỏi ứng viên:

- Lý do anh nghỉ công việc trước là gì?

- Tôi luôn hoàn thành 200% mục tiêu công việc. Nhưng có vẻ khách hàng không thích điều đó nên đã gửi khiếu nại lên công ty - người ứng viên buồn bã kể. 

- Sao lạ thế? - người phỏng vấn kinh ngạc - Trước đây anh làm công việc gì? 

Ứng viên đáp:

- Tôi làm tài xế taxi. 

Nguồn: http://khampha.vn

Sống ở đời, đừng quá tốt cũng đừng quá rộng rãi

Sống ở đời, đừng quá tốt cũng đừng quá rộng rãi, bởi không phải ai cũng đáng để bạn cho đi

Sống ở đời đừng tốt quá, nên biết ở đời có những kẻ quen được nhận, sẽ quên mất cảm ơn. Lương thiện là tốt nhưng phải đúng chỗ, đúng người.

Có lúc đừng sống quá tốt, cũng đừng quá rộng rãi

Vì thời gian càng lâu, những người bên cạnh bạn họ cảm thấy, tất cả việc tốt bạn đã làm là đương nhiên như thế. Giả sử vào một ngày bạn không chịu đựng nổi nữa, mệt thật rồi, thì cũng không có ai thương xót và thông cảm với bạn. Bởi vì trong mắt họ, chính là bạn đã tự nguyện làm như thế.

Hãy là một người tốt thông minh

Không ai phủ nhận rằng, quan tâm đến người khác là tốt, nhường nhịn người khác cũng là tốt. Tuy nhiên, quan tâm quá thì họ sẽ làm khó bạn gấp vạn lần, nhường nhịn quá thì họ sẽ được nước mà lấn tới và thậm chí là khiến bạn bị tổn thương.

Vậy nên, hãy là một người tốt thông minh. Có nghĩa là khi ta cứ thường xuyên cho ai khác một thứ gì, họ sẽ không còn nghĩ rằng ấy là món quà nữa mà cho đó là bổn phận, là trách nhiệm của ta. Khi ta không còn cho thứ mà họ muốn nữa, họ sẽ lập tức trở mặt với ta.

Nếu ở trong hoàn cảnh như vậy, liệu ta có thể tiếp tục “cho đi” nữa hay không? Với nhiều người, dù bạn có cho họ mỗi ngày, thì họ cũng chỉ nhớ đến ngày mà ta đã không cho mà thôi. Bạn là người chân thành, cởi mở, luôn nhiệt tình, phóng khoáng với bạn bè. Những gì bạn mình cần giúp đỡ, bạn sẽ chẳng hề chối từ nếu nằm trong khả năng. Bạn bè của bạn dần quen với việc khi họ cần là bạn sẽ đến, họ thiếu tiền, bạn sẽ giúp…

Bạn cứ luôn đóng vai một người lớn, người hùng trong mắt bạn bè, mỗi khi họ cần thì bạn lại phải có trách nhiệm đến an ủi động viên. Đến khi, họ trách bạn không còn đối xử tốt với người ta nữa. Nhưng họ lại không chịu nhớ rằng ngày cô ấy cãi nhau với sếp thì bạn cũng vừa mất một cơ hội thăng tiến.

Có thể bạn là một nhân viên mẫn cán nhất phòng, không ngại ôm việc, chẳng ngại làm thêm. Bạn luôn tâm niệm rằng chỉ cần công việc tốt lên là được, tính toán thiệt hơn làm gì việc ai làm ít ai làm nhiều. Bạn không phải là người nhanh nhạy nhất nhưng sẽ luôn là người cần cù nhất.

Bạn không phải là người giỏi nhất nhưng sẽ luôn là người chăm chỉ nhất. Bất chợt đến một ngày, bạn cảm thấy mình đã đuối sức. Bạn muốn về nhà sớm và thấy mình cần có người chia sẻ công việc. Khi đó, sếp dường như trở thành một người hoàn toàn khác, đánh giá thấp kỹ năng của bạn, cho rằng những cố gắng của bạn bấy lâu nay bằng 0 và phóng đại cả những khuyết điểm của bạn lên.

Bạn làm việc hết mình chẳng hề tính toán thiệt hơn. Tuy nhiên, sếp bạn lại cho rằng đó là bổn phận, trách nhiệm của bạn. Trực ngoài giờ, đơn giản là trách nhiệm của bạn. Không để khách hàng nào khiếu nại, cũng là trách nhiệm của bạn. Hoàn thành công việc sớm, đó là bổn phận bạn cần làm.

Không chỉ vậy, đồng nghiệp lại cho rằng bạn lười biếng, muốn buông bỏ. Bạn đang đùn đẩy trách nhiệm cho họ, khiến họ tự nhiên phải làm những việc trước đây chẳng phải động tay. Dù trước đó bạn có làm 200% sức lực thì đến hiện tại điều đó đều đã trở thành nghĩa vụ mà bạn phải thế.

Cho nên, khi bạn chỉ làm đủ 100% những việc cần, mọi người sẽ cho rằng bạn chưa hoàn thành đủ trách nhiệm của mình. Sau tất cả, bạn cần nhớ rằng, những điều chân thành từ tấm lòng lương thiện của bạn không phải ai cũng xứng đáng để nhận.

Bài học này thật sự quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Những điều chân thành từ tấm lòng của bạn không phải ai cũng xứng đáng để nhận. Hãy biết chọn lựa để bản thân không phải hối tiếc những gì bạn đã “cho đi”. Có thể bạn cần cân nhắc lại về việc “cho đi” đối với những người thật sự xứng đáng hơn.

Mai Hương/giadinhmoi.vn

Đừng đòi hỏi, ích kỷ lúc đất nước khó khăn

Đừng đòi hỏi, ích kỷ lúc đất nước khó khăn chống dịch Covid-19!

Chưa làm được gì nhưng lại có hành động thiếu hợp tác, chê bai chỗ ở cách ly, những du học sinh này sau này sẽ trở thành người chủ tương lai như thế nào?

1. Ngày còn bé, tôi bị bố đánh cho một trận đòn đau nhớ đời và đó cũng là trận đòn duy nhất bố đánh tôi. Ở những năm 70-80, khi mà ngành hàng không và các phương tiện vận tải khác chưa phát triển, thì đường sắt gần như độc quyền. Thời ấy, ở lứa tuổi gần vào lớp 1 như tôi, đứa nào có người nhà làm đường sắt thường được chúng bạn “ngưỡng mộ”, đằng này bố tôi lại là Trưởng tàu nên tôi cũng thấy hãnh diện lắm.

Thỉnh thoảng, bố cho tôi về quê bằng tàu hoả. Lên tàu, các cô chú nhân viên thường hay dỗ dành và cho tôi quà bánh. Lúc ấy, trong đầu óc con trẻ, tôi nghĩ rằng bố mình có “quyền”, thì mình cũng đương nhiên được chiều chuộng.

Một lần lên tàu, tôi tự do ngồi vào ghế của một người khác. Chú nhân viên nói tôi trả chỗ cho khách, nhưng tôi nhất định không chịu. Thậm chí, tôi còn có thái độ vô lễ “có phải ghế của chú đâu mà bắt cháu chuyển chỗ”. Đúng lúc mọi người chưa biết phải thế nào, thì bố tôi đi tới, ông nghiêm giọng bắt tôi trả chỗ. Ông xin lỗi khách đi tàu cùng nhân viên của mình. Lúc ấy, tôi cứ tưởng mọi chuyện thế là êm xuôi.

Về đến nhà, bố bắt tôi nằm lên giường và tra hỏi về hành động lúc ở trên tàu. Ông nói, tôi còn bé nhưng đã có tính “hách dịch, vô lễ và hỗn hào người lớn”. Ông lấy roi đánh tôi một trận đau đến nỗi mãi sau này, mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy “nổi da gà”. Nhưng từ ấy, tôi làm gì nhớ lại trận đòn để điều chỉnh hành vi, thái độ của mình. Và đến tận bây giờ, những lời ông dạy dỗ, tôi vẫn coi là “kim chỉ nam” để răn dạy những đứa con của mình.

2. Trong những ngày gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số người ở nước ngoài, trong đó có cả du học sinh về nước tránh dịch ngày càng nhiều. Nhiều nơi phải trưng dụng cả các khu cách ly ở ký túc xá các trường Đại học để làm nơi cách ly. Với tinh thần vì cuộc chiến phòng chống dịch của tất cả các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, của cả xã hội, hàng ngàn sinh viên đã tự nguyện dọn hết đồ đạc từ hòm xiểng, chăn chiếu, tivi, bàn ghế… để dành chỗ cho những người về cách ly. Mà thực tế, nhiều sinh viên ở tỉnh xa, vùng khó khăn chưa biết xoay sở như thế nào để có chỗ trú thân.

Nữ du học sinh Canada dùng những từ ngữ rất khó nghe chê bai khu cách ly là "không thể sống nổi", "quá sức chịu đựng"...

Thế nhưng, nhiều du học sinh về nước cách ly, khi về đến sân bay đã tỏ thái độ coi thường, không hợp tác trong việc thực hiện các quy định về cách ly. Tại cuộc họp trực tuyến toàn quân của Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô lấy làm buồn về chuyện một số du học sinh ở khu vực châu Âu trở về, là con cháu của gia đình có điều kiện, khi về đến sân bay Nội Bài thiếu hợp tác với cơ quan chức năng. Thậm chí một số du học sinh buộc lực lượng công an, nhân viên hàng không phải cưỡng chế cho lên xe thì mới vận chuyển được về các địa điểm cách ly.

Khi về đến chỗ cách ly, một số đã chê bai cơ sở vật chất, đồ ăn, thậm chí có du học sinh ở Canada còn đăng bài chê bai cơ sở vật chất thậm tệ. Nữ sinh này cho biết mình đã quen với môi trường sạch sẽ, nên không thể chịu đựng nổi với việc phòng dơ, không wifi…

Trong tình hình cả nước đang nỗ lực chống dịch, nhiều người đã nỗ lực hết mình, trong đó có cả những sinh viên như họ, phải màn trời chiếu đất, thậm chí chưa biết đi đâu về đâu để nhường chỗ cho những người về cách ly, thì những hành động phản cảm như thế khó có thể chấp nhận. Thật đáng buồn, điều này lại xảy ra ở những người đang được rèn rũa, mở mang trí tuệ, nhận thức ở thế giới văn minh.

Ai đến độ tuổi công dân, đều phải chịu trách nhiệm về phát ngôn và hành động của mình, thậm chí bị phạt tù nếu có những hành vi chống đối, trái pháp luật. Vậy thì, tại sao về đến sân bay, họ lại có những hành động thiếu hợp tác, chống đối đến phải cưỡng chế về nơi cách ly? Hay họ cho rằng mình được quyền, được phép làm bất cứ điều gì vì họ là những “cậu ấm, cô chiêu” nhà có điều kiện, vốn được cưng chiều hơn người?.

Hình ảnh sau ca trực vất vả, những nhân viên y tế chẳng kịp thay quần áo mà nằm luôn tại các hành lang, các khoảng sân để ngủ tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.

Và nữa, khi mọi người ở trong nước đang chấp nhận thiệt thòi, thậm chí hy sinh để nhường cho họ có nơi ăn ở, có người phục vụ, theo dõi sức khoẻ, đáng lẽ ra họ phải biết ơn vì điều ấy. Nếu chưa làm được gì để cảm ơn những tấm chân tình ấy, thì ít ra cũng phải có thái độ đúng đắn, nhận thức tại sao mọi người lại phải hy sinh, nhường nhịn nhiều đến vậy? Hành động của những du học sinh này thật vô ơn, khó chấp nhận!

Với thái độ vô ơn, vô pháp như vậy, những du học sinh này sau sẽ trở thành những người chủ tương lai như thế nào của đất nước? Khi mà họ chưa làm được gì cho đất nước, thậm chí trong hoàn cảnh hiện nay, họ đang trở về "làm phiền" Tổ quốc, sống “miễn phí” bằng tiền của đất nước trong thời kỳ dịch dã khó khăn, nhưng lại lớn tiếng đòi hỏi, chê bai.

Rồi sau này, những du học sinh sẽ trở thành các bậc làm cha mẹ. Những ông bố, bà mẹ này sẽ dạy dỗ con cái mình điều gì, hay sẽ là “tấm gương xấu” phản chiếu những điều tương tự hành động của chính họ hôm nay?

Nhãn tiền là như vậy, nếu những người này không tự nhìn lại mình, nhìn lại sự hy sinh, nhường nhịn, sẻ chia và kiên nhẫn của mọi người để kịp thời ăn năn, cầu thị sửa chữa nghiêm túc./.

An An/VOV.VN

Cảm ơn Tổ quốc!

Các tình nguyện viên, đội ngũ hậu cần tranh thủ chợp mắt trong những ca làm thâu đêm, giữa các chuyến xe đưa người tới cách ly. Ảnh chụp từ trên tầng ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM sáng 20-3 và đưa lên mạng xã hội gây xúc động dư luận - Ảnh: Nguyet Nga Vu Chau

Trải qua 6 ngày cách ly tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM), tôi thấy mình thật may mắn. Bởi tại đây trang thiết bị và cơ sở vật chất vượt xa kỳ vọng, cơm ăn ba bữa, chẳng thiếu thứ gì.

Thiếu thứ gì, báo với hộ lý sẽ được đáp ứng liền. Nhưng hơn tất cả, tôi thấy cảm động trước sự phục vụ chu đáo của những người chăm sóc chúng tôi.

Tôi nhớ nhất là những giọt mồ hôi lăn trên gương mặt họ. Mặc đồ bảo hộ kín mít trong cái nóng 37 độ, họ vẫn ân cần và tận tụy, ngày ngày đo nhiệt độ, phục vụ cơm ăn ba bữa. Họ vẫn tận tình hỏi thăm từng người bị cách ly: "Nhà bếp hôm nay nấu cơm có ngon không? Em ăn có ngon miệng không?".

Du học thạc sĩ ở Anh từ tháng 8 năm ngoái, tôi cứ tưởng sẽ dành trọn vẹn một năm ở đất nước này để hoàn thành khóa học. Nhưng tôi không ngờ đến diễn biến phức tạp của dịch bệnh này.

Khi dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng tại Anh, tôi phân vân đặt vé về nước bởi trường chuẩn bị thi cuối kỳ, trong khi các hoạt động tại trường vẫn diễn ra bình thường.

Sốt ruột trước tình hình dịch bệnh tại Anh, bố mẹ tôi giục giã con gái về nước, kể cả chấp nhận bảo lưu một năm.

"Về đi con, trong trường hợp xấu nhất là mắc bệnh thì về đây, ít ra còn có bác sĩ, có gia đình, có Nhà nước" - bố mẹ tôi nói. Còn ở Anh tôi chỉ có một mình.

Không phải dễ để được xét nghiệm COVID-19 ở Anh. Một người tôi biết bị sốt cao, trong tình trạng hoảng sợ, anh gọi điện thoại cho Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) nhưng cũng chỉ được khuyên ở nhà cách ly ít nhất 7 ngày (chứ không phải 14 ngày).

Tại Anh, không có người giám sát người tự cách ly. Trong khi đó, những trường hợp tấn công vì phân biệt chủng tộc với người châu Á, những người thường đeo khẩu trang, gia tăng tại London cũng khiến tôi e dè khi đi ra đường buổi tối. Có lúc tôi phải lấy khăn quàng cổ che ngoài chiếc khẩu trang.

Ngày 14-3, tôi bay về Việt Nam chung chuyến với bệnh nhân số 75, nhưng chị đã được đưa tới khu điều trị riêng tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Tôi được xét nghiệm lần đầu khi đến trại cách ly, cho kết quả âm tính và đang chờ lần xét nghiệm tiếp theo trong tuần tới. Tôi thấy Việt Nam chưa để chỗ nào quá tải, thừa người cách ly, thiếu người chăm sóc.

Về đến Việt Nam, tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm và yên tâm hơn nhiều.

Tôi mong các bạn du học sinh khi về nước nên thật cẩn thận trong quá trình trở về Việt Nam và thực hiện tốt các quy định của nước ta, sau khi trở về nhà thì hạn chế ra đường và nếu có thì đeo khẩu trang và phòng bệnh thật kỹ. Bởi bảo vệ sức khỏe cho mình cũng là bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Tôi tin nếu đoàn kết, chắc chắn người Việt có thể đẩy lùi dịch bệnh, vì theo tôi, Việt Nam biết cách kiểm soát và nắm rõ tiến triển của dịch bệnh, biết cách ngăn chặn tránh để dịch phát tán diện rộng với số lượng lây lan lớn. Tôi mong dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi và được trở lại Anh tiếp tục việc học.

Khi hết cách ly, về nhà tại Hà Nội, điều đầu tiên tôi muốn làm là được ôm chầm bố mẹ vào lòng, tất nhiên khi đã chắc chắn mình âm tính với corona.

Tôi muốn cảm ơn nhiều người lắm, tựu trung là cảm ơn Tổ quốc!

BÙI PHƯƠNG LINH (du học sinh Anh, từ Bệnh viện dã chiến Củ Chi)

Hãy biết ơn!

Hôm qua, tôi đã khóc khi đọc chia sẻ của một điều dưỡng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư về những nỗi niềm của chị và các đồng nghiệp trong những ngày chống dịch.

Thực sự xúc động, bởi chị không nói về những vất vả nghề nghiệp, các ca trực triền miên, những đối diện hiểm nguy lây nhiễm mà chị kể: “Tôi không dám nói thật nơi mình làm việc, hàng xóm không cho con chơi với con tôi”. Chị từng phải bàn với chồng về việc tự mình “cấm túc” trong bệnh viện để gia đình, người thân đỡ bị hàng xóm kỳ thị.

Họ, những người đang ở tuyến đầu chống dịch, cần lắm ở chúng ta một cái nắm tay, một cái ôm ấm áp để cùng nhau vượt qua những ngày khó khăn này.

Tôi cũng bất giác nhòe mắt, khi xem clip gây ồn ào của một người được cho là Việt kiều ở sân bay Nội Bài, chỉ vì “phải chờ quá lâu” khi làm thủ tục nhập cảnh và khai báo y tế bắt buộc.

Giận lắm. Chị Việt kiều về từ vùng dịch, khi thốt lên những lời gây tổn thương cho lực lượng chức năng cũng như cộng đồng ấy, sao không hiểu: dịch đang cao điểm, cả nước đang phải gồng mình chống dịch. Thủ tục khai báo y tế, kiểm tra dịch tễ và cách ly bắt buộc không chỉ để bảo vệ cộng đồng mà còn vì sự an toàn sức khỏe cho chính chị và người thân của chị. Chị về nước lúc này hẳn không phải để du lịch rồi!

Cũng thấy thương lắm cho nhận thức và “tấm lòng” của nhiều anh chị, về nước tránh dịch mà chê bai từ sân bay, khu cách ly đến dè bỉu bữa ăn. Lời bài hát “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” chưa bao giờ là sáo rỗng.

Đất nước còn nhiều khó khăn. Đúng. Nhưng Tổ quốc chưa một ngày từ chối dành nguồn lực còn ít ỏi để bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho mọi công dân, kể cả những người xa xứ khi cần có chỗ an toàn trở về trong mùa dịch này. Tổ quốc đã vượt qua các giao thức ngoại giao để đón người Việt trở về từ tâm dịch Vũ Hán, chào đón công dân trở về từ Hàn Quốc và nhiều nước có dịch nguy cấp.

69 ca nhiễm Covid-19 trong vòng 14 ngày, 87 điểm cách ly tập trung đang phục vụ miễn phí gần 25.000 người, theo dõi sức khỏe đối với hơn 42.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch. Trong 2 ngày 18 và 19.3, riêng sân bay Nội Bài đón gần 3.000 người nhập cảnh, trong đó đa phần là người Việt, về từ những vùng có dịch, đòi hỏi các yêu cầu kiểm tra dịch tễ đặc biệt. Kể ra đó để nói rằng, trong bộn bề chống dịch, chúng ta cần sự sẻ chia cộng đồng, cần nắm tay thật chặt để nói một tiếng nói chung.

Không ai có thể tự giàu có và càng không tự mình vượt qua được đại dịch!

An Nguyên

Tổ quốc chào đón các bạn, nhưng sao lại nặng lời miệt thị?

Đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới. Cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang căng mình chống dịch, cứu người. Trong cuộc chiến này, không có ai bị bỏ lại, kể cả những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Thế nhưng vẫn có một vài người khi trở về nước "tránh dịch", đã có những hành vi đáng xấu hổ!

Đất nước Việt Nam luôn luôn mở rộng cửa chào đón đồng bào của mình đang sống và làm việc ở nước ngoài trở về quê nhà để tránh dịch bệnh. Quan điểm và hành động này là nhất quán kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, Hàn Quốc. Khi đó ngành hàng không nước nhà đã dùng cả một chuyến bay mang số hiệu HVN68 để đưa 30 người Việt từ Vũ Hán về sân bay Vân Đồn.

 Cuối tháng 2 vừa rồi, hàng chục chuyến bay liên tục đưa bà con người Việt ở Hàn Quốc về nước. Những khu cách ly tươm tất được dựng lên, bà con được cách ly tập trung miễn phí, từ chỗ ở đến ba bữa ăn hằng ngày, kể cả các dịch vụ y tế.

Nữ Việt kiều này đã dùng lời lẽ nặng nề để miệt thị người khác

Vì sao bà con người Việt mình muốn về nước tránh dịch Covid-19? Đơn giản bởi trong giai đoạn đầu, Việt Nam chống dịch rất tốt, cả 16 ca nhiễm SARS-CoV-2 đều chữa khỏi. Trang scoopwhoop.com của Ấn Độ ngày 17-3 đăng bài nhận định Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Đông Nam Á, bên cạnh Singapore.

Đó cũng là lý do con của một tỉ phú, dù tốn gần 10 tỉ đồng vẫn đưa con gái (bệnh nhân số số 32) từ nước Anh có nền y tế rất đẳng cấp về Việt Nam chữa trị và đến nay bệnh nhân này đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Dịch Covid-19 bước vào giai đoạn 2, giai đoạn đại dịch, cũng là thời điểm châu Âu bùng phát. Đây cũng là lúc số đông bà con người Việt sống ở châu Âu trở về Việt Nam để tránh dịch bệnh. Những ngày gần đây mỗi ngày có hàng ngàn người Việt sống ở nước ngoài trở về. Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ... luôn rất đông đúc. Các cơ quan chức năng đã làm hết sức mình, căng mình ra để chống dịch, để tổ chức cách ly, xét nghiệm…, vậy mà vẫn có người không hài lòng, phản ứng bằng những hành vi rất phản cảm. Như có nữ Việt kiều kia viết xằng bậy trên trang cá nhân: "Hạ cánh an toàn, Việt Nam có ai đón mẹ con Linh Love? Sân bay buồn quá đi có ai đi báo công an chưa. Tụi bây xạo ***...

Ngay lập tức, chia sẻ này bị cộng đồng mạng phản đối kịch liệt. Và cũng ngay lập tức, nữ Việt Kiều này livestream, dùng lời lẽ thô tục, thách thức dư luận, phỉ báng mọi người. Người phụ nữ này gọi cư dân mạng là "lũ", đồng thời "mời" tất cả đến chửi rủa mình cùng một lúc, thách thức mọi người gọi công an đến bắt mình!

Đó là hành động thiếu văn hóa, khi muốn về nước "tránh Covid-19", lại chửi Tổ quốc mình, người dân của mình?

Hôm 17-3, một đoạn clip tại sân bay Nội Bài được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một nhóm người trở về từ châu Âu đang gây náo loạn. Người phụ nữ mặc áo đen, tóc ngắn lớn tiếng đưa ra nhiều yêu sách với lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Cô còn chê bai bánh mì được nhân viên sân bay phục vụ. Ngay sau đó cộng đồng mạng tìm ra Việt kiều Ba Lan này và đòi "trả" cô về nơi xuất phát.

Chưa hết, ngày 15-3, một video lan truyền trên mạng xã hội ghi nhận hình ảnh một nhóm hành khách người Việt về sân bay Nội Bài gây náo loạn, to tiếng với nhân viên chống dịch vì cho rằng họ phải chờ đợi quá lâu, chưa được đưa đi cách ly. Họ phản ứng dữ dội mà không chịu nghe nhân viên làm nhiệm vụ giải thích. Đại diện sân bay Nội Bài xác nhận sự việc to tiếng này và cũng cho biết, nhiều người dù chờ đợi lâu nhưng vẫn vui vẻ hợp tác với nhân viên phòng chống dịch, làm các thủ tục cách ly.

Những người này to tiếng, cãi vã với nhân viên chống dịch tại sân bay Nội Bài. Ảnh cắt từ clip

Ai cũng hiểu, bà con người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là châu Âu đang mang tâm trạng hoang mang, khi châu Âu bắt đầu biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Hiểu và biết tình hình đó, trong điều kiện cho phép, cơ quan chức năng Việt Nam vẫn đưa máy bay sang, chở bà con từ vùng dịch châu Âu trở về, để bà con an tâm. Không chỉ chấp nhận rủi ro, nhà nước phải chi rất nhiều tiền từ ngân sách để thành lập thêm khu cách ly tiện nghi, để bà con được cách ly an toàn, được ăn ở, chăm sóc y tế miễn phí, xét nghiệm SARS-CoV-2 không mất tiền, thậm chí nếu bị mắc Covid-19, được chữa bệnh miễn phí. 

Trong khi đó, nhiều nước vẫn thu phí điều trị Covid-19!

Đó là cố gắng rất lớn của nhà nước Việt Nam. Đó là tấm lòng của Tổ quốc. Vậy tại sao một số ít người từ nước ngoài về nước "tránh dịch bệnh" lại có hành vi phản cảm, thiếu tôn trọng, thiếu cộng tác với cơ quan chống dịch, thậm chí có người còn chửi dân mình?

Nếu thấy những điều bạn chưa hài lòng thì nên phản ánh để cơ quan chống dịch làm tốt hơn. 

Đó mới là xây dựng, đó mới là cùng chung tay chống dịch bệnh! 

Lưu Nhi Dũ

Ngguon: https://nld.com.vn