F Cảm ơn Tổ quốc! ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Cảm ơn Tổ quốc!

Các tình nguyện viên, đội ngũ hậu cần tranh thủ chợp mắt trong những ca làm thâu đêm, giữa các chuyến xe đưa người tới cách ly. Ảnh chụp từ trên tầng ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM sáng 20-3 và đưa lên mạng xã hội gây xúc động dư luận - Ảnh: Nguyet Nga Vu Chau

Trải qua 6 ngày cách ly tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM), tôi thấy mình thật may mắn. Bởi tại đây trang thiết bị và cơ sở vật chất vượt xa kỳ vọng, cơm ăn ba bữa, chẳng thiếu thứ gì.

Thiếu thứ gì, báo với hộ lý sẽ được đáp ứng liền. Nhưng hơn tất cả, tôi thấy cảm động trước sự phục vụ chu đáo của những người chăm sóc chúng tôi.

Tôi nhớ nhất là những giọt mồ hôi lăn trên gương mặt họ. Mặc đồ bảo hộ kín mít trong cái nóng 37 độ, họ vẫn ân cần và tận tụy, ngày ngày đo nhiệt độ, phục vụ cơm ăn ba bữa. Họ vẫn tận tình hỏi thăm từng người bị cách ly: "Nhà bếp hôm nay nấu cơm có ngon không? Em ăn có ngon miệng không?".

Du học thạc sĩ ở Anh từ tháng 8 năm ngoái, tôi cứ tưởng sẽ dành trọn vẹn một năm ở đất nước này để hoàn thành khóa học. Nhưng tôi không ngờ đến diễn biến phức tạp của dịch bệnh này.

Khi dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng tại Anh, tôi phân vân đặt vé về nước bởi trường chuẩn bị thi cuối kỳ, trong khi các hoạt động tại trường vẫn diễn ra bình thường.

Sốt ruột trước tình hình dịch bệnh tại Anh, bố mẹ tôi giục giã con gái về nước, kể cả chấp nhận bảo lưu một năm.

"Về đi con, trong trường hợp xấu nhất là mắc bệnh thì về đây, ít ra còn có bác sĩ, có gia đình, có Nhà nước" - bố mẹ tôi nói. Còn ở Anh tôi chỉ có một mình.

Không phải dễ để được xét nghiệm COVID-19 ở Anh. Một người tôi biết bị sốt cao, trong tình trạng hoảng sợ, anh gọi điện thoại cho Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) nhưng cũng chỉ được khuyên ở nhà cách ly ít nhất 7 ngày (chứ không phải 14 ngày).

Tại Anh, không có người giám sát người tự cách ly. Trong khi đó, những trường hợp tấn công vì phân biệt chủng tộc với người châu Á, những người thường đeo khẩu trang, gia tăng tại London cũng khiến tôi e dè khi đi ra đường buổi tối. Có lúc tôi phải lấy khăn quàng cổ che ngoài chiếc khẩu trang.

Ngày 14-3, tôi bay về Việt Nam chung chuyến với bệnh nhân số 75, nhưng chị đã được đưa tới khu điều trị riêng tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Tôi được xét nghiệm lần đầu khi đến trại cách ly, cho kết quả âm tính và đang chờ lần xét nghiệm tiếp theo trong tuần tới. Tôi thấy Việt Nam chưa để chỗ nào quá tải, thừa người cách ly, thiếu người chăm sóc.

Về đến Việt Nam, tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm và yên tâm hơn nhiều.

Tôi mong các bạn du học sinh khi về nước nên thật cẩn thận trong quá trình trở về Việt Nam và thực hiện tốt các quy định của nước ta, sau khi trở về nhà thì hạn chế ra đường và nếu có thì đeo khẩu trang và phòng bệnh thật kỹ. Bởi bảo vệ sức khỏe cho mình cũng là bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Tôi tin nếu đoàn kết, chắc chắn người Việt có thể đẩy lùi dịch bệnh, vì theo tôi, Việt Nam biết cách kiểm soát và nắm rõ tiến triển của dịch bệnh, biết cách ngăn chặn tránh để dịch phát tán diện rộng với số lượng lây lan lớn. Tôi mong dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi và được trở lại Anh tiếp tục việc học.

Khi hết cách ly, về nhà tại Hà Nội, điều đầu tiên tôi muốn làm là được ôm chầm bố mẹ vào lòng, tất nhiên khi đã chắc chắn mình âm tính với corona.

Tôi muốn cảm ơn nhiều người lắm, tựu trung là cảm ơn Tổ quốc!

BÙI PHƯƠNG LINH (du học sinh Anh, từ Bệnh viện dã chiến Củ Chi)