F Về nhà với má ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Về nhà với má

Tự nhiên một bữa thèm quê, xin nghỉ về nhà. Sếp thương bảo: “Ừ, nhớ thì về, mà tranh thủ lên!”. Vậy là chễm chệ xe đò, giữa một ngày chang chang nắng. Tạm bỏ lại sau lưng Sài Gòn khói bụi và những giấc mơ thị thành. Cái khoảng cách xa xôi được đo bằng lan man những hoài niệm cũ, lướt qua dịu dàng. Đến khi chiếc xe gồng lên bởi đoạn đường đá sỏi là đã thoáng thấy bóng dáng quê hương.

Vẫn là con đường cũ của một hàng bằng lăng mướt xanh, mùa này thôi bung hoa tím mà vẫn đủ để viết vào phố những vần thơ chung thủy, ngọt ngào. Gặp buổi tan trường, áo trắng xôn xao. Trong râm ran ngọt ngất nói cười, thấy bóng mình đâu đó, những vòng xe đạp xoay xoay chở nhau qua hết thời tuổi dại, qua hết mùa hồn nhiên.

Cũng may mà nhà xe gọi xuống, nếu không chẳng biết dòng tâm trạng đưa mình đi đến đâu nữa. Thêm mười phút xe ôm, vậy là tới nhà, cái nơi vẫn muốn về mỗi chiều, vẫn mong ngủ mỗi tối. Cây mận già run run mấy chùm bông trắng, ừ thì thương; mà đừng rụng lá nhiều nghen, cực má!

Chắc má hổng hay thằng út về, thành thử cái võng cứ đong đưa… Thì khoan hãy cho má biết, bởi thiệt lâu rồi con mới được nhìn má như thế. Suốt một quãng đời cơ cực, tảo tần, má đâu được nhiều những lúc thảnh thơi. Cả bây giờ nữa! Lâu rồi con mới nhìn ngang tóc má để nhận ra những sợi đen giờ đã thưa vắng thiệt nhiều rồi. Nhớ đâu hồi hơn mười tuổi, lần đầu tiên nhận ra tóc má có sợi bạc, con còn cười, mà bây giờ…

Má, con mới về! Chỉ bấy nhiêu thôi mà khi quay lại, mắt má hình như rơm rớm. Giọt lệ của mừng, tủi và hạnh phúc đan xen. Từ ngày ba mất, má gồng mình mạnh mẽ để vừa làm mẹ, vừa làm cha. Chưa bao giờ con thấy má khóc, mãi đến sau này, ngày đám cưới chị hai và khi con đi làm xa, mỗi lần về.

Bữa cơm chiều nay rôm rả hẳn, anh chị hai nhà xéo ngang sông bơi xuồng đưa hai đứa cháu qua mừng cậu về. Giữa bi bô tiếng cười trẻ nhỏ, giữa những câu chuyện của thành thị, quê nhà đan xen, mắt má ngời vui. Má xới cơm, gắp thức ăn cho từng đứa, kiểu như đám con cháu hết thảy đều toàn nhỏ dại. Là má làm con nhớ những bữa cơm của ngày nào, còn ba. Một cái bàn nhỏ, năm cái ghế, bốn cái để ngồi, một cái đặt nồi cơm. Con với chị như hai con chim non, chờ má gắp cho đủ thứ đồ ăn ngon, nhất là những ngày có canh chua cá lóc, cái trứng má phải chia làm hai. Ba cười nói: “Nhìn tụi con cưng vầy, ba ăn cơm với nước mắm cũng ngon!”.

Đêm nhà quê, vo ve tiếng muỗi, vài tiếng cúm núm ngoài đồng mổ vào bóng tối. Thương đến nồng nàn cái tĩnh lặng của đất trời quê. Góc sân nhỏ dìu dịu mùi hương dỏ dẻ, mấy bông hoa vàng bé xíu hồi trước má vẫn thường hái bọc vào khăn mùi xoa để đầu giường cho chị hai, bụi hoa đã qua biết bao mùa nắng gió, má tỉa cành, để đó làm vui. Như niềm vui được thấy con gái mình hạnh phúc. Thương má, không muốn má cực lúc già, cũng không muốn cách má một lần sông; chị hai mấy lần xin rước má về bên nhà phụng dưỡng mà má không chịu, vì “má còn khỏe, tụi bây đừng lo!”. Mà thiệt ra, đứa nào cũng hiểu, má sợ có thêm má, lâu ngày rầy rà nhà chị mất vui.

Lại tự trách mình học đâu cái nghề làm chi xa lắc, mỗi năm đôi ba lần về thăm má, mỗi lần về thành ra như khách nhà mình. Gánh nặng mưu sinh nhiều khi vẽ ra những con đường xa ngái, mù tăm. Lắm lúc giữa đại lộ thênh thang mà cứ mơ một con đường làng gập ghềnh đá sỏi, giữa hầm hập nắng gió cuộc đời lại thèm một gáo nước mưa trong vắt ngoài lu của má. Mà có dễ gì đâu!

Giường trong, má và chị hai đã ngủ. Tiếng thở đều đều, êm êm. Cũng có nghĩa là chỉ còn vài giờ nữa thôi để thức, để thương. Rồi sáng mai, lại phải vòng tay “Thưa má, con đi!”./.

Nguyễn Giang San