Tôi chưa từng bắt gặp vùng đất nào nhiều me như quê chồng, mà cũng có thể có vùng đất khác nhiều hơn mà tôi chưa đặt chân đến nên chưa biết, nên tạm thời trong ký ức của tôi thì quê chồng là vùng nhiều me hơn cả. Me chẳng ai trồng, tự mọc dại, vậy mà nhiều vô số kể. Chắc do dân vùng này thích ăn me nên thường không chặt bỏ đi. Dễ dàng bắt gặp bóng dáng me ở khắp mọi nơi, mà toàn me cổ thụ, có gốc to phải ba, bốn người ôm mới xuể.
Ảnh minh họa. |
Đang mùa me chín. Những cơn chướng quần nát ngọn khiến trái chín rơi lộp độp trên mái hiên nhà, nghe như bản hòa âm của đất trời. Chú chồng tôi thường than rằng me rụng ồn đến độ chẳng đêm nào chú ngủ trọn giấc, lâu lâu lại bị đánh thức bởi tiếng trái rơi. Bực quá chú định chặt cây me đi nhưng tiếc vì nó đã gắn bó với căn nhà từ đời ông cố, mà không chặt thì lá rớt nhiều quá mục mái tôn. Lũ cháu bảo chú đừng chặt để cho có bóng mát. Chúng tôi nói thế thôi chứ nguyên nhân sâu xa đằng trong là do cây me này trái ngọt lạ kỳ, ăn cứ như trái me Thái người ta hay bán ngoài chợ. Lũ chúng tôi thường giành nhau hái mỗi khi ghé lại thăm chú. Chắc điều đó làm chú vui, ai lại chẳng tự hào vì nhà mình có thứ cây mà mọi người đều thích! Chắc vậy nên dù đã chặt hoài nhưng tới giờ cây me vẫn sừng sững đứng đó chưa bị sứt mẻ gì.
Đó là cây me bên nhà chú chồng, còn cây me bên nhà chồng tôi lại có nhiều sự tích hơn. Chồng thường hay kể hồi nhỏ thường bị ba bắt trèo cây hái me bán. Có lần sơ ý ngã xuống chết giả làm cả nhà được phen hoảng hồn. Tôi hỏi sao không chặt cây me đi, để rợp quá chẳng trồng được cây gì, chồng im lặng, không cáu gắt gạt đi mà cũng chẳng ừ à đồng ý. Đôi mắt anh nhìn cây me tư lự, chừng như ký ức tuổi thơ đang chiếu lại trên cái khoảng không trước mặt. Chắc trong cuốn phim đang chiếu đó có hình ảnh người ba anh hằng mong nhớ (ba chồng tôi mất đã khá lâu). Tôi thôi không hỏi chuyện cây me nữa. Dù vậy có lần ngẫu hứng anh lại kể chuyện ba anh hồi đó hay trèo lên những nhánh cao nhất để hái me, chỗ chẳng đứa con nào dám trèo, rồi tự dưng giọng anh rớt xuống nghe buồn thiệt buồn “ổng thích ăn me lắm, bởi vậy muốn nằm cạnh cây me ngoài gò”. Chỉ tiếc cây me lớn ngoài gò đã bị cưa đi khi đường điện cao thế được kéo qua. Hẳn ba buồn dữ lắm vì từ đó không còn được nằm dưới bóng cái cây đã gắn bó cả đời người…
Nói về me, không thể không nói đến cách ăn me của người vùng này. Tôi chưa từng thấy vùng đất nào mà người ta ăn me “ngộ” như ở đây. Ăn từ lá non, đến trái non rồi trái chín. Cả những cây me già cỗi, người ta cũng “ăn” mà ăn theo cách khác, đó là hầm than bán cho mấy hàng quán. Ở đây người ta ưa dùng than hầm, ít người dùng than tổ ong.
Lá me non được dùng để nấu canh cá biển hoặc giã nước mắm chấm cá đồng. Hồi đầu tôi thấy ngồ ngộ, nhưng ăn thử mới biết hương vị hòa quyện vô cùng. Cá nục bầu, cá chỉ, cá chốt… loại cá nào cũng có thể nấu canh lá me non. Thịt cá giẻ ra săn chắc lại ngọt lạ kỳ. Còn khi giã lá me non hòa chung với nước mắm lại được thứ nước chấm chua ngọt thanh thanh ăn kèm cá trào chiên thì chẳng ai có thể kiềm chế được cơn thèm.
Ăn hết mùa lá non, tới mùa me đĩa, người ta lại hái me đĩa giã giập nấu canh chua hoặc giã nước mắm chấm cá, trộn rau ăn. Me đĩa có vị chua chua, chát chát. Nhiều cô ghiền quá còn cạo sơ vỏ đem chấm muối ớt ăn, nhìn thòm thèm nước miếng.
Hết mùa me đĩa là tới mùa trái chín. Trái chín hái đem lột vỏ để dành dùng cả năm chẳng hư hao gì. Nấu canh cà thơm cho một vắt me vào, nước chua ngọt dễ ăn. Làm nước mắm bỏ vắt me vào, vừa tiện vừa ngon. Mắm me không chua đậm hơi hắc như mắm chanh, mà chua thanh dìu dịu, ăn kèm cá chiên hoặc đem trộn cá khô với rau sống thì tốn cơm dữ lắm!
Nhiều năm ở quê chồng, gắn bó với nếp ăn uống có me hiện hữu hàng ngày, thấy sao mà thương quá đỗi. Chắc hẳn do dải đất này chỉ toàn nắng và cát nên ít loài cây phát triển tốt được, chỉ có cây me chịu được khô cằn khắc nghiệt mới trụ vững. Cái thời còn nghèo khổ, người dân đem chế biến món ăn cho hợp với cây cỏ xứ mình, thành ra nhiều món ăn gắn với cây me là vậy. Lạ kỳ thay cá từ biển khơi, me sẵn vườn nhà lại hòa hợp với nhau tạo nên nhiều món ngon khó quên. Nhất là thứ nước mắm ủ từ cá và muối biển, khi cho vắt me dầm chung ăn với thứ gì cũng ngon đến lạ. Đâu cứ phải sơn hào hải vị, chỉ cần thứ cây thôn dã đã khiến đất này lưu giữ mãi trong tim, cồn cào nỗi nhớ khi đi xa. Phải chăng cây me là hồn của vùng đất nắng gió này, cũng như cây dừa nơi miền Tây trù phú?
Trúc Vy