Chùm 3 ca khúc nổi tiếng: “Nhớ người yêu”, “Thương nhớ người yêu”, “Lại nhớ người yêu”, nhạc sĩ Giao Tiên viết cho một mối tình thời trẻ, chỉ dành riêng cho một người...
“Ước gì nhà mình chung vách…”
Nhạc sĩ Giao Tiên có dáng người cao, mảnh khảnh, nước da trắng, nhìn bề ngoài của ông toát lên vẻ trẻ trung và sang trọng. Ông tên thật là Dương Trung (SN 1941, quê ở tỉnh Bình Định nhưng trưởng thành ở Sài Gòn, hiện sống ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Từ nhỏ, ông đã có năng khiếu và yêu thích âm nhạc, nhìn người lớn đàn, lắng nghe, rồi tập đàn theo chứ không học trường nào cả. Năm 15 tuổi, ông đã đàn rành rọt guitar và thổi harmonica.
Khi vào trung học, ông rất thích tác phẩm truyện thơ “Hoa tiên truyện”. Trong tác phẩm này, nhân vật chính có tên “Dương Giao Tiên”. Điều trùng hợp, Dương lại là họ của ông. Chính vì vậy, khi sáng tác ca khúc đầu tay năm 20 tuổi, ông đã quyết định lấy bút danh Giao Tiên để đi vào âm nhạc.
Nhạc sĩ Giao Tiên - Hoàng tử của dòng nhạc tình quê
|
Theo lời kể của nhạc sĩ Giao Tiên, trước khi lấy bà Hương Xuân (vợ ông sau này), thời trẻ ông từng yêu một cô gái. Tuy nhiên, hoàn cảnh trắc trở, mối tình này không trọn vẹn. Vì thương nhớ người yêu, nhạc sĩ đã cho ra đời một chùm 3 ca khúc nổi tiếng là “Nhớ người yêu”, “Thương nhớ người yêu”, “Lại nhớ người yêu”. Nhạc sĩ Giao Tiên thú nhận ông là “người nhạc sĩ suốt đời đi thương nhớ”, bởi chùm 3 ca khúc này ông viết vào thuở đôi mươi, chỉ cho một mối tình và chỉ dành riêng cho một người. “Khi hai người yêu nhau mà hoàn cảnh không cho được sum họp, tôi nhớ thương rồi viết bài “Nhớ người yêu”.
Nhưng sau đó xảy ra những tình huống khác làm cho mối tình thêm bi đát, tình yêu đó giằng xé ghê gớm nên tôi tiếp tục viết “Thương nhớ người yêu”. Nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục nhớ người ấy sáng, trưa, chiều, tối và lại cho ra đời ca khúc “Lại nhớ người yêu” để thể hiện sự thương nhớ bất diệt”, nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ.
Trong nhạc phẩm “Nhớ người yêu” có lời hát khá quyết liệt: “Ước gì nhà mình chung vách, anh khoét tường anh đến với em”, mà bây giờ nhắc lại nhạc sĩ Giao Tiên vẫn cười sảng khoái: “Đó là một cảm xúc cồn cào rất thật của tôi. Khi yêu nhau người ta chỉ muốn được gần bên nhau. Nỗi nhớ người yêu luôn thôi thúc trong lòng tôi mỗi giây, mỗi phút khiến cho người đang yêu có một ý nghĩ táo bạo là nếu như nhà mà chung vách thì…”.
Một điều đặc biệt, khi nhạc phẩm “Nhớ người yêu” được phát trên đài phát thanh với tiếng hát Chế Linh, báo chí đã chỉ trích lời hát này không được thiện cảm cho lắm, nên trong bản thu âm sau đó, nhạc sĩ đã sửa lại thành: “Ước gì nhà mình chung vách, hai đứa mình thức trắng đêm nay”. Tuy nhiên, khi hát lại bài này ở hải ngoại, Chế Linh vẫn hát câu: “Anh khoét tường anh đến với em”, làm cho nhiều người tưởng rằng đó là lời hát chế cho vui. Với nhạc phẩm “Lại nhớ người yêu”, nhạc sĩ Giao Tiên bảo, đây là một trong số các ca khúc ông tâm đắc nhất nên hát thấy… sung sướng.
“Bài này không chỉ được các ca sĩ thành danh ở hải ngoại, trong nước thể hiện, mà các em bé 4, 5 tuổi cũng hát theo. Có ca sĩ còn hát ngoài đường phố suốt đêm làm cho tôi xúc động”, nhạc sĩ Giao Tiên cho biết. Số phận luôn có những sắp đặt trớ trêu. Nếu mối tình “Buổi chiều vừa gặp nhau đây, mà đêm đã nhớ như vậy, em hỡi em có hiểu có hay” (trích “Lại nhớ người yêu”) mà đơm hoa kết trái thì có lẽ sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Giao Tiên không thể phong phú như hôm nay.
Mãi mãi là “hoàng tử trong mơ”
Nhạc sĩ Giao Tiên và vợ kết hôn năm 1967, họ có với nhau 5 người con. Sau giải phóng, cả gia đình nhạc sĩ Giao Tiên dắt díu nhau về Bù Đăng, Sông Bé (tỉnh Bình Phước hiện nay) làm rẫy mưu sinh theo diện kinh tế mới. Cuộc sống lo toan miếng cơm manh áo cho đàn con nheo nhóc khiến ông quên mất mình là một nhạc sĩ. Bàn tay chỉ quen viết nhạc không chịu nổi việc làm rẫy, đi rừng nên năm 1986, vợ chồng nhạc sĩ lại dắt díu nhau lên Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) buôn bán cùng người cháu họ.
Công việc không thuận lợi, năm 1990, ông lại đưa vợ con về Cam Ranh làm lại từ đầu bằng nghề nuôi tôm. Nhưng rồi tôm chết, bán đìa không đủ trả nợ, vợ chồng ông lại chuyển sang nghề gói bánh chưng để nuôi con ăn học. Vào một buổi sáng năm 1994, trong lúc ngồi gói bánh chưng, nhạc sĩ Giao Tiên bất ngờ nghe ca sĩ Đình Văn hát bài “Tình đẹp mùa chôm chôm” do chính ông sáng tác.
Ông lao ra đường thì phát hiện giọng hát phát ra từ chiếc xe bán cà rem. Sững người, ông chạy theo xin được nghe lại, rồi hỏi thăm về nơi sản xuất bài hát này, nhưng người bán cà rem không biết. Thế là nhạc sĩ đi Sài Gòn hỏi thăm nơi phát hành các bài hát của mình, nhưng khi đến nơi thì lại bàng hoàng vì tất cả đều để tên tác giả là người bạn của mình. Hóa ra, vì vắng mặt hơn 20 năm để mưu sinh nên nhiều người nghĩ rằng nhạc sĩ Giao Tiên đã chết hoặc biệt tích.
Người bạn của ông nhân đó đã “cuỗm” không ít bài của nhạc sĩ Giao Tiên, đổi qua tên mình và bán cho các trung tâm âm nhạc. Buồn bã, thất vọng, ông quay về Cam Ranh, nhưng kể từ đó, tâm hồn âm nhạc cũng quay trở lại với người nhạc sĩ tài hoa, hiền hậu. Ngày đêm, ông lao vào sáng tác hăng say, nhiều tác phẩm được đến với công chúng.
Đến nay, gia tài sáng tác của ông đã vượt 1.500 tác phẩm. Lý giải về sức viết khủng này, ông tâm sự: “Khi đủ cảm xúc thì một tác phẩm có thể chỉ sau vài giờ là hoàn thiện. Cũng có khi một tác phẩm cần trau chuốt đến cả tháng hay vài tháng. Nhưng tôi thường sáng tác khi lồng ngực đã căng tràn cảm xúc. Khi đó nốt nhạc thăng hoa không theo định hướng mà nó rất bình dị tự nhiên”. Khán giả cũng đặt cho ông biệt danh “nhạc sĩ đồng quê”.
Ông bảo, khán giả đặt biệt danh vậy là bởi họ cho rằng nhạc Giao Tiên gần gũi. Và họ cảm thấy một số sáng tác của ông như nói lên nỗi lòng của nhiều người dân lao động nghèo. “Âm nhạc chạm đến trái tim khán giả chính là thành công lớn nhất của người sáng tác”, nhạc sĩ Giao Tiên nói.
Nhắc đến người vợ hiền, nhạc sĩ Giao Tiên cho biết: “Mỗi lần nhìn vợ, tôi lại nghĩ, nếu tôi không lấy được người vợ đảm đang, khéo léo thì không có tôi như ngày hôm nay. Tôi thương vợ nhiều điểm lắm. Trên đời này không có ai khiến tôi cảm thấy ưng ý đến như vậy. Phụ nữ có xinh xắn, tốt đẹp mấy cũng chỉ đến như vợ tôi thôi. Bà ấy khéo léo từ việc gia đình đến chuyện giao tiếp với bà con, lối xóm. Sống với nhau, dù đói khổ thế nào, vợ tôi cũng gói ghém, dành một số tiền nhỏ nhoi nhất để tôi yên tâm sáng tác âm nhạc”.
Còn bà Hương Xuân thổ lộ, dù đã đến tuổi bạc đầu nhưng bà vẫn xem nhạc sĩ Giao Tiên như “hoàng tử trong mơ”. Đến giờ, bà vẫn yêu ông nồng nàn vì sáng tác nhiều bài nhạc hay và hết lòng thương vợ cho đến tận tuổi già. Kể về cuộc sống hiện tại, nhạc sĩ Giao Tiên bảo, mấy năm nay, ông phổ thơ nhiều hơn là sáng tác bởi tuổi cao, lời văn không còn dạt dào như trước. Ông nghiên cứu những bài thơ hay và phổ thành giai điệu dễ thuộc, dễ nhớ.
Thỉnh thoảng, một số nhà đài như: Truyền hình Vĩnh Long, TP HCM, VTV9, VTV3… mời ông tham gia chương trình của họ nên cuộc sống cũng có nhiều điều thú vị. “Cuộc đời tôi gắn liền với miền quê, thăng trầm trắc trở, vui có, buồn có, đắng cay có, đôi khi cảm thấy mình giống như điệu nhạc bolero… Và tôi luôn tâm nguyện sẽ viết nhạc đến khi nào nhắm mắt buông tay mới thôi, vì nó đã ngấm vào máu thịt”, nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ
Đình Phùng (biên soạn)
Nguon: https://baophapluat.vn/