Chuyển nhà lên thành phố sống đã hơn chục năm, song trong tôi vẫn luôn mang theo nỗi niềm nhớ quê da diết, bởi nơi ấy - mảnh đất cằn cỗi, nghèo khó nhưng vô cùng chan chứa tình người đã chở che, nuôi tôi lớn khôn bằng sự đạm bạc của bắp ngô, củ khoai, hạt gạo cùng những bữa cơm rau muối giản đơn...
Quê tôi, một làng quê cũng giống như bao làng quê Việt thân thương khác, ở đó có lũy tre làng xanh mướt cùng những nếp nhà mái ngói, thời ấy còn có nhiều mái nhà tranh đơn sơ nhưng tình người thì luôn chan chứa rộng mở. Có rất nhiều điều, nhiều ký ức và kỷ niệm để nhớ về mảnh đất quê mình, nhưng có lẽ hình ảnh chợ quê và người mẹ thân yêu của tôi mới là nét khắc vẽ đậm nhất trong bức tranh hoài niệm của tâm hồn...
Nhà tôi nằm sát bến sông nhỏ, nơi có một cái chợ làng khá lớn. Thực ra đây là một cái chợ có tầm cỡ là chợ huyện, chợ vùng, chứ không còn bó hẹp là chợ làng nữa, vì cứ cách 3 ngày 1 phiên chợ lại nhóm họp và thu hút người mua kẻ bán từ rất nhiều làng, xã trong huyện tới. Không chỉ vậy, người tới chợ trao đổi, mua bán hàng hóa còn tới từ các huyện lân cận do nơi đây có bến đò là nơi giao thương thuận tiện.
Nhà tôi có mấy sào ruộng và công việc đồng áng cũng chiếm khá nhiều thời gian, công sức của các thành viên trong gia đình. Mấy anh chị em chúng tôi thì sau nửa buổi cắp sách tới trường vẫn tranh thủ giúp cha mẹ mọi việc, anh cả tôi thì đảm nhiệm công việc chăn trâu; chị gái thì thường ra đồng cắt cỏ; còn tôi bé út nhất nhà được chiều chuộng hơn cả nên chỉ phải quét nhà, đun nước uống giúp cha. Mẹ tôi luôn là người vất vả nhất trong gia đình, khi ngoài việc phải chăm lo quán xuyến những công việc đồng áng, việc nhà, mẹ còn thuê một ki-ốt ngoài chợ để bán buôn kiếm thêm đồng rau đồng muối cho mức sinh hoạt của gia đình thêm phần tươm tất.
Cứ tới phiên chợ là mẹ lại dậy thật sớm, cỡ khoảng gà gáy canh 2 là mẹ đã phải trở giấc để lo sắp xếp hàng hóa lên chiếc xe đẩy. Vì nhà tôi bán hàng xén, nên có tới hàng trăm loại mặt hàng lỉnh kỉnh, vì vậy mà mẹ phải tỉ mẩn mất trong khoảng non tiếng đồng hồ mới xếp hết hàng lên xe đẩy. Khi công việc xếp hàng lên xe hoàn tất, mẹ lại tất tưởi đẩy xe ra chợ để bày hàng lên kệ. Nói chung, mẹ thường làm công việc dọn hàng và bày hàng ngoài chợ một mình, chỉ thi thoảng lắm mới có sự phụ giúp của cha, vì cha tôi cũng phải lo chạy chợ bằng công việc giao hàng cho các mối ở huyện bên. Những hôm chợ phiên rơi vào ngày mấy anh chị em chúng tôi được nghỉ học thì mẹ còn đỡ vất vả một chút, khi anh chị tôi luôn dậy sớm để sắp hàng lên xe đẩy giúp mẹ, rồi cùng mẹ đẩy xe ra chợ bày hàng, bán hàng.
Mẹ tôi là người phụ nữ đảm đang, chăm chỉ, hay lam hay làm, hết lòng vì chồng con, gia đình, vì vậy mà dù công việc đồng áng cũng như bán buôn ở chợ phiên có cực nhọc, vất vả đến thế nào thì chẳng bao giờ tôi thấy mẹ than nửa lời. Ngay cả những hôm anh chị tôi, nhiều khi cả tôi nữa, khi ra chợ giúp mẹ dọn, bán hàng hóa gặp cảnh chợ đông người mua, mẹ luôn động viên chúng tôi gắng làm để gia đình đỡ nghèo túng vất vả. Thế nhưng, dẫu có khuyến khích chúng tôi lao động, hay phụ giúp công việc bán buôn ngoài chợ của mẹ thì không bao giờ mẹ quên căn dặn chúng tôi phải chú tâm nhiều hơn cả vào việc học hành, bởi mẹ bảo muốn tiến thân, muốn thoát ly khỏi cuộc sống nhà nông vất vả thì chỉ có học và học giỏi...
Những năm tôi bước vào cấp 2 trường làng, vì học chiều, lại đã lớn khôn nên những hôm chợ phiên tôi luôn là người đồng hành với mẹ trong việc dọn, bán hàng ở ngoài chợ. Mẹ tôi là người tằn tiện, nhiều khi sau mỗi phiên chợ mẹ không dám mua cho mình một chiếc bánh rán, bát bánh đúc, hay đĩa bún đậu... để ăn lót dạ, dẫu sáng ra mẹ chẳng bao giờ ăn sáng. Ngay cả áo quần của mẹ thì cũng luôn là những bộ đồ cũ mà chẳng mấy khi mẹ chịu mua cho mình ít đồ mới, kể cả khi đó là ngày tết nhất. Ấy vậy mà, sau mỗi phiên chợ, mẹ luôn lo mua đồ ăn cho con cái, mua thức ăn cho gia đình. Quần áo của chồng, của con cái thì mẹ cũng luôn chu đáo, khi thông thường cứ sau khoảng vài ba tháng là mẹ lại mua một bộ đồ mới cho anh chị em chúng tôi. Cha tôi thì ít hơn, nhưng khoảng 1 năm thì mẹ lại tự tay ra tiệm đặt may cho cha một bộ đồ mới để cha diện trong những lúc đi ăn cỗ trong làng.
So với những hộ gia đình khác trong xóm, trong làng thời đó thì từ lúc nhà có sạp hàng xén và công việc buôn bán của mẹ ở chợ mà kinh tế gia đình nhà tôi thuộc diện khấm khá. Chuyện trẻ con nhà hàng xóm bị đứt bữa vì thiếu gạo trong những độ giáp hạt, phải liên tục ăn cơm độn ngô, khoai là thực tế, trong khi mấy anh chị em chúng tôi luôn được ăn cơm trắng phau. Thức ăn thì nhà tôi hôm nào cũng có, khi thì cá, lúc lại thịt, trứng..., chứ chẳng mấy khi bữa ăn chỉ có rau, muối, tương, cà...
Năm tháng qua đi, mấy anh chị em chúng tôi đã lớn khôn, người nào cũng bước vào đại học, ra trường và có công ăn việc làm ổn định. Tôi lập gia đình và ở lại thành phố lập nghiệp, còn cha mẹ tôi cũng bán nhà ở quê chuyển lên sinh sống cùng vợ chồng người anh trai tôi trên thành phố. Gia đình tôi không còn ai sống tại miền quê dấu yêu đó nữa, vì vậy mà nhiều năm nay tôi chưa có dịp về thăm lại quê cũ, thăm lại cái chợ quê để tìm lại hình bóng người mẹ tôi lụi cụi vất vả bên sạp hàng xén. Mẹ tôi mới đây đã trở thành người thiên cổ, chính vì vậy mà mỗi lần nhớ về quê hương, nghĩ về mẹ là tôi lại thấy thương bà, biết ơn mẹ quá nhiều, bởi nếu không có cái chợ quê và sạp hàng xén của mẹ thì biết đâu mấy anh chị em chúng tôi làm gì có cơ hội học hành để mà thành đạt với công ăn việc làm ổn định nơi thành phố như bây giờ.
Nguyễn Thị Hải