Các phong tục Tết Trung thu giúp mọi người hiểu hơn phần nào về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ đoàn viên này.
Tục lệ chơi đèn lồng
Tết trung thu không thể thiếu đi hình ảnh chiếc đèn lồng
nhiều màu sắc sáng rực rỡ dưới ánh trăng vàng. Đối với người dân Trung Hoa, đèn
lồng được treo trước cửa nhà và tượng trưng cho sự may mắn bình an.
Một số lại được làm thành dạng đèn hoa đăng, sau khi ghi
những ước nguyện vào thì thả trôi bờ sông mang lời cầu nguyện đi xa.
Đối với người Việt, đèn lồng trung thu được làm cho trẻ
em chơi trung thu là chính. Những chiếc đèn với vô số hình dáng từ bông hoa,
cá, gấu…vô cùng xinh đẹp sáng rực đêm trung thu.
Đèn lồng Việt Nam làm thủ công từ tre và giấy gió, tô vẽ
bên ngoài đèn là những nét vẽ đường thêu vô cùng đặc sắc. Đèn lồng của người Việt
Nam là sự biểu hiện của ấm no và hạnh phúc gia đình.
Ngắm trăng
Vào dịp Tết Trung thu hầu hết người dân sẽ đổ ra đường để
chiêm ngưỡng vẻ đẹp trăng Rằm. Khoảnh khắc trăng lên vô cùng thiêng liêng với
nhiều người, ánh trăng là biểu hiện sự sum vầy của các thành viên trong gia
đình với nhau.
Các phong tục, lễ hội ngày rằm tháng 8 Âm lịch hàng năm.
Với người Việt, trăng có một ý nghĩa to lớn của đất nước
có nền văn hóa lúa nước. Ngày Rằm tháng 8 là lúc cảnh trời đất đẹp nhất, khí hậu
mát mẻ, ánh trăng sáng soi rõ từng cảnh vật về đêm. Thời điểm này cũng là lúc
việc nông nhàn nhất, mọi người khi đó có thể thảnh thơi ngắm cảnh thưởng nguyệt
mà hòa mình vào đất trời.
Sau khi quây quần cùng nhau phá cỗ thì các gia đình sẽ
sum vầy trên ban công hay tìm chỗ trên cao để cùng nhau ngắm ánh trăng Rằm. Dưới
ánh trăng sáng các ông bố bà mẹ cũng thường kể về giai thoại chú Cuội ngồi gốc
đa cho con mình nghe.
Phá cỗ
Vào dịp trung thu mỗi gia đình Việt đều bày cỗ với đầy đủ
là bánh trung thu, kẹo, mía, thị, bưởi, dưa hấu…tùy vào từng gia đình mà cỗ được
trang trí khác nhau.
Khi ánh trăng lên tới đỉnh đầu chính là lúc mọi người
cùng nhau phá cỗ và thưởng thức hương vị của Tết Trung thu. Mâm cỗ trung thu là
để cúng trăng và tế trời đất cùng cầu mong cuộc sống tốt lành, mùa màng bội thu
và sự đoàn viên trong gia đình.
Cắt bánh Trung thu
Dường như bánh trung thu trở thành một thức bánh chỉ có
vào dịp này mới có thể có cơ hội được thưởng thức và không thể thiếu của mọi
nhà. Được làm từ bột mì nhân hạt sen và bột đường, bánh trung thu biểu tượng
cho sự đoàn tụ và hòa thuận của gia đình.
Thường bánh trung thu sẽ được cắt bằng với đúng số thành
viên trong gia đình. Miếng bánh càng đều thì gia đình càng hạnh phúc hòa thuận.
Tết Trung thu là một phong tục ý nghĩa từ lâu đời không
chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trong châu Á khác.
Bảo Ngọc
Nguon: https://vtc.vn