F Hù vợ thôi! (1) ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Hù vợ thôi! (1)

Chuyện xóm làng
           Thời gian gần đây, làng quê tôi bắt đầu hội nhập với đô thị, phát triển kinh tế theo hướng thị trường, gia đình anh chị hàng xóm cũng bắt đầu rục rịch vươn lên, ăn nên làm ra. Từ một cái quán lụp xụp cóc kẻng, bán một số mặt hàng sinh hoạt gia đình cho bà con trong làng nay đã trở thành một cửa hàng tạp hóa lớn trong một cái chợ cũng rất lớn của thị trấn. Chợ chỉ nhóm họp buổi sáng, đến trưa là tan nên công việc dồn dập, nào là nhận hàng, phân phối hàng cho các quán, nào là bán lẻ cho người đi chợ; kẻ đến, người đi tấp nập nhất là những dịp cuối tuần, lễ, Tết; có hôm mệt lữ thở không ra hơi.
            Ngược lại, cũng vì cái “kinh tế thị trường” mà Công ty anh chồng đang làm việc phải cổ phần hóa; không bằng cấp, không chuyên môn, tuổi cũng hơi lớn lớn nên thuộc diện “tinh giản biên chế”, nói chung là mất việc hay thất nghiệp cũng được. Rất may quá trình làm việc nhiều năm nên được nhận một khoản tiền thôi việc cũng kha khá. Nghe vợ bàn tính, đem toàn bộ vốn liếng cho vợ “phát triển kinh tế” buôn bán. Như vợ anh nói, anh chẳng cần phải làm gì cho nó mệt, chỉ cần lo công việc nhà thôi (nội trợ) để em có thời gian buôn bán là được rồi. Đơn giản là từ 5 giờ sáng chở vợ ra chợ, phụ bày hàng ra quày, trên đường về mua thức ăn sáng cho con, rồi đưa con đến trường; quay về nhà dọn dẹp, lau nhà, quét sân, chuẩn bị cơm nước buổi trưa, rồi đón con đi học về, rồi ra chợ phụ vợ dọn dẹp hàng hoá, chở vợ về. Sau buổi ăn trưa chị vợ đánh một giấc đến 3 giờ chiều sau đó qua nhà hàng xóm tán dóc hoặc đánh bài đến xẩm tối mới về. Còn anh chồng sau bữa ăn lại tiếp tục công việc “nội trợ” rửa chén, giặt quần áo, quét dọn, chuẩn bị bữa ăn chiều. Tối đến giúp con làm bài, mùng mền cho con ngủ. Còn chị vợ để hết tâm trí vào những tập phim tình cảm Hàn Quốc sướt mướt hấp dẫn đang chiếu trên tivi. Nghe qua hai tiếng “nội trợ” thật đơn giản nhưng khi làm mới biết thế nào là “giản đơn”. Nói thế thôi chứ vợ chồng mỗi người một tay lo cho gia đình mình chứ có lo cho ai đâu mà phân bì, tùy theo hoàn cảnh khả năng mà mỗi người làm mỗi việc khác nhau, anh chồng nghĩ thế.
            Việc buôn bán của vợ anh ngày một phát đạt, nhà cao cửa rộng, chi tiêu trong gia đình rộng rãi, mua sắm tiện nghi sinh hoạt hiện đại: tivi tinh thể lỏng, tủ lạnh Sanyo đời mới, xe Honda Air Blade, bàn ghế tủ giường bằng gỗ cao cấp…đều do từ nguồn thu nhập buôn bán của vợ, còn anh thì chẳng làm ra được đồng nào cả nên từ đó, vợ anh ngày một có ý xem thường; có khi còn cau có, cằn nhằn “giận cá chém thớt” xem như O sin. Ngoài chợ thỉnh thoảng nhàn rỗi lúc vắng khách, các chị em bạn hàng buôn bán lại ngồi tụm năm tụm ba tán dóc, hết “đề tài” để bàn luận, đưa chuyện chồng con ra nói, khen chê đủ cả nhưng chê nhiều hơn, trong đó tất nhiên là không thể thiếu tên anh; người thì chê chồng kiểu này, người thì chê chồng kiểu kia giống như “hội chứng chê chồng”. Biết thế, nhưng anh chẳng bận tâm, phụ nữ mà, cũng có người này người kia, cũng có lúc này lúc khác. Chẳng thế mà nhà thơ Xuân Quỳnh ví phụ nữ như cơn sóng “Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ/ Sóng không hiểu nỗi mình/….” Mình không hiểu nỗi mình thì người khác bó tay, chẳng thể nào hiểu mình nỗi!!! Anh cứ thế vui vẻ làm tốt những công việc của mình mặc dầu nhiều khi cũng ấm ức vì những chuyện vô cớ của vợ, nhưng “ngậm bò hòn làm ngọt” cho nó yên nhà yên cửa.
            Chiều nay, vừa xem bóng đá trên ti vi (đây là môn nghệ thuật anh ưa thích nhất) vừa canh chừng xoong cá nục kho tỏi tươi rói, béo ngậy, nổi màng tang, thơm phức đang riu riu sôi trong bếp. Đội tuyển Quốc gia lâu rồi mới có một trận đấu giao hữu với đội tuyển nước ngoài, các cầu thủ chơi hết mình nhưng không thể nào làm chủ tình hình được vì đội bạn quá mạnh, những cú sút như tên lửa bay thẳng về khung thành làm anh nhiều lần thót tim, cũng may là chưa vào. Ta chủ yếu phòng thủ tìm cơ hội phản công nhưng đều bị đối phương bẻ gảy từ ngoài vòng mười sáu mét năm mươi, về cuối trận ta lấy lại thế quân bình, áp đảo lại đối phương bằng những đường tấn công sắc nét, hấp dẫn quá, anh dán mắt vào màn hình mà quên đi “nhiệm vụ”. Phút cuối cùng “…v…à…o…” tiếng của phóng viên tường thuật như muốn nổ tung cái tivi, anh cũng không kém gì hét muốn bể luôn cái lồng ngực. Hoà lẫn với niềm vui sướng và tiếng “vào” là mùi khét lẹt từ trong bếp bay ra. Thôi chết rồi!!!
(còn nữa)