F Văn hóa Điện thoại di động (tt) ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Văn hóa Điện thoại di động (tt)

Tiện lợi là thế nhưng nhiều khi cũng xảy ra oái oăm khó lường. Nửa đêm chuông điện thoại reo, giật thót mình vì sợ gia đình ở xa xảy ra chuyện gì nghiêm trọng, thì ra gọi nhầm, mất cả giấc ngủ. Đang đi trên đường, chuông đổ, không nghe thì không được, mà nghe thì phải giảm tốc độ, đậu sát vào lề, lấy mũ bảo hiểm ra khỏi đầu, móc điện thoại trong túi quần ra chưa kịp bấm nghe thì đã hết chuông, nhiều khi phải gọi lại. Rồi lại những tin nhắn không dấu dịch kiểu nào thấy cũng có lý, vở lẽ cười ra nước mắt. Cũng có những tin nhắn tình cảm thướt tha gởi nhầm tới, không ít trường hợp phải "thanh minh thanh nga" gia đình mới được yên. Cơ quan tôi có một anh thỉnh thoảng cũng nhận được tin nhắn kiểu này, chưa kịp xoá chị vợ tính hay ghen phát hiện, thế là chiến tranh nổ ra, cả tuần sau mới lập lại được hòa bình; anh đã đập nát 2 cái điện thoại sau những cuộc cải vã với vợ vì những tin nhắn và những cuộc gọi được xem là không bình thường, thề là sẽ không xài điện thoại di động nữa. Nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay mà không có điện thoại di động xem như trở về thời tiền sử, lại phải sắm cái mới.
Tôi không hiểu do nhu cầu cần thiết phải liên lạc thường xuyên bằng điện thoại hay do tốc độ vội vã của thời đại “công nghiệp hóa hiện đại hoá” mà ở đâu tôi cũng thấy người người cầm điện thoại di động. Chờ xe bus tại trạm cũng rút điện thoại ra bấm bấm, anh xe ôm vừa dừng xe trả khách chưa kịp ráo mồ hôi cũng rút điện thoại ra bấm bấm, chị bán nước ven đường khách vừa ra khỏi quán tức thì rút điện thoại ra bấm bấm, em học sinh chưa ra khỏi cổng trường cũng đã bấm bấm, thậm chí đang tham giao thông trên đường cũng bấm bấm hoặc alô, va quẹt, tai nạn giao thông xảy ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng do vừa điều khiển xe vừa điện thoại làm chính quyền phải ban hành những quy định xử phạt hành chính. Quy định thì cứ quy định, phạt thì cứ phạt, nhiều người bất chấp vừa tham gia giao thông vừa điện thoại một cách vô tư, thoải mái.
Chiều nay đi làm về, trời mưa lâm râm, đường trơn trượt, một chị trạc trên dưới 30 điều khiển môtô ngược chiều cách tôi khoảng 5 mét, vừa lái xe vừa điện thoại di động, một cục đá lớn hơn nắm tay không biết từ lúc nào nằm giữa làn xe, chỉ một thoáng lơ là, phát hiện được thì bánh trước đã cán lên cục đá, chiếc xe quay 180 độ, hất chị tung lên rồi cắm đầu xuống đường như những diễn viên diễn xuất trong phim hành động, tôi chứng kiến giật thót tim và thầm nghĩ, thế là kết thúc một đời người, may mắn không có chiếc xe nào chạy gần và chiếc nón bảo hiểm loại tốt đã bảo vệ cái đầu của chị, người đi đường xúm lại đỡ dậy, đưa tới bệnh viện cấp cứu.
Chiếc điện thoại di động là nguyên nhân nhưng lỗi nơi người sử dụng, vậy thì phải sử dụng thế nào để không ảnh hưởng đến người khác kể cả đến bản thân mình mới là gọi văn hoá. Ngày nay chúng ta có nhiều từ gắn liền với hai chữ văn hóa: gia đình văn hóa, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thôn văn hóa, khu phố văn hóa, làng xã văn hóa, rồi thì văn hóa ma chay, văn hóa tiệc cưới, văn hóa trang phục, văn hóa công sở, văn hóa... đủ thứ, nay bổ sung thêm “văn hóa điện thoại di động” có lẽ cũng được thôi./.
PhamDinhNhan