F Văn hóa Điện thoại di động ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Văn hóa Điện thoại di động

          Ngày nay, chắc hẳn trong chúng ta ai ai cũng thấy được sự tiện lợi và cần thiết của chiếc điện thoại di động, chỉ cần bấm bấm hoặc quẹt quẹt vài cái thì dù bất cứ đang ở đâu, trên đường hay ở nhà, đang chăm sóc cây trái trên nương rẫy hay làm việc tại công sở đều liên lạc được với nhau. Họp lớp, sinh nhật, đám cưới, đám hỏi, đám giổ, đám tang, thăm bệnh…chỉ cần alô là gặp nhau ngay. Muốn vào trang blog, hoặc xem tin tức thời sự trong internet chỉ cần bấm bấm mấy cái là xong, thậm chí chụp hình ghi âm quay phim hễ muốn là được chỉ cần “đừng hết pin”. Học sinh cha mẹ sắm cho con chiếc điện thoại di động để “bằng chị bằng em” với bạn bè, để liên lạc trao đổi bài vở và ở phòng thi bí quá đánh liều đem ra sử dụng tới đâu thì tới. Điện thoại còn là vật làm tiêu chí đánh giá sang giàu nghèo hèn của một số bạn trẻ con cháu của một số người lắm bạc nhiều tiền…Đúng là một phương tiện đa năng trong công việc, làm ăn, sinh hoạt hàng ngày của mỗi con người.
Cách đây 15 năm, mấy ông cấp cao ở huyện tôi mỗi người được trang bị một cái điện thoại, bấy giờ không gọi là điện thoại di động mà gọi là điện thoại vô tuyến to bằng cái cổ chân, dài 3 tấc, nặng cả ký, tiện một một việc là không có dây nhợ lằng nhằng, mỗi lần có ai gọi tới lật đật ra ngoài hành lang, kéo cần ăng-ten lên alô vì trong phòng chuông reo chứ không nghe được, còn ra ngoài trời phải chọn đúng vị trí, trật chỗ là sóng yếu, lúc được lúc không, như thế đã là oai lắm rồi. Vài năm sau, một ông cấp cao cũng ở huyện có chiếc điện thoại, đúng là điện thoại di động vì nó nhỏ xíu nằm lọt trong bàn tay muốn “di động” ở đâu cũng được. Một lần tôi dự cuộc họp khoảng trên 30 đại biểu, hội trường nằm sát phòng làm việc của ông, trong giờ giải lao ai cũng ra ngoài sân thư giản tránh không khí ngột ngạt trong phòng, ông cấp cao ra khỏi phòng làm việc, tay cầm điện thoại đi tới đi lui, vòng trước vòng sau alô um sùm gây sự chú ý cho mọi người, tôi nghĩ sao ông không ngồi trong phòng nói chuyện mà phải ra ngoài này, có lẽ là để khoe “tôi có điện thoại di động”, thế mới oách chứ!!! Năm 1999, tôi đi học ở Thủ Đức, cứ chiều chiều sau giờ ăn, năm ba anh em ngồi dọc theo ghế đá trước cổng trường hóng mát, nhìn người qua lại cho đỡ nhớ nhà, một anh vừa chạy xe mô tô vừa điện thoại, lại một chị cũng vừa chạy vừa điện thoại, rồi thì không phải vài người mà nhiều người vừa điều khiển xe vừa điện thoại. Quái lạ, chẳng lẽ vào giờ này tất cả các điện thoại di động đồng loạt gọi cho nhau, mà cũng không biết thật giả hay chỉ chép miệng để khoe với mọi người “tôi có điện thoại di động”. Một lần khác tôi đi đám tang mẹ của một người đồng nghiệp, một anh cán bộ huyện chìa ra cho chúng tôi xem chiếc điện thoại di động của mình, bấm một cái phát ra tiếng nói mà chúng tôi vừa chuyện trò, mặc dầu âm thanh rè rẹt tiếng được tiếng mất, không ai có thể nhận ra tiếng nói của mình. Tuy thế, chúng tôi cũng đã thán phục lắm rồi vì cái vật nhỏ xíu nói chuyện cũng được, ghi âm cũng được. Mỗi người xin được cầm một chút, chỉ để nhìn thôi chứ có biết gì đâu mà bấm, lỡ hư biết làm thế nào. Anh cán bộ mĩm cười đắc ý vì “tôi cũng có điện thoại di động” nhưng là đời mới.
Còn ngày nay điện thoại di động tràn ngập từ thành thị ra nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng lên miền núi và lan tới vùng sâu vùng xa… không mấy ai mà không có điện thoại di động, thậm chí có người từ 2 cái trở lên, không phân biệt tầng lớp, giàu nghèo. Từ các doanh nhân, các chủ doanh nghiệp, các chủ dự án đến anh đạp xích lô, anh xe ba gác, chị bán hàng rong, em bán vé số, đều có điện thoại để tiện liên lạc làm ăn buôn bán. Có một em nhỏ nhà nghèo phải đi chăn bò cho một gia đình gần nhà tôi cũng có điện thoại di động, đàn bò đi đến đâu thì tiếng hát từ trong chiếc điện thoại vang đến đó. Có một anh cũng ở gần nhà tôi quanh năm suốt tháng đi làm thuê cũng có điện thoại di động nhưng không phải để gọi mà để nghe nhạc, lúc nào trong túi áo cũng phát ra tiếng hát. Vậy là chiếc điện thoại di động còn là phương tiện góp phần đưa văn hoá văn nghệ đến cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi. (còn nữa)