F tháng 7 2020 ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Nắng ở ngoài sân...

Người già, họ hay có sở thích ngồi trước hiên nhà. Có thể bởi vì đâu đó trong những ngày họ đang sống, họ ít nói chuyện hơn trước vì mất dần đi các mối quan hệ bạn bè lẫn thân thuộc. Nên họ muốn ngồi đó, trước hiên nhà, nhìn những tấp nập ngoài kia để phần nào gạn lọc bớt những im vắng trong lòng mình…
Những ngày còn trẻ, con người ai cũng có xu hướng lao ra ngoài kia với tất cả những nhiệt huyết lẫn sự ngông nghênh của một người muốn chứng minh mình quan trọng với thế giới. Đau thương chồng chất nhưng niềm vui cũng ngút trời. Khoảng cách giữa tin yêu và lừa lọc có khi chỉ là một cái chớp mắt, là một ngày, là qua một đêm tối… Bạn bè nhiều nhưng thân thiết thì chưa chắc. Nhưng có hề gì khi ngày vui bất tận…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Chẳng có mấy ai trong quãng đời ấy sẽ nghĩ có một ngày mình lại như một con người khác. Khi chán nản với những ồn ào, thấy mất thời gian với những cuộc gặp phù phiếm, hoặc đơn giản những cơn đau khi chân chồn gối mỏi…, vậy là buổi sáng thấy mình tự dưng thích ngồi trước hiên nhà, nhìn nắng…
 Cái nắng buổi sáng chưa đủ hực lên để làm khó chịu ánh mắt nên vẫn đủ dịu dàng để nhìn ngắm. Để thấy mình, nhận ra, cảm nhận hạnh phúc chính là những giây phút này. Còn thấy khỏe mạnh, mắt vẫn tinh anh, miệng vẫn đủ đầy hương vị của tách cà phê đầu ngày thơm dịu và lòng thì vẫn bề bộn cảm xúc chứ không hề lạnh tanh hay cam chịu.
Nghĩ thì có vẻ hơi kỳ lạ, nhưng vòng đời của nắng mỗi ngày cũng có khác gì một con người trong cuộc đời. Nắng mới long lanh buổi sáng như một đứa trẻ con, đến trưa đứng bóng là sự trưởng thành và chiều hôm tàn lụi trong hoàng hôn cuối ngày chính là tuổi già đến lúc…
Thỉnh thoảng, trong những chuyến đi xa và thức dậy nơi một thành phố lạ, gặp trúng cơn mưa lớn vào buổi sáng, tự dưng lòng lại chùng xuống. Thường những khoảnh khắc như vậy, chỉ muốn cuộn tròn mình lại trong sự bé nhỏ, thậm chí đôi khi còn thấy mình hèn yếu muốn từ bỏ tất cả trong phút chốc… để có thể sống cuộc đời mà mình mộng tưởng bấy lâu. Thế nhưng, chỉ vậy thôi, rồi phút chốc khi mưa tạnh, nhìn nắng lên là như quên hết mọi thứ, lại… hăm hở bon chen với đời sống mà cơm áo gạo tiền ngày nào cũng như những hồi chuông thức tỉnh nếu đi sai đường…
 Chúng ta ai cũng từng trẻ.
 Rồi một ngày kia ai cũng sẽ già.
 Nên, có lúc nào đó nhìn thấy một người thân yêu của mình buổi sáng mang ghế ra ngồi trước sân để nhìn nắng. Có thể dành ra một ít thời gian để ngồi xuống cùng họ, chuyện trò về một tia nắng, một màu sắc bên đường hoặc hỏi về dự định có muốn sáng nào thức dậy cũng ngồi nhìn nắng ngoài sân…
 Còn nếu, mình là nhân vật chính trong những buổi sáng đó, thì cứ thong thả. Có thêm một người nói chuyện thì càng vui, không thì có thể tự kể cho mình nghe buổi sáng này có gì khác với những buổi sáng trước. Và mình, thật ra, đã biết cách bình an nếu không có ai bước cùng nhịp bước…
 Một trường hợp khác nữa, có khi tình cờ thấy một ai đó trên phố, ngồi trước hiên nhà và nhìn nắng, chúng ta nhớ đưa tay vẫy chào họ một chút…
Vì biết đâu, cái vẫy chào ấy, chính là giây phút khác biệt nhất với buổi sáng của ngày hôm qua!
NGUYỄN PHONG VIỆT

7 thành phố chỉ có duy nhất một người sống

Tại các thành phố này bạn sẽ không phải lo lắng về chuyện phải va chạm với những người hàng xóm khó chịu nào đó, vì bạn là cư dân duy nhất ở đó.

Thành phố Buford, tiểu bang Wyoming, Mỹ. Từng có một người tên là Don Sammons sống ở đây, làm nhiều việc từ tiếp nhiên liệu, bán hàng rong, quét phố đến thị trưởng. Năm 2012, thành phố này được bán với giá 900.000 USD cho một doanh nhân Việt Nam. Ảnh: AP.

Thập niên 1930, thành phố Monowi (bang Nebraska, Mỹ) có dân số tối đa là 150 người. Năm 2000 chỉ có 1 cặp vợ chồng sinh sống tại đây. Bốn năm sau, người chồng qua đời, chỉ còn lại người vợ là cư dân duy nhất kiêm thị trưởng thành phố. Bà tự trả thuế và cấp giấy buôn bán rượu. Ảnh: AP.

Thành phố Cass, New Zealand này trên thực tế là một ga xe lửa, cư dân duy nhất của nó là trưởng ga. Ảnh: Eli Duke.
Thành phố Rochefschar nằm ở vùng Rhône-Alpes của nước Pháp chỉ có 1 cư dân – người này làm nghề chăm sóc phế tích của một lâu đài cổ. Ảnh: AFP.


Thành phố Bonanza ở bang Utah của nước Mỹ có rất ít người nhưng lại có nhiều dầu mỏ. Cư dân định cư ở đây chỉ có 1 người, các công nhân đến đây chỉ là để sản xuất dầu mỏ. Ảnh: AP.

Thành phố Oil Springs có một duy nhất cư dân, là thổ dân của nước Mỹ. Ảnh: Robb North.

Thành phố Lor'e ở bang Washington của Mỹ nằm ở biên giới với Canada. Nơi đây ít dân nhưng chưa bao giờ bị bỏ hoang vì nó đóng vai trò một chốt kiểm soát biên giới. Ảnh: AFP.

Nguồn: https://vov.vn


Theo Trung Hiếu/VOV

Hòn Chồng Hòn Vợ sánh bên nhau

Nhắc tới Hòn Chồng, hầu như ai cũng biết, nhưng Hòn Vợ thì chắc chắn rất ít người biết. Tới giờ này, nhiều người Nha Trang vẫn không biết Hòn Vợ ra sao, ở đâu trong quần thể danh thắng Hòn Chồng.

Hòn Vợ


Trước hết, ta hãy giở cuốn “Xứ Trầm Hương” của nhà thơ Quách Tấn, nghe ông cùng các nhân sĩ nổi tiếng viết về danh thắng thiên nhiên này. Theo Quách Tấn: “Cảnh quan Hòn Chồng có hai khóm, khóm nằm ngoài biển là hòn đực (chồng), hòn nằm bên rìa khóm Cù Lao gọi là hòn cái (vợ). Cũng theo “Xứ Trầm Hương”, nhà chí sĩ Trần Cao Vân triều Vua Duy Tân khi tới thăm Hòn Chồng đã làm thơ: “Đất nắn trời nung khéo định đôi/Hòn chồng hòn cái phối hai ngôi”. Ý Trần Cao Vân đã ví đây là đôi vợ chồng do thiên nhiên tạo tác. Còn Quách Tấn lại tả dưới góc độ gia đình ông cháu, chị em: “Trời mây biển nước cảnh mênh mông/Chân núi dô ra đá mấy chồng/Khắng khít thớt em nương thớt chị/Vững vàng hòn cháu đỡ hòn ông”. Có thi sĩ khác thấy cảnh Hòn Chồng - Hòn Vợ lại cảm nghĩ như Thi Sách với Trưng Trắc - Trưng Nhị vì thấy Hòn Vợ có hai cụm đá đứng thẳng bên nhau như hai người phụ nữ!


Như vậy, danh thắng Hòn Chồng từ lâu đã có truyền thuyết mang màu sắc con người, mà ở đây là vợ - chồng chứ không đơn giản chỉ là những cục đá chồng lên nhau. Chính thuyết này cùng với thơ ca làm cho danh thắng thêm nhuốm màu huyền ảo và thi vị.


Vậy vì sao lâu nay nhiều người không để ý đến Hòn Vợ khi tới thăm danh thắng Hòn Chồng? Bởi vị trí Hòn Vợ ở dưới vách đá khu Hội quán Hòn Chồng, đi ra từ trên nhìn xuống có thấy. Tuy nhiên, để ngắm được trọn vẹn dáng thế của Hòn Vợ phải men xuống dưới sát biển. Hòn Vợ là khối đá gồm 4 cục đá vuông xếp thành 2 hàng vươn lên cao. So với Hòn Chồng kiêu hãnh ưỡn ngực ra biển thì Hòn Vợ nằm ẩn khuất ở góc eo biển giữa những khối đá to nhỏ như giữa bầy con của mình.


Thực ra ngắm kỹ Hòn Vợ thấy rất đẹp, đó là khối đá vững chắc, không chông chênh hiểm trở như Hòn Chồng. Xung quanh Hòn Vợ có vô số đá to nhỏ vây kín như đàn con, gia đình, lưng dựa vào vách ghềnh đá, chân đụng sóng biển. Càng thi vị khi từ Hòn Đỏ có tiếng chuông chùa vẳng lại, tạo nét thanh bình của mái nhà bình yên với biểu tượng là người vợ, thi sĩ Quách Tấn còn “nhìn thấy” giống như người phụ nữ mặc áo dài ngồi ngắm chồng qua eo biển nhấp nhô đá.


Đến thăm Hòn Chồng mà không ghé ngắm Hòn Vợ là điều đáng tiếc rất lớn với du khách khi đến Nha Trang.


Dương Trang Hương

Đo sức khỏe đàn ông bằng cái gì?

Đo sức khỏe đàn ông bằng cái gì?

Bà vợ ngồi đọc báo quay sang nói với chồng: "Mình ơi, để đo nhiệt độ người ta dùng nhiệt kế...".

Bà nói tiếp: Đo cường độ dòng điện người ta dùng ampe kế; đo hiệu điện thế họ dùng vôn kế.

Ông chồng ngẩn người:

- Rồi sao em?

Bà vợ tiếp tục:

- Để đo sự bền vững của con tim, khối óc đàn ông người ta dùng 'mỹ nhân kế'. Vậy còn để đo sức khỏe của mình thì dùng kế gì hả mình?

Ông chồng cau mày đáp:

- À, để đo được sức khỏe của anh chắc phải dùng... vợ kế em à!

- !!!


Chồng cố tăng cân để chiều vợ

Thấy chồng ăn ngày càng nhiều và lười vận động, Tũn nhắc nhở: "Dạo này trông anh càng ngày càng béo đấy nhé!".

Chồng Tũn gật đầu cười:

- Ừ anh biết mà, nhưng còn phải cố gắng tăng cân thêm rất nhiều nữa.

- Để làm gì? - Tũn tròn mắt.

Chồng cô gãi đầu đáp:

- Vì em cứ thích anh chở đi chỗ này chỗ nọ, còn anh lại không muốn mỗi lần chở em là bị bốc đầu xe.

- !!!


Chồng vô địch giải đua, vợ dựng tóc gáy

Thấy chồng có đồng hồ mới, Rosie liền hỏi: "Anh mới sắm đồng hồ à, trông có vẻ đắt".

Chồng cô cười tươi khoe:

- Không phải, đồng hồ này là do anh thắng giải chạy đua toàn thành phố đấy?

Rosie thắc mắc:

- Cuộc thi gì sao em không nghe thấy nhỉ? Có bao nhiêu người tham gia vậy anh?

Chồng Rosie lẩm nhẩm tính rồi nói:

- Ba người: Anh, ông chủ tiệm đồng hồ và ông cảnh sát tuần tra ở gần đó.

- !?!

Vùng đất được mệnh danh Tây Lương Nữ Quốc

Mosuo là bộ tộc mang đặc điểm văn hóa hiếm thấy trên thế giới, sống ở phía tây nam Trung Quốc. Họ theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ có quyền sống với nhiều đàn ông.

Khu vực ven hồ Lugu, nằm giữa Vân Nam và Tứ Xuyên, là vùng đất bí ẩn với danh xưng vương quốc phụ nữ. Chuyến đi đến đây sẽ đưa bạn khám phá xã hội mẫu hệ với quan niệm về hôn nhân khác lạ và nền văn hóa đa dạng, độc đáo. Những người Mosuo là bộ tộc duy nhất tại Trung Quốc còn theo chế độ mẫu hệ. Ảnh: People's Daily.

Với dân số khoảng 40.000 người, bộ tộc Mosuo sống ở độ cao 2.700 m so với mực nước biển, cách thành phố gần nhất 6 giờ lái xe. Đây là điều kiện hoàn hảo để bộ tộc này vẫn bảo tồn phong tục không tìm thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới. Ảnh: Lindsss_li.

Người Mosuo tin vào thánh mẫu. Hệ thống tôn giáo cổ xưa giao thoa với Phật giáo Tây Tạng hiện đại khiến nhiều gia đình gửi con trai đi tu. Phụ nữ trong bộ tộc thường trồng trọt, nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa và bình đẳng, thậm chí còn được ưu ái hơn cánh mày râu.

Của cải và tài sản được mẹ truyền cho con gái, mang lại cho phụ nữ Mosuo quyền lực và sự tự do. Ảnh: Rod Waddington, Refinery29.

Tuy nhiên, đàn ông vẫn đóng vai trò quan trọng, họ nắm quyền lực chính trị trong xã hội rộng lớn hơn. Thông thường, nam giới phải đi xa để làm ăn, xây dựng nhà cửa, đánh cá... Truyền thống của người Mosuo cũng cho phép trai gái tự do với những cuộc tình một đêm. Ảnh: Yunnan Adventure Travel.

Đàn ông và phụ nữ ở đây không bắt buộc phải kết hôn mà có thể thay đổi đối tượng theo ý muốn. "Thật bình thường khi một phụ nữ có con với nhiều người đàn ông", Walabi, công nhân làm việc tại một trang trại bên hồ Lugu, chia sẻ. Trẻ em Mosuo theo mẹ. Chúng được chăm sóc bởi chú hoặc anh trai của người mẹ. Ảnh: Sapore di Cina.

Dân tộc này tin rằng người phụ nữ lớn tuổi là nhân vật quan trọng nhất trong gia đình. Mỗi ngôi nhà đều có căn phòng đặc biệt gọi là phòng của bà. Người Mosuo cũng dành sự tôn kính cho loài chó. Theo truyền thuyết, những con chó có tuổi thọ 60 năm trong khi con người chỉ sống được 13 năm. Loài động vật này đã trao đổi tuổi thọ cho con người để đổi lấy sự tôn trọng. Ảnh: Matteo Carta.

Việc nâng cấp đường sá, xây dựng sân bay giúp du khách dễ dàng tiếp cận với nền văn hóa độc đáo ven hồ Lugu. Một số hộ gia đình xây dựng khách sạn và trở nên giàu có. Dân tộc Mosuo đang kẹt giữa hiện đại và truyền thống cổ xưa, văn hóa của họ cũng dần hòa nhập với thế giới bên ngoài. Ảnh: Pinterest.

Theo Thảo Ly/Zing

Như còn một ngày để sống

Chuyện rằng, có một cặp tình nhân rất yêu nhau, nhưng họ lại không hề biết trân trọng tình cảm mà họ đang có. Bởi vì họ luôn thích tranh cãi, để rồi cứ phải giận hờn nhau suốt năm, suốt tháng... 

1. Rồi một ngày, người con trai này phải đi thi hành nghĩa vụ và tử trận nơi chiến trường. Khi mang xác người yêu về, cô gái này ôm khóc nức nở, rồi cô ngước mặt lên trời và nói: Lạy Thượng Đế, tuy con là người không có đạo, nhưng con luôn tin vào đấng tối cao. Con van ngài, xin cho chúng con có một ngày bên nhau, để chúng con có thể nói hết những gì chúng con muốn nói với nhau, nhưng chưa kịp nói. Con chỉ xin ngài một ngày bên người con yêu thôi!

Bất chợt trên trời có tiếng vọng xuống và nói: Nghe con than thở, ta thấy rất cảm động, nên ta sẽ ban cho con một ngày bên người con yêu. Nhớ yêu thương nhau hết lòng, vì sau một ngày, người con yêu sẽ phải ra đi vĩnh viễn!

Và rồi người thanh niên đã được sống lại, hai người ôm chặt lấy nhau như không muốn rời xa. Họ vội vàng nói cho nhau nghe hết những điều mà họ chưa hề nói, họ yêu nhau thắm thiết. Vì họ biết rằng, đây chính là ngày cuối cùng trong đời mà họ được yêu!

Rồi 24 giờ sắp trôi qua, lần này, họ lại cùng nhau qùy xuống để van xin Thượng Đế cho họ thêm một ngày nữa bên nhau. Thượng Đế thấy tội nghiệp, nên đã chấp thuận. Nhưng ngài nói thêm: Nếu hai con làm tốt, biết trân trọng và yêu thương nhau hết mình, ngày mai ta sẽ ban cho hai con thêm một ngày nữa. Nghe vậy, hai người mừng quá, nên họ yêu thương nhau bằng tất cả sự chân tình. Có lẽ họ đã biết rằng, ngày nào cũng sẽ là ngày cuối cùng của cuộc đời họ, để được sống và được yêu!

Rồi cứ như vậy, họ sống và yêu thương nhau bằng tất cả sự khao khát... Bây giờ, họ đã biết trân trọng tình cảm của nhau hơn xưa. Cũng chính vì lý do đó, nên Thượng Đế đã ban thêm cho họ từng ngày và từng ngày kế tiếp. Rồi kéo dài cho đến hết cuộc đời của hai người luôn!

Nếu bạn chỉ có duy nhất một ngày để sống, để yêu. Vậy bạn sẽ làm gì, sẽ nói gì với người mà bạn yêu thương nhất?!

Đừng đợi đến ngày mai bạn nhé, vì biết đâu, bạn sẽ không có ngày mai nữa thì sao?!

Đừng mang giận hờn vào giấc ngủ, vì có thể bạn sẽ không bao giờ thức dậy để nói những điều mà bạn muốn nói với người bên cạnh! Hãy sống, hãy yêu nhau như ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Đó chính là cách để bạn giữ được hơi ấm cho tình yêu và hạnh phúc lâu dài!

2. Con Sói đầu đàn mở được một con đường, con đường đó có thể không hề thẳng, nhưng có thể để tập thể đi lại dễ dàng, nhưng nó sẽ không nói cho tập thể biết mở con đường này gian khổ thế nào, mệt thế nào. Nhìn thấy bức ảnh này đột nhiên thấy cảm động, trong lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, khó khăn, thậm chí chán nản, xin hãy nhìn về người đã mở đường, thời khắc khi con sói đầu đàn mạo hiểm tiến lên và khai phá, hãy cùng người đi cùng đem tất cả lời oán trách, tiêu cực bỏ vào hư không, vì tất cả những gì con sói đầu đàn phải chịu đựng gấp nhiều lần những gì người đi cùng phải chịu!

Thế nên mới thấu hiểu và thông cảm cho những người mở đường là thế. Người mở đường cũng là người “truyền lửa”, mà một mục đích chung duy nhất là vì tập thể chứ không phải vì cá nhân. 

Làm gì thì làm, hãy luôn nhớ tới sự xuất hiện của “những người mở đường” trong cuộc đời mình. Bởi họ đã là một phần không thể thiếu trong thành công của bạn, dù có lúc cuộc sống khiến bạn “quay lưng” hoặc “bạn chọn việc quay lưng và phản bội” thì cũng mong cuộc sống sẽ dạy bạn bài học về sự trân trọng và chân thành. Sớm sớm nhé, vì cuộc này luôn ngắn ngủi mà ít người nhận ra điều ấy… 

Cũng như khi ai đó ra đi, họ luôn mang một phần của bạn đi cùng. Khi bạn mời ai đó vào cuộc sống của mình, bạn sẽ cho họ quyền được sáng tạo bạn theo cách của họ. Khi thương tiếc một chuyện tình cũ, bạn không chỉ nhớ họ, bạn còn nhớ “Bạn khi được ở bên họ”. Nỗi nhớ một người luôn đi kèm một nỗi nhớ về mình. Bạn tiếc người và tiếc nuối cảm giác mình khi bên người.

Khi tình yêu bắt đầu, một phiên bản mới của bạn được tạo ra và khi kết thúc, bạn sẽ phải quyết định có bỏ đi nó hay không? Để giải phóng bạn khỏi người ấy, bạn phải giải phóng bạn khỏi chính mình trước. Chúng ta sẽ vẫn phải bước tiếp cuộc sống của mình, trong những trân trọng cả những thử thách, những mất mát và đau thương…

Miên Thảo

Những mùa hoa trên cao nguyên đá Hà Giang

Trên vùng đất tưởng chỉ có núi, đèo, dốc, đá tai mèo lởm chởm và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, ta vẫn gặp những mùa hoa rực rỡ, đẹp đến nao lòng.

Mỗi mùa trên cao nguyên đá Hà Giang đều có sắc hoa riêng, đặc trưng, khó nơi nào sánh được. "Miền đá nở hoa" là cách mà những người yêu đất và người nơi đây, đam mê xê dịch đặt tên cho nó.
Mùa xuân có lẽ là mùa đẹp nhất, lộng lẫy nhất của miền đất địa đầu Tổ quốc. Bất chấp cái giá lạnh của địa hình núi cao phía Bắc, đào khoe sắc rực rỡ.
Hoa đào trên cao nguyên đá mang nét đẹp riêng, vừa tươi tắn, đậm đà, vừa mạnh mẽ, cứng cáp, vừa hoang dại, đơn sơ.
Chính những gốc đào vươn lên nhọc nhằn từ đá, bung nở lung linh khiến nhiều khoảnh khắc ta ngỡ lạc vào thiên đường lãng mạn.
Cùng với màu hồng tươi của đào, sắc trắng hoa mận tạo nên vẻ dịu dàng, nên thơ cho xuân miền cực Bắc.
Hoa mận trước cổng, bên hiên, trên mái nhà toát lên cái hồn riêng của mùa xuân biên cương.
Đó là cảm giác yên bình, trong sáng, tươi tắn nhưng vẫn phảng phất chút hoang vu, heo hút, man dại đặc trưng.
Khiêm nhường hơn, bình dị hơn nhưng rực rỡ và nổi bật hơn là hoa cải vàng lung linh trong nắng xuân.
Trên miền đất tận cùng của cực Bắc, thiên nhiên khắc nghiệt nên cải là loài rau dễ trồng, có thể phát triển tốt nhất.
Nhưng ngoài chức năng làm một món ăn thì những vạt, nương, bãi cải nở hoa tạo nên khung cảnh vô cùng đẹp, gây nhung nhớ cho những du khách tới cực bắc và cao nguyên đá.
Hoa lê dường như là hoa không mùa vì đi mùa nào ta cũng có thể gặp thấp thoáng những bông hoa trắng, nhỏ xinh, điểm tô trên lá xanh hay những cây cành khẳng khiu.
Hoa lê dù khiêm nhường nhưng lại gợi nét tinh tế như duyên ngầm ở miền đá nở hoa.
Nhắc đến hoa trên cao nguyên đá, trên miền cực Bắc thì ai cũng nhớ ngay tới tam giác mạch, loài hoa danh tiếng của mảnh đất này. Tam giác mạch có thể trồng quanh năm nhưng đẹp và rực rỡ nhất là cuối thu.
Tam giác mạch cũng có thể trồng ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc nhưng không ở đâu có sắc hoa tam giác mạch hồng tươi, thậm chí ngả sang đỏ sẫm, đậm đà, tươi giòn như trên vùng cực Bắc.
Thu sang cũng là lúc cúc cam, một loài cúc dại nở rộ trên vùng cực Bắc tổ quốc. Không có danh tiếng, được ngưỡng mộ như tam giác mạch, cúc dại nở lặng lẽ ven đường, lẩn khuất bên những vỉa, hòn đá nhấp nhô đâu đó ở núi, ở nương.
Với những người thích tĩnh lặng thì cúc cam mới là hoa thu của vùng đất địa đầu Tổ quốc./.

CTV Ngô Thanh Hải/VOV.VN

Ông bố điềm tĩnh

Ông bố điềm tĩnh 

Anh chồng tan làm về nhà, nhìn thấy vợ đang đánh con trai

Anh ta không ngó ngàng gì đến họ, đi thẳng vào nhà bếp, nhìn thấy nồi canh nghi ngút khói trên bàn, bèn múc một bát để ăn. 

Ăn xong nhìn thấy vợ vẫn đang đánh con trai, không nhìn nổi nữa, nói:

- Giáo dục con cái không thể lúc nào cũng dùng bạo lực được em ạ, phải giảng giải đạo lý cho nó hiểu!

Chị vợ nói:

- Em mất công nấu nồi canh ngon là thế, mà nó lại bắt thằn lằn bỏ vào, anh nói xem có điên không chứ?

Anh chồng nghe thấy thế, lập tức đứng dậy nói:

- Bà xã, từ nãy đến giờ em cũng mệt rồi, nghỉ ngơi đi, đến lượt anh.


Vợ bị lợn cắn 

Hai vợ chồng ngồi xem phim "Người nhện", người vợ nói:

- Ơ, hóa ra bị nhện cắn là có thể phóng tơ và bò lồm cồm trên nóc nhà như nhện được anh ạ. Em cũng thích được nhện cắn quá!

Chồng bảo:

- Nhện cắn thì chưa, nhưng anh nghĩ là em đã bị lợn cắn rồi đấy.

- Sao anh lại nói vậy? - vợ tròn mắt.

Chồng đáp:

- Thì đấy, em ăn với ngủ có khác gì heo đâu?

- !!!


Cứ tưởng được vợ quan tâm 

Một ngày lúc chồng đang cúi đầu đọc báo, vợ bỗng nhiên nói:

- Em nghĩ anh nên đi đo lại mắt. Ngày nào cũng máy tính, ti vi đủ kiểu. Em thấy anh hình như cận thị rồi đấy.

Anh chồng nghĩ, xem ra vợ bắt đầu chu đáo với mình rồi. Nghĩ đến đây, trong lòng anh cảm thấy rất ấm áp.

Chồng liền nói:

- Ngày mai rảnh anh sẽ đến cửa hàng mắt kính đo thị lực xem sao.

Vợ lập tức cắt giọng:

- Không cần đâu. Bây giờ em có thể giúp anh đo thị lực. 

Cô ấy liền chỉ vào góc cửa và hỏi:

- Anh nhìn thấy cái gì?

Chồng bán tín bán nghi. Rồi trả lời:

- Một cái túi nilon.

- Màu gì?

- Màu đỏ.

- Dùng để làm gì?

- Để đựng rác.

- Túi đầy hay túi không?

Anh chồng ngoan ngoãn đáp: 

- Túi đầy rác.

Rồi cô vợ nói:

- Thị lực của anh rất tốt mà, nhưng tại sao mỗi lần anh đi ra ngoài, nhìn thấy túi này đựng đầy rác như vậy, lại cứ giả vờ không nhìn thấy. Em còn tưởng anh bị cận cơ đấy!

- !!!

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn

Cây rơm nhà má

Cây rơm còn là “tụ điểm” của trẻ vui đùa với nhiều trò chơi dân dã. Ảnh: TRẦN CHÍ KÔNG

Cuối tuần về quê, chế tôi nấu, đãi nồi lẩu mắm. Mắm đồng, cá đồng chính hiệu, rổ rau rừng đầy ú ụ và tất nhiên trong lẩu không thể thiếu nấm rơm.

Biết tôi thích ăn nấm rơm, mỗi khi nấu lẩu mắm, chế tôi hay cho nhiều món này. Chế nói, mua của nhà thằng cháu họ bên sông nên không sợ thuốc, hoá chất như ngoài chợ.

- Nấm này nó hái ở cây rơm hả gì? Tôi hỏi.

-Nó trồng bằng meo. Chứ thời buổi này kiếm nấm rơm tự nhiên ở đâu ra! Chế trả lời dấm dẳng.

Phải rồi, nấm rơm giờ toàn trồng bằng meo trong nhà, nấm tự nhiên thì vô cùng hiếm.

Bất chợt, tôi nhìn ra sân, cây rơm nhà má giờ chỉ cao quá đầu, nhỏ xíu, mà chạnh lòng.

Từ ngày máy gặt đập liên hợp ra đời, những cây rơm gần như mất tích ở các vùng ngọt xứ Cà Mau. Nông dân chỉ mang lúa hột vô nhà, còn rơm bỏ ngoài đồng, gần mùa cày thì đốt bỏ, rất phí mà lại không có lợi cho đất ruộng.

Nhớ hồi còn gặt tay, lúa bó được mang từ ruộng vô nhà, suốt bằng máy, nhà nào cũng có cây rơm. Nói một cách ví von, chỉ cần nhìn vào cây rơm nhà nào là biết tình hình kinh tế của nhà đó. Đống rơm bự chảng, cao nghều, chứng tỏ lúa năm đó trúng mùa, cuộc sống vì thế mà sung túc.

Nhà nào cây rơm èo uột thì gia chủ năm nay mùa màng thất bát. Với những ai từng sống ở nông thôn, cây rơm trước sân như một biểu tượng của nhà nông và gắn liền với biết bao kỷ niệm thời thơ ấu.

Suốt lúa xong, cây rơm trở thành nơi để tụi con nít chơi đùa. Kiểu đơn giản nhất là leo lên ngọn cây rơm rồi… phi xuống. Cây rơm cũng là nơi lý tưởng để bọn nhỏ chơi trốn tìm, hay chơi trò đuổi bắt nhau.

Lâu ngày, khi cây rơm bắt đầu dẻ dặt, tụi tôi hay chơi trò đào hang. Những sợi rơm được rút dần từ trong ruột ra, tạo thành những cái hang nhỏ để chui vào, phía ngoài ủ một lớp rơm mỏng làm cửa và che không cho người ngoài biết.

Hang ở cây rơm được phát huy tác dụng tối đa mỗi khi đứa nào làm chuyện có lỗi thì chui vào đó trốn. Hồi đó, tôi từng chui vào hang rơm cả ngày để trốn… nhổ răng.

Báo hại mấy ông anh kiếm từ đầu trên tới xóm dưới. Mà đã là hang thì phải bí mật, chứ bị lộ rồi thì người lớn chỉ việc tới, nắm đầu lôi ra là coi như xong. Hang này lộ thì đào hang khác, mất công mà chả mấy chốc cũng bị phát hiện, bởi con nít làm sao qua mặt nổi người lớn bao giờ.

Trong ký ức tuổi thơ của tôi và đám bạn đồng trang lứa, hồi đó đứa nào cũng bị đòn hoài bởi cái vụ mê chơi ở cây rơm, tối mịt không chịu đi ngủ. Người lớn kêu năm lần bảy lượt mới vô.

Đứa nào làm biếng… tắm, để nguyên bộ mình mới chơi đống rơm vô mùng nằm thì y như rằng đêm đó khỏi ngủ, bởi trong đống rơm có rất nhiều con vật nhỏ bằng đầu cây kim, mà người lớn hay gọi là con mò. Chúng bám vào tóc tai, quần áo ai thì xác định là gãi cả đêm vẫn không đã ngứa.

Những đêm trăng sáng, mấy anh em nhà tôi hay chơi trò diễn tuồng. Vở phổ biến nhất là “Thạch Sanh, Lý Thông”. Tôi được giao vai Thạch Sanh với cái búa nhỏ nhỏ, xinh xinh bằng gốc bình bát ba tôi đẽo cho.

Cô hàng xóm cỡ tuổi tôi mặc định vào vai công chúa, còn các anh chị khác thì chia nhau làm… quân lính, vua và…

Lý Thông. Diễn quen tới mức đến khi lớn tồng ngồng, tôi vẫn mang biệt danh Thạch Sanh và bọn họ cáp đôi miết tôi với nàng “công chúa” gần nhà.

Cây rơm cũng là chỗ để cho mấy đứa rắn mắt chui vào sẵn để rình mấy anh chị lớn… hẹn hò. Hồi đó, lâu lâu có gánh hát về, nhiều anh chị tuổi cặp kê thường làm bộ đi coi hát, chứ thật ra là để nháy nhó hẹn nhau “tấp” dọc đường; hoặc đâu đó có cái đám cưới thì y như rằng sẽ có vài đôi mất tích, mà chỗ tâm sự lý tưởng nhất là ở mấy cây rơm...

Đám con nít quỷ tụi tôi thường hay lén vô cây rơm nằm sẵn, có khi ở sát sườn các đôi đang tâm sự quên trời đất. Họ nói gì thì cứ nghe rõ mồn một, lắm khi cả bọn phải cắn áo thật chặt để nén cười. Có bữa, các anh chị đang say sưa tâm sự thì bị người lớn xộc vô quát tháo, bắt về.

Một lần, chú nọ nổi xung thiên đòi đốt cây rơm, làm tụi tôi phi ra chạy vắt giò lên cổ. Tôi thuộc lớp ngoài 40 một chút, thời còn học tiểu học, tức là trước 1990, người lớn ở nông thôn quản lý chuyện yêu đương của con cái rất chặt. Nhiều ông ba, bà mẹ khó “vàng mây” báo hại con mình ế chỏng chơ vì chả ai dám cưới.

Ở Cà Mau ít nuôi trâu bò, nên rơm ít được dùng làm thức ăn cho chúng, như ở các vùng trên. Rơm mới ra, còn xanh ẻo được bà con dùng để ủ gốc cây, hoặc rải lên mặt liếp trồng hoa màu, khi rơm mục, hoại ra thì bổ sung dinh dưỡng cho cây. Công dụng phổ biến nhất của rơm là làm con cúi un muỗi.

Thời đó, ở nông thôn chưa có điện, tối tối muỗi kêu như sáo thổi. Nhà nào cũng chuẩn bị sẵn vài con cúi. Người ta lấy từng nắm rơm, tết thật chặt chúng lại với nhau, kiểu như… các thợ trang điểm hay tết tóc cho cô dâu trong ngày cưới (!).

Kích thước con cúi thường bằng bắp chân người lớn, độ dài thì tuỳ thích. Con cúi đốt lên tạo nên những đợt khói mù mịt, xua muỗi trong các hoạt động chung của gia đình.

Hoặc có việc cần đi sang hàng xóm, người ta cũng hay tết những con cúi nhỏ hơn, cầm theo vừa soi đường, vừa đuổi muỗi.

Hồi đó, tôi và thằng em họ hay đội rơm, rải đều trên vài trăm mét vuông mặt ruộng, chờ rơm thật khô thì đốt để tạo mặt bằng trồng đậu bắp. Tôi và nó có chung sở thích ăn loại trái này.

Đậu bắp trồng hơn tháng là có trái, lần đi bẻ được cả thúng, đem về nào thì nấu canh, nào thì hấp, luộc… ăn đã đời.

Khi ông trời bắt đầu báo sắp chuyển sang mùa mưa bằng những đám mây tối màu, những ánh sét chói loà lúc hoàng hôn và những tiếng sấm ì đùng xa xa, nhà nhà bắt đầu chuyển rơm ra vị trí đã chọn sẵn để rải thảm, đốt đồng, làm cỏ và gieo mạ khi mưa xuống.

Mặt ruộng cỏ dày mịt, xanh um được rải một lớp rơm vàng đều, dày non một tấc. Diện tích đám mạ nhỏ, lớn tuỳ vào nhà nào ruộng ít hay nhiều. Lâu ngày, rơm xẹp xuống, cỏ chết khô thì nhà nông bắt đầu đốt rơm, thời khắc được bọn nhỏ tụi tôi chờ đợi và thích nhất.

Đốt rơm thường diễn ra khi chiều tối, những đám lửa đỏ rực trời đêm, mùi rơm và cỏ cháy quyện vào nhau ngai ngái là những thứ cảm giác đặc biệt, mà tôi thường tự hào là phải sống ở nông thôn thì mới được nếm trải.

Thường khi rải xong đám mạ, cây rơm ở nhà sẽ vơi đi một nửa, dẻ dặt đến mức phải dùng sức mớt rút được những nắm rơm từ thân của nó. Mưa xuống, chân cây rơm dần mục rữa thì cái cái món đặc sản không chỉ tôi, mà còn có nhiều người khác ưa thích bắt đầu xuất hiện. Đó là nấm rơm.

Cà Mau những năm 1990 tôm cá bao la, rau rừng, hoa màu phong phú, nhưng nấm rơm quý ở chỗ chỉ có vào mùa mưa. Sau những cơn mưa đầu mùa, quanh chân cây rơm toàn nấm là nấm.

Nấm rơm mọc hoàn toàn tự nhiên. Sáng sáng, mấy anh em trong nhà lại mang nào rổ, nào thau, nào thúng đi hái nấm. Những cây nấm nhỏ từ ngón tay cái trở xuống được để dành, anh em tranh nhau hái những cây bự từ bằng ngón chân cái trở lên.

Có những cây hôm trước hái sót do nằm trong chỗ khó thấy hoặc bị rơm phủ lên, chỉ sau một đêm là nở xòe thành hình chiếc dù xinh xinh, ngộ nghĩnh. Cây rơm càng mục thì nấm càng nhiều, từ chân lên ngọn, hái mỏi tay.

Nấm rơm thường được xào mỡ, xào thịt, hay kho đều ngon, nhưng đặc biệt nhất là kho với mắm đồng. Nấm rơm mềm, béo, ngọt quyện với mùi mắm thơm phức, tạo thành một mùi vị đặc trưng, một món ngon khó cưỡng. Mà nói về cái sự xuất sắc của mắm đồng Cà Mau thì chắc phải nói cả ngày cũng không hết.

Chiều mưa nhẹ. Ăn xong bữa mắm kho, tôi ra cây rơm, đi một vòng như hoài niệm về những tháng năm đẹp đẽ ngày xưa.

Chân cây rơm đã bắt đầu mục, nhưng chỉ thấy vài cây nấm dại, ốm tong teo. Mấy năm rồi, mưa xuống, về quê tôi đều ra cây rơm tìm nấm, nhưng chưa lần nào tìm được.

Có lẽ chất lượng rơm giờ khác xưa nhiều, phần nào do ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu? Tôi nghĩ vậy.

Từ nhà má ra thành phố, nơi tôi ở bây giờ hơn 40 cây số, đi qua cả một vành đai vùng ngọt hoá Cà Mau rộng thênh thênh, vậy mà quan sát dọc đường, những nhà có cây rơm chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Ai rồi cũng khác. Cuộc sống đã khác và sẽ còn khác hơn, nhưng những hoài niệm về một thời thơ ấu, nơi có những cây rơm để bọn trẻ chơi đùa, cái mùi khen khét khi khói rơm cháy bám vào đầu tóc hay những bữa trời mưa dầm dề, cả nhà ngồi trên bộ ván ngựa ăn cơm với mắm kho như vẫn còn lẩn quất đâu đây.

Mùi thơm của nấm rơm trong nồi mắm kho, khi nhắm mắt lại, hít thật sâu có thể nhận ra ngay được, cũng như kiểu những người “ở chợ” lâu năm, nhưng dáng dấp nông dân thì cả đời không dứt ra được. Có thể, tôi là một trong số những người như vậy.

Bất chợt, trong tâm trí tôi vang lên hai câu kinh điển trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn!

Làm sao quên được cây rơm trước sân nhà của má...

Theo Báo Cà Mau