
Khu vực này ngày xưa chỉ là những đồi cát thoai thoải vắng vẻ ít người qua lại nằm giữa Vĩnh Thủy và Vĩnh Phú, ban ngày đi qua đây rờn rợn sờ sợ (có lẽ hồi nhỏ sợ ma), ban đêm thì dứt khoát không dám đi rồi; cây duy nhất có thể tồn tại chịu đựng với nắng nóng và gió mang đầy hơi mặn của biển là cây keo (tên địa phương gọi là cây găng); vào mùa khô, những chùm trái chín căng tròn nứt xòe để lộ ra những múi cơm trắng tinh, vừa ngọt, vừa chát, vừa bùi hấp dẫn bọn trẻ chúng tôi. Rải rác mọc những hàng xương rồng, không biết do người ta trồng hay tự lây lan, gai cứng và dài, vô ý đâm phải, đau nhức thót tim, nhiều người thường bẻ những cây gai đem về lể ốc ruốc. Vào mùa thi, chúng tôi rủ nhau đem theo thức ăn trải giấy báo dưới tàn cây keo cổ thụ kín gió nhờ những hốc cát, vừa ăn vừa học bài, thường thì chuyện trò chơi đùa nhiều hơn là học. Có hôm, hai ba thằng rủ nhau ra hồ Vĩnh Thủy, một hồ nước ngọt tự nhiên giữa bãi cát cách mép biển không xa, lén câu trộm cá, bị bắt quả tang, năn nỉ xin tha gần khóc.
Trên những động cát sát biển là nắng gió, nhưng nằm dưới chân động cây xanh tươi tốt nhờ nguồn nước ngọt trong động chảy ra, dân địa phương trồng rau, chủ yếu là rau muống và những hồ sen rực rở bông, ven theo chân động có cây dứa dại trái nào trái ấy to như trái banh và những trái bình bát chín đỏ, căng mỏng ăn vào mát rượi.
Nơi đây còn ghi lại những buổi picnic dã ngoại với Thầy Võ Ba, cả bọn hát đến khan cả tiếng bằng cái đàn guitar, thầy trò hàn huyên trò chuyện đủ thứ trên đời và thích thú mệt lã người chân lún trong cát lên dốc xuống dốc. Tối về còn được chiêu đãi món chè ở quán Thu Dung…
Chiều nay, sau buổi họp bàn kế hoạch họp mặt, nhìn bờ biển hình vòng cung với những bãi cát dài trắng xoá, giữa cảnh náo nhiệt của một khu du lịch đẹp và văn minh, vẫn thoáng hiện đâu đó hình ảnh những năm tháng xa xưa, có một chút gì đó xao xuyến trong lòng./.
PĐN