Theo tập quán của một số nước Đông Á đặc biệt là những quốc gia ăn tết cổ truyền âm lịch như Việt Nam ta. Ngày đầu năm, một số người chọn ngày, chọn giờ để khai trương, chọn hướng để xuất hành. Đây cũng là phong tục để tìm sự may mắn cho mình và gia đình trong năm mới. Có người phải tra cứu lịch hoặc đi xem Thầy. Năm nay tôi cũng chọn mùng 3 tết, hướng Đông tức là hướng Phan Thiết – Mũi Né để xuất hành lấy hên.
Dắt chiếc xe ra khỏi nhà, sao mà dơ quá, bụi đất bám đầy, có đến gần nửa năm chưa rửa. Làm siêng đột xuất, sẵn cái vòi nước tưới thanh long, cho con “ngựa sắt cà tàng” tắm nửa tiếng đồng hồ thỏa sức no nê trông cũng tạm ổn. Hòa với dòng người vi vu trên Quốc Lộ 1A theo hướng đã định. Được 4 cây số, xe tự nhiên tắt máy. Dzụ này mới đó nha vì từ hồi đó tức là từ lúc mua xe đến giờ chưa từng xảy ra như thế này. Lại trúng khu vực nhà cửa thưa thớt, không một bóng cây ven đường, dễ chết như chơi. Xa xa thấp thoáng tấm biển sửa xe HonDa, mừng quá trời, dắt bộ đến nơi, cửa đóng thin thít mà còn khóa bằng ổ khóa to tổ chạc mới thất vọng làm sao. Thôi thì lấy đồ nghề ra tự sửa, mở “bu-ri” chùi tới chùi lui vẫn không nổ, chẳng biết phải làm sao vì nghiệp vụ chuyên môn sửa xe của tôi chỉ có bấy nhiêu, chẳng lẽ phải thuê chiếc xe lớn chở chiếc xe nhỏ về. Vào một quán cóc bên đường hỏi thăm, người ta chỉ cho đi tới một đoạn nữa có tiệm sửa xe nhưng không biết đầu năm đầu tháng đã làm chưa. Lại tiếp tục dắt bộ, vừa đi vừa thầm “than thân trách phận”. Con ngựa sắt tuy là cà tàng thật nhưng là bạn thân thiết đã từng đồng hành với tôi trên mọi nẻo đường tôi đã đi qua: Phan Thiết Mũi Né, Ma Lâm Thiện Giáo, Bình Tuy LaGi, Bình Châu Xuyên Mộc… hàng tuần đều bồi bổ đầy đủ xăng nhớt, chỉ thiếu vệ sinh mà thôi, nay đột nhiên nổi chứng bỏ tôi giữa đường trong một buổi sáng nắng chang chang, không một bóng mát, mồ hôi đầm đìa mới đau làm sao.
Rồi thì cũng đến được tiệm sửa xe thứ 2, nói tiệm cho nó oai chứ thực ra là cái nhà nhỏ nhỏ, chủ yếu sửa lặt vặt xì hơi xẹp lốp. Cũng lại cửa đóng then cài một cách lạnh lùng, may mắn hơn một chút nhà của chủ tiệm ở phía sau, tuy chưa khai trương nhưng thương cho cảnh “cơ nhở dọc đường” nên đang tưới thanh long, người nhà gọi vào sửa dùm, mừng hết lớn. Cũng lại kiểm tra “bu-ri”, rồi tháo “bựng xe”, rồi mở ”lốc máy”, một dòng nước chảy tóe ra ướt cả khoảnh sân. Mà nước không vào lốc máy mới là lạ!!! vì như tôi đã nói “cà tàng” mà, ron riếc bung từ đời nào, bựng xe thì vừa chạy vừa phát ra tiếng nhạc re re, yên xe thì rách bà xã phải lấy kim chỉ khâu lại, mùa mưa ướt cả mông quần, người ngồi sau cứ một lát phải điều chỉnh lại thế ngồi vì bị vẹo qua một bên, dằn mạnh cũng vẹo, dằn sơ sơ cũng vẹo, đường êm như ru cũng vẹo luôn…
Thì ra tôi làm siêng hơi quá mức, xịt thật kỹ, nước vào lốc máy, quá trình vận hành làm cháy cuộn điện phát lửa; cũng may tiệm có cuộn lửa duy nhất, còn mới, tuy khác hãng xe nhưng gắn vào vừa khớp, chỉ cần chế lại “rắc cắm” bằng cách cắt luôn 4 sợi dây điện nối vào rắc cũ, băng keo thì hết, lấy sợi dây nylon đen quấn cho nó khỏi chạm nhau là xong, đề một phát xì khói nổ giòn tang, phẻ re. -Nhiều tiền đó nghe Chú. Hơi bối rối, nhưng không sao, trong túi đã có sẵn căn cước, bằng lái xe cả thẻ ATM, nếu thiếu thì thế đỡ, bữa nào chuộc lại, chẳng lẽ ráp vào rồi lại tháo ra. -Nhìn tướng chú sang, thay xe khác đi chú ơi. Sướng rơn, làm dóc: -Chiều mua tờ vé số sắm xe con luôn. -Mà nhắm chừng đi tới Mũi Né được không? -Tới Hà Nội luôn. Cháu chủ tiệm sửa xe vừa cười vừa trả lời…Cuối cùng thì vẫn đến đích như ai, gió biển mát rười rượi làm quên đi mệt mõi vừa trải qua.
Người ta thường nói, hên đi liền với xui, may đi liền với rủi, được đi liền với mất. Tôi thì xuất hành đầu năm xui vì bị hư xe nhưng hên là còn có người chịu sửa và có cả phụ tùng thay thế. Rủi là con ngựa sắt cà tàng chưa bao giờ bỏ tôi dọc đường dù lên núi xuống biển nhưng lại chọn đúng ngày xuất hành nổi chứng nhưng may là cũng đến được Mũi Né, gặp người thân bạn bè trong đó có nhà thơ Mỹ Lệ, chuyện trò vui vẻ cười no ruột. Mất là mất một mớ mồ hôi và “ngân khoản” sửa xe, còn được là được cái gì đây ta…nghĩ mãi chưa ra./.
PhamDinhNhan
PhamDinhNhan