Hôm qua, tham
gia với đoàn hành pháp đến một vùng chuyên về nông nghiệp để giải quyết tranh
chấp giữa ông và cháu. Ông nội cho cháu miếng đất trên đó có 65 trụ thanh long,
đất thì cho, làm sổ đỏ đàng hoàng, thanh long thì để lại dưỡng già. Chỉ trị giá
vài chục triệu đồng, thằng cháu muốn chiếm luôn, đành đoạn kiện ông nội trên 90
tuổi gần đất xa trời ra tòa. Đạo đức, tình cảm gia đình thời nay sao mà lộn xộn khôn lường, tôn tri trật tự đảo ngược một cách trầm trọng. Vì hiện trường vườn thanh long nắng như đổ lửa,
đoàn nhờ ngôi nhà gần đó có mái vòm thật rộng thoáng mát, bàn ghế đầy đủ để làm
việc…
Vợ chồng chủ
nhà cũng là nông dân, mái tóc bạc quá nửa, nước da đen bóng vì nắng gió, độ
chừng kém tôi sáu hoặc bảy tuổi. Trong khi nói chuyện, gọi tôi bằng Chú, thầm
vui trong bụng vì nhìn bề ngoài chắc là rất trẻ nên gọi mình là Chú em; lát sau
gọi chú nhưng xưng con. Từ vui chuyển qua buồn trong tích tắc, nhưng vẫn còn hy
vọng có thể người ta gọi nhầm. Bắt tay chào ra về cũng gọi chú xưng con, nghi
ngờ tai mình nghe không chính xác nên dắt xe ra khỏi sân rồi còn quay lại chào
lần nữa, vẫn là chú xưng con nhưng không phải một người mà cả hai vợ chồng. “Lòng buồn dạt dào như hôm nào…” đi một
mạch tới Phan Thiết, vào nhà sách Trần Quốc Toản dự tính mua mấy cái thiệp chúc
mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Người phụ nữ trạc trên dưới 50 ngồi quay mặt
ra cửa, thấy tôi đon đả cười chào “Mua gì
đó Chú? Chú cần thứ gì cháu lấy cho”. Lỡ bước vào rồi chẳng lẽ đột ngột
quay ra, cũng lịch sự nói dăm ba câu rồi đi mà lòng nặng trĩu u sầu. Về nhà,
mấy đứa học sinh đến may áo dài lễ phép “Chào
cô Lành”, quay sang tôi “Chào ông”.
Bậm gan mà ừ chứ biết nói sao bây giờ.
Vấn đề này
được đưa ra thảo luận trưng cầu dân ý trong bữa cơm gia đình, chỉ thấy hai mẹ
con cười quá chừng mà không có ý kiến gì cả. Soi gương, nhìn qua nhìn lại, ngắm
tới ngắm lui thấy mình cũng còn được đại đấy chứ, chưa đến nỗi nào mà sao lạ
vậy ta. Chắc tại cái đầu ít tóc quá, còn gọi là đầu Bác học nên người ta ngộ
nhận gọi nhầm./.