Lập gia đình,
con cái lớn lên, việc dựng vợ gả chồng vừa là mong muốn, vừa là trách nhiệm
cũng là niềm vui của bậc làm cha làm mẹ. Thấy bạn bè giờ là ông bà nội, ông bà
ngoại lòng ruột cũng nôn nao. Ra đường người ta hỏi anh được mấy sui rồi, chỉ
biết gượng cười lắc đầu… Rồi thì nhận được tin người ta đến làm quen vừa mừng
vừa lo, mừng là con cái gần có nơi có chỗ, lo là không biết có suôn sẻ như ý mình không? Mà thói quen lâu đời của đại đa số
người dân nước ta việc cưới hỏi phải đến Thầy coi tuổi, coi ngày, cũng không
ngoài mong muốn cho đôi bạn trẻ hạnh phúc, sinh con đẻ cái, làm ăn thành đạt,
sống với nhau đến đầu bạc răng long. (Nghĩ
cũng lạ, người xưa chỉ chúc nhau tới mức đầu bạc răng long là hết, nhưng trong
thực tế bạn bè chúng ta hiện nay, tóc ai lại không bạc, răng thì rụng rồi chứ
đừng nói là long, thế mà vẫn còn duyên dáng, xinh tươi, mơn mởn, hạnh phúc. Câu
này chắc là phải điều chỉnh lại). Ông bà sui của tôi sinh sống ở vùng thuần
nông, đời sống văn hóa ở đây còn nặng nề về phong kiến, việc coi thầy ắt là không
thể thiếu. Riêng tôi việc coi thầy vô cùng phân vân, số là như thế này:
Cách đây hơn 20
năm, đơn vị của tôi có cậu nhân viên đem lòng yêu thương một cô nhân viên ở đơn
vị cùng chung trong huyện. Về báo cáo cha mẹ và coi ngày. Thầy phán một câu
chắc nịch như đinh đóng cột: “Hai người không hạp tuổi,
sống với nhau dứt khoát gảy gánh giữa đường”. Cha mẹ tuyên bố “Không cưới hỏi gì cả”. Bầu trời như đổ
ập xuống trên mối tình của hai bạn trẻ. Để bảo vệ cho tình yêu mình đã lựa
chọn, cậu nhân viên nhờ tôi và người anh trai thuyết phục, nhưng cha mẹ dứt
khoát không là không. Chiều theo mong muốn của cậu, tôi và người anh trai tới
nhà gái trình mọi thủ tục cưới hỏi và tổ chức tiệc cưới vui vẻ rình rang không
thua kém ai, chỉ có điều niềm vui không trọn vẹn vì vắng cha mẹ chú rễ. Nay hai
người đã trên 50 tuổi, tuy không có con nhưng họ đã sống với nhau rất hạnh phúc
ngần ấy năm trời, chưa thấy ai gảy gánh giữa đường. Hễ nghe tin tôi về Mũi Né thế nào cũng mời cho bằng được về nhà, vợ chồng vui vẻ tiếp đón nồng hậu, chiêu đãi đủ thứ. Nếu
ngày xưa tin lời Thầy ngăn cản, hóa ra đã phá đi một tình yêu đẹp, một hạnh phúc hiếm có và đáng
trân trọng.
Tôi có người
chị rất kỹ lưỡng việc coi tuổi coi ngày trong hôn nhân, cưới vợ cho người con
trai, Thầy phán “Đầu năm đám hỏi, cuối
năm đám cưới”, thế là chấp hành nghiêm túc. Sống với nhau sinh đôi hai cháu
gái thật dễ thương, chưa bỏ bú, một đứa ẳm về Ngoại, một đứa để Nội nuôi. Còn
người con gái của chị, đã có hai con, vợ chồng tan đàn xẻ nghé, đưa đơn ra tòa ly dị, chị ấy còn nhờ
tôi nói với Tòa giải quyết sớm sớm, cứ hòa giải hoài.
Thế đấy, cuối
cùng thì tôi quyết định, không coi thầy, không coi tuổi, chỉ coi ngày nhưng tự
coi. Coi ngày là coi ngày nào thuận tiện, không trùng với đám cưới đám hỏi, đám
giổ trong họ hàng, ngày nào đồng nghiệp bạn bè được nghĩ, không ảnh hưởng đến thời
gian công việc và ngày vui của gia đình không gây khó xử cho những người được
mời. Hôm làm quen, đàng trai xin ngày đi hỏi, tôi trả lời “Ngày nào cũng được, miễn là thứ bảy hoặc chủ nhật”, thế là OK. Hôm
đám hỏi, nhà trai xin ngày cưới, tôi cũng trả lời y như thế, nhưng nếu được
ngày 01 tháng 11 thì càng hay vì đó là ngày có những ngẫu nhiên đáng nhớ: Ngày
sinh nhật của con gái tôi, cũng là ngày đầu tiên đi làm sau khi cháu ra trường,
cũng là ngày nhận quyết định chính thức là công chức và đó cũng chính là ngày
thứ bảy. Vợ chồng sui gia cũng chịu chơi “Anh
làm thứ bảy, tôi làm chủ nhật”. Thế là vui vẻ nâng ly chúc mừng thành công
bản ghi nhớ bất thành văn.
Đùng một cái,
người con rễ tương lai nhận giấy báo đi học mãi tận Hà Nội, theo ngày tôi đã
chọn trúng lịch thi thì làm sao về cưới vợ được. Làm Thầy coi ngày như tôi không
linh chút nào đành phải giải nghệ sớm. Bây giờ thì không ai làm Thầy được hết. Chỉ có
chính nó và nhà trường làm Thầy coi ngày
mà thôi./.
*Viết bài này để trả lời câu hỏi của bạn
Thuần, để biến giấc mơ trong “Ngày tôi chờ đợi” của NguyenTienĐao thành sự thật
và để các bạn đọc cho vui.