F tháng 3 2012 ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Cố Cùng Đi Họp Lớp


- Cứ thong thả… đâu có vội vàng… đi chơi mà !
- Không phải, đi họp lớp.
- Ừa, đi họp lớp… quan trọng lắm.
- Ông bà nội ngoại đi họp lớp… đâu phải chơi !
Trên chiếc xe cá mập 16 chổ có gần chục người ồn như cái chợ. Xe cà rịch cà tang đón người nầy rước người kia đến hơn chín giờ mới ra tới Hàng Xanh. Ghé mua một thùng đá, một thùng bia, bỏ vô ngâm lạnh cho ông thần men giáo sư Trần Hoàng và Vàng uống dọc đường. Anh Kiếm và tôi chỉ hưởng ứng cho vui, Hà uống không được. Tất nhiên vô bia nhiều hai ông mặt trời mọc nói chuyện lốp xốp hơn. Tài kể chuyện tiếu lâm, nhớ số điện thoại, giả giọng rao hàng, bán keo bẫy chuột của Trần Hoàng làm cho các bạn cười nghiêng ngả.
Đường đi qua Rừng Lá màu xanh mát rượi trước đây, nay trơ trọi nắng chang chang, không còn thấy chiếc lá buông trắng nào phơi. Tháng tư vào hè rồi còn gì, nắng hắt trên con đường nhựa như sôi bóc khói. Ấy vậy mà có cái đẹp lạ thường trên đường, mỗi lần đi qua vùng nắng cháy này để về họp lớp. Vẻ đẹp ấy làm cho lòng tôi bồi hồi khó tả, thưởng thức đến ngất ngây. Đó đó bạn hãy cùng tôi nhìn hai bên đường qua ô cửa kính xe, màu đỏ rực trên nền trời xanh không gợn bóng mây ấy. ‘’Màu hoa phượng thắm như máu con tim’’. Dưới cái nắng khô khốc quéo da, giữa trưa hè không một bóng người, chỉ có những hàng phượng vĩ phơi mình trổ bông đỏ rực trên cành trơ lá. Nơi nào ta cảm thấy nóng hơn, nơi ấy hoa càng rực rỡ hơn, nhiều hơn đẹp hơn. Tôi nghĩ không nơi nào hoa phượng vĩ trổ đẹp bằng nơi đây, trên đất Bình-thuận nầy từ Hàm-tân ra Phan-thiết. Đoạn đường cho ai đi ngang nhìn phượng hồng để nhớ về thời học sinh đến lớp. Nhớ cây phượng giữa sân trường nở hoa đỏ báo hiệu mùa chia tay. Vội nhặt cánh hoa ép vào trang vở ghi dòng lưu bút. Bây giờ nhớ thật nhiều, càng nôn nao thêm trong lòng trước Ngày họp lớp.
Xe vô thành phố Phan-thiết đến một quán bánh xèo ăn tối, ai cũng đói lua nhanh vô bụng. Nhân viên chạy tất bật phục vụ, bếp tăng cường đổ bánh muốn không kịp. Cuối cùng mọi người cũng đủ no nê ngon miệng, còn chủ quán nhìn mấy vị khách đều to khỏe ăn mạnh, nói đùa… cảm ơn nhờ các anh chị… quán em nghỉ sớm.
– Các em đi đường có mệt không? đem đồ vô hết đây! Anh Ba chạy ra thăm hỏi, hướng dẫn vào nhà mình.
Anh Ba biểu ngủ lại không cho đi đâu hết. Một hồi anh bày ra bia, hột vịt lộn bồi dưỡng cho các em, ôi thật thắm tình anh em thầy trò. Đêm đó Liên, Thuần vào phòng ngủ với cô Lan, ở ngoài chỉ có một cái mùng dành cho mấy “yếu nhân” ngủ, còn tôi với anh Ba ngủ ngoài bộ ván dụ muỗi. Sáng ra anh Ba, cô Lan đãi chúng tôi ăn bún bò trước nhà, được Thúy Hương mời qua Café Hương Trà của mình đãi tiếp. Sau đó ăn chơi nhà Lãn, hát karaoké nhà Lộc. Ôi thật vui, lần đi họp lớp đó nhớ mãi đến bây giờ.
Không còn chuyến xe đầy ắp với bao tiếng cười đùa. Không còn Anh Ba. Không còn thầy Chung. Không còn Vàng. Không còn Mùi. Ngày họp lớp năm nay lại thêm không còn Bạch Thu. Nghe nhói đau tận trong tim mỗi khi nhớ tới bóng dáng thân quen của các con người ấy. Cầu chúc trong những ngày này, ở nơi nào đó Thầy và các bạn ấy cùng gặp nhau vui chung với tất cả bọn mình.
Ngày họp lớp năm nào cũng có những điều vui bất ngờ đễ thương, để nhớ, đễ xúc động không thể nói hết tình cảm mọi người dành cho nhau. Đã hai mùa kỷ niệm Ngày họp lớp, có ba bà cụ tuổi gần chín mươi, lụm cụm theo ba người con gái của mình tuổi gần sáu mươi đi họp lớp. Đó là bất ngờ lớn nhất, đáng trân trọng nhất, hạnh phúc nhất cho Lớp 11B1 Trường trung học Chính Tâm, Phan-thiết chúng ta. Nghe đâu năm nay ba bà cố cùng đi họp lớp, cố nói đi thấy vui bỏ không được, vé xe lửa mua rồi.

NTH
29-3-2012

Ký sự

ĐI TÌM ĐỊA ĐIỂM HỌP MẶT (cuối)
          Đến một khu du lịch khác ở Long Sơn - Suối Nước, nhìn mãi chẳng biết tên là gì vì không có bảng hiệu, không một bóng người, chúng tôi tự do dạo một vòng tham quan. Cả một quần thể kiến trúc: nhà hàng, nhà nghỉ, đường đi ngoằn ngoèo lạnh tanh, các công trình cơ bản đã xây dựng xong nhưng chưa được tô trát, sơn phết, lót gạch; cũng không biết vì lý do gì đã ngừng thi công nhiều năm nay, gạch, cát đá ngổn ngang trông ảm đảm, buồn tẻ thấy rờn rợn. Chúng tôi nói đùa: vào đây một mình chắc là không dám - sợ ma. Mọi người cùng cười đặt tên cho nơi này là khu nhà ma.
          Cách không xa khu nhà ma, một điểm du lịch khác có thể nói là rất lý tưởng, có tên là Thanh Thi, khu du lịch này đã hoạt động một thời gian nhưng không hiểu vì sao lại ngưng; duy nhất chỉ có một người làm công đang tưới cây; nhà hàng, nhà nghỉ, đường đi lối lại rất là đẹp, có cái cầu bắc qua một con suối nhỏ trồng bông sen và súng rất thơ mộng, tôi tưởng tượng có lẽ trước đây còn có cả những đàn cá tung tăng bơi lội…Chúng tôi rất vừa ý chọn nơi sinh hoạt họp mặt là tầng trệt của một khu nhà, một mặt giáp bờ biển, một mặt giáp bể bơi tuy vẫn còn nước nhưng đã đóng rong rêu do lâu ngày không được chùi rửa, sử dụng. Không khí mát mẻ ở đây đã làm dịu đi phần nào nóng nực suốt mấy tiếng đồng hồ lòng vòng chạy tới chạy lui. Hỏi thăm mãi mới có số điện thoại của người quản lý nhưng liên lạc hoài không trả lời.
          Trời chiều lắm rồi, đi thêm một điểm nữa cũng ở Long Sơn - Suối nước, khu du lịch cũng giáp với bờ biển có tên Sông Lam, tên một con sông nổi tiếng ở tỉnh Nghệ An, làm tôi liên tưởng đến đội bóng đá Sông Lam Nghệ An có nhiều cầu thủ xuất sắc vang bóng một thời: Hồng Sơn, Sĩ Hùng, Văn Quyến…Sông Lam còn làm tôi nhớ đến bộ phim “Ngày ấy bên sông Lam” được xem cách đây trên 30 năm, nói về những người lính hoạt động bí mật trong thời kỳ chiến tranh với Pháp…Người phụ nữ nước da ngăm ngăm đen vì nắng gió biển có giọng nói Nghệ An lơ lớ pha một vài âm của miền Nam nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi xem nơi sinh hoạt, nơi nghĩ đêm, nơi lửa trại. Chúng tôi chọn khu nhà lục giác mái lợp lá dừa nước, nền lót gạch bát tràng, không có vách làm nơi họp mặt. Xem như thời gian, địa điểm là xong nhưng giá cả thì chưa trả lời được vì người quản lý chiều nay nhậu sỉn quá, gọi mãi mà dậy không nỗi. Người phụ nữ ghi lại số điện thoại có gì ngày mai liên lạc lại.
          Thế là mất tong hơn một buổi, nói chính xác là hơn sáu tiếng đồng hồ gối mỏi, chân chùn, người lấm tấm hồ hôi mà kết quả chưa khả quan gì mấy. Bù lại chúng tôi được nhà hàng Đồng Tháp chiêu đãi một bữa ra phết, gồm các món: gỏi cá mai cuốn bánh tráng rau sống chấm với một thứ nước sền sệt, trong thứ nước sền sệt đó có đậu phộng rang giả thật mịn và chuối sứ chín xay nhuyển, ngon hết chỗ nói; mực trứng hấp gừng chấm với nước mắm gừng mà mỗi lần cắn một miếng mực phải nhai thêm miếng gừng xắt nhỏ thành sợi mới thấy hết hương vị của nó; bún ăn với nước súp nấu bằng móng heo, càng húp càng thấy ngon; chả cá hấp cắt thành từng lát mỏng, to bằng hai ngón tay ăn vào có cả hương vị của tiêu sọ làm người thấy rân rân; đĩa tôm biển đỏ au nhìn thật hấp dẫn nhưng không tài nào ăn nỗi vì quá no nê…
          Mười chín giờ, chúng tôi cám ơn bắt tay vợ chồng nhà Hàng Đồng Tháp và tạm biệt Hòn Rơm - Mũi Né giữa bầu trời cuối tháng 2 âm lịch tối đen như mực. Xe đã nổ máy, vợ chồng chủ nhà hàng Đồng Tháp còn theo ra tạm biệt “see you again” một lần nữa mới chịu vào nhà./.
PĐN


Dự kiến địa điểm họp mặt tại khu du lịch Thanh Thi

Dự kiến địa điểm họp mặt tại khu du lịch Sông Lam

Mũi Né


Tôi đã đến thuở xóm làng mộc mạc
Nơi muốn đi mấy lần mới được đi
Cát và cát bốn bề màu trắng cát
Xe nhích từng vòng quay qua miếng ghi
Tôi yêu thích nơi đây qua phim ảnh
Bóng nắng đổ dài đồi cát xiên xiên
Muôn dấu vết hình thù in trên cát
Cảnh đổi từng giờ tô vẻ thiên nhiên
Tôi đứng giữa trời nghe cát theo gió
Gió hát bên tai cát mớm vô tai
Mối tình gió cát có từ bao thuở
Thuở chưa có tôi thuở chưa có em
Cây xương rồng trổ bông từ trong cát
Em đậm đà nhờ gió hát biển ru
Cả đời ăn mặn nhớ con khô cá
Mũi Né ơi, thuyền thúng nhảy xa khơi!

NTH
26-3-2012

Ký sự

ĐI TÌM ĐỊA ĐIỂM HỌP MẶT (2)
          Cũng không xa khu Suối Hồng là mấy, một khu du lịch khác tôi quên mất tên, giăng nhiều áp phích cổ động cho cuộc thi lướt ván diều vòng quanh châu Á (Kiteboard Tour Asia) vừa tổ chức trong tháng 2/2012. Từ ngoài đường nhìn vào có nhiều khu nhà thấy phù hợp để sinh hoạt họp mặt, chúng tôi đi vào cổng thứ nhất, chẳng ai ra đón tiếp; đến cổng thứ hai, xe chưa kịp dừng đã thấy một tấm bảng nhỏ với hàng chữ nước ngoài, tạm dịch “không tiếp khách”, cua một vòng ba trăm sáu mươi độ đi luôn…
          Đến khu du lịch Gành cách Suối Hồng khoảng 1 cây số, ở đây những khu nhà được xây san sát, quy mô, đẹp là nơi nghĩ dưỡng rất lý tưởng. Anh bảo vệ hướng dẫn chúng tôi vào phòng lễ tân, sau khi hiểu mục đích yêu cầu, anh nói ngay: bảy mươi nghìn đồng mỗi người một ngày, có ghế bố nằm nghĩ, có nước ngọt dội lại sau khi tắm biển. Chúng tôi chỉ cần nơi sinh hoạt nên được dẫn tới 1 phòng có thể chứa khoảng trên 20 người, thiết kế theo kiểu phòng hát karaoke. Không vừa ý, chúng tôi lại được xem vị trí khác là một cái chái nhà lợp tôn ximăng, hướng tay phải bịt bùng bởi vách nhà, hướng bên trái thông ra biển, gió và tiếng sóng ồn ào cho dù trời yên bể lặng. Cũng chưa vừa ý lắm.
          Đi một vòng ra bãi trước của Mũi Né, chẳng có khu du lịch nào cả đành quay lại Hòn Rơm, gặp chủ nhà hàng Đồng Tháp nhờ tìm giúp. Người đàn ông chất giọng miền Bắc lại có nhà hàng tên Đồng Tháp, địa danh của một tỉnh miền Tây nam bộ lại xây dựng trên đất Bình Thuận. Thấy cũng ngồ ngộ gợi cho tôi tính tò mò tìm hiểu. Anh tên là Trại, một thanh niên Nam Định theo trào lưu vào Nam lập nghiệp, ba chìm bảy nổi ở Sài Gòn nhiều năm, làm đủ thứ nghề, nghèo rớt mồng tơi cuối cùng cũng tạm ổn công việc ở một công ty may mặc. Công ty anh đang làm việc liên kết với một công ty ở tỉnh Đồng Tháp, anh lại được chuyển xuống đồng Tháp, nhờ siêng năng, cần cù, tiết kiệm nên cuộc sống ngày một ổn định, những năm tháng làm việc tại đây đã để lại trong anh nhiều ấn tượng đẹp. Một lần cùng gia đình đi lu lịch tại Mũi Né, đất lành chim đậu, anh quyết định thôi làm việc ở Công ty, gom góp tiền dành dụm mấy chục năm nay, vay mượn thêm bạn bè, bà con ra Hòn Rơm lập nghiệp mở nhà hàng ăn uống, nhưng địa danh Đồng Tháp đã để lại trong tâm trí anh nhiều kỷ niệm, cũng là nơi cưu mang gia đình anh trong những thời điểm khắc khổ nhất mà không bao giờ anh quên nên nhà hàng được đặt tên của một địa danh vùng sông nước Nam bộ. Công việc làm ăn ngày một phát đạt, vừa mới sắm được chiếc xe 7 chỗ hiệu Mitshubishi, mời chúng tôi lên xe chở đi một vòng tìm nơi họp mặt.
(còn nữa)

                                                  Nơi dự kiến sinh hoạt họp mặt tại Gành

Hoài niệm

          Người ta thường nói, lúc trẻ thì hướng đến tương lai còn khi về già thì nhớ về quá khứ, có đúng như thế không mà dạo này tôi thường nghĩ về cái thời xa xưa của mình, hay là hiện tại tôi không còn gì để mà phấn đấu, mà đeo đuổi, ngoài những việc lo cơm nước và chăm sóc cháu. Công việc lặp đi lặp lại hàng ngày đơn điệu và buồn chán. Ở vào cái tuổi gọi là "chiều tàn thu muộn", những thăng trầm đã đi qua, được thì ít mà mất quá nhiều như tôi, hành trang còn lại gọi là quí giá nhất là những kỷ niệm của một thời cắp sách, tôi gìn giữ cho riêng mình, để những lúc trong cuộc sống có điều phiền muộn tôi thường nhớ lại mà gượng cười và nghĩ .... ờ! mình cũng đã từng "HẠNH PHÚC" đó chứ.
          Tôi nhớ nhiều đến cái thời còn là nữ sinh cấp hai ở một quận lỵ nghèo nàn, đìu hiu gió cát và tanh nồng mùi biển. Cái thời đó khi nói đến tên Mũi-Né thì hầu như ai cũng ngao ngán lắc đầu, chứ không như bây giờ địa danh Mũi-Né được toàn quốc, thậm chí ở cả nước ngoài cũng biết đến như là một địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng, có phải tôi là người hoài cổ không? Tôi tự hào về Mũi-Né ngày nay, nhưng yêu Mũi-Né của ngày xưa. Yêu lắm con đường độc đạo dài hơn 20 km đầy ổ gà ổ voi, con đường có những hàng dừa xanh ngát mát rượi, khi có cơn gió mạnh thổi qua là tán lá giao đầu và từng chuỗi âm thanh xào xạc nghe vui tai đến lạ. Con đường mà chiều muộn hay sáng sớm có thoang thoảng mùi hoa cau ngọt dịu.
          Tôi yêu lắm bãi biển mang vẻ hoang sơ, từng đợt sóng biển xô vào bờ cát, rồi khi rút ra để lại trên mặt cát vô số những bọt nước như bong bóng xà phòng. Tôi yêu lắm những đợt gió Bấc tràn về thổi cát bay rát mặt, những ngày mùa gió Nồm mang hơi nước mát lạnh, rồi mùa gió chướng mà người ta gọi là mùa Nồm Nam có tiếng sóng biển ầm ầm dữ dội.
          Rất nhiều thứ ở quê tôi in đậm trong trí nhớ của tôi, hình ảnh ngôi trường đầu tiên của những năm cấp 2, ngôi trường cũ kỹ cổ xưa chỉ có ba phòng để cho học sinh của bốn lớp. Văn phòng ban giám hiệu thì được che chắn tạm bợ ở phía trước, ngôi trường có tấm biển đề là LỤC THỊ ĐẬU PHỤNG CÚNG. Lục Thị Đậu là họ và tên, còn Phụng Cúng là hiến tặng, thế mà lũ học trò chúng tôi thường gọi là trường bà LỤC THỊ ĐẬU PHỤNG CÚNG.
          Hồi đó ngành giáo dục không đặt nặng về thành tích như bây giờ, không đòi hỏi thi đua hay tiên tiến, nên thầy và trò dạy và học rất nhẹ nhàng thoải mái, tuổi thơ chúng tôi hồn nhiên trong trẻo. Thời đó chúng tôi đi học rất là đơn giản, cha mẹ không phải lo chạy trường chạy lớp, lũ học trò chúng tôi không phải học thêm hay học kèm. Sách thì xin lại của các anh chị lớp trên, còn quần áo không lượt là trau chuốt, chỉ cần sạch sẽ là được. Cứ như thế mỗi ngày đến trường đối với tôi là một ngày vui. Tôi không học giỏi, có thể nói là hơi dốt, nhưng mỗi năm lên mỗi lớp là cha mẹ tôi vui, còn tôi cũng lấy làm hãnh diện với mấy đứa bạn hàng xóm không được đi học như mình.
          Nhớ lần đầu tiên được mặc áo dài đi học, cả buổi chiều tôi mặc thử nhiều lần đi qua lại trước gương ngắm nghía, rồi cả đêm trằn trọc không ngủ. Sáng ra lúc chào ba mẹ đi học, tôi thấy mẹ tôi cười cười và nói nhỏ với ba tôi: con Đen Chị mặc áo dài trông ngộ (vì hồi nhỏ da tôi đen thui nên ở nhà có tên là Đen Chị), ở dưới tôi có đứa em gái tên Đen Em. Lần đầu tiên mặc áo dài tôi rất ngượng, cảm giác như ai cũng đang nhìn mình, khi tới trường mới là kinh hoàng, vì phải đi ngang qua lũ bạn nam, lũ nó ngồi dọc trên mặt thành trước đình làng Khánh Thiện. Hàng ngày tôi vẫn đi ngang đó có sao đâu, nhưng hôm ấy chân tôi như quíu lại, còn lũ quỉ hình như đã chuẩn bị trước, khi tôi vừa đi tới thì đồng loạt chúng nó la lên đếm số 1...2...3... "Bảy Thuận" (tên của ba tôi), tụi quỉ vừa gọi vừa vỗ tay theo nhịp. Tâm trạng của tôi lúc đó quá căng thẳng, vừa mắc cỡ vừa tức giận, tôi muốn khóc, muốn đi thật nhanh mà đôi chân như không là của mình.
         
Ôi nhớ quá cái tôi vụng dại
          Lần đầu tiên được mặc áo dài
          Đi líu xíu vì chân không làm chủ
          Đầu cúi gầm hai má đỏ hây hây
         
         Rồi thời gian sau chúng tôi được chuyển về trường mới, gọi là trường trung học Hải Long. Trường đẹp và có nhiều phòng, thời đó tôi thấy sao mà trường rộng lớn đến thế. Những giờ ra chơi buộc áo dài lại chơi nhẩy dây, nhẩy lò cò. Những lần nhà trường tổ chức đi cắm trại với những đêm lửa trại thật là vui và có rất nhiều kỷ niệm của các bạn mà bây giờ mỗi lần có dịp gặp lại nhau chúng tôi không thể nhịn cười khi nhắc lại từng kỷ niệm.
          Học hết cấp 2 chuẩn bị vào học cấp 3 ở trường Phan Bội Châu Phan Thiết. Lần chia tay đó chúng tôi thấy buồn và lưu luyến, bạn bè đứa thì đúng tuổi đi lính, đứa thì lấy chồng sớm, đứa chuyển trường đi học xa và có đứa không đủ điều kiện nên phải bỏ học. Ngày chia tay chúng tôi chuyền nhau viết lưu bút, tập lưu bút của tôi sau này về nhà chồng để lại nhà mẹ, nhưng về sau thất lạc mất. Đó là kỷ vật mà bây giờ nhớ tới tôi vẫn thấy tiếc nuối.
          Ba năm học cấp 3 ở một nơi xa nhà hơn 20 cây số, mà tuần nào tôi cũng về thăm nhà và mỗi lần đi vô lại tôi đều khóc. Lúc đó tôi đã thật sự lớn, biết suy nghĩ khi cầm tiền của mẹ cho vô đóng tiền nhà trọ, tiền ăn và tiền tiêu vặt, tôi thấy mình là gánh nặng cho cha mẹ. Chương trình học cấp 3 đã nặng hơn nhiều, thêm phải xa nhà, nhớ người thân, nên việc học đối với tôi không còn là niềm vui nữa.
           Rồi tin tức chiến sự tràn về, đứa em họ cùng tuổi tôi bị chết ở chiến trường Ban Mê Thuộc. Việc làm ăn của ba tôi gặp rất nhiều khó khăn, tôi thấy mình thật sự đuối sức, tôi muốn bỏ học nhưng chưa làm thì sự thay đổi của đất nước kéo theo thay đổi số phận của nhiều con người, trong đó có tôi, việc học của tôi lúc đó đã thật sự chấm dứt.
          Bây giờ ngồi đây nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, tôi thấy như là một giấc mộng dài. Nếu có ai đó hỏi tôi mong ước điều gì, thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời là tôi muốn trở lại cái thời còn đi học, thời là cô nữ sinh của trường trung học Hải Long, Mũi-Né./.


Mỹ Lệ
Cali, June 9, 2010

Ký sự

ĐI TÌM ĐỊA ĐIỂM HỌP MẶT (1)
          Cái nắng giữa tháng 3 oi bức, nóng nực làm người ta lúc nào cũng cảm thấy nhễ nhại hồ hôi, chỉ muốn giam mình trong nhà. Con đường Thủ Khoa Huân nối liền Phan Thiết - Mũi Né Hòn Rơm vốn đã ồn ào, náo nhiệt xe cộ lại càng náo nhiệt hơn bởi sau 2 ngày nghĩ cuối tuần trở về Thành phố, từng đoàn xe nối đuôi nhau dài dằng dặc tung khói ngột ngạt giữa một dãy phố dài ngập tràn biển quảng cáo chói rọi làm những người không quen sống ở thành phố như tôi cảm thấy khó chịu muốn nhanh chóng ra khỏi đô thị. Giữa trưa trong thời tiết nắng nóng chan chát như thế, bằng 2 xe Honda chúng tôi “thẳng tiến” hướng Hòn Rơm - Mũi Né để tìm địa điểm họp mặt lần thứ 15 (30/4/2012), dẫu biết còn tới gần 1 tháng rưỡi nữa mới đến ngày nhưng chậm chân coi chừng “trớt quớt” không tìm ra chỗ vừa ý bởi năm nay dịp này thời gian nghĩ 4 ngày liên tục, chắc chắn khách du lịch ở xa sẽ đến rất nhiều vừa nghĩ dưỡng, vừa trốn cái nóng ở thời điểm chuyển mùa.
          Đến Suối Hồng, một điểm du lịch rất hoang sơ nếu như không muốn nói là cũ kỹ do không được chỉnh trang, xây dựng mới những năm gần đây vì một lý do rất nhạy cảm hiện nay “đất đai - dự án” mà người ta chỉ cho phép kinh doanh chứ không cho tu sửa, kiến thiết. Chủ khu du lịch có tên là Ba (biệt danh là Ba Gà do thời trẻ thích trò đá gà chứ không phải mắt anh Ba bị quáng gà như một số người ngộ nhận), trên đường đi mua hàng vội vả về nhà khi hay tin chúng tôi đến, mời chúng tôi bằng một chầu trà nóng, thứ trà bắc Thái Nguyên rót ra tách mang màu sắc vàng xanh hấp dẫn, hương thơm nguyên chất vì không ướp bất cứ hương liệu nào hết, càng chép càng thấy ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Gió biển làm dịu đi cái nóng bức ồn ào mà chúng tôi vừa trải qua trên đường, hớp một ngụm trà, tâm hồn sảng khoái đi vào công việc. Anh Ba trả lời dứt khoát: “Phòng nghĩ đêm OK, khu vực dã ngoại lửa trại OK, duy chỉ có địa điểm sinh hoạt họp mặt bây giờ chưa trả lời được vì chỉ có một khu nhà tương đối rộng là nơi cho khách du lịch ăn uống buổi trưa, để tối nay vợ anh từ Sài Gòn về, kiểm tra lại số lượng khách đã đăng ký là bao nhiêu, nếu nhiều thì bó tay, nếu ít anh sẽ bố trí khách ăn chỗ khác, nơi này để các em sinh hoạt. Ngày mai anh trả lời. Bây giờ có công việc anh phải đi, nhà không còn ai, anh vừa cắm điện thêm một bình nước, chừng nào sôi cứ chế thêm nước uống, ngồi nghĩ, ngắm biển thoải mái…”. Tự nhiên chúng tôi được làm chủ nhà một cách ngon ơ…         
          Thế thì cũng chưa chắc lắm, phải tìm tiếp địa điểm thứ 2, quyết định thế đi. Chúng tôi vội vã lên đường./.
(còn nữa)                                         Địa điểm sinh hoạt họp mặt                                          Phòng nghỉ đêm                                         Khu vực lửa trại

Cái Rèm


Sáu mươi đâu gọi đã già
Sáu mươi còn đó đậm đà nét duyên
Sáu mươi chị sáu có tiền
Đi vô thành phố tút liền một hơi
Về quê tưởng gái ba mươi
Anh ba giá lạnh tươi cười trồng răng
Hai người thăm hỏi lăng xăng
“Có chi anh giúp anh mần cho em”
Chi sáu giọng ngọt như kem
“Anh ba sửa giúp cái rèm cho em
Nhà em đơn chiếc đêm đêm
Gió lùa lạnh thấu một bên nghiêng mình”
“Ừa hén vậy mà làm thinh
Thân anh chắn gió còn linh hơn rèm”
Hai người qua lại dòm dèm
Hồi sau hổng biết cái rèm còn không!

NTH
20-3-2012

LOI VAN NGAN 100 TU

100 TỪ
      Tưởng như quá ngắn không thể thành một câu chuyện nhỏ hay cách sửa sai. Vậy mà 100 từ ấy lại làm được hàm chứa nhiều ý nghĩa thật lớn.
      Văn ngày nay hiện đại, ngộ nghĩnh không nhất thiết phải có cốt truyện, tính cách nhân vật cũng không đào sâu lắm, văn dễ đề cập đến cái thường tình thường ngày, có tính cách thời sự nóng hổi . Đọc để lòng mình trôi dạt vào 100 từ và cảm nhận những dòng chảy nhẹ nhàng, trong tính cách Con Người sẵn sàng tha thứ, đồng cảm, thì mới thấy .

         Phan Thiết, Ngày 18.3.2012
              NGUYENTIENDAO

  @ Đọc sách hay làm cho thân ta được ít lỗi
                       Lã Tấn

THỜI GIAN

Mùa xuân đến đất trời thay áo mới 
Chợt giật mình khi sắp tuổi sáu mươi 
Luyến tiếc thật nhiều thời khắc đẹp tươi 
Dẫu vẫn biết không bao giờ trở lại 
Thời gian đến rồi đi mãi mãi  
Ta nhớ hoài cái tuổi thơ ngây 
Thủa chúng mình cút bắt, trèo cây 
Anh tranh cướp với tôi từng trái Ổi 
Tôi mếu khóc, anh tỏ ra bối rối  
"Tau sẽ đền, mầy đừng méc ba tau"
Tôi mĩm cười nhéo anh thật đau 
Anh xuýt xoa còn tôi hỉ hả
Mới đâu đó mà trôi nhanh quá
Anh và tôi giờ sắp tuổi sáu mươi
Ngày  gặp nhau móm mém mĩm cười 
Trịnh trọng hỏi  ông (bà) đi đâu đó  ?
Tôi trả lời , tui đi tìm con Chó  
Anh bảo là đi chợ giúp con  
Anh và tôi đều cô độc héo hon
Nhìn dáng anh đi tôi mũi lòng muốn khóc  
Thời gian đã nhuộm phai màu tóc  
Hạnh phúc mất rồi, hai đứa trắng tay  
Quá thân nhau nên anh khó tỏ bày 
Để  khi  xưa tôi thuộc về người khác 
Ngày Vu Quy lòng anh tan nát 
Đứng bên rào nhìn xác pháo tung bay  
Tôi vô tình, còn anh nếm chua cay  
Vô tư dặn, giúp Ba em anh nhé!
Em đi rồi cửa nhà quạnh quẻ  
Anh thường xuyên lui tới nghe anh  
Anh gật đầu nước mắt long lanh  
Tôi nào biết tim anh đang rĩ máu!

Hình ảnh cũ

Theo yêu cầu của bạn Trung, Cảnh. Hocsinhchinhtam xin được đăng 2 tấm ảnh cũ, chụp cách đây trên 13 năm. Do chụp lại nên không được rõ nét. Hy vọng 2 bạn nhận ra được những nét thân quen thuở nào.

Thầy Võ Ba và Phạm Đình Nhân
(30/4/1996 tại Đá Ông Địa - Rạng)

Tính từ trái sang phải, đứng: Thuần, Xế, Thanh Liên, Nguyễn Thu, Hàn Thu, Bạch Thu, Kim, Hạnh, Ngô Minh Doanh, ............, Dương, Cô Hoàng Lan, Thúy Hương, ...........
Ngồi phía sau: Trung Lâm, Bằng Giang, Triết (bị che mặt), Lê Chánh Ngôn.
Ngồi phía trước: Hồng Yến, Lãn, Xuân Bắc, Nhân, Bé Triều (con Thầy Ba), Thầy Võ Ba, Mỹ, Kim, Tám Cung

LOI VAN NGAN 100 TU

       KHÔNG  CÓ  GÌ

     Em Tôi khám tại Bệnh Viện, cho biết Bướu Cổ phải uống thuốc liên tục và tái khám thường xuyên. Vài năm, Em định cư Canada, nơi đây khám không có bệnh, thế mà đã 3 năm trời uống thuốc Bướu.
      Ca Sĩ TH nổi tiếng, dùng quen biết đưa Mẹ đi khám toàn Bác Sĩ tiếng tăm. Tất cả bảo Ung Thư, người Mẹ đau đớn suy sụp nặng, “còn nước còn tát” đưa Mẹ qua  Singapour khám. 3 ngày sau, kết quả không có gì.
     Thế thì Em, 5 năm trời cười vui, chắc chắn Không Có Gì.

         Phan Thiết, Ngày 17.3.2012
                NGUYENTIENDAO

  @ Hãy sống thật vui vẻ đó là niềm Hạnh Phúc đích thực.
                     L . Tolstoi   

LOI VAN NGAN 100 TU .

           CŨNG  LÀ  DẤU  ẤN
     
          Sống tại Mỹ, nay về thăm nhà đi đủ nơi thật thích, hình ảnh đất Việt  đang làm dấu ấn mà lâu nay Chị đánh mất. Trưa đó, Chị chứng kiến một người say xỉn nằm giữa đường bất động cùng chiếc xe đạp mà người đi đường vẫn vô tâm tránh né  như không hề hay biết. Chị ngạc nhiên hỏi thăm, được nghe:
<!--[if !supportLists]-->-      <!--[endif]-->Ông ấy xỉn nằm ngủ, lát hết có  sao!
<!--[if !supportLists]-->-      <!--[endif]-->Thế sao không đưa vào mát để xe chạy.
<!--[if !supportLists]-->- Đừng đụng người say xỉn và giao thông, phiền lắm, để vậy mà hay.
      Chị lắc đầu.

         Phan Thiết, Ngày 16.3.2012
              NGUYENTIENDAO
                                            
  @ Mhững tâm hồn Cao Thượng mới biết cư xử bằng lòng nhân để cảm nhận được vinh quang của nó .
                      Solomon

LOI VAN NGAN 100 TU .

TỰ  NHIÊN    BÌNH  THƯỜNG

      Anh chạy xe gắn máy cùng chiều trước Tôi trong Thành Phố vào giờ đi làm, mà hút thuốc một cách tự nhiên, nhả khói một cách bình thường. Tôi người sau Anh gần nhất  như nhận đủ khói thuốc nhả ra bên trái, rồi khạc nhổ bên phải, như cả Thế Giới Anh đang sống một mình. Tất cả thao tác rất tự nhiên mà không hề hay biết, bao người hứng chịu, khó chịu khói thuốc và khạc nhổ của Anh.
       Hành động, cách sống của  con người duy nhất còn sót lại khi trái đất nổ tung.

            Phan Thiết, Ngày 16.3.2012
                  NGUYENTIENDAO

   @ Sống cho bản thân thật dễ, nhưng sống cho tất cả thật khó .
                      ( Quên tác giả )


Lời văn ngắn 100 từ                 

HÌNH  ẢNH  LẠ

         Có Người Đàn Ông dắc Người Mẹ 83 tuổi khám bệnh, khi lấy thuốc trả tiền, Mẹ Con giành nhau trả rất quyết liệt. Hình ảnh đó Ông thấy lạ, hỏi Tôi:
<!--[if !supportLists]-->-Tại sao, Họ phải giành nhau như thế?
        Tôi trả lời:
<!--[if !supportLists]-->-Bà ấy là một Người Mẹ Việt Nam, luôn sợ và ngại làm phiền Con Cái. Còn Anh ấy là Người Con Việt Nam, luôn muốn trả ơn Mẹ và luôn là đứa Con hiếu thảo của Bà.
Ông Tây tròn mắt rồi thốt:
 - Oh ! . . . Good  man.
         Rồi xin được chụp chung tấm ảnh với Mẹ Con ấy.

            Phan Thiết, Ngày 15.3.2012
                  NGUYENTIENDAO

  @ Lòng hiếu thảo của Con Cái đối với Cha Mẹ làm động lòng Đất Trời .
                        Mạnh Tử.

  Lời văn ngắn 100 từ                 

                 THỦ  PHẠM       

        Vợ Chồng Nó sống bằng nghề sửa xe đạp honda bên đường mà luôn rải đinh 2 đầu, cách nơi sửa 200 mét.
        Ngày đó, Nó nghỉ làm để dự đám giổ, đang lai rai, bỗng điện thoại  báo, Vợ bị tai nạn xe đang cấp cứu tại Bệnh Viện, khi Nó đến thì Vợ đã chết. Cảnh Sát lập biên bản cho biết, Vợ Nó bị tai nạn do cán đinh  đoạn đường ấy. Nó giật mình,  hôm nay mình nghĩ rải đinh, thế sao ? . . . đổi lâu, rồi la lên:
<!--[if !supportLists]-->-      <!--[endif]-->Tôi giết Vợ Tôi!
       Mà chẳng ai biết gì.

          Phan Thiết, Ngày 14.3.2012
               NGUYENTIENDAO .

  @ Đa phần những cái lầm lỡ thì không sửa sai .
                         TS

Ngày xưa Hoàng Thị - Hàn Thu - Phan Thiết

Anh Ba

           Bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần nhắc đến anh Ba là tôi lại muốn khóc. Tôi thương anh Ba cái tính hiền hòa, ăn nói nhỏ nhẹ và những tình cảm anh đã dành cho gia đình tôi.
          Tôi còn nhớ như in lần đầu đến nhà anh chơi, lúc ấy máy vi tính với tôi còn xa lạ, anh giải thích nhiều nhưng tôi cũng chẳng hiểu gì, anh còn bảo:"...ví dụ em đưa cho anh 1 tấm hình, anh đưa lên mạng là những người đang sống ở nơi khác kể cả nước ngoài cũng sẽ thấy được hình em...". Ra về tôi cứ lấy làm lạ và thắc mắc mãi "Sao lại hay đến vậy ha".
          Một lần khác, cũng đến nhà anh chơi, máy vi tính đang mở, anh nói: "Triều! Con mở nhạc cho chú Nhân cô Lành nghe". Triều lúc đó bé tí, khoảng 5, 6 tuổi leo lên ghế, rê rê con chuột, một máy cassette hiện ra trên màn hình, nhấn một cái, nhạc bắt đầu phát ra. Máy cassette thiệt thì phải chờ hết bài này đến bài khác, còn máy vi tính thì thích bài nào cho hát bài đó. Tôi không thể hình dung cái máy nó hay đến như vậy. Anh nói:"Còn nhiều thứ nữa nó hay lắm em à".
          Tôi cũng không quên được hình ảnh anh Ba nằm trên võng dưới gốc cây xoài vườn nhà tôi trong một lần anh ghé. Ánh nắng buổi trưa xuyên qua kẻ lá rọi thẳng vào người anh, trông anh thật giản dị, chân tình (hồi ấy nhà tôi nhỏ xíu, không có chỗ để khách đến chơi nằm nghĩ).
          Nhìn lại những tấm hình cũ chúng tôi đã chụp chung cùng anh trong những lần đi chơi ở Rạng. Tôi nhớ. Nhớ lắm anh Ba.
          Ngày giổ anh không tới được tôi áy náy trong lòng. Chắc ở chốn xa xôi nào đó anh vẫn dõi theo chúng tôi trên đường đời. Mong anh hưởng phúc đời đời ở chốn vĩnh hằng./.
Lê Lành

LOI VAN NGAN 100 TU

 Kính Thầy Võ Ba

Lời văn ngắn 100 từ                

               NGÀY  GIỖ       

     Ngày giỗ là ngày cúng tưởng nhớ người quá cố, cũng là ngày có dịp người thân gặp lại, thăm hỏi nhau, mà có khi cả năm trời mới gặp nhau nên buổi tiệc Lễ Giỗ thật vui trong cảm động.
        Hôm qua Chúng Tôi dự Lễ Giỗ, người quá cố là Thầy Giáo Chúng Tôi nên gặp lại bè bạn thật nhiều, thoáng buồn người Thầy quá cố. Riêng một người luôn lăng xăng vui vẻ lo cho mọi người, đó là Cô Lan, Vợ của Thầy Chúng Tôi, trên ánh mắt ẩn hiện gì đó xa xa.
 
         Phan Thiết, Ngày 15.3.2012
              NGUYENTIENDAO

  @ Người nào là người được yêu nhất trong đời? Người Vợ Chung Thủy.
                      Batrikari.

Anh Hai Anh Ba (2)

Liên học với thầy Võ Ba, lớp 11B1 Trường trung học Chính Tâm Phan-thiết, trước năm 1975. Sau ngày giải phóng một thời gian, thầy Võ Ba có dịp vô Sài-gòn tìm ghé nhà thăm Liên và tôi. Thầy Võ Ba xưng anh Ba gọi Liên bằng em, nói chuyện vui vẻ với vợ chồng tôi như anh em một nhà. Tôi không bất ngờ vì trước đó Liên hay nhắc đến thầy Võ Ba cùng các bạn trong nhóm kết nghĩa anh em. Tôi xin gọi tên Nhóm Thầy Ba (NTB).

NTB do thầy Võ Ba lập nên, có thầy Lương giám thị, còn lại các em Mạc Hương, Bạch Thu, Hàn Thu, Nguyễn-Thị-Danh, Thanh Liên, Nhân, Vàng, Lịch, Tiến Đức, Trần-Văn-Thân. Sau nầy các thành viên của NTB tìm đến nhau, có Anh Ba, B.Thu, H.Thu, Liên, Nhân, Vàng. Từ đó NTB qui tụ cựu học sinh lớp 11B1 Trường Chính Tâm, về dự kỷ niệm Ngày Họp Lớp thường niên vào ngày 30-4 tại thành phố Phan-thiết.

Có thể nói từ NTB ban đầu chỉ có 12 người, đến hôm nay phát triển rất đông, rất rộng. Ngày họp lớp mới đầu khoảng 30 người, nay lên tới hơn 70 người, trong đó có phát triển + nhiều thành viên là người thân bạn bè bên ngoài, tự nguyện hăng hái tham gia. Hiện nay có thêm Blog hocsinhchinhtam, cập nhật bài viết kịp thời đưa lên mạng kết nối tin tức với mọi cựu học sinh ở trong nước và nước ngoài, mà chủ blog, tác giả các bài viết một phần từ NTB thơ ngây ngày nào. Rất đáng yêu, rất đáng trân trọng phải không các bạn, đó cũng là nhờ mầm móng do thầy Võ Ba gầy dựng nên. Các thành viên NTB còn lại ngày hôm nay, đã thừa hưởng nối tiếp tình yêu thương chăm lo của một người thầy cũng là một người anh kính mến.

Mặc dầu anh Ba đã mất nhiều năm, tôi vẫn còn nhớ như in nụ cười hiền hậu của anh sau cặp mắt kiếng cận. Vài năm trước tôi với Liên cùng các bạn dự đám giổ của anh tại nhà mới. Ngôi nhà, anh mất đi, khi còn đang xây dựng, một tổ ấm mới của anh cùng cô Hoàng Lan và bé Triều. Anh Ba cũng đã làm hết những gì tốt nhất mà mình có thể làm được trên đời nầy. Câu nói sau cùng của anh Ba làm tôi với Liên không bao giờ quên, " Anh cất nhà rồi để mấy em ra chơi có chổ nghỉ ngơi rộng rãi". Đúng như vậy cho mãi đến hôm nay, cô Hoàng Lan vẫn niềm nỡ đón tiếp chúng tôi và các bạn y như lời anh Ba nói.

Tôi có Anh Hai, Liên có Anh Ba đều đáng kính. (Hết)


NTH

14-3-2012

LOI VAN NGAN 100 TU

      TÊN  TRỘM  ĐẠO  ĐỨC


     Tôi tự hào là Tên Trộm Đạo Đức, do luôn trộm nhà giàu, còn nghèo không bao giờ.
      Lần đó, gặp chiếc xe Toyota đời mới của Giám Đốc lớn nên quyết định đây là đối tượng. Sau những thao tác gọn trộm xe, Tôi lên lái đến điểm “Mần Thịt ” xe, vừa chạy một đoạn nghe tiếng khóc Em Bé, nhìn ra sau một đứa Bé Nhỏ. Tôi lầm bầm, liền quay xe trở lại chỗ cũ, xe dừng một người Phụ Nữ chạy đến, Tôi vội xuống xe chửi thẳng vào mặt:
<!--[if !supportLists]-->-      <!--[endif]-->Đồ khốn!  Sao lại bỏ Con!

Phan Thiết, Ngày 14.3.2012
     NGUYENTIENDAO

  @ Người có lòng nhân thì vinh, bất nhân thì nhục .
                     Mạnh Tử .

MỘT THƯỞ PHÔI PHA

Bước chân vào học cấp 3 tôi dã gặp anh, đó là một thầy giáo dáng người hơi nhỏ nhưng trắng trẻo mang nhiều nét thư sinh. Anh dạy chúng tôi môn hóa học. Tôi là một con bé học trò nho nhỏ, hơi bị khô khan nhưng theo anh tôi hơi có duyên ngầm. Chúng tôi gồm một nhóm chừng năm bảy bạn chơi khá thân với nhau nhưng hình như tôi thường được anh ưu tiên nhất nên tôi cũng hay mắc tật nhỏng nhẻo và hay mè nheo với anh lắm. Sở dĩ tôi gọi anh bằng anh mà không gọi bằng Thầy vì anh nhận là anh kết nghĩa với nhóm chúng tôi, tôi đứng hàng thứ 6 hay sau đó...còn anh là anh thứ hai, sau này có thầy Lương vào nữa thì anh lên hàng thứ 3 trùng với tên anh nên chúng tôi gọi anh là anh Ba luôn. Hôm nay là ngày giổ anh, những kỷ niệm vui buồn chợt ùa về. Nhóm chúng tôi nhờ có anh hướng dẫn nên vui và có uy lắm. Chúng tôi hay đi dã ngoại ở Vĩnh thủy, mang theo thức ăn, đàn hát và chụp hình suốt ngày... chúng tôi quên bẳng anh là người thầy đã có gia đình và có vài con nhỏ, đi đâu nhóm chúng tôi cũng rủ anh đi theo và anh thì cũng rất sẳn lòng đi với chúng tôi, bây giờ lớn lên mới hiểu không biết lúc đó mình có làm phiền chị Ba không ?!...
Một thời áo trắng chúng tôi đã gắn kết với anh nhiều lắm, cả Vàng, Bạch Thu nữa...Giờ đây những người thân thuộc đi đâu rồi?!...Viết đến đây tự dưng đôi dòng nước mắt chảy... anh và các bạn có còn nhớ chăng?!...
Còn nhớ lần đầu chưa quen anh, vào lớp cũng tật lí lắc tôi và Bạch Thu quay xuống bàn sau lưng trêu ghẹo bạn Phụng, cả ba cùng vui vẻ cười đùa quên đi lúc đó đầu giờ anh đang mở sổ dò bài hóa học (môn đó tôi sợ lắm), vậy mà quên mới chết chứ!... sau đó mấy bạn chung quanh bị kêu lên kể cả Bạch Thu tôi biết thế nào anh cũng đang dò sơ đồ lớp và y chang kế đó là tôi, run cầm cập cầm vở đi lên, nhưng nhìn anh với nụ cười hiền hòa và bao dung tôi chợt thấy yên tâm hơn, anh hỏi "em có thuộc bài không? !!" Dạ... hơi hơi!...Tôi ấp úng, anh vẫn cười tươi nói: trời, bài mà thuộc ...hơi hơi... anh hỏi tiếp sao em cười nhiều vậy? (vì lúc đó tôi đang giởn mà)....Tôi vẫn ấp úng...em đâu có cười nhiều Thầy, trời , cười vậy mà không nhiều nữa?!... nhưng rồi với một câu hỏi nào đó mà tôi vẫn được 16 điểm, không hiểu vì sao, và không nhớ là mình trả lời thế nào.!...
Còn biết bao kỷ niệm nữa ... có lẽ các bạn sẽ không quên một "Mùa thu lá bay " một nửa lớp nữ cúp cua giờ học của anh để đi xem phim, bọn mình chủ quan có lẽ giờ của anh bọn mình thế nào cũng được che chở, thế nhưng cuối cùng mỗi em cũng ăn 2 roi quắn đít, ôi !... thầy Nguyễn Quốc Biền đâu phải thầy Võ Ba mà ỷ y... Bạch Thu về xức muối và chảy nước mắt còn bọn con trai thì được dịp cười phè phởn trông... bắt ghét...
Sau này giải phóng tôi đi làm ở thư viện, anh vẫn đi dạy, thỉnh thoảng thầy giáo và học trò có gặp nhau, vẫn nhớ chuyện cũ một thời....
Hôm nay ngày giổ của anh, ngồi đây viết cho anh không biết anh có đọc được không?!...riêng tôi và các bạn vẫn luôn nhớ đến anh với hình ảnh của một người thầy, một người anh tận tụy, hết lòng với học trò. Một thưở phôi pha, mong anh luôn bình an nơi cõi vĩnh hằng...!

Anh Hai Anh Ba (1)


Tôi muốn viết về thầy Võ Ba đã lâu, nhưng đến hôm nay mới có dịp nhân ngày giỗ của thầy. Sau đây tôi xin kể hai câu chuyện ở hai đất nước khác nhau.
Thuở tôi còn nhỏ mới bắt đầu đi học chữ, tôi được má gửi cho học thầy Hai Mun. Tôi sáu tuổi, thầy chừng hai mươi tuổi. Thầy mở lớp dạy tiếng việt, tiếng pháp cho con em người việt kiều. Thầy không cho kêu bằng thầy, thầy bắt học trò gọi bằng anh Hai. Anh Hai hiểu như anh lớn trong nhà dạy các em mình để nó khỏi dốt, đứa nghèo anh không lấy tiền còn cho tập viết. Bà Ba rất nghiêm khắc, anh Hai có hiếu với mẹ trong xóm ai cũng biết, làm thầy vậy mà bị mẹ mắng xếp re. Anh Hai rất thương học trò, học trò cũng rất thương thầy. Anh thương tôi nhiều hơn vì nhà tôi ở gần nhà anh, tôi thường qua chơi với bà Ba, có bánh ngon bà cũng ngoắc tôi qua cho ăn. Tôi luôn thuộc bài không để anh la bao giờ, nhưng một hôm tôi bị đòn. Anh bắt tôi nằm xuống bục đứng viết bảng, đánh tôi ba roi mây thẳng tay rướm máu đít, tôi khóc ngon lành. Tôi bị oan, một lỗi không phải hoàn toàn do tôi.
Anh Hai mướn lớp dạy tiếng việt trong một trường tiểu học miên. Lớp việt, lớp miên cùng giờ học giờ ra chơi chung. Trong giờ ra chơi hôm đó, tôi với thằng miên chạy giởn đâm bổ vô nhau, tôi té, nó té đập đầu xuống đất, sưng một cục to tướng, nó khóc như mẹ nó chết. Anh Hai lấy dầu xức cho nó, dỗ dành nó, xin lỗi nó sợ ba má nó làm khó dễ, xin lỗi thầy nó, xin lỗi chủ trường bỏ qua. Nói chung anh Hai chỉ có biết năn nỉ, và đánh tôi để làm vừa lòng thằng miên đó, coi như tôi có lỗi hoàn toàn. Tôi chỉ biết cắn răng chịu đựng oan ức nầy, mà không hiểu tại sao.
Sau nầy lớn hơn một chút, tôi với thằng miên trong xóm giành chơi đánh lộn, nó đánh tôi bầm mặt, tôi đập nó u đầu. Ba nó dắt nó đi bác sĩ, bắt má tôi trả tiền thuốc. Má còn tới nhà xin lỗi ba nó, tôi rất ức. Tôi nghĩ ba nó làm khó má tôi hao tốn chơi. Bây giờ tôi biết người việt sống xa xứ ở đất người, cầm như người ở đậu luôn chịu lép, luôn nhường nhịn, bị ăn hiếp, đúng chủ nhà đứt tay bằng ở nhờ đổ ruột. Từ đó tôi càng thương anh Hai hơn, tôi hiểu anh đánh tôi để cứu cả một lớp học người việt khỏi mất chổ để học. Một chuyện nhỏ như con thỏ, không khéo có thể trở thành chuyện tày đình.
Tôi nhớ năm một chín sáu mươi mấy, họ bắt phụ nữ việt phải cắt tóc ngắn, quấn sà-rông như người miên. Má tiếc mái tóc dài, lại quen chải tóc, thỉnh thoảng tôi thấy má lấy đoạn tóc cũ ra chải chuốt cho đỡ nhớ. Tới năm 1970, nạn ‘’cáp duồn’’ có nghĩa ‘’ chém chết người việt’’, người việt bị miên chặt đầu thả ra sông trôi về xứ rất thương tâm. Bây giờ đối với tôi, để được sống hạnh phúc ở đâu cũng không bằng được sống trên quê hương xứ sở của mình. Từ khi hồi hương về sống trên đất nước mình, tôi thấy người việt rất hiền hậu sống chan hòa với mọi dân tộc anh em xứ khác trong đó có người miên. Cách nay hơn mười năm tôi còn gặp anh Hai tại khu tạm cư PétrusKý, nay gọi chợ hoa Hồ-thị-Kỷ quận 10. Hai anh em thầy trò gặp nhau rất mừng.
( còn tiếp)

NTH
13-3-2012


LOI VAN NGAN 100 TU .


      CẦN  CÂU  CƠM

      Nó “chôm” được chiếc xe honda liền chạy đến  điểm G để “làm thịt”, đang chạy bỗng nghe tiếng chuông điện thoại đâu đó mà không phải của Nó nên cứ chạy, đến ngã tư đèn đỏ vẫn nghe tiếng chuông đâu đây, dừng xe mở nắp yên, một cái điện thoại bình thường đang reng, mở nghe, một giọng nói đàn ông:
<!--[if !supportLists]-->-        <!--[endif]-->Alo! Tôi người chủ cái điện thoại Anh đang cầm, mong được nhận lại vì  điện thoại đó là cả một Cần Câu Cơm Gia Đình Tôi . . . mong Anh hiểu.
Tôi nghe mà thương hại, quay lai.

Phan Thiết, Ngày 13.3.2012
                    NGUYENTIENDAO

  @ Nhân nghĩa là Đạo Đức cao nhất ở đời.
                   Nguyễn Trãi      

LOI VAN NGAN 100 TU

             MÁY  ẢNH

       “Chôm” được cái túi đỏ nhỏ, mở ra duy nhất có cái máy ảnh kỷ thuật số đời cổ lổ, đưa liền đàn em chẳng nhìn đến.
     Ngày sau, xem tivi có tin nhắn “Ai lượm cái túi đỏ nhỏ, có máy ảnh không đáng giá nhưng với Tôi cần thiết, vì trong máy chứa những hình ảnh cuối đời Cha Tôi, cũng đang chứa hình ảnh Tôi bệnh, chờ ngày. Người nhận vô cùng cám ơn, xin hậu tạ”.
       Đọc tin nhắn Tôi xúc động, vội tìm lấy máy trả lại mà không nghĩ hậu tạ, nhưng đã muộn.

        Phan Thiết, Ngày 12.3.2012
              NGUYENTIENDAO

   @ Với ác tâm thì chẳng thu được gì, nhưng với từ tâm thì sẽ có tất cả.
                     Lincoln

Một thời khó quên

       Một nơi mà phía đông có biển, phía tây có những cánh đồng trồng lúa, là nơi rất ít chiến tranh, rất là lý tưởng cho cuộc sống, bởi lẽ không nằm trong chiến lược quan trọng. Không giống như những địa đầu giới tuyến triền miên khói lửa như Bình Long An Lộc, Kontum Pleiku, Đông Hà Quảng Trị, một nơi không xa lạ. Đó là thành phố rất là thơ mộng có tên Phan Thiết.
      Trung tâm thành phố có con sông Cà Ty là chi nhánh của sông Cái, phát nguồn từ Tánh Linh, dòng nước chảy qua Mương Mán và cuối cùng thì đổ ra cửa biển Cồn Chà Phan Thiết. Quả thật không sai, đúng là  nơi đất lành chim đậu, có nhiều trường trung học không cách xa nhau cho lắm, như trường Phan Bội Châu, Chính Tâm, Tiến Đức, Bồ Đề, và có thêm một trường mới với cái tên Nông Lâm Súc ở gần Phú Long.
      Thời gian đó, trước 4/1975. Tôi có dịp ngồi trên ghế của trường Chính Tâm, tuy thời gian xa cách nó đã quá lâu, nhưng mỗi lần nhìn lại tấm hình của trường, thì tôi vẫn nhớ vị trí của lớp 11B1, vẫn còn lưu luyến nhớ đến các bạn, nhưng rất khó nhận diện ra nhau do khoảng cách của thời gian làm thay đổi nhân dáng. Xem những hình lưu niệm của Thanh Liên, các bạn nữ mặc áo dài mầu trắng, trông rất là đẹp, rất là duyên dáng của phụ nữ Việt Nam. Điểm nhớ đặc biệt là các bạn có đeo phù hiệu trên áo dài làm tôi chợt nhớ, có một lần tôi bị giám thị của trường quật một roi vì trên áo không có cái phù hiệu đó. Những tấm hình đó, thật sự chỉ nhận được rất ít bạn, còn xem trong các clips, may nhờ có hướng dẫn thì chỉ nhận được Hòa, Xế, Triết, Mỹ, Nhân.
      Thời đó, có nhớ đến thầy Lê Choi, mà chúng tôi đặt tên cho thầy là Lơ Xoa, bởi vì Thầy dạy Pháp văn nên chúng tôi phát âm cho giống Pháp. Tôi còn nhớ, đang lúc Thầy giảng bài, thì các cô ngồi bàn đầu thường hay cười giỡn, Thầy Lơ Xoa cười cười, miệng Thầy hơi nghiêng nghiêng một bên rồi nói trách móc theo giọng miền Trung. Trời đất ơi, còn ngồi đó mà cười giỡn nữa, giá gạo hôm nay đã lên đến …đồng một kílô, mới hôm qua thì giá này, hôm nay thì giá khác, không chịu học, mà cứ ngồi đó mà giỡn hoài. Nhưng các cô vẫn mặc nhiên tươi rói, không quan tâm đến kinh tế thị trường tăng giá.
      Riêng giới nam chúng tôi thì lo phập phồng do chiến tranh đang leo thang cấp tốc không biết đến chừng nào phải mặc áo kaki. Tại vườn hoa xe lửa và vườn hoa Gia Long đã có sẵn ban tuyển mộ của trung đoàn 44 thuộc sư đoàn 23 bộ binh án ngự, nên hoang mang, lo cho số phận. Biết đời quân ngũ là khổ, mà không có bông cúc trên vai để le với đời thì lại càng đau khổ hơn, buộc phải chấp nhận đi học ban ngày chưa đủ, chúng tôi phải lủi thủi đi học hai buổi tối mỗi tuần, chúng tôi phải đến khu Lạc Đạo, nhà của thầy Ngô Minh Thành để học thêm Anh văn. Cũng may là cha mẹ sanh đẻ tôi lần thứ 2, nên tôi cũng bớt lo hơn. Lúc đó thì không có người yêu, nên còn rảnh giờ, tôi nhập môn Thần Quyền ở gần khu nhà thương, bạn Mùi cũng gia nhập, nghe nói bạn Mùi nay đã lên Niết Bàn sớm rồi, trong lớp 11B1 cũng có một cô tham gia Thần Quyền mà lâu ngày tôi quên tên rồi, có người bạn mách lại, cô đó tên Phước mà không biết có đúng không nữa.
      Sau giờ học, chúng tôi thường chạy xe đạp trên đường Gia Long, con đường chỉ có một chiều lưu thông, nhưng muốn trêu ghẹo các Ông cảnh sát, thay vì chạy dưới đường thì chúng tôi lại chạy trên vĩa hè, Ông cảnh sát trông thấy liền thổi còi tuýt tuýt, chúng tôi phải phóng chạy rất lẹ kẻo bị bắt. Cũng ngựa theo đường cũ, có lần tôi bị chộp, vì chạy chiếc xe đạp mini kiểu mẫu mới mà tôi mua từ Sài Gòn mang về Phan Thiết, kiểu xe của con gái nên không được dọt nhanh cho lắm. Ổng dẫn tôi về trạm cảnh sát gần đó, chỉ hỏi tên và trường học rồi ngồi đó. Sau giờ làm việc thì cho phép tôi ra về nhưng không quên hỏi, cho Cháu lấy lại chiếc xe đạp, Ổng nói, xe đạp thì cứ để ở đó, mãi đến mấy ngày sau tôi mới lấy lại được chiếc xe đạp ra khỏi trạm.
      Phan Thiết. Một bóng mát đã che thời niên thiếu của tôi. Tạ ơn Người. Tạ ơn Đời đã cho Tôi được bình yên, cho dù ở nơi đâu. Tôi vẫn tự danh. Phan Thiết vẫn là Quê Hương của tôi.
Trung Nguyễn

Tình bạn

Lời văn 46 từ .

VẾT  SẸO

         Tai nạn xe, người gây ra chạy trốn. Anh cứu đưa vào Bệnh Viện, Bệnh Nhân chưa tỉnh Người Nhà đến gặp Anh chưa hỏi, đã đấm đá tưng bừng nghĩ kẽ gây ra tai nạn là Anh.
         Nay nhìn Vết Sẹo Anh Tôi mỉm cười.

          Phan Thiết, Ngày 10.3.2012
               NGUYENTIENDAO

   @ Từ cao cả đến lố bịch chỉ cách một bước
                        Napoleon

Lời văn 54 từ

                                HÌNH   ẢNH   CŨ

      Tôi với Anh nhà kề bên, học cùng, ăn cùng, chơi cùng mà Anh luôn che chở bênh vực Tôi.
       Chiến tranh ly tán, từ đó không thấy nhau nhưng hình ảnh ấy luôn ghi trong Tôi.
       30 năm sau gặp lại, Anh là bị cáo cướp của giết người, Tôi người xét xử.

           Phan Thiết, Ngày 9.3.2012
                NGUYENTIENDAO

   @ Nơi nào có trái tim chân thật thì nơi đó ít cần lời nói
                      Cheales