F Hoài niệm ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Hoài niệm

          Người ta thường nói, lúc trẻ thì hướng đến tương lai còn khi về già thì nhớ về quá khứ, có đúng như thế không mà dạo này tôi thường nghĩ về cái thời xa xưa của mình, hay là hiện tại tôi không còn gì để mà phấn đấu, mà đeo đuổi, ngoài những việc lo cơm nước và chăm sóc cháu. Công việc lặp đi lặp lại hàng ngày đơn điệu và buồn chán. Ở vào cái tuổi gọi là "chiều tàn thu muộn", những thăng trầm đã đi qua, được thì ít mà mất quá nhiều như tôi, hành trang còn lại gọi là quí giá nhất là những kỷ niệm của một thời cắp sách, tôi gìn giữ cho riêng mình, để những lúc trong cuộc sống có điều phiền muộn tôi thường nhớ lại mà gượng cười và nghĩ .... ờ! mình cũng đã từng "HẠNH PHÚC" đó chứ.
          Tôi nhớ nhiều đến cái thời còn là nữ sinh cấp hai ở một quận lỵ nghèo nàn, đìu hiu gió cát và tanh nồng mùi biển. Cái thời đó khi nói đến tên Mũi-Né thì hầu như ai cũng ngao ngán lắc đầu, chứ không như bây giờ địa danh Mũi-Né được toàn quốc, thậm chí ở cả nước ngoài cũng biết đến như là một địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng, có phải tôi là người hoài cổ không? Tôi tự hào về Mũi-Né ngày nay, nhưng yêu Mũi-Né của ngày xưa. Yêu lắm con đường độc đạo dài hơn 20 km đầy ổ gà ổ voi, con đường có những hàng dừa xanh ngát mát rượi, khi có cơn gió mạnh thổi qua là tán lá giao đầu và từng chuỗi âm thanh xào xạc nghe vui tai đến lạ. Con đường mà chiều muộn hay sáng sớm có thoang thoảng mùi hoa cau ngọt dịu.
          Tôi yêu lắm bãi biển mang vẻ hoang sơ, từng đợt sóng biển xô vào bờ cát, rồi khi rút ra để lại trên mặt cát vô số những bọt nước như bong bóng xà phòng. Tôi yêu lắm những đợt gió Bấc tràn về thổi cát bay rát mặt, những ngày mùa gió Nồm mang hơi nước mát lạnh, rồi mùa gió chướng mà người ta gọi là mùa Nồm Nam có tiếng sóng biển ầm ầm dữ dội.
          Rất nhiều thứ ở quê tôi in đậm trong trí nhớ của tôi, hình ảnh ngôi trường đầu tiên của những năm cấp 2, ngôi trường cũ kỹ cổ xưa chỉ có ba phòng để cho học sinh của bốn lớp. Văn phòng ban giám hiệu thì được che chắn tạm bợ ở phía trước, ngôi trường có tấm biển đề là LỤC THỊ ĐẬU PHỤNG CÚNG. Lục Thị Đậu là họ và tên, còn Phụng Cúng là hiến tặng, thế mà lũ học trò chúng tôi thường gọi là trường bà LỤC THỊ ĐẬU PHỤNG CÚNG.
          Hồi đó ngành giáo dục không đặt nặng về thành tích như bây giờ, không đòi hỏi thi đua hay tiên tiến, nên thầy và trò dạy và học rất nhẹ nhàng thoải mái, tuổi thơ chúng tôi hồn nhiên trong trẻo. Thời đó chúng tôi đi học rất là đơn giản, cha mẹ không phải lo chạy trường chạy lớp, lũ học trò chúng tôi không phải học thêm hay học kèm. Sách thì xin lại của các anh chị lớp trên, còn quần áo không lượt là trau chuốt, chỉ cần sạch sẽ là được. Cứ như thế mỗi ngày đến trường đối với tôi là một ngày vui. Tôi không học giỏi, có thể nói là hơi dốt, nhưng mỗi năm lên mỗi lớp là cha mẹ tôi vui, còn tôi cũng lấy làm hãnh diện với mấy đứa bạn hàng xóm không được đi học như mình.
          Nhớ lần đầu tiên được mặc áo dài đi học, cả buổi chiều tôi mặc thử nhiều lần đi qua lại trước gương ngắm nghía, rồi cả đêm trằn trọc không ngủ. Sáng ra lúc chào ba mẹ đi học, tôi thấy mẹ tôi cười cười và nói nhỏ với ba tôi: con Đen Chị mặc áo dài trông ngộ (vì hồi nhỏ da tôi đen thui nên ở nhà có tên là Đen Chị), ở dưới tôi có đứa em gái tên Đen Em. Lần đầu tiên mặc áo dài tôi rất ngượng, cảm giác như ai cũng đang nhìn mình, khi tới trường mới là kinh hoàng, vì phải đi ngang qua lũ bạn nam, lũ nó ngồi dọc trên mặt thành trước đình làng Khánh Thiện. Hàng ngày tôi vẫn đi ngang đó có sao đâu, nhưng hôm ấy chân tôi như quíu lại, còn lũ quỉ hình như đã chuẩn bị trước, khi tôi vừa đi tới thì đồng loạt chúng nó la lên đếm số 1...2...3... "Bảy Thuận" (tên của ba tôi), tụi quỉ vừa gọi vừa vỗ tay theo nhịp. Tâm trạng của tôi lúc đó quá căng thẳng, vừa mắc cỡ vừa tức giận, tôi muốn khóc, muốn đi thật nhanh mà đôi chân như không là của mình.
         
Ôi nhớ quá cái tôi vụng dại
          Lần đầu tiên được mặc áo dài
          Đi líu xíu vì chân không làm chủ
          Đầu cúi gầm hai má đỏ hây hây
         
         Rồi thời gian sau chúng tôi được chuyển về trường mới, gọi là trường trung học Hải Long. Trường đẹp và có nhiều phòng, thời đó tôi thấy sao mà trường rộng lớn đến thế. Những giờ ra chơi buộc áo dài lại chơi nhẩy dây, nhẩy lò cò. Những lần nhà trường tổ chức đi cắm trại với những đêm lửa trại thật là vui và có rất nhiều kỷ niệm của các bạn mà bây giờ mỗi lần có dịp gặp lại nhau chúng tôi không thể nhịn cười khi nhắc lại từng kỷ niệm.
          Học hết cấp 2 chuẩn bị vào học cấp 3 ở trường Phan Bội Châu Phan Thiết. Lần chia tay đó chúng tôi thấy buồn và lưu luyến, bạn bè đứa thì đúng tuổi đi lính, đứa thì lấy chồng sớm, đứa chuyển trường đi học xa và có đứa không đủ điều kiện nên phải bỏ học. Ngày chia tay chúng tôi chuyền nhau viết lưu bút, tập lưu bút của tôi sau này về nhà chồng để lại nhà mẹ, nhưng về sau thất lạc mất. Đó là kỷ vật mà bây giờ nhớ tới tôi vẫn thấy tiếc nuối.
          Ba năm học cấp 3 ở một nơi xa nhà hơn 20 cây số, mà tuần nào tôi cũng về thăm nhà và mỗi lần đi vô lại tôi đều khóc. Lúc đó tôi đã thật sự lớn, biết suy nghĩ khi cầm tiền của mẹ cho vô đóng tiền nhà trọ, tiền ăn và tiền tiêu vặt, tôi thấy mình là gánh nặng cho cha mẹ. Chương trình học cấp 3 đã nặng hơn nhiều, thêm phải xa nhà, nhớ người thân, nên việc học đối với tôi không còn là niềm vui nữa.
           Rồi tin tức chiến sự tràn về, đứa em họ cùng tuổi tôi bị chết ở chiến trường Ban Mê Thuộc. Việc làm ăn của ba tôi gặp rất nhiều khó khăn, tôi thấy mình thật sự đuối sức, tôi muốn bỏ học nhưng chưa làm thì sự thay đổi của đất nước kéo theo thay đổi số phận của nhiều con người, trong đó có tôi, việc học của tôi lúc đó đã thật sự chấm dứt.
          Bây giờ ngồi đây nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, tôi thấy như là một giấc mộng dài. Nếu có ai đó hỏi tôi mong ước điều gì, thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời là tôi muốn trở lại cái thời còn đi học, thời là cô nữ sinh của trường trung học Hải Long, Mũi-Né./.


Mỹ Lệ
Cali, June 9, 2010