F Một thời khó quên ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Một thời khó quên

       Một nơi mà phía đông có biển, phía tây có những cánh đồng trồng lúa, là nơi rất ít chiến tranh, rất là lý tưởng cho cuộc sống, bởi lẽ không nằm trong chiến lược quan trọng. Không giống như những địa đầu giới tuyến triền miên khói lửa như Bình Long An Lộc, Kontum Pleiku, Đông Hà Quảng Trị, một nơi không xa lạ. Đó là thành phố rất là thơ mộng có tên Phan Thiết.
      Trung tâm thành phố có con sông Cà Ty là chi nhánh của sông Cái, phát nguồn từ Tánh Linh, dòng nước chảy qua Mương Mán và cuối cùng thì đổ ra cửa biển Cồn Chà Phan Thiết. Quả thật không sai, đúng là  nơi đất lành chim đậu, có nhiều trường trung học không cách xa nhau cho lắm, như trường Phan Bội Châu, Chính Tâm, Tiến Đức, Bồ Đề, và có thêm một trường mới với cái tên Nông Lâm Súc ở gần Phú Long.
      Thời gian đó, trước 4/1975. Tôi có dịp ngồi trên ghế của trường Chính Tâm, tuy thời gian xa cách nó đã quá lâu, nhưng mỗi lần nhìn lại tấm hình của trường, thì tôi vẫn nhớ vị trí của lớp 11B1, vẫn còn lưu luyến nhớ đến các bạn, nhưng rất khó nhận diện ra nhau do khoảng cách của thời gian làm thay đổi nhân dáng. Xem những hình lưu niệm của Thanh Liên, các bạn nữ mặc áo dài mầu trắng, trông rất là đẹp, rất là duyên dáng của phụ nữ Việt Nam. Điểm nhớ đặc biệt là các bạn có đeo phù hiệu trên áo dài làm tôi chợt nhớ, có một lần tôi bị giám thị của trường quật một roi vì trên áo không có cái phù hiệu đó. Những tấm hình đó, thật sự chỉ nhận được rất ít bạn, còn xem trong các clips, may nhờ có hướng dẫn thì chỉ nhận được Hòa, Xế, Triết, Mỹ, Nhân.
      Thời đó, có nhớ đến thầy Lê Choi, mà chúng tôi đặt tên cho thầy là Lơ Xoa, bởi vì Thầy dạy Pháp văn nên chúng tôi phát âm cho giống Pháp. Tôi còn nhớ, đang lúc Thầy giảng bài, thì các cô ngồi bàn đầu thường hay cười giỡn, Thầy Lơ Xoa cười cười, miệng Thầy hơi nghiêng nghiêng một bên rồi nói trách móc theo giọng miền Trung. Trời đất ơi, còn ngồi đó mà cười giỡn nữa, giá gạo hôm nay đã lên đến …đồng một kílô, mới hôm qua thì giá này, hôm nay thì giá khác, không chịu học, mà cứ ngồi đó mà giỡn hoài. Nhưng các cô vẫn mặc nhiên tươi rói, không quan tâm đến kinh tế thị trường tăng giá.
      Riêng giới nam chúng tôi thì lo phập phồng do chiến tranh đang leo thang cấp tốc không biết đến chừng nào phải mặc áo kaki. Tại vườn hoa xe lửa và vườn hoa Gia Long đã có sẵn ban tuyển mộ của trung đoàn 44 thuộc sư đoàn 23 bộ binh án ngự, nên hoang mang, lo cho số phận. Biết đời quân ngũ là khổ, mà không có bông cúc trên vai để le với đời thì lại càng đau khổ hơn, buộc phải chấp nhận đi học ban ngày chưa đủ, chúng tôi phải lủi thủi đi học hai buổi tối mỗi tuần, chúng tôi phải đến khu Lạc Đạo, nhà của thầy Ngô Minh Thành để học thêm Anh văn. Cũng may là cha mẹ sanh đẻ tôi lần thứ 2, nên tôi cũng bớt lo hơn. Lúc đó thì không có người yêu, nên còn rảnh giờ, tôi nhập môn Thần Quyền ở gần khu nhà thương, bạn Mùi cũng gia nhập, nghe nói bạn Mùi nay đã lên Niết Bàn sớm rồi, trong lớp 11B1 cũng có một cô tham gia Thần Quyền mà lâu ngày tôi quên tên rồi, có người bạn mách lại, cô đó tên Phước mà không biết có đúng không nữa.
      Sau giờ học, chúng tôi thường chạy xe đạp trên đường Gia Long, con đường chỉ có một chiều lưu thông, nhưng muốn trêu ghẹo các Ông cảnh sát, thay vì chạy dưới đường thì chúng tôi lại chạy trên vĩa hè, Ông cảnh sát trông thấy liền thổi còi tuýt tuýt, chúng tôi phải phóng chạy rất lẹ kẻo bị bắt. Cũng ngựa theo đường cũ, có lần tôi bị chộp, vì chạy chiếc xe đạp mini kiểu mẫu mới mà tôi mua từ Sài Gòn mang về Phan Thiết, kiểu xe của con gái nên không được dọt nhanh cho lắm. Ổng dẫn tôi về trạm cảnh sát gần đó, chỉ hỏi tên và trường học rồi ngồi đó. Sau giờ làm việc thì cho phép tôi ra về nhưng không quên hỏi, cho Cháu lấy lại chiếc xe đạp, Ổng nói, xe đạp thì cứ để ở đó, mãi đến mấy ngày sau tôi mới lấy lại được chiếc xe đạp ra khỏi trạm.
      Phan Thiết. Một bóng mát đã che thời niên thiếu của tôi. Tạ ơn Người. Tạ ơn Đời đã cho Tôi được bình yên, cho dù ở nơi đâu. Tôi vẫn tự danh. Phan Thiết vẫn là Quê Hương của tôi.
Trung Nguyễn