Còn lại một
mình, anh Tư mướn đắc ý lắm, từ trước đến nay bất cứ việc gì trong nhà từ lớn
tới nhỏ anh đều hỏi ý kiến của vợ, vợ quyết định mọi việc, vợ lên tiếng anh im
re; kể từ khi xây được cái nhà mới đến nay, “tình thế” đảo ngược, bây giờ mình
mới thực sự là gia trưởng chứ (mặc dầu giấy tờ vợ anh đứng tên chủ hộ), lời nào
anh “phán ra”, vợ con “tuân hành” răm rắp,
anh Tư mướn thầm nghĩ như vậy mĩm cười một mình. Mới năm ngoái đây thôi,
vợ chồng con cái chui ra chui vào cái nhà rách nát, cái chòi thì đúng hơn, vách
dừng bằng lá dừa, mái cũng lợp bằng lá dừa, cột kèo bằng những cây bạch đàn
khẳng khiu, nhà ở sát bờ biển, tới mùa gió bấc thổi, mái lá, vách lá đập phành
phạch, mọt rớt xuống mù mịt. Trong nhà duy nhất chỉ một cái giường, mấy tấm ván
bội lồi lõm kê sát vách vừa làm chỗ ngủ cho mấy đứa nhỏ, vừa để dọn cơm ăn cũng
vừa là nơi “tiếp khách”, nói là tiếp khách cho xôm vậy thôi chứ quanh năm suốt
tháng có “ma” nào đến nhà đâu, chỉ có mấy chủ nợ lâu lâu đứng ngoài ngõ réo um
sùm. Năm nào cũng thế, mãi đến sáng 30
tết, người hàng xóm tốt bụng cho mượn ít tiền vội vội vàng vàng mua được mấy ký
gạo, nửa ký thịt heo, vài hộc cốm, bị thèo lèo và chặt quày chuối non sau nhà
đơm bàn thờ cúng ông bà. Bây giờ thì cái khổ kia chỉ tồn tại trong quá khứ xa
vời, nghĩ lại mà nổi da gà, rợn tóc gáy.
Xuất thân từ
gia đình nghèo “không còn mồng tơi để mà rớt”, cái nghèo dai dẳng từ đời cha
đến đời con, quanh năm suốt tháng vợ chồng con cái đều đi làm mướn, ai mướn thứ
gì gia đình anh cũng làm: cuốc đất, làm cỏ, gánh cá, kéo lưới, xẻ mực, cạy cầu
sò, bốc vác, phụ hồ… bất cứ thứ gì cũng làm tất tần tật. Anh cũng có cái tên
khai sanh hẳn hoi chứ, Nguyễn Văn Tư, nhưng vì suốt đời làm mướn nên người ta
gọi là Tư mướn cho nó gọn. Vợ anh cũng thế, đi làm mướn; đồng cảm trong cái
cảnh ngộ khắc khổ như nhau, anh chị gặp nhau rồi đến với nhau thành vợ thành
chồng. Nhà cũng có 2 sào ruộng nhưng vì gần biển bị nhiễm mặn, bị nhiễm phèn,
trồng lúa thu hoạch tính ra chỉ từ huề tới lỗ, năm nào được mùa cũng chỉ ăn
được 3 tháng là hết sạch rồi lại phải đi làm mướn; anh cũng khai phá được vài
mẫu rẫy, nói là rẫy cho nó oai thôi chứ thực ra là đất cát bạc màu, trồng được
một ít điều, chết lên chết xuống còn lại vài chục cây thấp lè tè không quá đầu
người, trái không đủ cho mấy đứa chăn bò hái trộm…
Một hôm, trời
đã xẩm tối, đi làm mướn vừa về tới ngõ đã thấy Bảy cò đứng chờ trước hiên nhà.
Bảy cò tên thật là gì rất ít người biết, chỉ biết là thứ bảy, chuyên làm nghề
môi giới; ai cần bán con bò lấy tiền làm việc khác, gặp Bảy cò là vài hôm sau
có người đến mua ngay, ai cần bán đất, bán ruộng gặp Bảy cò là xong liền,
thượng vàng hạ cám thứ gì Bảy ta cũng cò được hết; tiền huê hồng thanh toán
sòng phẳng cả hai bên đều phải trả.
- Anh Tư đi làm về đó hả?
Quái lạ, cả
cái làng này đều gọi trổng trổng là Tư mướn, sao hôm nay thằng Bảy cò này nó
gọi là anh Tư, mà từ trước đến nay có bao giờ nó tới nhà mình đâu, hôm nay lại
đến chờ mình, linh tính như báo cho biết có việc gì nghiêm trọng đây, nghĩ
không ra, trống ngực đập thình thịch.
- Anh Tư ơi, anh sắp giàu to rồi.
- Bảy cò, mày có sỉn
không đó?
- Tôi nói thiệt mà, anh sắp giàu to rồi.
- Thôi đừng có giỡn nữa, có việc gì nói tẹc
ra đi.
- Anh sắp có một số tiền lớn mà có mơ anh
cũng không thấy
(Còn nữa)