Ở Long Thành
tỉnh Đồng Nai có một ngôi chùa rất đẹp và nổi tiếng; nổi tiếng không phải là kiến
trúc quy mô hoành tráng mà vì chùa phục vụ cơm chay miễn
phí cho bá tánh thập phương bất kể thành phần nào trong xã hội suốt 7/7 ngày
trong tuần, tức là ngày nào cũng có cơm… chùa! Người nghèo khó, kẻ ăn xin đến
kiếm bữa cơm cho qua cơn đói lòng; người hành hương, kẻ lễ chùa ăn một bữa cơm
chay gội rữa bụi trần ai; khách phương xa, người hiếu kỳ đến chiêm ngắm cảnh
chùa ăn bữa cơm chay thay đổi khẩu vị thấy bình an tâm hồn. Nhà chùa chỉ đơn
thuần làm từ thiện không hề nghĩ tới việc trả lại cái gì cho chùa, nhưng mà ăn
xong rồi lẳng lặng ra đi thật áy náy khó coi. Thế là mỗi người một tay tự
nguyện đóng góp, làm công đức; người khó khăn thì rửa chén, quét sân, phụ cơm
nước, trồng rau, tưới cây; người có cuộc sống khá hơn thì tài trợ cơm canh, cúng dường, tôn tạo làm cho chùa ngày một
khang trang, rồi chuyền tai người này sang người khác, ngày càng đông người
đến lễ phật, ăn cơm chay miễn phí; ngày càng nhiều người đến cúng dường làm nhà
chùa phải thường xuyên “xin đa tạ… xin đa tạ!”. Chùa ngày càng được nhiều người
biết đến, thế là trở nên nổi tiếng.
Ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, bên bờ sông Đáy
giữa một khu rừng hoang vắng u sơn cùng cốc cũng có một ngôi chùa nổi tiếng;
nổi tiếng không phải là có cơm chay niễn phí, cũng không phải là linh thiêng
huyền bí mà bởi vì nó… vắng! Vắng dễ sợ, vắng thê thảm, vắng đến mức nhân gian
có câu thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh!”. Sách vở, báo chí, nhà văn, nhà thơ
muốn diễn tả cái vắng một cách hết cở chỉ cần viết “Vắng như chùa Bà Đanh!” là
đủ cho độc giả hình dung, suy diễn. Vì chùa vắng một cách lừng lẫy nên ngoài
Phật tử đến lễ Phật cầu kinh còn có
khách du lịch, khách tò mò muốn tận mắt xem cái vắng nó ra làm sao nên ngày nay
chùa rất đông “Đông như chùa Bà Đanh!”. Đến lễ Phật, chiêm ngưỡng cảnh hoang
vắng của chùa rồi lặng lẽ ra đi thấy sao sao ấy, tâm bất an; thế là mỗi người
một ít tự nguyện đóng góp để hương khói, để sửa chữa chùa đã bị hoang phế theo
thời gian năm tháng làm nhà chùa phải thường xuyên “Xin đa tạ…xin đa tạ!”. Chùa
ngày càng được nhiều người biết đến, thế là trở nên nổi tiếng.
(còn nữa)
(còn nữa)