Ở lứa tuổi bạn bè chúng ta hiện nay,
có lẽ chẳng ai còn nhớ nỗi mình đã tham dự bao nhiêu đám cưới, có những đám
thật gần: cùng xóm, cùng khu phố ; cũng có những đám thật xa: Đồng Tháp,
Vũng Tàu, Sài Gòn, Đồng Nai; có những đám sang trọng ở thành phố với cung cách
phục vụ mới lạ đẹp mắt, cũng có những đám vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn với
cách tổ chức theo tập quán từng địa phương. Dân
tộc ta chủ yếu làm nghề nông nên ngày xưa, thời gian nhàn rỗi sau khi thu hoạch
mùa màng là lúc tổ chức cưới hỏi nên có “mùa cưới” hẳn hoi, giống như mùa nào
cây trái đó. Ngày nay, với nhịp sống công nghiệp vội vã nên tranh thủ được lúc
nào là cưới ngay (trừ mùa vu lan).
Ở những tháng gần tết, việc cưới hỏi càng nhiều hơn, khẩn trương hơn, dường như
ai cũng muốn tất toán mọi việc kể cả cưới vợ gả chồng để đón một năm mới vui
vẻ, hạnh phúc.
Bao giờ cũng vậy, đám cưới không thể thiếu văn nghệ ca múa
hát giúp vui chúc mừng cô dâu chú rễ. Sau những nghi thức còn gọi là thủ tục: gia
đình hai bên ra mắt, kính thưa, cám ơn, rót rượu, cắt bánh vân vân; thường thì người
dẫn chương trình khai mạc văn nghệ bằng một hoặc hai bài hát (vì lúc này mọi người đang bận… ăn),
tiếp đến là những người tham dự tiệc cưới; trẻ thì hát những bài hiện đại mới
mẻ, người lớn thì trình bày những ca khúc nhẹ nhàng lãng mạn, yêu đương làm cho
đám cưới vốn đã vui càng vui hơn. Cách đây mấy năm, tham dự đám cưới con một
người bạn học, mẹ cô dâu lên sân khấu khai mạc chương trình văn nghệ bằng bài
hát Ngày hạnh phúc tình cảm sâu lắng
làm cả hội trường thêm thân mật ấm cúng. Có đám cưới người bố lên hát bài Cho con của Phạm Trọng Cầu (Cha mẹ là lá chắn che chở suốt đời con… Con
đừng quên con nhé cha mẹ là quê hương) như một lời khẳng định tình mẫu tử,
lời nhắc nhở con cái đừng quên cội nguồn, nghe thật xúc động và đầy ý nghĩa.
Trong ca hát đám cưới cũng không thiếu cảnh dở khóc dở cười.
Có anh chàng choai choai, tóc chải đầu chẻ nhuộm vàng xanh, lên sân khấu giật
giật như đạp phải đinh gào thét theo trường phái cuồng loạn “Tôi là ai mà cứ mãi yêu em… em là ai mà cứ mãi yêu tôi…”, mình mà
không hiểu mình là ai thì thần kinh có vấn đề rồi đó, cũng cần đi Biên Hòa một
chuyến kiểm tra xem sao. Có anh trung niên lên sân khấu “ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang…” hoặc “năm anh em trên một chiếc xe tăng…” nhộn nhịp, rộn ràng; vậy là
đám cưới có hình ảnh chiến trường, chiến tranh, mà có chiến tranh ắt có thương
vong đau buồn; có người nói hát những bài đó giai điệu hào hùng làm cho đám
cưới thêm sôi động, nhưng trong hàng triệu bài hát về tình yêu đôi lứa, hạnh
phúc gia đình thiếu gì bài nhộn nhịp vui tươi. Có chị lên hát bài dang dỡ hoặc sang ngang, cũng may chưa nghe ai hát bài đồi thông hai mộ, có người hỏi “sao
đám cưới hát bài kỳ vậy? -Tại vì bài khác em không thuộc”. Có ai bắt buộc
mình hát đâu mà lo, chẳng lẽ người ta mời ra khỏi đám cưới nếu mình không hát
à?...Tóm lại là hát búi xua, hát từa lưa; mạnh ca sĩ hát thì cứ hát, một hai ba
dô thì cứ dô, nhạc xập xình hết công suất thì cứ xập xình; ở nông thôn đám cưới
mà không ỉnh ỏi xóm làng là người ta chê liền.
Vừa rồi mới dự đám cưới của gia đình người quen ở cây số
23, tôi và một số bạn bè ở Mũi Né được xếp ngồi bàn khách quý, tức là gần sân
khấu, nghĩa là gần 6 cái loa to bình chác nện ầm ầm; phải chấp nhận thương đau
chứ sao giờ vì mình được chủ nhà quý trọng mời ngồi mâm trên. Cô ca sĩ vùng quê
lên sân khấu, cô này là doanh nhân thành đạt trong giới mua bán thanh long,
quan hệ rộng nên có mặt nhiều đám cưới ở huyện xã; mà đã dự đám cưới nếu không
được hát là về ăn không ngon ngủ không yên; lần nào cũng thế, trước khi hát thế
nào cũng có mấy câu mở đầu “do bất ngờ
được mời hát nên chưa kịp chuẩn bị”, hoặc là “mấy hôm nay trời trở lạnh bị nhức đầu cảm ho…”; tuy thế, nhưng
chưa bao giờ hát dưới 2 bài một lần. Còn giọng hát, nói thiệt tôi không dám
khen chê hay dỡ, nhưng nếu so sánh thì phải bái nữ học sinh Chính Tâm chúng ta
làm Sư Tổ chứ đừng nói là Sư Phụ. Sau lời mời của em-xi, cô mở đầu mấy câu quen
thuộc, ẻo lả cất giọng “Hãy cứ là tình
nhân - Để mong mỏi đợi chờ - Em không thích làm vợ - Không thích anh là chồng -
Đừng là vợ là chồng - Hãy cứ là tình nhân…”. Trong khi đó cô dâu chú rễ
cùng cha mẹ hai bên vui vẻ mãn nguyện đi từng bàn để nhận những lời chúc của
khách trong ngày hệ trọng của hai gia đình, hai dòng tộc vì kết quả tốt đẹp của
tình yêu đã đi đến hôn nhân; ai ai cũng mong muốn cho đôi bạn trẻ hạnh phúc
suốt đời bên nhau.
Vì có công việc, tôi phải về sớm, nhà gửi xe cách mấy chục
mét vẫn còn nghe mồn một “Em không thích
làm vợ - Không thích anh là chồng - Đừng là vợ là chồng - Hãy cứ là tình
nhân…”./.