F Ký sự - NGẢNH TAM TÂN (2) ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Ký sự - NGẢNH TAM TÂN (2)

2. Đường tới Tam Tân
Thế là phải quay lại con đường cách đây vài tiếng mới đi qua, buổi trưa nắng gay gắt làm những giọt mồ hôi từ trong nón bảo hiểm rỉ ra, lăn xuống mắt cay xè, lưng áo bắt đầu ướt dầu đang đi xe máy. Trở lại 10 cây số đến ngã 3 Tân Thuận - Tân Hải để rẽ phải đi Tam Tân thì xa và ngán quá, nhất là thời tiết hiện tại. Nghe nói người ta mới mở con đường tắt từ Tân Thành đi Tân Hải ngắn được nửa quảng đường nên vừa đi, vừa tìm, vừa hỏi thăm.
Cái điện thoại trong trong túi quần cứ một lát lại giựt giựt rung lên. Lại tấp vào lề, dừng xe, cởi nón bảo hiểm ra, thò tay vào túi quần móc được cái điện thoại cũng vừa hết chuông, phải gọi lại “Anh tới đâu rồi? - Anh đang tìm đường - Tụi em tới tồi! - Quán Bà Tư nha”. Tội nghiệp con ngựa sắt cà tàng già nua của tôi, không còn đủ sức để phi nước đại, cứ nước kiệu từ từ lết hết con dốc này qua khúc cua khác, cũng may thỉnh thoảng chuông điện thoại reo được dừng lại lấy hơi.
Suốt chặng đường không nhà cửa, không một bóng người, lâu lâu thấp thoáng chỉ có vài chòi rẫy của nông dân. Xe mà xẹp lốp có nước… dắt bộ. Khu vực này là vùng giáp ranh giữa huyện Hàm Thuận Nam và Thị xã La Gi; một bên đường thuộc xã Tân Thuận, bên kia là xã Tân Hải. Do địa hình thấp nên trước đây chủ yếu trồng lúa. Từ khi cây thanh long lên ngôi, nông dân chuyển đổi trồng thanh long bất chấp những năm mưa nhiều ngập lụt; nhà nào có điều kiện thì thuê máy múc ao, có cái diện tích cả sào (1.000m2) vừa chứa nước tưới vào mùa khô, vừa lấy đất nâng cao vườn tược chống ngập úng.
Hết con đường tráng nhựa, tiếp nối đường rãi sỏi lởm chởm gồ ghề mà chưa thấy tăm hơi Tam Tân ở đâu, nhưng bắt đầu có dân cư sinh sống. Hỏi thăm một nhà bên đường đúng là con đường này. Đi thêm một đoạn nữa gặp chiếc cầu sắt cũ kỹ, hoen rỉ, quá date từ lâu, có lẽ được làm từ lúc còn chiến tranh bắc qua con suối sâu thăm thẳm, người yếu tim nhìn xuống dễ ngất xỉu như chơi, sàn cầu lót bằng những tấm ván nhiều chỗ bắt đầu mục, trơ ra những cái lổ cở cái khay đựng bình tách để bưng Trà xanh 00 và mực nướng bạn Hương Trà chiêu đãi tôi cách đây mấy hôm; xe đi qua rung rinh lắc lư như năm nào bạn bè tụi mình xuống Sa Rài Đồng Tháp qua chiếc cầu gần sập trong  mùa nước nổi. Nhưng chỉ xe 2 bánh, chứ xe 4 bánh trở lên chỉ đứng nhìn ngán ngẩm quay đầu.
Tôi thở phào nhẹ nhỏm thấy từ xa con đường nhựa cắt ngang quen thuộc đã từng mấy lần đến Tam Tân. Khu vực này trước đây là một Quận thuộc tỉnh Bình Tuy, nay là trung tâm xã Tân Hải thuộc Thị xã La Gi, nhà cửa san sát xây bằng gạch ngói kiên cố, lầu có, trệt có của một phố thị đã hình thành từ lâu, ngày nay nhiều nhà được xây dựng hiện đại, khang trang; có ngôi chợ mới bề thế, rộng mênh mông bán đủ các mặt hàng, nhiều nhất là hải sản: cá, mực, tôm, cua, ghẹ, ốc… bởi nơi đây có bến cảng Ba Đăng, tuy không bằng cảng cá La Gi nhưng rất nhiều tàu thuyền sau những chuyến đi khơi vào ra tấp nập. Đặc biệt còn là nơi tránh trú bão cho số tàu thuyền thuộc huyện Hàm Thuận Nam hoặc tàu thuyền ở nơi khác gặp bão tố không kịp về bến. Chỉ cần đi thêm khoảng 5 cây số nữa theo hướng Tây tức là về hướng trung tâm thị xã La Gi là đến Tam Tân.
Đi theo con đường này tính ra vừa lời vừa lỗ, lời là ngắn hơn được nủa quảng đường, lỗ là tốn thời gian gần gấp đôi, cũng có nghĩa là tốn gấp đôi nhiên liệu. Nhưng dân chơi “mút mùa lệ thủy” như bọn mình thì nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó. Phải không các bạn??? (còn nữa)
Thấp thoáng chòi rẫy của nông dân
Từ từ lết hết con dốc này qua khúc cua khác
Cảng Ba Đăng - Sau chuyến ra khơi