F Ký sự - NGẢNH TAM TÂN (4) ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Ký sự - NGẢNH TAM TÂN (4)

4. Tam Tân - Đến rồi sẽ nhớ
Dạo một vòng vào xóm chài, ông già râu tóc bạc phơ vừa vá lưới vừa ngân nga bài thơ trong đó có câu: "Phong táp sơn yên truyền pháo hưởng, Triều phiên hải giác trợ bề thanh!" (Gió giật sườn non rền tựa súng, Sóng dồi góc biển trống âm vang). Theo người xưa kể lại, lâu thật lâu lắm rồi, thời kỳ Pháp thuộc đã đưa đẩy những nhóm cư dân miền Trung lưu lạc vào đây, bằng lòng với mảnh đất mới này, họ ở lại định cư cho đến ngày nay. Câu thơ trên là tâm tư của người dân phải chống chọi bao nỗi khó khăn cơ cực thuở hoang sơ rừng thiêng nước độc biển cả dữ dằn khi mới chân ướt chân ráo đến nơi này. Ngày nay, cuộc sống đã từng bước ổn định và đi lên, biết khai thác tiềm năng của đất, của biển để đem lại cuộc sống ấm no; biết làm dịch vụ đặc biệt là dịch vụ du lịch
Xa xa quán Bà Tư, có cái chợ gọi là chợ chòm hỏm, chỉ lưa thưa vài sạp nhỏ bán quần áo, còn lại chủ yếu là các loại hải sản, chỉ cần trải tấm bạt nhỏ bày hàng ra, người bán người mua đều ngồi chòm hỏm; cũng còn có cái chợ gọi là chợ di động, ngư dân sau những mẻ lưới vào bờ, tôm cua cá mực ghẹ ốc tươi xanh còn ngo ngoe, vợ con bày ra giữa bờ biển bán hoặc bưng từng thau, từng rổ đi tới đi lui dạo bán cho khách. Cung cách phục vụ ở quán Bà Tư cũng mới lạ đặc trưng chưa đụng hàng, trong quán hải sản không thiếu thứ gì, đặc biệt không cần tủ lạnh, không để qua đêm, mua bao nhiêu nấu nướng bán cho khách bấy nhiêu trong ngày. Mua của quán cũng được, đi ra ngoài mua cũng được, không hề phiền hà khó chịu. Chúng tôi chọn mua ở chợ di động vừa rẻ vừa tươi vừa tha hồ lựa chọn và tự chế biến. “Bà Tư, cho một lò than”. Lò than hừng hực được bưng ra, thế là tha hồ nướng (chỉ tính tiền nửa ký than). “Bà Tư hấp gừng dùm rổ mực - Cứ vào bếp tự hấp” (cũng chỉ tính tiền nửa ký than). “Bà Tư cho mượn mấy cái dĩa, cho mượn thêm mấy cái chén, mấy đôi đũa, mấy cái ly - Thiếu thứ gì cứ vào mà lấy” (không tính tiền). Tuy thế, nếu cần quán Bà Tư sẵn sàng phục vụ nấu nướng chỉ tính công. Để có qua có lại với Bà Tư dễ chịu chưa từng thấy, chúng tôi mua thêm thức ăn của bà, kể cả bia, đá.
Mấy chục năm rồi, từ ngày còn đi học nhà ở Thương Chánh, giờ mới được ăn lại con Tôm Vỗ, nhỏ hơn bàn tay khum khum một chút, thịt trắng như thịt gà thơm ngon và thật ngọt. Còn ghẹ hoa con nào con nấy như bàn tay xòe rộng, sau khi luộc sơ, đưa lên bếp than, nướng cho nước keo vào trong thịt, tách ra thơm ngào ngạt chưa kịp ăn phải nuốt nước miếng trước; mùa này tối trời gạch trong mai vừa dày vừa đỏ au, nhai sần sật bùi không sao diễn tả nỗi; cá đục bằng hai ngón tay, sau khi nướng chấm nước mắm me tuyệt ơi là tuyệt… Khi đã no nê, tiếng đàn guitar được bật lên, thế là bắt đầu hát, bài nào cũng hợp ca, bài này nối tiếp bài kia, liên khúc nối tiếp liên khúc liên miên bất tận, có bài hát say sưa đến nỗi quên cả lối ra, muốn hết bài lúc nào thì ngưng đàn là hết. Cách mấy bệ xi măng, có tốp thanh niên 5 người đang nhậu, một bạn cầm cái dĩa trên để con mực lá một nắng to bằng 2 bàn tay vừa nướng vàng ươm còn bốc khói đi qua “Tụi con thấy các cô chú hát vui quá, qua biếu cô chú con mực và xin được giao lưu một bài hát và một lon bia”, tiếng vỗ tay hoan hô vang lên rầm rập… Tôi được anh em cử qua giao lưu lại bằng dĩa tôm nướng, thanh niên bây giờ sao chúng nó không uống bia mà uống rượu? cũng không biết ngâm bằng thứ gì màu đẹp như rượu Whisky, mới hớp một hớp, nóng rân rân từ cổ họng trôi từ từ xuống bụng rồi lại dội ngược từ bụng lên mũi phải phà ra cái…phì. Tửu lượng như tôi giao lưu thêm vài ly nữa chắc hết biết đường về đành phải cáo lui. Nhìn chung quanh, chỗ nào cũng nướng, khói bốc lên nghi ngút mang theo cả mùi thơm của thức ăn; giống như năm nào ở Sài Gòn, các bạn (có cả vợ chồng Hùng Liên - Thuần Kiếm) chiêu đãi đủ thứ món nướng tại Nhà hàng Làng Nướng đường Cách mạng tháng 8, đến giờ vẫn chưa quên.
Có một chị khoảng trên 40, nước da ngăm đen đặc trưng màu nắng gió của biển, bưng đến một thau mực ống lớn bằng 2 ngón tay, tươi xanh, có con còn sống mới đánh từ biển vào, cất tiếng không cần rào trước đón sau: “Cái cân của em non lắm, một ký tư nhưng thật ra chỉ một ký - Em cân cho anh một ký tư mực nhưng tính tiền một ký nha! - Giá bao nhiêu một ký? - Dạ! năm mươi ngàn đồng”. Nhìn dáng vẻ vui tính của chị, tôi chọc “Bây giờ chị hát cho tụi tôi nghe một bài, tôi mua một ký - Dạ! em không biết hát - Nửa bài một ký cũng được - Em nói thật không biết hát, nếu biết, nảy giờ hát luôn mấy bài bán được mấy ký mực - Mà sao nhiều người chị không mời ai mà lại mời tôi? - Dạ! Tại em... thích anh”. Trời! Dễ chết không??? Nói rồi, để thau mực đó quay lưng đi một mạch. Khi chúng tôi thu dọn chiến trường chuẩn bị ra về, chị lại xuất hiện cầm theo cái bị nylon xếp từng con mực vào, khuyến mãi thêm mấy cục nước đá đi đường xa khỏi bị ươn.
Chiều Tam Tân thật êm, thật thanh bình và thơ mộng. Trong tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ pha lẫn tiếng vi vu của gió qua những hàng dương tạo nên bản giao hưởng trầm tư muôn đời của biển cả, của rừng chiều, của non xanh nước biếc và văng vẳng đâu đây, tiếng ngân nga của ông già vá lưới: "Phong táp sơn yên truyền pháo hưởng, Triều phiên hải giác trợ bề thanh!" (hết)