Không biết du
nhập vào đất nước ta từ lúc nào, lần đầu tiên biết đến những chiếc kèn Tây là
xem tivi, phim ảnh. Âm thanh tưng bừng, rộn rã, hào hùng được hòa nhịp trong
những doanh trại của quân đội, trong những cuộc diễu hành mừng ngày lễ lớn của đất
nước hoặc trong các nghi thức đón tiếp các nguyên thủ quốc gia khi công du
ngoại giao. Tưởng dừng lại ở đó, âm thanh của những chiếc kèn Tây tiếp tục đi
vào đời sống xã hội, được người chơi thể hiện đa dạng phong phú tùy vào mục
đích: tôn nghiêm trong các nghi thức tôn giáo, bi ai trong lễ tang, vui vẻ trong
đám cưới; từ thành phố lan tỏa đến vùng nông thôn. Ngày xưa gọi là kèn Tây vì
bên Tây mới có, ngày nay cũng đã được sản xuất trong nước như vùng Hải Hậu Nam
Định nhưng chẳng ai gọi là kèn Ta cả mà gọi là kèn Đồng.
Mười năm
trước, vào Sài Gòn dự đám tang người Chú ruột, đội kèn hơn chục người phục vụ
cho tang lễ với đủ loại kèn đồng sáng trưng lớn nhỏ đủ loại, có cái to thật to
phải ngoắc vào cổ loa kèn nằm trên đầu, có cái cao gần bằng người đứng, có cái bé
tí bằng ống điếu thuốc lào, có cái có cái cần thật dài thụt tới thụt lui, kèm
theo là trống đeo trước ngực, trống có khung bánh xe, chập chõe, có người gọi
là tùng xè, nhỏ hơn hai cái nón lá chập vào nhau. Mỗi lần có đoàn đến viếng,
đội kèn tấu lên một đoạn như lời cám ơn của gia đình; ngày tiễn đưa đến nơi an
nghĩ cuối cùng, đội kèn cũng tháp tùng tấu lên những âm thanh vĩnh biệt, những
ca khúc xưa có, những bài đời mới cũng có như: Cát bụi, Một cõi đi về… làm không khí đã buồn càng buồn hơn. Trong
tôn giáo, nhất là Thiên Chúa giáo, khi đón tiếp chức sắc có địa vị cao đến địa
phương chủ trì thánh lễ, hoặc rước kiệu, hoặc những ngày lễ lớn, một số nơi
không thể thiếu tiếng kèn đồng trong ngày trọng thể này. Những bản hòa tấu
thánh ca vang lên làm cho buổi lễ thêm trang trọng pha lẫn chút gì đó văn minh
hiện đại.
Đầu giờ chiều nay, tiếng kèn đồng nhộn nhịp tưng bừng vang lên theo đường Quốc lộ như
báo hiệu có cuộc rước rình rang đang diễn ra, làm tâm hồn lâng lâng, đầu óc thư
thái nhẹ nhõm giữa một đống hồ sơ giấy tờ ngổn ngang. Vội bước ra lan can xem
thử, thì ra là một đám tang, có lẽ của gia đình khá giả, người đưa tiễn ngoài
xe honda, số xe con đời mới cũng không ít, dẫn đầu là đội kèn đang hòa tấu bài “Lối về xóm nhỏ”, âm điệu hớn hở vui
tươi làm ai ai cũng nghĩ ngay đến lời bài hát “Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca… ”. Không riêng gì tôi, người khác
cũng ra khỏi phòng làm việc nhìn xem; nhiều người đi đường ngạc nhiên, có người
cúi đầu, có người lắc đầu, có người tỉnh bơ như không nghe gì cả tiếp tục đi.
Tôi đem chuyện
này kể cho mấy người bạn nghe, họ nói: Đúng rồi! nơi mình ở có nhiều nhà, nhà
nào cũng to thì gọi là xóm to; còn ở nơi đó ít nhà hơn, nhà nào cũng nhỏ không gọi là xóm nhỏ thì gọi
là xóm gì? Thế mà cũng thắc mắc./.