F tháng 9 2014 ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


Ca-Li Có Em

Ca-li nhiều cặp tình si
Ca-li nhiều mối tình đi không về
Chiều nay cũng tại Ca-li
Xa xăm tình cũ hàng mi trĩu buồn
Bến bờ trãi rộng mênh mông
Tình ơi tình đến tình không đợi chở
Sóng vô sóng vỗ mạn bờ
Chiều buông hiu quạnh đứng chờ ai đây
Đã bao năm tháng xum vầy
Đã bao ôm ấp tràn đầy yêu thương
Đã bao ngày trót vấn vương
Đã bao hôm khóc bên đường chia ly
Vô tình trên bến Ca-li
Nước mây mây nước đong đầy giọt mưa

NTH
30-9-2014

Hoa Lộc Vừng nhà NTH

Kèn Tây

Không biết du nhập vào đất nước ta từ lúc nào, lần đầu tiên biết đến những chiếc kèn Tây là xem tivi, phim ảnh. Âm thanh tưng bừng, rộn rã, hào hùng được hòa nhịp trong những doanh trại của quân đội, trong những cuộc diễu hành mừng ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong các nghi thức đón tiếp các nguyên thủ quốc gia khi công du ngoại giao. Tưởng dừng lại ở đó, âm thanh của những chiếc kèn Tây tiếp tục đi vào đời sống xã hội, được người chơi thể hiện đa dạng phong phú tùy vào mục đích: tôn nghiêm trong các nghi thức tôn giáo, bi ai trong lễ tang, vui vẻ trong đám cưới; từ thành phố lan tỏa đến vùng nông thôn. Ngày xưa gọi là kèn Tây vì bên Tây mới có, ngày nay cũng đã được sản xuất trong nước như vùng Hải Hậu Nam Định nhưng chẳng ai gọi là kèn Ta cả mà gọi là kèn Đồng.
Mười năm trước, vào Sài Gòn dự đám tang người Chú ruột, đội kèn hơn chục người phục vụ cho tang lễ với đủ loại kèn đồng sáng trưng lớn nhỏ đủ loại, có cái to thật to phải ngoắc vào cổ loa kèn nằm trên đầu, có cái cao gần bằng người đứng, có cái bé tí bằng ống điếu thuốc lào, có cái có cái cần thật dài thụt tới thụt lui, kèm theo là trống đeo trước ngực, trống có khung bánh xe, chập chõe, có người gọi là tùng xè, nhỏ hơn hai cái nón lá chập vào nhau. Mỗi lần có đoàn đến viếng, đội kèn tấu lên một đoạn như lời cám ơn của gia đình; ngày tiễn đưa đến nơi an nghĩ cuối cùng, đội kèn cũng tháp tùng tấu lên những âm thanh vĩnh biệt, những ca khúc xưa có, những bài đời mới cũng có như: Cát bụi, Một cõi đi về… làm không khí đã buồn càng buồn hơn. Trong tôn giáo, nhất là Thiên Chúa giáo, khi đón tiếp chức sắc có địa vị cao đến địa phương chủ trì thánh lễ, hoặc rước kiệu, hoặc những ngày lễ lớn, một số nơi không thể thiếu tiếng kèn đồng trong ngày trọng thể này. Những bản hòa tấu thánh ca vang lên làm cho buổi lễ thêm trang trọng pha lẫn chút gì đó văn minh hiện đại.
Đầu giờ chiều nay, tiếng kèn đồng nhộn nhịp tưng bừng vang lên theo đường Quốc lộ như báo hiệu có cuộc rước rình rang đang diễn ra, làm tâm hồn lâng lâng, đầu óc thư thái nhẹ nhõm giữa một đống hồ sơ giấy tờ ngổn ngang. Vội bước ra lan can xem thử, thì ra là một đám tang, có lẽ của gia đình khá giả, người đưa tiễn ngoài xe honda, số xe con đời mới cũng không ít, dẫn đầu là đội kèn đang hòa tấu bài “Lối về xóm nhỏ”, âm điệu hớn hở vui tươi làm ai ai cũng nghĩ ngay đến lời bài hát “Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca… ”. Không riêng gì tôi, người khác cũng ra khỏi phòng làm việc nhìn xem; nhiều người đi đường ngạc nhiên, có người cúi đầu, có người lắc đầu, có người tỉnh bơ như không nghe gì cả tiếp tục đi.
Tôi đem chuyện này kể cho mấy người bạn nghe, họ nói: Đúng rồi! nơi mình ở có nhiều nhà, nhà nào cũng to thì gọi là xóm to; còn ở nơi đó ít nhà hơn,  nhà nào cũng nhỏ không gọi là xóm nhỏ thì gọi là xóm gì? Thế mà cũng thắc mắc./.

Em Say

Ai để em buồn em uống say
Một mình đối diện với men cay
Ngoài kia mưa đỗ lòng em lạnh
Hơi ấm từ lâu nhớ quắt quay
Đã bao hôm rồi vẫn trôi qua
Nhưng đêm nay lòng buồn đến lạ
Nhớ thương thương nhớ bóng hình ai
Không rõ mặt mày không rõ dáng
Phất phơ phơ phất cứ lắt lay
Dang tay chồm tới cố vói nắm
Sao người né tránh vội vụt bay
Tai em văng vẳng hàng chai ngã
Nhưng mãi rượt theo anh chẳng tha

NTH

28-9-2014

Rio của nội tập làm người lớn

Lộc Vừng nhà NTH trổ hoa lần đầu

Hơn Một Trăm Ngàn

Con số truy cập một góc đăng
Mỗi ngày nhìn thấy lượt người tăng
Một trăm ngàn số vừa qua khỏi
Đẹp như mơ hocsinhchinhtam
Trang blog vững vàng luôn tiếp bước
Bởi những toàn tâm buổi thăng trầm
Đầy đủ thơ văn phim nhạc ảnh
Tác giả nhà ta thật xứng danh

NTH

27-9-204

Tâm Sự Của Em

Một đời người sống có bao nhiêu
Ôi mười tám năm bệnh tật quả nhiều
Em đau khổ chịu đựng anh nào biết
Căn bệnh dày vò không sao chữa hết
Hy vọng không còn tình yêu đã chết
Anh chửi rủa dằn vặt em đi
Đẩy em đến ngưỡng cửa chia ly
Bao người hâm mộ sao anh chối bỏ
Trái tim em giờ đây thật sự dày vò
Xa anh ư lúc này em đâu nỡ
Anh chửi mắng ai người hứng đỡ
Cho anh vơi ray rức nỗi cuồng đau
Bệnh quái ác giết tình ta tươi sáng
Cho anh đau, tim em phải rụng rời
Thay vì khen bằng ngàn lời trách móc
Anh có biết bao lần rồi em khóc
Kiếm tiền đâu nuôi con ăn học thuốc men
Thân mềm yếu oằn vai em sắp quỵ
Anh mất đã ba năm rồi anh nhỉ
Em ngồi đây xâu lại đớn đau nầy

NTH
25-9-2014

Ký sự - NGẢNH TAM TÂN (4)

4. Tam Tân - Đến rồi sẽ nhớ
Dạo một vòng vào xóm chài, ông già râu tóc bạc phơ vừa vá lưới vừa ngân nga bài thơ trong đó có câu: "Phong táp sơn yên truyền pháo hưởng, Triều phiên hải giác trợ bề thanh!" (Gió giật sườn non rền tựa súng, Sóng dồi góc biển trống âm vang). Theo người xưa kể lại, lâu thật lâu lắm rồi, thời kỳ Pháp thuộc đã đưa đẩy những nhóm cư dân miền Trung lưu lạc vào đây, bằng lòng với mảnh đất mới này, họ ở lại định cư cho đến ngày nay. Câu thơ trên là tâm tư của người dân phải chống chọi bao nỗi khó khăn cơ cực thuở hoang sơ rừng thiêng nước độc biển cả dữ dằn khi mới chân ướt chân ráo đến nơi này. Ngày nay, cuộc sống đã từng bước ổn định và đi lên, biết khai thác tiềm năng của đất, của biển để đem lại cuộc sống ấm no; biết làm dịch vụ đặc biệt là dịch vụ du lịch
Xa xa quán Bà Tư, có cái chợ gọi là chợ chòm hỏm, chỉ lưa thưa vài sạp nhỏ bán quần áo, còn lại chủ yếu là các loại hải sản, chỉ cần trải tấm bạt nhỏ bày hàng ra, người bán người mua đều ngồi chòm hỏm; cũng còn có cái chợ gọi là chợ di động, ngư dân sau những mẻ lưới vào bờ, tôm cua cá mực ghẹ ốc tươi xanh còn ngo ngoe, vợ con bày ra giữa bờ biển bán hoặc bưng từng thau, từng rổ đi tới đi lui dạo bán cho khách. Cung cách phục vụ ở quán Bà Tư cũng mới lạ đặc trưng chưa đụng hàng, trong quán hải sản không thiếu thứ gì, đặc biệt không cần tủ lạnh, không để qua đêm, mua bao nhiêu nấu nướng bán cho khách bấy nhiêu trong ngày. Mua của quán cũng được, đi ra ngoài mua cũng được, không hề phiền hà khó chịu. Chúng tôi chọn mua ở chợ di động vừa rẻ vừa tươi vừa tha hồ lựa chọn và tự chế biến. “Bà Tư, cho một lò than”. Lò than hừng hực được bưng ra, thế là tha hồ nướng (chỉ tính tiền nửa ký than). “Bà Tư hấp gừng dùm rổ mực - Cứ vào bếp tự hấp” (cũng chỉ tính tiền nửa ký than). “Bà Tư cho mượn mấy cái dĩa, cho mượn thêm mấy cái chén, mấy đôi đũa, mấy cái ly - Thiếu thứ gì cứ vào mà lấy” (không tính tiền). Tuy thế, nếu cần quán Bà Tư sẵn sàng phục vụ nấu nướng chỉ tính công. Để có qua có lại với Bà Tư dễ chịu chưa từng thấy, chúng tôi mua thêm thức ăn của bà, kể cả bia, đá.
Mấy chục năm rồi, từ ngày còn đi học nhà ở Thương Chánh, giờ mới được ăn lại con Tôm Vỗ, nhỏ hơn bàn tay khum khum một chút, thịt trắng như thịt gà thơm ngon và thật ngọt. Còn ghẹ hoa con nào con nấy như bàn tay xòe rộng, sau khi luộc sơ, đưa lên bếp than, nướng cho nước keo vào trong thịt, tách ra thơm ngào ngạt chưa kịp ăn phải nuốt nước miếng trước; mùa này tối trời gạch trong mai vừa dày vừa đỏ au, nhai sần sật bùi không sao diễn tả nỗi; cá đục bằng hai ngón tay, sau khi nướng chấm nước mắm me tuyệt ơi là tuyệt… Khi đã no nê, tiếng đàn guitar được bật lên, thế là bắt đầu hát, bài nào cũng hợp ca, bài này nối tiếp bài kia, liên khúc nối tiếp liên khúc liên miên bất tận, có bài hát say sưa đến nỗi quên cả lối ra, muốn hết bài lúc nào thì ngưng đàn là hết. Cách mấy bệ xi măng, có tốp thanh niên 5 người đang nhậu, một bạn cầm cái dĩa trên để con mực lá một nắng to bằng 2 bàn tay vừa nướng vàng ươm còn bốc khói đi qua “Tụi con thấy các cô chú hát vui quá, qua biếu cô chú con mực và xin được giao lưu một bài hát và một lon bia”, tiếng vỗ tay hoan hô vang lên rầm rập… Tôi được anh em cử qua giao lưu lại bằng dĩa tôm nướng, thanh niên bây giờ sao chúng nó không uống bia mà uống rượu? cũng không biết ngâm bằng thứ gì màu đẹp như rượu Whisky, mới hớp một hớp, nóng rân rân từ cổ họng trôi từ từ xuống bụng rồi lại dội ngược từ bụng lên mũi phải phà ra cái…phì. Tửu lượng như tôi giao lưu thêm vài ly nữa chắc hết biết đường về đành phải cáo lui. Nhìn chung quanh, chỗ nào cũng nướng, khói bốc lên nghi ngút mang theo cả mùi thơm của thức ăn; giống như năm nào ở Sài Gòn, các bạn (có cả vợ chồng Hùng Liên - Thuần Kiếm) chiêu đãi đủ thứ món nướng tại Nhà hàng Làng Nướng đường Cách mạng tháng 8, đến giờ vẫn chưa quên.
Có một chị khoảng trên 40, nước da ngăm đen đặc trưng màu nắng gió của biển, bưng đến một thau mực ống lớn bằng 2 ngón tay, tươi xanh, có con còn sống mới đánh từ biển vào, cất tiếng không cần rào trước đón sau: “Cái cân của em non lắm, một ký tư nhưng thật ra chỉ một ký - Em cân cho anh một ký tư mực nhưng tính tiền một ký nha! - Giá bao nhiêu một ký? - Dạ! năm mươi ngàn đồng”. Nhìn dáng vẻ vui tính của chị, tôi chọc “Bây giờ chị hát cho tụi tôi nghe một bài, tôi mua một ký - Dạ! em không biết hát - Nửa bài một ký cũng được - Em nói thật không biết hát, nếu biết, nảy giờ hát luôn mấy bài bán được mấy ký mực - Mà sao nhiều người chị không mời ai mà lại mời tôi? - Dạ! Tại em... thích anh”. Trời! Dễ chết không??? Nói rồi, để thau mực đó quay lưng đi một mạch. Khi chúng tôi thu dọn chiến trường chuẩn bị ra về, chị lại xuất hiện cầm theo cái bị nylon xếp từng con mực vào, khuyến mãi thêm mấy cục nước đá đi đường xa khỏi bị ươn.
Chiều Tam Tân thật êm, thật thanh bình và thơ mộng. Trong tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ pha lẫn tiếng vi vu của gió qua những hàng dương tạo nên bản giao hưởng trầm tư muôn đời của biển cả, của rừng chiều, của non xanh nước biếc và văng vẳng đâu đây, tiếng ngân nga của ông già vá lưới: "Phong táp sơn yên truyền pháo hưởng, Triều phiên hải giác trợ bề thanh!" (hết)


Ký sự - NGẢNH TAM TÂN (3)

3. Tam Tân- thiên nhiên như một bức tranh
Chỉ cách nhau 5 cây số, xã Tân Hải nhộn nhịp sầm uất mang dáng dấp của một khu đô thị. Tam Tân hiền hòa, êm dịu thơ mộng mang vẻ hoang sơ. Trước mặt là biển cả mênh mông nhấp nhô những cồn cát, những vỉa đá; sau lưng là rừng cây bạt ngàn và  những hàng dừa, hàng phi lao xanh rì bốn mùa mưa nắng. Từ non cao, dòng sông Maly đưa phù sa bồi đắp cửa Thiễn Môn (còn gọi là cửa cạn) và đôi bờ con lạch chảy ra biển làm cho vùng đất này thêm trù phú. Tam Tân là tiền thân của ba làng: Tân Ngươn, Tân Quý, Tân Hải nhập lại. Nay là xã Tân Tiến thuộc thị xã La Gi.
Gió biển mát rượi làm khô đi những giọt mồ hôi lúc nào không hay, người trở nên khỏe khoắn một cách lạ thường như chưa hề vượt qua quảng đường giữa trưa trời nắng gắt. Đến quán Bà Tư sát biển, mọi người đã tề tựu đầy đủ và ổn định đâu vào đó, chủ quán người đàn bà gần 70 khỏe mạnh có mái tóc dày bạc trắng như cước mĩm cười đon đả chào đón khách. Quán không tên, không bảng hiệu, rất dân dã; chỉ nghe người ta gọi là Bà Tư, tôi tự đặt là quán Bà Tư cho dễ gọi, dễ nhớ. Giữa bãi cát gần bờ biển, chủ quán xây từng hàng những bệ xi măng dài khoảng 6 mét, rộng 3 mét, cao 5 tấc, mái phủ vải bạt dưới những tán dừa, tán phi lao mát rượi; chẳng cần bàn ghế, cứ ngồi dưới nền xi măng bày ra ăn uống hát hò thoải mái; dọc theo 2 bên bệ xi măng những chiếc võng lưới đã mắc sẵn, cứ tự nhiên ngả lưng thưởng thức những làn gió nhè nhẹ từ biển thổi vào hoặc ăn uống no say, tắm biển đã đời, lên võng đánh một giấc thăm thẳm chiều trôi cũng chẳng có ai đá động quấy rầy. Không riêng gì quán Bà Tư, dọc theo bờ biển nhiều quán khác cũng làm theo kiểu này, hễ chỗ nào còn trống hoặc mình thích cứ tự tiện đến, không có cảnh mồi chài níu kéo khách như ở một số nơi tôi đọc trên báo. Còn nếu muốn sang trọng, đầy đủ tiện nghi, có bàn ghế bóng loáng, chăn êm nệm ấm, máy lạnh vù vù, phòng tắm nước nóng nước lạnh, có người phục vụ từ a đến z thì đến khu du lịch nghĩ dưỡng Mỏm Đá Chim cách vài trăm mét hoặc mấy quán bán đồ ăn thức uống và cho khách nghĩ trọ cách đây cũng không xa. Nhưng đi dã ngoại mà vào những nơi ấy thì còn gì là ý nghĩa!!!
Tam Tân thì biết rồi, nhưng tại sao gọi là Ngảnh, từ này với tôi hơi lạ. Hỏi Bà Tư, được bà giải thích lằng nhằng vòng vo tôi có cảm tưởng như chính bà cũng chẳng biết gì cả, nghe người ta gọi sao thì nói vậy, nhưng kết luận một câu chắc nịch “tức là Ngảnh Tam Tân” (còn cái gì để tức là Ngảnh Tam Tân chưa nghe bà nói). Thì ra, Ngảnh là rìa cát dài xen lẫn những vỉa đá từ trong bờ đâm ra biển, vùng này có hai rìa, tạo cho bờ biển thành vòng cung như một cái vịnh, được ngảnh chắn sóng và gió nên trong vịnh rất êm, một bãi tắm rất lý tưởng và an toàn, đáy biển không có những hố sâu chỉ dốc thoai thoải, nước trong xanh biêng biếc như màu ngọc bích, giữa vịnh rãi rác nổi lên những bãi đá như những hòn đảo nhỏ, du khách có thể bơi hoặc lội ra khi thủy triều xuống nước chỉ tới lưng quần, lên những bãi đá ngồi ngắm cảnh trời mây nước có những đàn chim bay lên nhào xuống kiếm mồi hoặc đậu dày kín trên những mỏm đá rỉa lông, rỉa cánh sau một ngày kiếm ăn thật thú vị và an nhàn. Trên bờ, bãi cát trắng mịn nổi bật trước màu xanh thăm thẳm của rừng cây tạo thành bức tranh thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ, vừa thanh bình khó mà diễn tả cho hết. Nếu như có các bạn Tấn Hùng, Tiến Đạo, Hương Trà, Hàn Thu, Ngọc Xuân… Tam Tân sẽ là nguồn cảm hứng để hocsinhchinhtam có thêm những vần thơ và bài viết hay.
Lần trước, bọn mình đã từng ngồi bên đống lửa hồng ở rừng núi trang trại bạn Ba kết múa hát, thưởng thức món “khoai lùi bếp nóng ngon hơn là vàng” do bạn Thy Nhạn đạo diễn; lần này các bạn cùng tôi thử tưởng tượng một buổi tối nào đó, tới bãi biển Tam Tân cũng ngồi chung quanh bếp lửa (ở đây rất nhiều nhánh dương khô, bạch đàn khô và tàu dừa khô, cứ chất thành đống rồi đốt), với cây đàn guitar vừa hòa tấu hợp ca với tiếng sóng biển, vừa thưởng thức những món ăn ngêu sò ốc hến ghẹ mực tôm cá, tự mình nướng trên những vỉa than đỏ rực xì xèo thơm lửng thì còn gì bằng. Ca hát mệt nhoài lên võng hoặc trên những bệ ximăng đánh thẳng một giấc mờ sáng hôm sau thức dậy sớm chiêm ngưỡng ánh mặt trời từ từ nổi lên từ biển cả mênh mông thì thật là tuyệt./. (còn nữa)



CHÀO THU

Vượt nửa vòng trái đất bạn tôi về,
Thành phố hân hoan,rộn ràng chào đón.
Căn nhà vắng cần bàn tay vun vón,
Một năm dài nỗi nhớ đã nhân hai.
Mệt mõi đường bay nối lục địa dài,
Vẫn háo hức gửi quà cho từng đứa....
Giờ tuổi già ta còn mong gì nữa,
Được cận kề con cháu có niềm vui.
Ở phương xa bạn chua xót ngậm ngùi
Kể chuyện xứ người cày hơn thụ hưởng
Không xuất ngoại,có tiền vẫn sướng
Quê mình là khúc ruột chẳng rời ra
Bạn về rồi chẳng còn muốn chia xa
Thu hội tụ....chỉ một Thu đi biệt
Để hồi tưởng kỷ niệm thêm da diết
Trong lớp tụi mình ngày đó có ba Thu.....

Ký sự - NGẢNH TAM TÂN (2)

2. Đường tới Tam Tân
Thế là phải quay lại con đường cách đây vài tiếng mới đi qua, buổi trưa nắng gay gắt làm những giọt mồ hôi từ trong nón bảo hiểm rỉ ra, lăn xuống mắt cay xè, lưng áo bắt đầu ướt dầu đang đi xe máy. Trở lại 10 cây số đến ngã 3 Tân Thuận - Tân Hải để rẽ phải đi Tam Tân thì xa và ngán quá, nhất là thời tiết hiện tại. Nghe nói người ta mới mở con đường tắt từ Tân Thành đi Tân Hải ngắn được nửa quảng đường nên vừa đi, vừa tìm, vừa hỏi thăm.
Cái điện thoại trong trong túi quần cứ một lát lại giựt giựt rung lên. Lại tấp vào lề, dừng xe, cởi nón bảo hiểm ra, thò tay vào túi quần móc được cái điện thoại cũng vừa hết chuông, phải gọi lại “Anh tới đâu rồi? - Anh đang tìm đường - Tụi em tới tồi! - Quán Bà Tư nha”. Tội nghiệp con ngựa sắt cà tàng già nua của tôi, không còn đủ sức để phi nước đại, cứ nước kiệu từ từ lết hết con dốc này qua khúc cua khác, cũng may thỉnh thoảng chuông điện thoại reo được dừng lại lấy hơi.
Suốt chặng đường không nhà cửa, không một bóng người, lâu lâu thấp thoáng chỉ có vài chòi rẫy của nông dân. Xe mà xẹp lốp có nước… dắt bộ. Khu vực này là vùng giáp ranh giữa huyện Hàm Thuận Nam và Thị xã La Gi; một bên đường thuộc xã Tân Thuận, bên kia là xã Tân Hải. Do địa hình thấp nên trước đây chủ yếu trồng lúa. Từ khi cây thanh long lên ngôi, nông dân chuyển đổi trồng thanh long bất chấp những năm mưa nhiều ngập lụt; nhà nào có điều kiện thì thuê máy múc ao, có cái diện tích cả sào (1.000m2) vừa chứa nước tưới vào mùa khô, vừa lấy đất nâng cao vườn tược chống ngập úng.
Hết con đường tráng nhựa, tiếp nối đường rãi sỏi lởm chởm gồ ghề mà chưa thấy tăm hơi Tam Tân ở đâu, nhưng bắt đầu có dân cư sinh sống. Hỏi thăm một nhà bên đường đúng là con đường này. Đi thêm một đoạn nữa gặp chiếc cầu sắt cũ kỹ, hoen rỉ, quá date từ lâu, có lẽ được làm từ lúc còn chiến tranh bắc qua con suối sâu thăm thẳm, người yếu tim nhìn xuống dễ ngất xỉu như chơi, sàn cầu lót bằng những tấm ván nhiều chỗ bắt đầu mục, trơ ra những cái lổ cở cái khay đựng bình tách để bưng Trà xanh 00 và mực nướng bạn Hương Trà chiêu đãi tôi cách đây mấy hôm; xe đi qua rung rinh lắc lư như năm nào bạn bè tụi mình xuống Sa Rài Đồng Tháp qua chiếc cầu gần sập trong  mùa nước nổi. Nhưng chỉ xe 2 bánh, chứ xe 4 bánh trở lên chỉ đứng nhìn ngán ngẩm quay đầu.
Tôi thở phào nhẹ nhỏm thấy từ xa con đường nhựa cắt ngang quen thuộc đã từng mấy lần đến Tam Tân. Khu vực này trước đây là một Quận thuộc tỉnh Bình Tuy, nay là trung tâm xã Tân Hải thuộc Thị xã La Gi, nhà cửa san sát xây bằng gạch ngói kiên cố, lầu có, trệt có của một phố thị đã hình thành từ lâu, ngày nay nhiều nhà được xây dựng hiện đại, khang trang; có ngôi chợ mới bề thế, rộng mênh mông bán đủ các mặt hàng, nhiều nhất là hải sản: cá, mực, tôm, cua, ghẹ, ốc… bởi nơi đây có bến cảng Ba Đăng, tuy không bằng cảng cá La Gi nhưng rất nhiều tàu thuyền sau những chuyến đi khơi vào ra tấp nập. Đặc biệt còn là nơi tránh trú bão cho số tàu thuyền thuộc huyện Hàm Thuận Nam hoặc tàu thuyền ở nơi khác gặp bão tố không kịp về bến. Chỉ cần đi thêm khoảng 5 cây số nữa theo hướng Tây tức là về hướng trung tâm thị xã La Gi là đến Tam Tân.
Đi theo con đường này tính ra vừa lời vừa lỗ, lời là ngắn hơn được nủa quảng đường, lỗ là tốn thời gian gần gấp đôi, cũng có nghĩa là tốn gấp đôi nhiên liệu. Nhưng dân chơi “mút mùa lệ thủy” như bọn mình thì nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó. Phải không các bạn??? (còn nữa)
Thấp thoáng chòi rẫy của nông dân
Từ từ lết hết con dốc này qua khúc cua khác
Cảng Ba Đăng - Sau chuyến ra khơi

Ký sự - NGẢNH TAM TÂN (1)

1. Tháp tùng đoàn đua
Như đến hẹn lại lên, mỗi năm một lần, huyện tôi tổ chức cuộc đua xe đạp truyền thống với tên gọi “Giải đua xe đạp vòng quanh núi Tà Cú”, năm nay là lần thứ 7. Gọi là vòng quanh núi Tà Cú nhưng thực ra đường đua bắt đầu từ trung tâm huyện lỵ, đến gần chân núi Tà Cú, rồi rẽ phải theo con đường mới được mở mấy năm gần đây, tráng nhựa hẳn hoi, nhưng cũng đã bắt đầu xuống cấp; rồi gặp tỉnh lộ 712 rẽ trái thuộc địa phận xã Tân Thuận; tiếp đến ngã ba Tân Thuận - Tân Hải lại rẽ trái đi ra biển thuộc xã Tân Thành và kết thúc đường đua tại khu du lịch Đồi sứ xã Thuận Quý. Chiều dài chỉ khoảng 25 cây số đi qua 4 địa phương, trong đó 10 cây đạp diễu hành, còn lại mới chính thức chấm điểm.
Bảy lần đua là bảy lần đơn vị tôi tham gia cũng là bảy lần nằm trong tốp cuối. Biết là không thể nào tranh đua với những đơn vị có vận động viên trẻ, khỏe, thường xuyên luyện tập nhưng cũng đăng ký thi cho có phong trào, bởi nếu ai cũng nghĩ đua sẽ thua thì còn được mấy đội tham gia, chẳng lẽ giải phải dẹp tiệm à!!! Lần này, Ban Tổ chức “thương tình” động viên: “anh cứ bảo anh em rán đạp tới nơi, chậm hơn người ta cũng được, tụi em sẽ trao giải khuyến khích đồng đội”. (chơi xổ số kiến thiết người ta gọi là giải an ủi đó).
Cả đội phấn khởi hẳn lên chuẩn bị cho cuộc đua, đi mượn xe đạp, đưa ra tiệm thay vỏ ruột sên líp, siết chắc chắn từng con ốc, tháo baga, dè trủi lụi nhẹ được chút nào hay chút đó. Một Công ty sản xuất phân bón tài trợ toàn bộ chi phí cho đội đua chúng tôi kể cả đồng phục cho vận động viên, săn sóc viên và nhân viên tháp tùng đội đua (có lôgô quảng bá sản phẩm của công ty, hình đại diện là cái đầu heo há miệng cười toe toét), còn đem cả ôtô con theo sau hỗ trợ. Buổi sáng khai mạc, đơn vị tôi được đánh giá là có đồng phục đẹp, rực rỡ và ấn tượng nhất. Chúng tôi bố trí cứ 2 săn sóc viên đi xe Honda chăm sóc cho 1 vận động viên, số nhân viên còn lại lo công tác hậu cần, có nghĩa là sau cuộc đua, toàn bộ nhân viên được một ngày nghĩ ngơi ăn uống tiệc tùng thoải mái, cũng đồng nghĩa là cơ quan đóng cửa không làm việc. Chỉ có 3 vận động viên tham gia đua xe nhưng tới 17 người tháp tùng. Tôi được giao nhiệm vụ tiếp nước, vị trí tại khu du lịch Đại Dương Xanh, ở đoạn đường cua tương đối gắt rồi lên một con dốc khá cao cách đích đến khoảng 5 cây số; ở đỉnh đốc là nơi tiếp nước lý tưởng nhất, rất dễ quan sát vì vận động viên lúc này không thể chạy nhanh được.
Ngóng cổ chờ hoài, các đội của đơn vị khác cứ lần lượt vụt qua mà phe ta chẳng thấy tăm hơi, có khi nào chạy qua rồi mà mình không thấy chăng? chẳng lẽ con mắt có vấn đề? nhưng tới 4 mắt lận (đeo kính); đến khi không còn đủ kiên nhẫn, dự tính lên xe tới điểm cuối đoạn đua xem sao thì chuông điện thoại trong túi rung lên bần bật: “alô! Rút lui thôi anh, bỏ cuộc rồi”. Thì ra, mới xuất phát chưa đầy 5 cây số, tức là chưa tới 1/3 đường đua chính thức, một trong ba vận động viên đơn vị của tôi giảm tốc độ đột ngột, mặt mày tái le tái lét, gần xỉu, chút xíu nữa là té lộn nhào do mất sức chiến đấu vì đã lâu lắm rồi chiếc xe đạp bị lãng quên, luyện tập thì làm biếng, tuổi thì cao, sức thì yếu, đành thất trận. Thế là mọi hy vọng về cái giải an ủi đành vuột khỏi tầm tay, tan thành mây khói...
 Nhưng không sao!!! bởi đích đến thực sự của chúng tôi không phải địa điểm do Ban tổ chức ấn định mà là “Ngảnh Tam Tân”, một vùng biển xanh cát trắng hiền hòa rất hoang sơ, rất lý tưởng, rất đẹp thuộc thị xã La Gi đang chờ đón chúng tôi./. (còn nữa)



Qua Sa-Rài Nhớ Bạn

Nhớ lần xa lắc tôi tới thăm
Ngày xưa đi xuồng chưa có lộ
Chiều tà đi mãi tới đứng trăng
Chỉ nghe ếch nhái đồng dội lại
Mái chèo khua nước gợn lăn tăn
Sa-rài Đồng-tháp có xa xăm
Bạn mời uốn lưỡi dường năn nỉ
Mà thiệt đường đi khó gắp trăm
Con lộ sơ sài ngăn nước lũ
Heo cúi lên đường nằm xếp lăn
Tới nhà trời tối ăn rồi ngủ
Sáng sớm ra đi chưa nói năng
Nhớ lần thăm bạn qua hai sông
Mới ngày ra tết tiết du xuân
Hai phà chật ních người qua lại
Xe vẫn ung dung nhích tới dần
Ngôi nhà ấm áp bên kênh nhỏ
Cùng bạn sẻ chia nỗi thăng trầm
Hôm nay xe về qua chốn cũ
Đường nhựa cầu cao phố thẳng băng
Ngôi nhà êm ấm không còn bạn
Đưa đón vui mừng rối lăng xăng
Xe đã chạy xa còn ngoái lại
Đâu đó quanh đây có mộ phần

NTH
19-9-2014

Hãy cứ là tình nhân!

Ở lứa tuổi bạn bè chúng ta hiện nay, có lẽ chẳng ai còn nhớ nỗi mình đã tham dự bao nhiêu đám cưới, có những đám thật gần: cùng xóm, cùng khu phố ; cũng có những đám thật xa: Đồng Tháp, Vũng Tàu, Sài Gòn, Đồng Nai; có những đám sang trọng ở thành phố với cung cách phục vụ mới lạ đẹp mắt, cũng có những đám vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn với cách tổ chức theo tập quán từng địa phương. Dân tộc ta chủ yếu làm nghề nông nên ngày xưa, thời gian nhàn rỗi sau khi thu hoạch mùa màng là lúc tổ chức cưới hỏi nên có “mùa cưới” hẳn hoi, giống như mùa nào cây trái đó. Ngày nay, với nhịp sống công nghiệp vội vã nên tranh thủ được lúc nào là cưới ngay (trừ mùa vu lan). Ở những tháng gần tết, việc cưới hỏi càng nhiều hơn, khẩn trương hơn, dường như ai cũng muốn tất toán mọi việc kể cả cưới vợ gả chồng để đón một năm mới vui vẻ, hạnh phúc.
Bao giờ cũng vậy, đám cưới không thể thiếu văn nghệ ca múa hát giúp vui chúc mừng cô dâu chú rễ. Sau những nghi thức còn gọi là thủ tục: gia đình hai bên ra mắt, kính thưa, cám ơn, rót rượu, cắt bánh vân vân; thường thì người dẫn chương trình khai mạc văn nghệ bằng một hoặc hai bài hát (vì lúc này mọi người đang bận… ăn), tiếp đến là những người tham dự tiệc cưới; trẻ thì hát những bài hiện đại mới mẻ, người lớn thì trình bày những ca khúc nhẹ nhàng lãng mạn, yêu đương làm cho đám cưới vốn đã vui càng vui hơn. Cách đây mấy năm, tham dự đám cưới con một người bạn học, mẹ cô dâu lên sân khấu khai mạc chương trình văn nghệ bằng bài hát Ngày hạnh phúc tình cảm sâu lắng làm cả hội trường thêm thân mật ấm cúng. Có đám cưới người bố lên hát bài Cho con của Phạm Trọng Cầu (Cha mẹ là lá chắn che chở suốt đời con… Con đừng quên con nhé cha mẹ là quê hương) như một lời khẳng định tình mẫu tử, lời nhắc nhở con cái đừng quên cội nguồn, nghe thật xúc động và đầy ý nghĩa.
Trong ca hát đám cưới cũng không thiếu cảnh dở khóc dở cười. Có anh chàng choai choai, tóc chải đầu chẻ nhuộm vàng xanh, lên sân khấu giật giật như đạp phải đinh gào thét theo trường phái cuồng loạn “Tôi là ai mà cứ mãi yêu em… em là ai mà cứ mãi yêu tôi…”, mình mà không hiểu mình là ai thì thần kinh có vấn đề rồi đó, cũng cần đi Biên Hòa một chuyến kiểm tra xem sao. Có anh trung niên lên sân khấu “ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang…” hoặc “năm anh em trên một chiếc xe tăng…” nhộn nhịp, rộn ràng; vậy là đám cưới có hình ảnh chiến trường, chiến tranh, mà có chiến tranh ắt có thương vong đau buồn; có người nói hát những bài đó giai điệu hào hùng làm cho đám cưới thêm sôi động, nhưng trong hàng triệu bài hát về tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình thiếu gì bài nhộn nhịp vui tươi. Có chị lên hát bài dang dỡ hoặc sang ngang, cũng may chưa nghe ai hát bài đồi thông hai mộ, có người hỏi “sao đám cưới hát bài kỳ vậy? -Tại vì bài khác em không thuộc”. Có ai bắt buộc mình hát đâu mà lo, chẳng lẽ người ta mời ra khỏi đám cưới nếu mình không hát à?...Tóm lại là hát búi xua, hát từa lưa; mạnh ca sĩ hát thì cứ hát, một hai ba dô thì cứ dô, nhạc xập xình hết công suất thì cứ xập xình; ở nông thôn đám cưới mà không ỉnh ỏi xóm làng là người ta chê liền.
Vừa rồi mới dự đám cưới của gia đình người quen ở cây số 23, tôi và một số bạn bè ở Mũi Né được xếp ngồi bàn khách quý, tức là gần sân khấu, nghĩa là gần 6 cái loa to bình chác nện ầm ầm; phải chấp nhận thương đau chứ sao giờ vì mình được chủ nhà quý trọng mời ngồi mâm trên. Cô ca sĩ vùng quê lên sân khấu, cô này là doanh nhân thành đạt trong giới mua bán thanh long, quan hệ rộng nên có mặt nhiều đám cưới ở huyện xã; mà đã dự đám cưới nếu không được hát là về ăn không ngon ngủ không yên; lần nào cũng thế, trước khi hát thế nào cũng có mấy câu mở đầu “do bất ngờ được mời hát nên chưa kịp chuẩn bị”, hoặc là “mấy hôm nay trời trở lạnh bị nhức đầu cảm ho…”; tuy thế, nhưng chưa bao giờ hát dưới 2 bài một lần. Còn giọng hát, nói thiệt tôi không dám khen chê hay dỡ, nhưng nếu so sánh thì phải bái nữ học sinh Chính Tâm chúng ta làm Sư Tổ chứ đừng nói là Sư Phụ. Sau lời mời của em-xi, cô mở đầu mấy câu quen thuộc, ẻo lả cất giọng “Hãy cứ là tình nhân - Để mong mỏi đợi chờ - Em không thích làm vợ - Không thích anh là chồng - Đừng là vợ là chồng - Hãy cứ là tình nhân…”. Trong khi đó cô dâu chú rễ cùng cha mẹ hai bên vui vẻ mãn nguyện đi từng bàn để nhận những lời chúc của khách trong ngày hệ trọng của hai gia đình, hai dòng tộc vì kết quả tốt đẹp của tình yêu đã đi đến hôn nhân; ai ai cũng mong muốn cho đôi bạn trẻ hạnh phúc suốt đời bên nhau.
Vì có công việc, tôi phải về sớm, nhà gửi xe cách mấy chục mét vẫn còn nghe mồn một “Em không thích làm vợ - Không thích anh là chồng - Đừng là vợ là chồng - Hãy cứ là tình nhân…”./.

* “Hãy cứ là tình nhân” ca khúc của Nhạc sĩ Tú Minh

Ảnh sinh nhật NTH (16-9-2014)




Lộn nhà!

Tháng này có nhiều ngày tốt hay sao mà đám hỏi, đám cưới lia chia. Vừa mới dự đám hỏi con trai ông anh, giờ đến lượt con gái thằng em, rồi tiếp tới dự đám Vu Quy con của một người thân ở thị trấn, cuối tuần thì ra Mũi Né dự Lễ Thành Hôn con của người bạn… Trên đường đi làm hàng ngày, vòm, rạp dựng lên dỡ xuống liên tục, trong xóm cũng có một đám hỏi vừa xong. Hay là do tồn đọng trong tháng 7 AL mùa Ngưu Lang Chức Nữ Vu Lan không ai dám tổ chức, chuyển qua tháng này giải quyết nốt.
Mới sáng sớm, được ngày thứ 7 nghĩ ngơi, vợ nhờ đưa gấp bộ áo dài cho một khách hàng cách nhà 4 cây số vì trưa nay đám hỏi con gái người ta, hôm qua có tới nhà lấy nhưng may chưa xong. Khách hàng này tôi biết rất rõ, hai vợ chồng đều là giáo viên dạy trường Thầy Ngôn (bạn Lê Chánh Ngôn, học sinh Chính Tâm làm Hiệu trưởng), có đứa con gái chung lớp với con trai tôi thời Trung Học. Ở nông thôn người ta ít khi gọi Trường Trung học cơ sở này, Trường Trung học phổ thông kia, dài dòng khó nhớ; hễ ai làm hiệu trưởng là gọi trường của người ấy cho ngắn gọn; chẳng hạn Trường Thầy Ngôn, ai ai cũng biết là Trường Trung học Cơ sở thị trấn Thuận Nam; hoặc Trường Cô Nhâm, ai ai cũng hiểu là Trường Phổ thông Trung học huyện Hàm Thuận Nam. (Chẳng lẽ mỗi lần thay Hiệu trưởng là thay luôn tên trường hay sao ta???)
Chỉ cần có thế, tôi phóng xe đi ngay để người ta chuẩn bị chu đáo cho ngày trọng đại của gia đình. Nhà của khách hàng này tôi đã tới một lần nhưng vào ban đêm nên chỉ nhớ mang máng; khó khăn gì đâu, hễ thấy rạp, vòm, trang trí xanh đỏ tím vàng phất phơ theo gió là trúng phóc. Mà trúng thật, đến nơi thấy treo hai chữ thật to “Đính Hôn” trên cổng hoa rực rỡ. Mạnh dạn đi vào. Cô gái khoảng trên dưới hai mươi gật đầu cười chào. Chẳng cần hỏi thăm mất thì giờ, tôi tỉnh bơ như người quá quen thuộc nói ngay “Cho chú gửi bộ áo dài cho mẹ”. Một thoáng ngạc nhiên ngờ ngợ cô đưa 2 tay ra nhận. Tôi linh cảm có điều gì không ổn hỏi thêm “Có phải đây là nhà Cô Hương Thầy Bình?”. Giọng Nghệ Tĩnh nguyên gốc chưa bị lai tí nào cất lên “Lộn rồi! Lộn nhà rồi chú ơi! Nhà Cô Hương Thầy Bình trong nớ tê”. Quê quá, xin lỗi, nhận lại bộ áo dài đi một mạch. Ở thị trấn thuộc khu vực dân cư quy hoạch, nhà nào cũng giống nhà nào, cũng ngần ấy mét đất chật hẹp, gia đình có công việc đám hỏi đám cưới cứ giữa đường mà dựng rạp, ai muốn qua chịu khó đi vòng đường khác, chẳng ai thắc mắc cho mất đoàn kết vì nay mai cũng sẽ đến lượt mình. Chỉ cách vài căn, cũng cái rạp đám hỏi, đây mới đúng là nơi tôi phải đến. Nhìn từ xa, trên một con đường, rạp này che khuất rạp kia.
Hú hồn! Nếu cứ thản nhiên giao rồi về thì trưa nay, có một người mẹ niềm vui không trọn vẹn vì không có bộ áo dài mới trong ngày con gái đính hôn; cũng có thể về tới nhà rồi phải quay lại một vòng nữa giao cho đúng chủ, kịp thời gian cho người ta đón đàng trai. Hôm nay, có lẽ cũng là ngày tốt nên đám nối tiếp đám, rạp nối tiếp rạp làm tôi lộn nhà./.

Bâng Quơ

Phú Quang  Đóng góp: Zing Mp3

Đôi khi ta nhớ một thoáng heo may
Đôi khi ta nhớ một sớm sương vây
Con đường mùa đông hàng cây lá đổ
Đôi khi ta thèm lang thang như gió
Đôi chân vô định về miền hư vô

Đôi khi em bỗng về giữa cơn mơ
Đôi khi ta hát lời hát nghêu ngao
Thương một vì sao giờ xa quá rồi
Đôi khi ta thèm nghe lời em nói
Dẫu biết bây giờ chỉ là xa xôi

Đôi khi mưa về
Ta thương em rừng xưa rũ lá
Đôi khi mưa về
Ta thương ta ngu ngơ bài ca
Đôi khi đêm dài
Ta thương con đường xưa xa vắng
Riêng em đi về
Đôi chân bơ vơ trong chiều phai
Đôi khi cuộc tình ngỡ đã nhạt nhòa
Bỗng chợt về với xót xa


http://mp3.zing.vn/bai-hat/Bang-Quo-Kasim-Hoang-Vu/ZWZCWZUD.html

Ghi chép - NGÀY KHÔNG QUÊN (2)

Từ Quốc lộ 1A rẻ tay trái, con đường nhỏ tráng nhựa gập gềnh độ hơn ba cây số, còn lại là đường đất nhấp nhô với những ổ voi khổng lồ đầy nước,  kết quả của những trận mưa lớn giữa mùa mưa, nếu chưa đi một lần khó mà đủ can đảm để vượt qua vì không thể nào đoán được nông sâu. Tám người trên chiếc xe nói cười quên cả mệt nhọc. Hai bên đường, những rẫy khoai Mì mênh mông chạy suốt tận chân trời; những đám Mè vừa thu hoạch còn trơ lại gốc lởm chởm chỗ thấp chỗ cao. Xa thật xa núi tiếp núi mờ dần theo từng thời khắc của hoàng hôn; giữa cảnh trí thiên nhiên bao la và hùng vỹ với vài ba căn chòi tạm bợ của nông dân giữ rẫy, nổi bật lên là trang trại bạn Ba kết, điện đóm sáng trưng xua đi màn đêm bắt đầu buông xuống.
Hơn ba mươi người đã tề tựu đầy đủ chuyện trò huyên náo, có cả gia đình sui gia bạn Đạo Châu. Chúng tôi tranh thủ trời chưa tối hẳn tìm củi cây chất thành đống chuẩn bị cho đêm lửa trại; bạn Kiệt dùng chiếc điện thoại di động thay cho đèn pin hì hục bằng mọi cách để lấy cho được chai xăng từ xe ra mồi lửa cho đêm nay.
Những chiếc lồng đèn được thắp lên, màu sắc lung linh trong tiếng nhạc, tiếng hát chúc mừng sinh nhật của 7 người có ngày sinh trong tháng 9, sau lời phát biểu của anh Tấn Hùng và chủ nhà Ba Kết, tiếng vỗ tay, tiếng cười, tiếng nói, tiếng đàn, tiếng hát náo động đánh thức cả núi rừng vốn yên ắng bấy lâu nay. Điều làm cho ai cũng bất ngờ là lần đầu em gái của bạn Tiến Đạo từ cao nguyên xa xôi Buồn Muôn Thuở (Buôn Mê Thuột) cũng có mặt tặng quà sinh nhật cho 7 bạn. Riêng chủ nhà còn có thêm chiếc chuông gió hồ lô tượng trưng cho sắc tộc Tây Nguyên. Rồi cắt bánh, rồi ca hát, rồi cười đùa inh ỏi. Điện trước sân vụt tắt, mọi người lần lượt nối nhau vừa đi lòng vòng vừa hát rước đèn Trung Thu như thuở còn thơ, dường như lúc này ai cũng quên mất mình đang ở tuổi trên dưới 60. Buổi tiệc tự chọn được bắt đầu, mỗi người một tay bưng bê bày món ăn và tự gắp múc với đủ các món từ biển đến rừng... Để chuẩn bị tiếp đón bạn bè, vợ chồng chủ nhà không ngại tốn kém sắm sửa đầy đủ bàn ghế chén bát ly bình kể cả mền mùng chăn chiếu gối cho ngần ấy người. Riêng bạn Đạo Châu sắm luôn dàn âm thanh di động có bánh xe tay kéo như cái vali khách du lịch.
Đứng vòng tròn quanh đống củi giữa trời đất bao la, bài hát gọi lửa cất lên, thần lửa từ xa đem lửa về bùng lên phá tan màn đêm u tối. Rồi hát, rồi nhảy, rồi múa tưng bừng; bài nối bài, điệu nối điệu, đơn ca, song ca, hợp ca cứ thế liên miên bất tận cho mãi đến khi ai nấy vả mồ hôi, lửa gần tàn, dàn âm thanh hết pin mới chịu nghĩ.
Chè hạt sen được dọn lên, bánh Trung Thu được cắt ra, bình trà nóng được rót từng tách, mọi người nhâm nhi thưởng thức và chuẩn bị đi nghĩ. Gian phòng chính xếp lớp người nằm, người ngồi; lâu lâu mới có dịp gặp nhau, chúng tôi rì rầm kể đủ thứ chuyện, thỉnh thoảng cười ré lên cho mãi tới gần 2 giờ khuya cả khu nhà mới chìm vào yên tĩnh.
Mờ sáng hôm sau, chưa kịp tỉnh giấc, tiếng đàn tiếng hát đã vang lên sôi động như báo thức. Bữa ăn sáng được dọn ra có phở, gà luộc…; Chương trình văn nghệ chúc mừng hạnh phúc của vợ chồng chủ nhà được bắt đầu: sáu mươi năm cuộc đời, túp lều lý tưởng được các bạn hồi sức sau một đêm nghĩ ngơi diễn đạt rất sinh động, có múa phụ họa; rồi hợp ca triền miên cho mãi đến lúc anh Tấn Hùng, bạn Ba Kết nói lời cám ơn mới chịu hát chia tay. Được biết, để có những bữa ăn ngon, phong phú, ngoài vợ của bạn Kết và một số bạn, vai trò chính vẫn là bạn Thuần, cô bạn học nhỏ nhắn trẻ trung mà hồi đó lần đầu gặp, tôi cứ ngỡ là con cháu của bạn nào!!! Thức đến 2 giờ khuya nhưng 4 giờ sáng đã đậy lo việc bếp núc; chưa hết, từ hôm qua đến giờ một trong những vai chính trong chương trình văn nghệ, ca hát, lửa trại cũng là bạn ấy.
Những cái bắt tay trao cho nhau trong giờ tạm biệt, có bạn đã ra tới xe rồi còn quay vào ngồi xuống ghế như lưu luyến điều gì. Riêng chủ nhà, không nói ra có lẽ ai cũng biết, cũng như những lần trước, sẽ rươm rướm nhìn theo người cuối cùng bước lên xe… Hôm sau, Nhung vợ Ba Kết điện cho Hương Trà: “các anh chị về hết, còn lại hai vợ chồng, buồn quá chị ơi”. Đúng là ngày không thể nào quên./. (hết)

Đà Lạt

Hoa Tigone

Ghi chép - NGÀY KHÔNG QUÊN (1)

           Ý tưởng có một đêm đốt lửa trại để tìm lại khoảng trời thời niên thiếu được bạn Kiệt đưa ra và dự kiến tổ chức vào dịp họp lớp lần thứ 17 năm ngoái song chưa có điều kiện nên chưa thực hiện được. Lần này, theo lời mời của bạn Ba Kết muốn tất cả các bạn chung niềm vui với gia đình vì vừa hoàn thành trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Thế là các bạn đi đến thống nhất vừa thăm gia đình bạn Ba Kết, vừa tổ chức sinh nhật cho 7 bạn có ngày sinh trong tháng 9, vừa đón mừng trung thu năm 2014 và vừa đốt một đêm lửa trại ca hát nhảy múa cho bái xái rã rời chân tay mới đã.
Trước một tháng, bạn bè gần xa nôn nao, sắp xếp công việc, í ới alô thông báo cho nhau; những bạn chủ chốt thì lo phác họa nội dung chương trình, tìm bài hát tập thể, lồng đèn trung thu, đặt bánh sinh nhật, thực phẩm ăn uống, phương tiện đi lại… mong từng ngày để được gặp  nhau. Rồi thì việc gì đến đã đến, sáng thứ 7, các bạn ở Sài Gòn đã ra đi khi gà chưa gọi sáng, chuông điện thoại của người ngồi trên xe, người đang ở nhà, người Phan Thiết, người Bắc Bình cứ rung lên liên tục, “đến đâu rồi? -Tụi mình ra trước nha! -Bọn tui chờ xe bus! -Nhớ đón Ngọc Hùng ở ngã ba Kim Ngọc!...” cứ thế mà nhốn nháo inh ỏi cả lên. Riêng tôi lại trúng ngày làm bù nên mãi đến gần 4 giờ chiều mới xong việc với một Công ty tại Phan Thiết, tức tốc phóng tắt theo đường Tôn Đức Thắng nối dài để đón xe bus tại đường 19/4 Phường Xuân An. Trời Phan Thiết như trêu ngươi, bên này vòng xoay siêu thị Lotte nắng chang chang, bên kia thì mưa như trút, thế là phải tìm đường qua cầu Sở Muối mới đến được điểm hẹn. Chúng tôi là tốp cuối cùng lên đường ra nhà bạn Ba kết.
Những chuyến xe bus cuối tuần chạy ra hướng Bắc người chật cứng như nêm, nhưng hễ có khách là dừng, là đón, bất kể trên xe khó khăn lắm mới kiếm được chỗ đứng. Không những chở người mà còn chở đủ mọi thứ, kể cả hàng hải sản; lại tấp vào cây xăng đổ nhiên liệu, cửa lên xuống khóa kín mít, máy lạnh trên xe có trang bị nhưng để nhìn chơi, không một chút gió lồng vào, nóng như ngồi trong lò bánh mì; mọi thứ mùi trong xe hòa quyện với nhau bốc lên thành cái mùi chưa có trong danh sách của Bách khoa toàn thư. Dọc theo hai bên đường bị đào, móc, bới thành những hầm, hố, hang với những ụ đất, đá ngổn ngang như đất nước vừa xảy ra chiến tranh. Chiếc xe cứ thế vòng vèo lượn theo những khoảng trống trên đường; người ngồi trên xe nghiêng ngã theo nhịp điệu lắc lư con tàu đi.
Vào đến thềm nhà bạn Ba Kết (Liên Phát) cũng là lúc vợ chồng Đàn Phước Chợ Lầu vừa tới, chúng tôi ai nấy rã rời ngồi duỗi chân chài bài. Con gái bạn Ba Kết cười chào chúng tôi: “Con nghe nói chỉ có 3 cô chú nên đưa honda đón vào; 7 người để con điện cho Ba”. Chiếc Innova 7 chỗ bạn Kiệt lái tức tốc vượt 7 cây số đường rừng ra đón chúng tôi. Trong khi chờ đợi, bạn Lãn vào bếp lục được xấp bánh tráng mỏng nhúng nước và chiếc bánh trung thu đem theo. Mọi người xúm nhau nạp năng lượng cho cuộc hành trình tiếp theo./.
(còn nữa)

Nhà quay phim tài ba

           Từ khi Cơ quan giao cho quản lý cái máy chụp hình nhỏ xíu chỉ bằng gói thuốc lá, Chàng ta trở thành tay phó nhòm hồi nào không hay, đi đâu cũng kè kè trong túi xách hoặc trong cốp xe. Gặp gì cũng chụp, cũng chớp ra vẻ chuyên nghiệp và cũng để… khoe luôn. Trong trí tưởng tượng phong phú của Chàng, có lẽ bà con gần xa thấy mà thán phục.
Chưa dừng lại ở đây. Phát hiện đơn vị cùng khối Cơ quan có cái máy quay phim, ít sử dụng, thế là Chàng ta mượn và chiếm dụng từ tháng này qua tháng khác luôn, khi nào đơn vị ấy cần thì trả lại, (mà trả thì hơi khó mượn lại đấy). Từ đó: họp bạn, họp lớp, họp vài ba người, trong phòng, dã ngoại, dưới biển, trên núi thế là chớp chớp quay quay; bạn bè lâu ngày gặp nhau, bạn bè ở xa về thăm, bạn ở nước ngoài về gặp, đám hỏi, đám cưới, đám giổ, sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi cũng quay quay chớp chớp. Khi nào chàng quay, nhờ cô vợ chớp dùm; khi nào cô vợ quay thì chàng lên phát biểu. Cứ thế cặp đôi ăn rơ với nhau như cầu thủ trên sân bóng đá.
Nhưng chỉ chụp, quay rồi cứ thế mà đưa lên blog thì đơn điệu quá, Chàng ta tiếp tục nghiên cứu, mày mò biến những tấm hình thành những liveshow mờ mờ tỏ tỏ, lật tới lật lui; cắt, ráp, nối, làm những hàng chữ giới thiệu trong những thước phim chạy lên chạy xuống, vòng vèo quanh co thêm phần sinh động. Từ chỗ nghiệp dư, tức là tầm cỡ chòi quay phim, tiến lên một bước nhà quay phim, chắc trong tương lai là biệt thự quay phim. Thỏa mãn với những gì mình đã làm được (mặc dầu không giống ai), Chàng ta tự phong cho mình là nhà quay phim tài ba. Khi đã đạt tới đỉnh vinh quang của sự nghiệp quay phim, chụp hình, Chàng ta mới sực tỉnh đăm chiêu suy nghĩ: Nếu một ngày đẹp trời nào đó, cơ quan không còn giao cho Chàng quản lý máy chụp hình nữa; đơn vị kia thu hồi lại cái máy quay phim vì chiếm dụng quá lâu. Lúc ấy cái sự nghiệp kia vừa lòe sáng chợt vụt tắt mới đau làm sao? Có nước giải nghệ về hưu cuốc đất trồng thanh long.
Đúng là nhà quay phim tài ba được xếp hạng nhất nhưng tính từ dưới lên./

Hoa và Đa lạt.

Ngọc Lan Hotel tại chợ Hòa Bình Đà Lạt 

Đà lạt

Đà lạt chiều 6-9 mưa . Hôm sau 7-9 nắng chút đỉnh chụp được mấy ảnh này.
( Máy compact Nikon S 100)

Về Nơi Đèo Heo Hút Gió

    Từ ngoài đường quốc lộ 1 hướng Phan-rí quẹo trái vô trang trại ba Kết 7 km. Một nửa đường tốt tráng nhựa, nửa còn lại tới nhà đường đất nhiều hố nước mưa lở sâu. Xe hơi cao gầm loại 7 chỗ đi được, xe bốn chỗ chịu thua, tiện nhất xe hai bánh. Con đường này tương lai tráng nhựa đi ra tới Ma-lâm.
      Tôi nghĩ một chốn heo hút như hôm nay vài năm nữa sẽ đổi khác. Hiện tại nhà xài đường dây điện riêng kéo tới nhà cách vài cây số cho sinh hoạt tiện nghi như đô thị. Điện chạy máy bơm nước tưới tiêu vườn cây trái chung quanh nhà hai hecta, thắp sáng hai trại nuôi gà, bồ câu. Còn rẫy khoai mì 15 hecta xa xa ngoài chân núi có người làm. Thêm chiếc xe Toyota Fortuner mới mua chạy vô ra từ nhà xưởng rang hột dưa Liên Phát vào trang trại. Một cơ ngơi đồ sộ do vợ chồng bạn từ tay trắng gầy dựng nên đến nay tài sản cũng bộn.
      Tôi viết về bạn như một tấm gương vượt khó đi lên làm giàu chân chính cho mình cho xã hội. Có lần bạn nói, không còn muốn sống trước một dòng sông chảy xiết, vì quá cơ cực khổ sở mọi thiếu thốn. Tôi thấy bạn rươm rướm nước mắt.
      Tôi mệt đường dài nằm trên võng sau nhà, bạn ngồi kề bên nói chuyện rất thân. Bạn kể hai vợ chồng về đây ở luôn được vài tháng, cái nhà xưởng sản xuất giao cho con gái nó làm, còn bạn thủ trang trại sống dưỡng già. Nơi đây yên tịnh, không khí trong lành, sáng cho gà ăn, tưới cây trái không còn lo nghĩ nhiều thật an nhàn. Sáng pha vài gói artichaut để uống trong ngày cho mát gan, không còn rượu chè say sưa be bét. Khoản nầy chắc chắn vợ mừng, đồng ý hai tay… cùng lập rẫy.
      Đàn bồ câu thịt vài mười cặp mới gầy dựng đang sinh sản. Thỉnh thoảng tôi giật mình vì tiếng đập cánh phành phạch của đàn bồ câu lên không trung, chúng lượn tròn thật vui mắt. Đàn gà rượt đuổi nhau trong vườn ổi xá lị đầy trái bọc trong túi ny-long treo lủng lẳng, những con bí quá nhảy đu đưa trên cành đánh võng. Tiếng gáy gà cha, tiếng tục tục gà mẹ gọi con khi tìm được mồi làm nên cảnh đồng quê sinh động. Sống trong cảnh này ký ức của tuổi thơ trong tôi quay về thật an bình êm ấm cho tâm hồn.
      Tôi bước lên nhà trại nuôi gà cho cả trăm con. Thấy mấy cái bội lưới đang úp có vài bầy gà con mới rời ổ mẹ đang chăm. Trên cao hàng kệ rổ, vài cái rổ có gà mẹ đang ấp. Dưới sàn vài con bồ câu ở trại kế bên qua kiếm ăn. Trại bồ câu có kết cấu khác, nhiều ổ chim bằng hộc gỗ sát nhau, nhiều tầng dành riêng cho mỗi cặp, nhiều ổ có con. Một khoảng trống gác nhiều sào tre cho chim đậu rỉa lông giữ con canh vợ. Nhìn cảnh vợ chồng chim gà lo cho con tất bật, người nuôi cũng bị lây tình cảm gia đình đầm ấm hạnh phúc quây quần bên nhau ríu rít suốt ngày.
      Tôi cùng các bạn ngủ lại một đêm yên vắng giữa núi rừng, ngoài kia trăng soi vằng vặc chỉ còn nghe tiếng gió rít lành lạnh. Tôi dời vài chỗ nằm, cuối cùng cũng tìm được một nơi ấm, thiếp đi.

NTH

12-9-2014

100 từ. BẠN CHÚNG TÔI

     Bạn mọi cuộc vui buồn lớn nhỏ gì gần như có mặt trong nhiệt tình, tình cảm, dù cách Chúng Tôi 25km. Bạn là người đưa ảnh lên Blog mà đa lần chụp ảnh quay phim không thiếu ảnh ai chỉ không có Bạn dù rất muốn. Bạn sống giản dị hòa đồng luôn hy sinh không cần hay biết. Có lẽ tánh khí đó mà Bạn Bè đã bầu làm Lớp Trưởng hơn 45 năm nay cùng cái tên đúng nghĩa.
     Ai đó có một lần sinh hoạt, nhìn là biết hiểu đúng cái tên PHAMĐINHNHAN. Bạn Chúng Tôi.  

               Phan Thiết, Ngày 12.9.2014
                     NGUYENTIENDAO

   @ Lúc may mắn Bạn Bè biết Chúng Ta, lúc bất hạnh Chúng Ta biết Bạn Bè.
                             Collins       

     + Gởi PHAMĐINHNHAN vì Bạn chỉ có 1 tấm ảnh duy nhất, 100 từ này thay thế hình của Bạn. Mọi người hãy đồng cảm.

Những hình ảnh khó quên

TRANG TRẠI BA KẾT - Tạm biệt

TRANG TRẠI BA KẾT - Đêm lửa trại

100 từ. CẢM XÚC VẪN CÒN

    Tôi trông đợi cái ngày hôm ấy đã 45 ngày, đúng hơn cái đêm hôm ấy mà thật đáng trông đợi, thật không tưởng cái cảm giác thích thú ấm cúng hạnh phúc và cảm động ở tuổi gần 60 cùng 3 Người Anh chia cảm giác này, cái cảm giác mà khó ai tìm ra chắc chắn thế, Cảm giác ấm cúng Bạn Bè tứ xứ lại gặp nhau ở nơi đồng quê núi rừng, giờ Tôi vẫn còn dư hương của cảm giác đó.
     Hãy để cảm xúc ấy trôi chảy như dòng suối đẹp khó tìm thấy.

             Phan Thiết, Ngày 9.9.2014

                  NGUYENTIENDAO

   @ Bạn phải buồn thì Bạn mới thấy Quý Hạnh Phúc.

                        Eileen Parra

TRANG TRẠI BA KẾT - Đón Trung thu

Đêm Lửa Trại

       Đi dự “Sinh nhật tháng 9” về ngủ một đêm thật ngon. Trong cơn mơ còn thấy mình cùng các bạn đang vui bên tiếng đàn hát ca, bên ngọn lửa bập bùng đêm khuya. Dưới ánh trăng sáng soi đêm rằm trung thu, giữa khung cảnh núi rừng trùng điệp của quê hương Hàm-thuận-Bắc.
      Tôi trông đợi một đêm huyền diệu như thế, bởi tôi chưa biết dự hội đêm đốt lửa trại. Buổi chiều mây giăng gió rừng se lạnh, cơn mưa hôm qua còn ẩm ướt, những khúc gỗ mang ra chuẩn bị còn giọt nước. Đêm nay sẽ ra sao giữa mùa mưa bão, đêm trung thu thường hay mây mù mưa gió. Tôi đang lo lắng bồn chồn.
      Và cái gì đến rồi sẽ đến, ngày giờ vui chơi đã ấn định hơn tháng trước rồi không có thay đổi. Người các nơi tập trung về hơn ba mươi người một lượng quá lớn ngoài tiên lượng ban đầu. Tôi nói chủ nhà gồng, nhưng hôm nay thấy cái nhà mới thật sự gồng, muốn phình ra như cái bụng rộng lượng của gia chủ luôn mĩm cười ngoắc vô. Sau nhà gần chục cái võng mắc sẵn màu nhà binh nhìn như cái trạm giao liên, lắc lư. Nhà bếp rộn ràng nhóm lửa, chén bát thau chậu khua rổn rẻn. Nhà trên ban nhạc đang tập dượt lần cuối ì xèo. Phá tan cái yên ắng hằng ngày của đôi vợ chồng tìm nơi an hưởng điền viên.
      Ban tổ chức hội ý phân công chớp nhoáng. Buổi lễ mừng sinh nhật bắt đầu trong màn đêm buông xuống. Trời sáng trăng thật trong, hào quang rộng lớn giữa ruộng đồng, phía xa dãy núi sẫm màu. Một đêm trời đất cùng con người giao hòa bình an. Tôi thầm cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi một món quà thật đáng giá. Những chiếc lồng đèn chấp chới treo trước cổng, trên cành cây, dọc bờ rào hai bên. Sáng lung linh huyền ảo ngỡ như chốn bồng lai tiên cảnh, cùng chị Hằng trong đêm trung thu rước đèn.
      Sau bài hát đồng ca… hú hú, ngọn đuốc bừng sáng ngoài đồng bất ngờ chạy thẳng đến nhóm bùng lửa trại. Ngọn lửa cao vút giữa đất trời bao la… hú hồn…ngất ngây.

NTH
8-9-2014

TRANG TRẠI BA KẾT - Mừng Sinh nhật

NGÂN VANG TIẾNG RỪNG RẠO RỰC!

Đêm trở mình giấc mơ thành hiện thực,
Gần biết bao hơi thở ấm bạn bè.
Sương khuya giăng...trăng vằng vặt nương mè,
Ánh lửa trại âm ỉ còn thắp sáng.
Nằm bên nhau lòng yêu thương vô hạn,
Giữ trong đời bao giây phút say mơ.
Tiếng nói râm ran,rừng đã dậy bao giờ,
Gà gọi sáng,ngoài kia trời tĩnh mịch.
Lại đảm đang nàng Thuần phi mậu dịch
Tất tả chăm lo cơm phở thết bạn mình.
Tôi đã no say đúng nghĩa ân tình
Chăn nệm ấm êm tiếng đàn Hùng ngọt dịu.
Lại hát ca,Kiệt nhà ta đúng điệu,
Chọc em hoài.....mong tình muộn đắm say.
Hạnh phúc tràn đầy lan toả ngàn mây,
Xin cầu chúc thuyền tình neo bến đợi.
Thương làm sao giọt chia tay vời vợi
Anh Ba ơi ai tả  nỗi lòng đầy.
San sẻ,niềm vui ngập tràn mắt hôm nay,
Chào anh nhé và hẹn ngày lại đến.....

Đêm sinh nhật, trung thu, lửa trại

Tại Trang trại bạn Ba Kết - Bình Tân, Bắc Bình  6-7/9/2014

Đêm sinh nhật: Anh Hùng; các bạn: Ba Kết, Thuần, Kiệt, Châu, Lộc, Loan



 Đêm lửa trại mừng Trung thu năm 2014


 Hát mừng trang trại Ba Kết