F tháng 1 2020 ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


TẾT ĐẾN TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng cứ mỗi độ xuân về, Tết đến những ký ức tưởng chừng như ngủ quên trong tôi bỗng bừng thức, bồi hồi và xúc động.

Ngày trước thời tiết không đỏng đảnh, mưa nắng bất chợt như bây giờ. Hết mùa nắng nôi rát bỏng lại đến đông dài lê thê, rét buốt. Cứ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, trời mưa liên miên, xối xả, lạnh giá căm căm bởi gió bấc tràn về. Hết tiết tiểu hàn, đại hàn, chớm lập xuân là chỉ còn mưa lây rây, lất phất. Lúc bầu trời có nắng ấm dần lên cũng là thời điểm mọi nhà lo gieo trồng vụ đông xuân và âm thầm chuẩn bị cho cái Tết đang đến gần. 

Bà cháu. Ảnh: NGUYỄN TẤN PHÁT

Nhà tôi ở vùng ngoại ô, trong một xóm nhỏ nghèo đêm đêm mơ về thị xã sáng bừng ánh điện. Đất đai chỉ toàn cát với sỏi, nhưng tình người thì đậm đà, giàu lòng nhân ái, ấm áp và chan hòa. Thời buổi chiến tranh, dân các nơi tản cư về đây ngày một nhiều. Xóm nhỏ yên bình trở nên đông đúc, chộn rộn, nhưng không xô bồ. Dân tản cư biết phận mình, họ sống khép nép, nhường nhịn. Vì phải xa quê, họ làm đủ thứ công việc kiếm miếng ăn qua ngày, mong cuộc chiến qua mau để sớm được về quê quán. Rất nhiều gia đình không biết Tết là gì.

 Hiểu được cảnh đời những gia đình tạm cư, mẹ tôi hay rỉ tai các cô, các bà trong xóm tìm cách giúp những người nghèo kiệt theo cái kiểu của người nghèo là “của ít lòng nhiều”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

 Không như người ta hay nấu bánh tét vào ngày 30 Tết để đến đêm vừa canh bánh chín, vừa đón giao thừa, mẹ tôi nấu bánh tét vào chiều 28 hoặc 29 tháng Chạp để còn kịp biếu bánh cho vài gia đình. Không biết mẹ xoay xở tiền nong ra sao mà nồi bánh tét năm nào cũng to ụ, vớt ra để đầy cả cái nong mẹ thường phơi lúa. Ngồi quanh ánh lửa bập bùng của nồi bánh tét, mẹ không kể chuyện cổ tích, chuyện ngày xưa mà thường hay nhắc: “Các con à! Mình có miếng ăn thì phải luôn nghĩ đến những người đói khát. Cuộc đời chẳng ai biết trước được điều gì”.

 Mẹ dặn thế, em tôi còn quá nhỏ không thể hiểu được. Riêng tôi khi được mẹ giao công việc hệ trọng là sáng 30 Tết bưng mấy đòn bánh tét cùng vài lọ củ kiệu sang biếu cho bà Quý, bà Hoài, bà Ba... trong xóm, tôi lờ mờ hiểu ra điều mẹ nói. Nhìn ánh mắt quá vui của các bà khi nhận món quà quê của mẹ, tôi lại hiểu thêm một điều là mẹ tôi đã san sẻ cái Tết cho những người nghèo hơn mẹ. Thì ra, Tết không ở đâu cao xa mà có lẽ bắt đầu từ những điều bình dị nhất.

 Rất nhiều câu chuyện từ thời ấu thơ đong đầy trong ký ức của tôi, nhưng nhớ nhất là chuyện về một bà mẹ nghèo không có được tấm áo lành lặn để mặc Tết.

 Năm ấy, còn nhớ là chỉ một vài ngày nữa là đến Tết, mẹ bảo tôi mang sang cho bà cụ hàng xóm hai đòn bánh tét và chừng năm lon gạo trắng. Cụ Ngợi năm đó chưa đầy 70, nhưng hom hem, gầy yếu. Trong ánh chiều tà, cái dáng bà cụ ngồi bên mái hiên lom khom, lụi cụi vá áo trông thật tội. Kể chuyện này với mẹ, mẹ lặng im không nói một lời.

Đến ngày mồng một, hai mẹ con đi chúc Tết, tôi thấy bà cụ hàng xóm mặc đúng cái áo màu tro của mẹ. Tôi thầm trách mẹ, nhưng mẹ bảo: “Chiếc áo này mẹ đã mặc mấy lần rồi. Thôi thì đến lượt bà, để có Tết”. Thời ấy, áo quần còn là của quý, không thừa mứa như bây giờ. 

Mái nhà xưa. Ảnh: Đoàn Vương Quốc

 Lớn lên theo dòng đời xuôi ngược, nếm trải đủ cả niềm vui nỗi buồn, tôi dần hiểu được ý nghĩa thiêng liêng và nhân văn của Tết dân tộc. Tết là sự khởi đầu cho những ước mong tốt đẹp, là dịp để tỏ lòng tri ân cha mẹ, ông bà, tổ tiên, hướng về cội nguồn. Trong thời khắc giao hòa giữa đất và trời, giữa cõi tục và chốn linh thiêng, lòng người cũng rộng mở, muốn làm việc thiện, đem những điều tốt đẹp đến cho mọi người.

 Tết mang ý nghĩa thiêng liêng, nhưng Tết cũng đến từ những điều rất bình dị. Tết là tấm áo mới mẹ dành dụm tiền may cho những đứa con để được xúng xính cùng bạn bè đi chơi xuân. Tết là nồi thịt kho tàu, là bánh tét, củ kiệu, dưa hành, là những món ngon ngày thường không có được. Tết là hoa vạn thọ nở rực vàng một góc hiên nhà, để mãi lặng sâu vào ký ức tuổi thơ. Tết là phiên chợ quê rộn rã sắc màu, là dáng tất tả của các mẹ, các chị đi sắm Tết. Những điều bình dị ấy đã làm nên Tết, làm nên hồn dân tộc.

 THANH TÁNH

TẾT VỀ THIẾU MỘT CÀNH NÊU

Ký ức Tết trong tôi: Tết về thiếu một cành Nêu

Ngày nhỏ, tôi thường quấn quýt bên ông ngoại, cái tính trẻ con nên thấy gì cũng tò mò, hỏi vặt. Những câu hỏi kéo dài không dứt, từ chuyện nọ lại xọ sang chuyện kia. Ấy thế mà, lúc nào ông cũng cười hiền giải đáp. Ví như cái dạo tôi núp sau bờ rào, lén nhìn cái sào đầy màu sắc bên sân nhà hàng xóm. Ông lại gọi về, hồ hởi bảo “Ngó làm gì con, nhà mình cũng dựng cành Nêu ngay mà!”

Thiếu thời năm ấy, tôi chẳng biết cành Nêu dựng để làm gì, nhưng trong làng nhà nào cũng phải dựng. Thậm chí, ông còn quả quyết, Tết về mà không thấy Nêu, dưa hành kèm thịt mỡ, thì có bánh chưng xanh cũng chẳng gọi là Tết. Thế rồi, khi ngọn gió mùa lùa qua ngõ ngách, nhánh đào phai lún phún điểm thêm hồng, tháp chùa rung lên tiếng chuông rằm tháng Chạp, vị sư già mở cửa cổng tam quan. Ông nhẩm tính đếm bao ngày đến Tết, để dựng Nêu kịp tiễn Táo đi chầu...

Ảnh minh họa: IT

Nêu theo phong tục làng tôi là thân cây tre cao tầm 5 – 6 mét, còn nguyên ngọn đổ cong, cành lá phải được cắt tỉa gọn gàng và trang trí thật bắt mắt. Vậy nên, tôi đâu ngạc nhiên gì khi mà riêng chọn thân Nêu dẫu mất cả ngày vẫn chưa vừa ý. Ông tôi lại cầu kỳ, tỉ mỉ, vừa đến độ hai mươi đã dẫn bác băng qua từng bờ bụi, tìm những bụi tre góa tươi màu xanh thẫm. Nhớ đợt tôi thắc mắc sao không chặt đại một cây, ông mới cẩn thận giảng giải. Nêu đại diện cho gia đình, cốt cách và nề nếp. Người ta nhìn thân Nêu, nếu thân thẳng trang trí đẹp đẽ thì nhà ấy hẳn là chính trực, không luồn cúi tiểu nhân và ngược lại.

Nghe thật mông lung, nhưng làng tôi là vậy. Trông mặt mà bắt hình dong vốn đã thành quan niệm cố hữu. Chỉ thoáng qua thôi cũng đoán định ban đầu. Giống như ngọn Nêu làm qua loa không đúng phong tục hay cải biên quá thể thì chắc chắn bị chê cười khắp xóm. Buổi làm Nêu nhà quây quần sum họp. Người với người không ai bảo ai mà tụm nhau xúm lại, cắt giấy, vẽ câu đối, đan bầu rượu, rồi lẩm bẩm vài câu ca quen thuộc:

Nêu ơi! Nêu à!

vắt vẻo đầu nhà

gắn đèn lồng đỏ

bùa vàng xung quanh

đưa đường tiên tổ

chấn đuổi tà ma…

Lời xưa truyền lại, làng tôi trước kia là vùng giáp biển, ma quỷ hoành hành, Phật thương dân lành bèn hóa phép để áo cà sa phủ dài bờ cõi, dẫn dân ta đánh đuổi bầy quỷ dữ. Trước khi đi, quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho.

Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để quỷ không bén mảng đến chỗ người cư ngụ. Trên Nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa quỷ.

Năm nào làm Nêu ông cũng kể câu chuyện cổ xưa ấy, nhắc đi, nhắc lại với sấp nhỏ chúng tôi rằng, ngọn Nêu truyền thống bao giờ cũng treo một vòng tròn nhỏ, buộc đủ thứ khác nhau như vàng mã, các lá bùa trừ tà, nhánh xương rồng, cành lá dứa, bầu rượu bện rơm, giỏ tre, cá chép… Ngoài ra thêm khánh đất hoặc chuông gió, tiếng leng keng vang hoài theo gió, cuốn hết những dư âm ồn ào năm cũ, để đón một năm an lành thịnh vượng.

Ngày lên Nêu vội tiễn Táo đi chầu, sớm 23 đã reo hèo í ới. Ông tôi chỉ đạo mấy bác cậu chôn cây ngoài đầu cổng. Quanh thân quấn dây cờ tam giác, đứng sừng sững giữa trời sương gió như một vị thần thủ hộ khiến lòng người an tâm. Nêu che chở cho người ta vui Xuân, đón Tết. Suốt 23 tháng Chạp đến tận mùng 7 tháng Giêng âm lịch mới hạ xuống đón Táo vào nhà. Xong xuôi mọi việc, con cháu quây quần làm cơm, chúc rượu. Ông tôi vui cười dặn năm tới lại thế này.

Chỉ là, năm sau hoa đào nở, giấy thơm mùi mực mới nhưng ông đã không còn...

Mưa tháng năm dắt ông về với tiên tổ, ôm theo cả những hoài niệm ngóng trông về cái buổi làm Nêu sau này. Dù bác tôi vẫn dương Nêu tháng Chạp, song ồn ào với cậu mà chẳng vui.

Làng bắt đầu hội nhập, người ta bỏ dần những tập tục rườm rà, bớt đi cả niềm vui hội hè. Nêu khuất lại sau mái nhà đỏ chói, chen chúc với đào, mai rồi lay lắt qua ngày. Ngay cậu tôi cũng bảo dựng làm gì, phiền phức, mất thời gian. Mặc bác tôi một lòng kiên quyết, rượu ngà ngà, bật khóc chợt thốt lên: Nhà có làm Nêu mới đoàn kết, thân tình.

Có lẽ, bác tôi cũng như ông, trồng Nêu chưa chắc vì tin nghĩa quỷ thần. Nhưng, nhớ nhung cái cảnh gia đình đoàn tụ, chung tay đồng lòng hoàn thành một việc gì đó mà dựng Nêu làm cớ. Kéo con cháu xa gần, đi đâu còn ghé lại, nhớ Tết về vui họp buổi đoàn viên.

Ông mất, bác còn, Nêu vẫn đứng

Vắng Nêu, ông mất, bác không còn...

Hôm rồi về quê, mẹ bảo bác sắp mất. U não ngược dòng mang bác làm con trẻ, gặp ai cũng cười hềnh hệch. Mẹ ngồi buồn xoa chân giúp mới hỏi, thế Tết này anh có dựng Nêu không?

Bác tôi lắp bắp, tiếng “có” chẳng thành câu. Rồi Xuân về xốn xang ngoài ngõ nhỏ, bóng đào mai khoe sắng thắm trong nhà. Tôi vẫn vui, dẫn vợ sang chúc bác, nhưng Tết này... thiếu vắng một cành Nêu.

Lê Ngọc

BÊN BÀ LÀ TẾT, BÀ ƠI!


Ký ức Tết trong tôi: Bên bà là Tết, bà ơi!
Năm nào cũng vậy, những chuyến tàu rầm rập trên tuyến đường ray vắt qua khu phố nườm nượp biển hiệu quảng cáo lại báo hiệu cho cháu một cái Tết đang hối hả tìm về giữa guồng quay bộn bề công việc. Khi ấy, tâm khảm cháu bỗng khắc khoải hiện lên hình bóng thân thương của bà cùng một miền ấu thơ bình dị…
Trong trang sách cháu học, người ta thường viết, mùa xuân là mùa đoàn viên, sum họp, mùa của hạnh phúc gia đình. Vậy mà, mùa xuân đối với bà cháu mình lại là mùa mỏi mòn ngóng đợi. Vì nợ nần túng quẫn, cha mẹ cháu phải bỏ xứ vào tận Sài Gòn làm thuê. Hai anh em cháu, một tay bà chăm lo, nuôi nấng.
Mỗi độ mùa xuân sắp sửa nhón chân qua biên giới của năm cũ và năm mới, bà thường ra đứng trước ngõ, ngoái trông những chuyến tàu vội vã ngang qua cho đến lúc tiếng còi dài khuất sau cánh núi xa xa mà không giấu nổi những vệt buồn thầm lặng hằn in trên gương mặt già nua, khắc khổ. Thêm một cái Tết nữa, cha mẹ cháu không về…
Ảnh minh họa.
Tất thảy mọi chi phí trang trải mấy ngày Tết của bà cháu mình đều trông chờ vào khóm dong nách tường, vài buồng chuối cau và vườn rau cải bắp. Năm ấy, trời rét đậm, rét hại lại kèm theo sương muối và mưa phùn âm ỉ suốt ngày. Những buổi sáng giá buốt, bà lật đật dậy sớm, mặc áo tơi ra vườn bón tro giữ nhiệt cho từng gốc cải, bụi dong.
Nhưng, chúng cứ cháy lá dần rồi trụi trơ tận gốc. Mấy buồng chuối cau vẹo vọ mãi không tài nào lớn nổi. Con chó mẹ tai to đang lùm lùm bụng chửa bị cảm lạnh, sau ba ngày rên hừ hừ bên xó bếp cũng bỏ bà cháu mình mà đi. Bao nhiêu đen đủi đổ ập vào nhà mình dồn dập…
Tết càng đến gần, nỗi lo càng trũng sâu trong đôi mắt quầng thâm của bà. Bà ngậm ngùi: “Tết này, bà lại nợ các cháu một bộ quần áo mới”. Bên hiên nhà, bà ngồi miệt mài đường chỉ mũi kim may vá lại đống đồ cũ cho anh em cháu. Những chiếc áo vải thô từ thời của chú, cháu đã mặc mấy năm ròng, nay, bà tỉ mẩn bóp nhỏ eo, thêu thêm chùm hoa màu hồng rực rỡ, truyền lại cho út.
Bà bảo, cháu là con trai thì sao cũng được chứ út là con gái mà phải mặc lại những chiếc áo bạc màu ấy, nghĩ tồi tội, tủi thân cho nó. Có lần nhìn đứa bạn nhà bên mặc váy, út thích lắm, nhưng vẫn gượng lúc lắc bím tóc đuôi sam: “Chân tao bị vòng kiềng nên mặc váy ngắn không đẹp”. Đang mót những chiếc lá dong cuối cùng còn sót lại sau đợt rét, nghe út nói vậy, bà lén gạt những giọt nước mắt mờ đục chảy lan ra theo rãnh nứt chân chim…
Tết của bà cháu mình thật đạm bạc, đơn sơ. Chiều Tất niên, trong gian bếp nhỏ chật chội, bà ngồi lom khom gói những chiếc bánh chưng xanh nhiều đỗ ít thịt, còn anh em cháu lăng xăng quét dọn nhà cửa, rửa sạch chén bát, nồi niêu. Ngoài cổng, những nụ đào chúm chím thi nhau nở nghiêng sắc hồng. Đàn chim ríu rít chở nắng về sau một chuyến thiên di rã cánh.
Theo từng đợt gió đưa nhè nhẹ, mùi hương trầm, mùi cá thửng kho mật và nồi thịt mỡ nấu đông… cứ thế phả ra khắp lối nưng nức, đậm đà. Khoảnh khắc này, nơi phương xa, chắc cha mẹ cháu đang nhớ nhà quay quắt?
Sau bữa cơm Tất niên, bà bối rối dặn dò: “Con… chó nhà mình vừa chết. Tết năm nay, các cháu chỉ chơi loanh quanh trong nhà thôi. Đừng… chạy nhảy lung tung sang nhà các bạn. Phải… kiêng cữ đến… hết Tết”.
Hai anh em cháu ngoan ngoãn dạ dạ, vâng vâng rồi chui vào góc buồng, hí hửng cắt giấy thủ công làm phong bao lì xì, nhét vào đó những mảnh giấy nho nhỏ ghi các mệnh giá tiền 500, 1000, 2000 đồng, đóng vai người thân, chơi trò mừng tuổi. Bà mừng tuổi cháu hai nghìn. Bố mừng tuổi con một nghìn. Mẹ mừng tuổi con hai nghìn. Anh mừng tuổi em 500 đồng thôi. Ôi, anh keo kiệt thế thì hỏi sao sau này ế vợ. Và cả hai bụm miệng cười khúc khích.
Bà bảo, mang những phong bao lì xì ấy xếp vào hộp bút rồi đem giấu trong chum lúa, Tết năm sau, các cháu sẽ được mở ra một điều kỳ diệu…
Đúng như lời bà nói, hai mươi chín Tết năm sau, những mảnh giấy ấy hóa thành tiền thật. Anh em cháu tiếc rẻ: “Biết thế, chúng cháu nhét vào đó thật nhiều giấy thì có phải nhà mình sẽ giàu nhất làng rồi không, bà nhỉ?”. Bà khẽ mỉm cười hiền hậu: “Phép màu nhiệm chỉ dành cho những người biết chừng mực, các cháu ạ”.
Rồi bà dắt chúng cháu ra chợ mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới tươi tắn, thơm tho và vài chùm bóng bay hình Đôrêmon, Tôn Ngộ Không ngộ nghĩnh. Chúng cháu sung sướng nhún nhảy chân sáo suốt đoạn đường về làm bà trĩu vai gánh gồng vẫn luôn dặn: “Đi chầm chậm kẻo ngã đấy, các cháu ơi”.
Sau những tháng năm đằng đẵng phiêu bạt xứ xa, cha mẹ cháu trở về quê trả nốt món nợ cũ và xây nên một căn nhà cấp bốn khang trang, rộng rãi. Lần đầu tiên, cháu thấy Tết ấm áp và hân hoan đến thế. Cháu chẳng thể quên được cái cảnh cả gia đình mình quây quần làm mâm cơm chiều Ba mươi, mỗi người thoăn thoắt một việc. Tiếng gầu nước lào rào. Tiếng băm thớt lục bục. Tiếng củi khô tí tách. Tiếng dầu mỡ lèo xèo. Tiếng nồi cơm vui reo. Tiếng lanh canh bát đũa. Chúng đang náo nức hòa tấu thành bản nhạc bếp núc rộn ràng.
Không kìm nổi mình, lửa bỗng xênh xang vũ điệu bập bùng, khói chỉ khẽ khàng thả mấy sợi tơ mong manh cũng đủ vẽ nên bức tranh yên bình quá đỗi. Bà móm mém cười rồi chậm rãi nói: “Đây là cái Tết bà đã chờ mong suốt cả đời người!”.
Tết trong ký ức tuổi thơ cháu vỏn vẹn bấy nhiêu mà thao thức suốt những tháng năm quê người, đất khách. Giờ đây, cháu đã đủ lớn để vỡ ra rằng, Tết đến, người ta kiêng cữ khi trong nhà có người thân mới mất chứ ai lại đi kiêng cữ vì cái chết của một con chó bao giờ?
Cháu biết, ngày ấy, bà ngại chuyện chúng cháu đi chơi nhà hàng xóm được bố mẹ các bạn mừng tuổi, nhưng bà không có tiền mừng lại những đứa con của họ cho phải phép trước sau. Và phép màu nhiệm trong chum lúa cũng là do đôi tay bà âm thầm biến hóa nhằm bù đắp thiệt thòi cho chúng cháu…
Một dạo, đọc báo, thấy người ta tranh luận không hồi kết về việc giữ hay bỏ Tết. Có người than Tết nhạt nhẽo, làm vội mâm cỗ toàn đồ sẵn, chưa cúng tổ tiên đã vội cúng… “Phây”. Có người than Tết mệt mỏi, bận đến mức cả ba ngày lịch đỏ đều dắt díu nhau ra quán, nhanh, gọn lại đỡ mất công… rửa bát. Có người than Tết nặng nề, lương ba cọc ba đồng, quà cáp chẳng đủ vòng. Lại có người than Tết áp lực, công việc đổ dồn, chất chồng như núi.
Có lẽ, những ai từng trải qua cảm giác đau đáu đợi mong người thân như bà cháu mình mới thấm thía hết sự thiêng liêng và ý nghĩa của Tết, bà nhỉ? Cháu còn nhớ từng lời bà dạy: “Tết giống như cột mốc trên chuyến hành trình đường trường đằng đẵng của đời người nhắc nhớ chúng ta đã đến đâu và đi được bao xa”.
Lại một mùa xuân chạm bước khẽ khàng. Tết đang gọi những đôi chân tha hương tìm về quê mẹ. Cháu chợt háo hức cái cảm giác được ôm bà thật chặt, ngủ sâu một giấc thảnh thơi để mùi trầu nồng ấm tỏa ra từ câu chuyện của bà xua tan mọi xô bồ, toan tính.
Bên bà là Tết, thương sao cho hết, bà ơi…
Phan Đức Lộc

NGÀY 30 TẾT CỦA NĂM ẤY


Ký ức Tết trong tôi: Ngày 30 Tết của năm ấy
Tiếng sàn nhà bằng nứa liên tục kêu cót két làm tôi thức giấc, tôi biết đó là tiếng bước chân mẹ thường thức dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà.
Tôi thường uể oải lăn qua lăn lại trên giường không muốn dậy, nhất là vào những ngày thời tiết lạnh tê tái như ngày hôm đó. Nhưng sự tò mò của một cô bé 10 tuổi khiến tôi hé tấm chăn ấm áp ra để lén xem mẹ đang làm gì. Mẹ tôi ngồi xuống bên cạnh bếp lửa tí tách, quay lưng về phía buồng ngủ của tôi, trời chưa sáng rõ nên tôi cũng không thể nhận ra hành động lặp lại liên tục của mẹ lúc đó.
Gió lạnh rít thổi qua khe vách nhà bằng nứa làm tôi muốn chùm chăn lại ngay, nhưng một mùi thơm phảng phất trong nhà khiến tôi ngưng lại, mùi thơm vừa quen thuộc mà cũng vừa xa lạ, mùi thơm đó chỉ có duy nhất một ngày trong năm, đó là mùi của lá dong để gói bánh chưng vào ngày 30 Tết. Vì lá dong sau khi cắt sẽ được cuộn với nhau và gói lại vài ngày cho đến ngày 30 sẽ mở ra nên mùi thơm lúc đó cũng ngào ngạt hơn. Cùng lúc đó, tôi cũng nhận ra là mẹ đang ngồi lau những chiếc lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng nên sự uể oải cũng biến mất. Tôi hào hứng tung chăn bật dậy, mặc cho cái lạnh cắt da cắt thịt đang xâm chiếm cơ thể.
Tôi mặc vội chiếc áo khoác, quàng chiếc khăn piêu lên cổ rồi chạy vội ra bếp ngồi bên cạnh mẹ, tôi giành lau lá dong để mẹ làm việc khác. Mẹ tươi cười bảo tôi đi ra ngoài rửa mặt trước nhưng tôi không chịu. Vì tôi biết rõ, bên ngoài tấm vách nứa kia là một thế giới hoàn toàn khác trong nhà. Ngoài ấy lạnh cóng, vạn vật thì như đang bị đông lạnh vì sương muối, còn trong nhà lại ấm áp và hương lá dong thơm nức mũi nên tôi đâu có dại mà bước ra khỏi cửa nhà.
Tôi vẫn ngồi lau từng chiếc lá dong trong lúc mẹ tự tay lấy khăn lau mặt cho tôi bằng nước ấm. Rồi mẹ đi vo nếp đã ngâm sẵn từ đêm qua và chuẩn bị nhân làm bánh, mùi gạo nếp nương với mùi đậu đen xanh lòng cùng hòa quyện với mùi lá dong khiến tôi càng nôn nao và phấn khích.
 Trong lúc tôi giơ từng chiếc lá dong lên ngửi rồi ngắm nghía và đếm từng gân lá thì cha đi thăm bẫy trên núi cũng về tới nhà. Cha bẫy được con lợn rừng nên mẹ bắc thêm nồi nước lớn để làm thịt, và mẹ cũng sẽ dùng luôn thịt lợn rừng đó để làm nhân gói bánh.
Tôi nhìn đôi tay lạnh cóng của cha tranh thủ hơ trên lửa lấy chút hơi ấm khi cha đến dặn để lại vài lá dong để gói thịt nướng. Mùi thuốc súng từ cha tỏa ra làm bớt đi phần nào mùi thơm trong bếp nhưng tôi vẫn thích vì đó là mùi của một người thợ săn chính hiệu, và quan trọng người thợ săn đó chính là cha tôi.
Khi mẹ chuẩn bị gói bánh thì tôi và hai đứa em trai cùng ngồi tước lạt giang cho mẹ. Bánh chưng ở miền núi quê tôi không gói bánh vuông như người miền xuôi mà gói bánh dài bằng gang tay, bánh cũng chỉ to bằng cổ tay nên cũng được gọi là bánh chưng ống. Vì bánh nhỏ nên cũng nhanh chín hơn bánh chưng vuông. Thỉnh thoảng, tôi cũng tận dụng những chiếc lá bị rách để gói những chiếc bánh nho nhỏ cho riêng mình, mẹ cũng chiều lòng dạy cho tôi cách gói và cách buộc lạt sao cho chắc và đẹp. Sau đó, tôi sẽ buộc những chiếc bánh nhỏ của mình với nhau làm dấu và chia cho hai em trai khi bánh chín.
Hơn nửa buổi sáng thì mẹ mới gói xong bánh và bắt đầu bắc bếp nấu. Trong lúc hai em trai hào hứng ngồi canh nồi bánh mới bắc lên bếp thì mẹ dặn tôi đi lấy thêm củi và mẹ sẽ châm thêm nước vào nồi. Cả ba chị em sẽ có nhiệm vụ giữ lửa canh nồi bánh trong khi mẹ tôi sang nhà bà ngoại phụ gói bánh. Còn cha tôi cũng mang thịt lợn rừng đi biếu hàng xóm và họ hàng gần xa.
Khi nắng bắt đầu hé lên thì hai em trai tôi đã chạy tót đi chơi vì đám trẻ con trong bản í ới gọi. Vì tôi là chị cả nên phải giữ trọng trách mẹ đã giao là không được để lửa tắt. Tôi lén nhìn ra bên ngoài qua khe vách nứa, đám trẻ con đã mặc áo mới khoe nhau. Chẳng ai chịu để cho người lớn giặt quần áo mới mua ngày Tết cả, mùi của quần áo mới cũng là cái mùi không thể  thiếu trong ngày Tết của đám trẻ con.
Tôi vào trong buồng lấy ra bộ quần áo mới của mình nhưng lưỡng lự không mặc, mỗi năm chúng tôi chỉ được mua quần áo mới một lần vào dịp Tết nên đó cũng là dịp duy nhất để tụi trẻ con khoe đồ mới với nhau. Nhưng tôi luôn thích chờ khoảnh khắc khoác lên mình bộ quần áo mới cũng là khoảnh khắc bước sang năm mới nên vẫn để dành lại. Mới 30 đâu đã là Tết nên tôi không muốn vội.
Tôi cất lại quần áo mới, thêm củi vào bếp lửa và ra ngồi ngoài hiên,  vừa thêu khăn piêu vừa sưởi nắng ấm, thỉnh thoảng nhìn đám trẻ con háo hức nô đùa bên hàng rào dưới bóng cây đào đang nở hoa. Lúc đó, nắng đã ấm lên cao và sương cũng tan nên cả thung lũng như bừng lên sức sống. Hoa cải vàng đung đưa theo gió ở mỗi bờ ao. Hoa trạng nguyên đỏ rực ở mỗi hàng rào. Hoa mơ trắng muốt, hoa đào hồng phai cũng rung rinh khoe sắc trong mỗi vườn nhà. Trên các triền đồi, hoa ban trắng cũng đang hé nụ để chào đón một mùa xuân mới….
Tôi của hiện tại đã ở một bầu trời khác với bầu trời ở thung lũng quê hương Tây Bắc. Chiếc bánh chưng mua ở chợ chẳng thơm như chiếc bánh mẹ gói năm nào, thịt nướng ở nhà hàng cũng chẳng bằng thịt nướng mà cha làm năm xưa. Quần áo mới mua bao nhiêu cũng chẳng háo hức bằng mặc quần áo của năm ấy.
Hòa Tòng


QUÂY QUẦN BÊN BẾP LỬA HỒNG


Ký ức Tết trong tôi: Quây quần bên bếp lửa hồng
Khi tôi đặt tay viết lên những dòng chữ này, Tết Canh Tý đã đến. Ở nơi đây, mưa đang mau hạt, tiếng mưa mỗi lúc một to hơn, mau hơn nhưng ký ức trong tôi lại là sự quây quần bên bếp lửa hồng.
Cũng đã 20 cái Tết trôi qua, tính từ khi tôi chưa có nhận thức về Tết đến khi tôi dần trưởng thành. Còn nhớ ngày bé, mới chỉ từ 5 tới 10 năm đổ về trước, vào những lúc như này tôi đang háo hức lắm, à không, đúng hơn là tôi đã háo hức chờ đón năm mới từ ngày 23 âm, từ khi gia đình làm cỗ ông Công ông Táo.
Hồi xưa, đi học tụi con nít với nhau đếm từng tiết một để mong được nghỉ Tết, rồi cùng dắt nhau đi những phiên chợ Tết, 26 này, 28 cả 30 nữa, đó là phiên chợ chỗ tôi. Hưm, ngày đó mỗi khi bước vào chợ Tết là tôi thấy niềm hân hoan, háo hức đón Tết của mọi người, từ các cô, chú, các bác bán hàng, đến những người đi mua đồ Tết, hay đặc biệt là tụi con nít chúng tôi.
Quây quần bên bếp lửa gợi nhớ ký ức ngày Tết của nhiều người. Ảnh minh họa
Đi vòng vòng quanh chợ, ngắm từ hàng hoa, hàng quần áo, hàng đồ chơi nè, xong mấy đứa dắt nhau ra mua đồ ăn vặt. Cảm giác lúc ấy thực sự khiến tôi nhớ lại cũng thấy rất vui. Ngày đó, được bố mẹ hay ông bà cho 30 nghìn hay 50 nghìn đi chợ là vui lắm rồi, ăn vặt sẽ hết 5 nghìn, đến 10 nghìn, xong sẽ mua lợn đất, hay búp bê, rồi con sơn móng tay nữa.
Tết xưa vui lắm, đó là câu mà giờ mọi người hay nói với nhau. Không biết là vì con người ngày xưa khác hay do cảm nhận về Tết khác. Ngày xưa, chúng ta chuẩn bị cho ngày Tết từ rất sớm. Trẻ con được cho đi mua đồ tết từ những phiên chợ đầu, người lớn tất bật ngồi gói bánh chưng, rồi cả nhà sẽ cùng quây quần bên bếp lửa hồng, có thêm vài củ khoai nướng nữa là cười ríu rít cả ngày.
Nhưng nhìn lại Tết nay, mọi người đều tất bật với công việc của mình, có những người sẽ làm hết 28 Tết, có người Tết xa quê.
Truyền thống gói bánh chưng ngày Tết dần nhạt đi, mọi người coi bánh chưng là thứ đồ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, nhưng chuyện bánh chưng được tự làm hay mua không còn quan trọng nữa, bởi mọi người bây giờ đều bận bịu với công việc hơn, thời gian dành cho Tết cũng ít hơn.
Điều khiến tôi nhớ nhất về Tết đó là khi được ở cạnh bố những lúc giao thừa, thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Lúc mà kim đồng hồ chỉ sang khoảnh khắc giao thừa, tôi sẽ được bố đánh thức dậy. Nhưng vì buồn ngủ, mắt cứ ríu lại, tôi lọ mọ từng bước, từng bước ra khỏi giường, nghe tiếng pháo hoa nổ đùng hoàng mà tôi thấy sợ.
Thật sự tôi không hiểu sao mấy năm ấy tôi nhát vậy, hay do còn ngái ngủ mà cả người co rúm lại, ngồi trong xó nhà, nhưng vì sự tò mò mà tôi luôn hướng mắt nhìn ra ngoài, cố liếc lên bầu trời xem pháo hoa, còn một tay sẽ túm chặt lấy tay áo bố. Chỉ nhớ rõ nhất, những lúc ấy bố tôi nhìn tôi cười mà cũng luôn miệng nói  “đi lên gác, bố dắt lên xem pháo hoa nhé”.
Sau một hồi lâu sợ hãi, tôi đã quyết tâm chạy ra ngoài sân để xem nhưng không quên một điều là kéo bố đi cùng. Tôi đón giao thừa toàn vậy đấy, luôn luôn ở bên bố, và được sự bảo bọc của bố. Khi tôi lớn hơn chút tôi dần bớt sợ tiếng pháo hoa, mà thay vào đó là niềm vui khi Tết về mỗi khi nghe pháo hoa nổ.
Nhưng điều gì rồi cũng sẽ thay đổi. Không biết giờ các bạn thế nào, còn tôi, tôi dần thấy lòng mình lắng xuống, khi một người luôn ở cạnh, đón giao thừa cùng bạn giờ không còn. Bên ngoài mưa lại dần nặng hạt hơn rồi, với mỗi người, cảm nhận về hạt mưa sẽ khác nhau phải không. Người thì sẽ thấy được đây là mưa xuân, mưa của niềm vui, có người lại thấy lòng có chút mơn man buồn. 
Đào Thị Thu Huyền

TẾT TÂY NGUYÊN

Ký ức Tết trong tôi: Tết Tây Nguyên

5 tuổi, tôi còn quá nhỏ để hiểu được thế nào là một cái tết xa nhà, khi ấy trong tôi chỉ là sự háo hức với những thứ mới lạ, một chút gì đó thích thú về một chuyến đi xa và có chút chạnh lòng vì phải xa mẹ.

Bố con tôi bắt vội chuyến xe vào Nam trong một chiều cuối năm mưa phùn gió bấc, chỉ hai bố con mà không có mẹ.  

Tôi vẫn nhớ như in buổi chiều hôm đó, tôi như con mèo lười nằm ườn ra chiếu, cố tìm thú tiêu khiển với mấy chiếc vỏ vỏ lạc mà mẹ và bà vừa bóc xong, màn mưa ngoài trời thì cứ rả rích rơi xuống, mùi đất ẩm xộc vào nhà mang theo hơi lạnh của tiết trời cuối đông miền Bắc. Bố tôi xuất hiện ở đầu hiên nhà, vai áo vẫn còn dính vài giọt mưa, bố nhìn mẹ, ra hiệu mẹ ra ngoài hiên. Bố mẹ nói chuyện khá lâu, mãi sau mẹ mới quay vào nhà hỏi tôi: "Con có vào Tây Nguyên ăn Tết với ông bà nội không?”.

Tôi nhảy cẫng lên trên cả hai chân, mặt mày hớn hở, hét toáng lên và gật đầu lia lịa. Bố thu vội cho tôi vài cái váy mà tôi thích nhất nhét vào túi rồi bế tôi đi ra đường lớn để đón xe. Thế là bố con tôi đi.

------------------------------------------------------------------

Tây Nguyên đón tôi vào một buổi tối trời, đèn pha ô tô rọi thẳng vào con đường đất dài tít tắp, hai bên đường chỉ thấy có toàn những vườn tiêu, nhà cửa ở đây thưa thớt, thi thoảng mới thấy có ánh đèn. Tôi sốt ruột liên tục lặp lại câu hỏi “Bố ơi, đã đến nơi chưa?”. Mỗi lần tôi hỏi là một lần bố nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn ra ngoài xe qua tấm kính tối màu đang rung lắc vì xe đi qua con đường đất toàn những hục hang chi chít nhau: “Sắp tới rồi”. Tôi không nhớ nổi đến lần thứ bao nhiêu bố trả lời tôi câu đó thì thật sự tới nơi, nhưng tôi cá là cũng không quá mười lần.

Vượt qua con dốc, hiện lên trước mắt tôi là một khu dân cư đèn điện sáng trưng, các nhà cách nhau rất gần chứ chẳng xa tít tắp như khu vực tôi vừa đi qua. Nhà cửa ở đây thật lạ chỉ làm độc bằng gỗ, có chăng thì cũng chỉ có cái nền nhà là đổ xi măng. Tôi lúc ấy thích thú lắm, cứ mắt chữ “O”, mồm chữ “A” suýt xoa mãi, vì với tôi khung cảnh này rất lạ, khác hẳn với ở nhà - nơi đã quá thân thuộc với tôi.

Bước xuống xe tôi thấy ngay chú thím tôi và ông bà nội đứng ở cổng đợi, thím ôm lấy tôi, bế tôi lên tay mà thơm lấy thơm để - việc mà thím vẫn thường làm để thể hiện tình yêu thương đối với lũ nhóc chúng tôi mỗi lần vào chơi.

Tết Tây Nguyên. (Ảnh minh họa)

Tây Nguyên thật đặc biết ngày thì nóng mà đêm lại lành lạnh, không khí thì lúc nào cũng trong lành và dễ chịu, thi thoảng tôi còn ngửi thấy trong gió mùi thơm của cây rừng. Tôi thích cái hương thơm núi rừng lan tỏa vào trong làn sương sớm, tôi cũng thích hương vị trái cây nhiệt đới phả vào trong từng làn gió mà lan tỏa khắp không gian, có lẽ tôi yêu Tây Nguyên cũng chính vì lí do này. 

Tết Tây Nguyên cũng đặc biệt không kém, đặc biệt từ trong cách sinh hoạt đến thời tiết. Tôi đã quen với cái Tết miền Bắc mưa phùn, lành lạnh nên khi được trải qua cái tết với ánh nắng chói chang làm tôi vô cùng thích thú. Tôi nhớ hôm ấy được thím sắm cho  một cái váy trắng viền xanh lá cây xinh xắn, tôi sướng rơn, “xính” chiếc váy chẳng chịu cởi ra, đến tận khi thím phải dỗ dành mãi bảo: “Con cởi ra thím giặt cho sạch, cất đi để tết mặc thì mới đẹp được chứ", tôi cởi nhưng trong lòng vẫn còn tiếc rẻ, chỉ mong sao Tết đến thật nhanh.

Tết càng đến nhanh thì tôi càng sớm được mặc đồ đẹp, vì thế tôi đếm từng ngày. Tết của trẻ con khác Tết của người lớn, nó ấm áp hơn và đáng yêu hơn. Không mang theo gánh nặng của tiền bạc cũng không phải mùi dầu mỡ bếp núc, tết của trẻ con quả đúng thật là cái tết để yêu thương và được yêu thương.

Tết đến với trẻ con ngoài quần áo đẹp thì còn có đồ ăn ngon. Tôi vẫn nhớ mãi món mít phơi khô của bà nội. Từng miếng mít vàng ươm được tách bỏ hạt phơi ngoài nắng lại chuyển thành màu đen óng, nhưng mùi mít thơm lừng và vị ngọt lịm thì vẫn không hề mất đi. Ngày nào tôi cũng mon men lại cạy nắp chiếc hộp sắt đựng món mít đó để nhón lấy vài miếng ăn cho đỡ thèm, nhưng chỉ vài miếng thôi vì bà dặn “ăn nhiều sẽ bị đau bụng nóng đấy”. 

Nếu mùa Tết miền bắc có đào có quất thì Tết Tây Nguyên có mai. Sắc mai vàng ươm như sắc nắng, làm cả căn nhà cũng bừng sáng theo, cánh mai cũng mỏng như cánh đào nhưng không hiểu sao tôi lại có cảm giác cánh hoa mai mong manh hơn đào, đụng nhẹ là rụng mất. Cũng có thể là do tôi nghịch ngợm, muốn đuổi lũ ong đến hút nhụy hoa mà nhảy chồm chồm cạnh cành mai to gấp đôi người mình để đuổi ong. Thế mà, ong bay thì ít hoa rụng thì nhiều làm tôi càng thêm phần lo lắng…

Đêm 30 Tết, tôi tuy mắt đã “gà” đi và sắp gục xuống đến nơi nhưng vì thấy đứa em mới 3 tuổi vẫn tỉnh như sáo nên phải cố mà căng mắt ngồi đợi giao thừa vì tôi nghĩ, mình 5 tuổi rồi , mình lớn rồi, mình phải thức như người lớn. Cuối cùng thì tôi cũng đợi được đến khi nghe tiếng pháo giao thừa đầu tiên vang lên.

Cả nhà cùng nhau ra hiên đứng xem pháo hoa, đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được nhìn thấy pháo hoa gần như thế. Pháo bắn lên nổ gần như ngay trên bầu trời phía trên đầu tôi, tôi thích thú định chạy ra sân nhìn cho rõ nhưng thím giữ chặt tôi không cho chạy, vậy là tôi lại đành ngậm ngùi đứng trong hiên để xem. 

Sáng mùng 1 tết tôi thức dậy khá sớm, chưa kịp đánh răng rửa mặt gì đã chạy vội đi tìm thím để... lấy váy. Kết cục là vẫn bị thím “lùa” đi vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng với cả nhà sau đó mới thay đồ. Ngắm mình xinh xắn trong bộ váy trắng tinh khôi, tôi cứ nghĩ mình chính là cô công chúa nhỏ lạc giữa núi rừng Tây Nguyên này, ước sao có chàng hoàng tử cưỡi bạch mã tới đón tôi đi. Nhưng không, hoàng tử đâu tôi không thấy chỉ thấy nhóc em đứng bụm miệng cười mãi không thôi. 

Tuy là ở Tây Nguyên nhưng gia đình tôi là một gia đình gốc Bắc thế nên món bánh chưng truyền thống là không thể thiếu, còn có cả món thịt đông miền Bắc nhưng phải bỏ trong tủ lạnh mới đông, chỉ có dưa hành là làm ít đi một chút vì với cái nóng của Tây Nguyên thì không thể bảo quản dưa hành được lâu. 

Với tôi, Tết Tây Nguyên không chỉ mang hương thơm núi rừng, mang  màu nắng vàng ươm của cao nguyên, mà trên hết còn là cả con người nơi đây, cũng thân thiện và đáng yêu y như vùng đất của họ. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác ngạc nhiên của mình khi tôi thấy những đứa trẻ trạc tuổi tôi dắt tay nhau tự đến chúc tết từng nhà trong bản, tự nhiên và thành thạo đến mức khiến tôi bất ngờ.

Nếu như ở cái tuổi của tôi lúc ấy còn phải nắm tay bố mẹ để được dắt đi chúc tết mà vẫn đầy ngại ngùng thì ở những đứa trẻ nơi đây tôi lại thấy một sự trưởng thành hơn hẳn. Có lẽ chính cái nắng, cái gió của vùng đất cao nguyên này đã tạo nên những người con chân chất đáng yêu như vậy. Chắc cũng vì thế mà tôi yêu Tây Nguyên không chỉ bởi nơi đây tôi có gia đình, có một phần tuổi thơ mà nó còn là lòng cảm mến đối với con người nơi này.

------------------------------------------------------------------

Tết Tây Nguyên còn là cái Tết đầu tiên tôi xa mẹ. Tôi là một đứa trẻ bướng bỉnh và ham chơi, cũng vì thế mà một tuần liền sau khi đến Tây Nguyên tôi không hề gọi về cho mẹ được lấy một cuộc điện thoại. Tất cả kí ức của tôi về ngày hôm đó đều rất mờ nhạt, duy chỉ có hình ảnh của một bé gái 5 tuổi chạy khắp nơi tìm bố chỉ để nghe cuộc điện thoại của mẹ gọi tới.

Tôi không tài nào nhớ được tôi và mẹ đã nói gì, kí ức duy nhất tôi còn nhớ đó là sau cuộc điện thoại đó, tôi trốn cả nhà leo lên tầng áp mái ôm mặt khóc thút thít, cả nhà gọi thế nào cũng nhất định không chịu thưa, chỉ đến khi thím tôi lên tận nơi ôm tôi vào lòng thì tôi òa lên khóc. Tôi khóc như mưa, vừa khóc vừa lặp lại câu “Con nhớ mẹ!”. 

Cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thể hiểu được cảm giác của mẹ tôi lúc ấy khi phải một mình đón Tết mà không có bố con tôi, tôi cũng không hiểu vì sao mà bố lại quyết định đi một chuyến đi xa như thế khi mà ngày Tết đang tới gần.

Thứ duy nhất tôi biết là sự cảm nhận ngây ngô của một cô bé 5 tuổi, lần đầu xa mẹ, lần đầu ăn Tết xa nhà, lần đầu được ngắm pháo hoa ở ngay trên đầu mình và lần đầu tỏ ra thán phục trước sự trưởng thành của các bạn đồng trang lứa. Khi ngồi đây và gõ những dòng này tôi đang ở cách xa Tây Nguyên lắm, khoảng 1.362 cây số, và tôi lại đang nhớ Tây Nguyên. 

Kể từ đó tới nay cũng đã nhiều năm, tôi cũng chưa từng đón thêm một cái Tết nào xa nhà như thế, có lẽ tôi lại nhớ Tết Tây Nguyên rồi. Một ngày không xa nào đó trong tương lai, tôi vẫn muốn lại được một lần đón Tết Tây Nguyên, nhưng lần này sẽ khác, không chỉ tôi mà là cả gia đình, cả bố mẹ và chị em tôi.

Đặng Khánh Huyền

5 CHA CON TRÊN MỘT CHIẾC XE ĐẠP

Ký ức Tết trong tôi: 5 cha con trên 1 chiếc xe đạp đi chơi Tết

Tết! Chỉ vỏn vẹn một từ ấy thôi nhưng trong ký ức của tôi Tết là những gì sung túc, no đủ nhất, đầm ấm, vui sướng nhất!

Gia đình tôi sống ở vùng nông thôn, ba mẹ quanh năm bám đất bám ruộng cũng chỉ đủ để lo cho ba chị em chúng tôi cái ăn, cái học. Việc nhà nông thì nhiều vô kể vì thế những đứa trẻ như chúng tôi tuổi thơ không chỉ có ăn và học. Ngoài những buổi đến trường thì thời gian còn lại chúng tôi chia nhau ra phụ giúp ba mẹ, đứa lớn chăn trâu, đứa nhỏ chăm em, chúng tôi cứ luân phiên nhau như thế. Và để được chơi thỏa thích thì chỉ có Tết.

Mặc cho người lớn lo toan, tính toán, lũ trẻ chúng tôi sung sướng khi nhắc đến Tết. Cứ bắt đầu từ tháng mười hai âm lịch là đếm ngược từng ngày chờ Tết, em trai tôi đánh số hẳn lên tờ giấy trắng từ 1 đến 30 rồi cứ thế mỗi sáng nó lấy bút đánh chéo lên từng con số, cứ mỗi con số được gạch chéo là thêm một ngày gần Tết.

Chúng tôi thích Tết, thèm Tết đơn giản vì Tết là mới. Tết là được chơi không phải làm việc. Tết có những bữa cơm ngon. Tết là được ăn kẹo... Mỗi đứa sẽ có một bộ quần áo mới, mặc rồi chạy tung tẩy khắp xóm chỉ để được khen áo đẹp. Năm mới nghĩa là mọi thứ đều phải vui vậy nên có phạm lỗi cũng không bị trách mắng.

Sáng mùng 1, ba chở ba chị em chúng tôi và mẹ đi chúc Tết trên chiếc xe đạp nam Thống Nhất, ba bắc cái ghế lên chỗ tay lái cho em út ngồi, phía sau là mẹ và em trai, có lẽ khó nhất là tôi, phải ngồi lên khung đòn giông xe thi thoảng tôi lại ngó ngoáy khó chịu, ba lại phải nhắc ngồi yên, được một lúc tôi lại nhoai đầu lên, bị che mất tầm nhìn, ba phải lấy tay ấn tôi xuống, vậy nhưng vẫn vui, vừa đi chị em tôi vừa hát nghêu ngao “Tết đến rồi. Tết đến rồi...”. Thỉnh thoảng vì thích quá và vung vẩy tay chân làm cho tay lái của ba loạng choạng, chẳng ngăn được tụi trẻ chúng tôi vui sướng ba chỉ biết giữ chắc tay và mỉm cười theo...

Ảnh minh họa.

Những món quà tôi nhận được khi đến chúc Tết ông bà là những chiếc kẹo, chiếc bánh xoài...thay cho phong bao lì xì như hiện nay. Chúng tôi mỗi đứa có một cái túi bóng, đến nhà ai cho kẹo thì cứ cho vào đấy rồi mang về nhà đổ ra, chụm đầu lại đếm xem ai nhiều hơn, rồi tráo những chiếc kẹo đó vào nhau đổ ra dĩa, rồi...ăn. Những chiếc kẹo ngày Tết ấy ngon và ngọt chi lạ!

Tết bây giờ, bánh kẹo đủ thứ kẹo ta, kẹo ngoại, đủ thứ mứt đủ màu, phong bao lì xì, bóng bóng đồ chơi con trẻ cũng muôn hình dạng. Đôi khi tôi tự hỏi mình “ Con trẻ bây giờ có thích Tết như trẻ xưa”. 

Tôi lại thủ thỉ cho con nghe về những cái Tết xưa bé của mình nhưng có lẽ con còn quá bé để cảm nhận. Tôi chỉ thấy con nhoẻn cười. Nụ cười của con như cái Tết xưa cận kề bên tôi. 

Phúc An

TẾT NHỚ QUÊ NHÀ

Ký ức Tết trong tôi: Tết nhớ quê nhà

Năm nay, Tết sắp đến, cả gia đình tôi đang hối hả dọn về căn nhà mới xây. Tôi gần như reo hò khi bước vào căn phòng ở lầu 2 dành cho mình, ngó sang hàng xóm thấy cả một vườn mai. Chắc họ chăm sóc những chậu mai hoa này cả năm qua, chờ đến dịp Tết sẽ mang đi ra chợ hoa để bán. Những cành khẳng khiu, điểm xuyết vài bông hoa mai vàng rực rỡ. Đúng là mùa Xuân phương Nam.

Đã trải qua 38 mùa Xuân ấy, vậy mà tôi chỉ có một lần đón Tết ở quê Bắc. Tôi nhớ về một cái Tết giá rét, đã gần 20 năm.

Tôi khi ấy vừa tròn 20 tuổi, một cô sinh viên tươi vui, chưa một lần biết đến Tết Bắc. Trong khi đó, bố mẹ tôi đều là dân miền Bắc. Mỗi Xuân về, bố mẹ đều bịn rịn nhắc về quê hương, về miền Bắc. Và năm đó, tôi nhớ mẹ đã quyết định về quê ănTết, đầy háo hức như thế nào. Mẹ tôi bồi hồi bảo:

- Về quê với mẹ nhé con gái. Ở quê mình Tết vui lắm, đoàn tụ đoàn viên, sẽgặp mọi người. Về dịp này là đầy đủ các cô các bác các cháu.

Tôi thì ngơ ngác, nhưng cũng gật gù, về quê ăn Tết là đúng đạo rồi mẹ à, bạn bè con năm nào cũng về quê đấy thôi. Quê nhà mình xa quá, lâu thật lâu mới được về.Ôi quê hương mà tôi chưa từng về Tết lần nào.

Ảnh minh họa.

Tết quê thật lạnh, phải gọi là giá rét. Mọi người đều mặc áo ấm dày cộm, xát đôi bàn tay vào nhau, hít hà, nói và thở đều ra khói. Nhà nào cũng có cái radio, để ở tủ thờ, để nghe dự báo thời tiết cho ngày hôm sau. Đã lạnh rồi nên sợ nhất là nghe tin dự báo có mưa phùn. Khiếp có khi còn mưa liền 2-3 ngày. Đường đất bùn lấm lem, lạnh run cầm cập nếu có chuyện phải đi ra đường.

Thời tiết miền Bắc thật là không vừa lòng người chút nào. Nhưng bù lại, những thức trái cây, rau củ thì rất thích. Chỉ cần đi ra khỏi nhà, một đoạn ngắn là thấy những ngôi nhà, bao xung quanh là những luống xà lách xanh mơn mởn. Rau xà lách tươi ngon, thêm bát canh cá (cá đánh bắt từ cái ao trước nhà), thêm nhúm thì là thơm lừng, một bát bún, nóng hôi hổi, thế là sẽ có bữa ăn quá thiên nhiên. Ở thành phố, cái gì cũng có nhưng tất cả đều không còn tươi xanh như thế này, từ những củ khoai tây, khoai lang, bắp cải,su hào… Rau củ ở quê đặc biệt tươi và ngọt, vị ngọt của đất trời. Cứ bỏ một miếng rau củ vào miệng, nhai chầm chậm, hương vị tan ra trên đầu lưỡi, đấy cái khoái chí được ăn tươi ngon là vậy. Ở quê, không cần phải đi chợ, đi siêu thị làm gì. Lương thực ở ngay trước nhà, ở sau vườn, ở kế bên nhà, tất cả chỉ cần bước vài bước là có ngay.

Gian bếp lúc nào cũng đỏ lửa, âm ỉ cả ngày. Chiếc ấm nước sôi đen kịt do khói lửa vứ thoăn thoắt được chế nước đặt lên bếp rồi chờ sôi, nhắc xuống. Nước sôi được đun liên tục, để rửa mặt, đánh răng, để uống, để tắm,… Nhà bác ở quê chưa có máy nước nóng như ở thành phố. Ai cũng muốn rúc vào gian bếp, để ấm áp, rồi còn nướng khoai. Còn gì thú vị hơn. Những củ khoai bị nướng cháy xém vỏ bên ngoài, bửa ra vàng thanh, hơi nóng tỏa ra, thơm phức. Tôi đôi khi cứ xin bác khoai và nướng, ăn không hết nhưng cứ thích nướng khoai, cho vui. Mọi người tụ tập trong gian bếp, ăn khoai nướng và trò chuyện rôm rả.

Tết ở quê, mọi người đi làm ăn xa hay đi học đều trở về. Nhà ở thành phố xây cao, tường bao bọc, ra đường mặt ai cũng lạnh băng. Ở quê thì khác, chỉ cần bước ra ngõ là gặp người quen, mọi người hồ hởi cười chào, hỏi thăm nhau. Tôi nghĩ có lẽ nguyên cả làng này ai họ cũng quen biết. Về quê tình nghĩa là chính, tiếng chào cao hơn mâm cỗ. Dù là người ít nói, nhưng về quê, hòa nhập với mọi người ở đây, tôi trở nên mau miệng lạ thường, cũng vui vẻ hỏi thăm bất kỳ ai mà mình gặp. Tự dưng tôi lại thấy hài lòng, hân hoan vì điều này.

Đón Tết ở quê thích thật. Vừa được ăn ngon, được ngủ ngon, còn được đoàn viên với họ hàng, người quen. Một năm chỉ có một dịp thế này. Suốt cả năm làm việc, học tập vất vả, ngược xuôi với đời, vậy mà khi cuối năm, mọi người mở lòng với nhau hơn, cùng nhau hội tụ ở miền quê này. Tết quê ấy khó mà quên.

Vũ Lam Hiền

TẾT LÀ ĐỂ NHỚ VỀ...

Gió bắt đầu bớt lạnh. Những tia nắng yếu ớt chiếu xuống con đường làng. Hàng hoa dại đầu ngõ cũng bắt đầu hé những nụ đầu tiên sau giấc ngủ mùa đông dài đằng đẵng.

Dòng người vội vã hơn ngày bình thường khi Tết đến gần, người lo sắm Tết, người lo mưu sinh và có những người ngồi nhớ lại những kỷ niệm xưa trước làn khói bếp bay lên từ nồi bánh chưng.

Nội dắt xe lá dong từ đầu ngõ vào, dây buộc bị tuột, lá rơi ngổn ngang, tôi chạy ra đỡ nội. Mùi lá dong tươi thơm thật lạ, nửa đắng mũi nửa ngào ngạt. Nội đi rửa lá lại một lượt cho sáng bóng - những chiếc lá dài sõng soài, xanh đặc; nội bảo đó là lá già, sẽ nhuộm màu rất xanh cho bánh chưng. Cái vị lá dong khó ai mà nhận ra được vì có lẽ nó đã quyện vào vị bánh làm nên hương vị ngày Tết, còn màu xanh của lá thì không loại nào thay được.
Tết bên ông bà vẫn là ký ức Tết tuyệt đẹp, không thể xóa nhòa - Ảnh minh họa

Nội lọ mọ đi vào bếp xem nồi đậu xanh đã chín chưa. Bếp củi nhiều khói làm nội cay mắt nhưng nội không thích nấu bằng bếp ga vì nó sẽ “cướp mất” vị ngon của bánh. Nhà không đông người nhưng nội luôn muốn tự tay làm bánh cho cả nhà. Nội sai mấy đứa nhỏ quét sân sạch sẽ để chuẩn bị gói bánh. Ông nội nghe vậy, vươn mình dậy với cơn ho từ đêm qua chưa dứt.

Những ngày này bố mẹ còn đang bận bịu với công việc chợ búa, mưu sinh cho ngày Tết đủ đầy nên một tay nội quán xuyến tất cả. Nội trải tấm chiếu rách lỗ chỗ ra sân và gọi ông ra gói bánh. Trên mái nhà hàng xóm, chiếc loa của thôn đã hát mừng mùa xuân từ lúc tờ mờ sáng làm ai nấy cũng nôn nao.

Bọn trẻ hàng xóm cứ lon ton lại gần, bánh chưa gói mà chúng cứ lấy tay bốc đậu xanh bỏ vào mồm. Bà mang gạo đã ngâm lại chỗ ông, tay bà bới lên những hạt gạo trắng muốt, nõn nà và căng mọng. Chiếc khuôn gỗ vẫn treo lủng lẳng trên gác bếp bởi vì nó biết ông nội đã quá thành thạo và không cần sử dụng đến nó nữa. Bàn tay ông bà đều chi chít đồi mồi, nhô lên những khớp xương đã mòn mỏi với thời gian...

Khóm đất trước sân, cây đào năm ngoái bố mua đã nở hoa ngập tràn. Hoa năm nay có vẻ đằm thắm hơn năm ngoái có lẽ do được ở trong đất chứ không phải là hoa chậu nữa. Tối về, bố và tôi sẽ đưa cây vào trong nhà và trang trí cho cây những ánh sáng lấp lánh cùng những phong bao lì-xì xinh xắn. Con bướm nhỏ khẽ đậu trên nhành hoa, chắc biết Tết đang đến gần nên đi tìm phấn hoa đào.

Bà không biết gói bánh chưng như ông nhưng không có bà, ông cũng không biết làm thế nào. Con bé Út táy máy đòi nhổ tóc bạc cho bà, nó cứ làm tóc bà rối tung lên nhưng cũng không nhổ được cọng nào dù đầu bà duy chỉ có tóc trắng. Bà bế nó vào lòng, truyền cho nó hơi ấm - khi bố mẹ nó cũng phải hết 30 Tết mới có mặt ở nhà với nó.

Loáng cái, ba mươi đồng bánh chưng đã được ông gói xong, mọi người sắp xếp gọn gàng vào nồi rồi cùng nhau khiêng đến bếp. Trên bếp củi đã được mồi lửa sẵn, nội hứa tối nay sẽ kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ của bà và ông, của bố mẹ - điều làm chúng tôi rất tò mò.



Và câu chuyện đó cũng là chuyện của gần một năm trước...

Năm nay, không còn ai gói bánh chưng nữa vì ông bà đã ra đi mãi mãi. Vẫn căn bếp đó, vẫn khoảng sân đó và vẫn cây đào năm nao nhưng thiếu đi hai nhân vật quan trọng.

Những bài ca Tết lại vang lên từ chiếc loa của làng, cảm xúc mùa xuân năm nay có chút gì đó phảng phất buồn trên nét mặt tôi và bé Út, nhất là con bé cứ đòi tôi phải nhóm lửa và đun bánh chưng, nhưng chỉ là đun nồi nước không thôi vì bên trong sẽ không có bánh.

Tết trong tôi và bé Út đơn giản là những kỷ niệm về ông bà, về những chờ mong khi bố mẹ chưa về chợ mà có lẽ năm nào cũng sẽ lặp lại, ngào ngạt vô cùng.

Nguyễn Văn Công (Hà Nội)

TẾT NHỚ LÀNG RỪNG

Tôi đã lớn lên bằng những giọt mồ hôi của cha mẹ, bằng nước của dòng suối nhỏ, và bằng sản vật của rừng.

Tôi là người Kinh, nhưng lại được sinh ra ở một ngôi làng người Tày. Cuối những năm sáu mươi của thế kỷ trước, bố mẹ tôi cùng với rất nhiều gia đình từ một làng quê Bắc bộ, đã thực hiện một cuộc di cư lớn. Cuộc di cư làm thay đổi nhiều số phận, nhiều gia đình, dòng họ. Trong cái mất mát của sự tan tác chia lìa với mảnh đất tổ tiên, có một niềm hy vọng tràn trề về một tương lai tươi rói ở phía trước.

Thực sự là một cuộc sống mới. Bố tôi mua một khoảnh rừng, nằm gọn trong thung lũng, của một gia đình người Tày. Gọi là mua chứ thực ra cũng chẳng đáng gì. Rừng núi mênh mông, người ở thưa thớt, làng chỉ cần mở lòng mình ra là đã có thể dung chứa, đón nhận hàng trăm hộ gia đình miền xuôi lên lập nghiệp. Và làng đã mở lòng ra mà không hề toan tính. 

Bố tôi dọn dẹp cái thung lũng ấy bằng đôi tay đã cầm vô lăng suốt những năm kháng chiến chống Pháp. Ông là lính lái xe kéo pháo lên Điện Biên Phủ, và sau này phục viên thì chuyển sang lâm nghiệp, tiếp tục lái xe trên khắp những cung đường cheo leo hiểm trở của miền cực Bắc. Chúng tôi có nhà, có vườn, có ao, với một dòng suối nhỏ trong vắt chảy từ trong khe núi ra. Dòng suối ấy cung cấp nước cho mấy cái ao, cung cấp nước cho khu vườn. Và chảy bên dưới đường cái, ra sông Lô.

Rồi một ngày, tôi cất tiếng khóc chào đời trong cái thung lũng ấy. Tôi đã lớn lên bằng những giọt mồ hôi của cha mẹ, bằng nước của dòng suối nhỏ, và bằng sản vật của rừng. Bây giờ nghĩ lại, cảm giác như những năm tháng bé thơ đã trôi qua như một bộ phim, ở vào cái thời nảo thời nào xa xôi lắm.

Làng ở trong rừng, rừng nuôi làng, và làng trả ơn rừng bằng lối sống hiền hoà, êm ấm. Người Tày với tập quán canh tác là trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nên thường chọn những vùng thung lũng, bằng phẳng và gần sông suối, để lập làng. Ngôi làng ấy đã có hàng trăm năm, với nhiều thế hệ người Tày sinh sống. Khi làng lặng lẽ đón nhận thêm hàng trăm hộ gia đình người Kinh ở Nam Định, Thái Bình, lên khai hoang, lập nghiệp, đất làng không đủ để trồng lúa, nhưng cũng tạm đủ vườn, bãi để chăn nuôi, trồng hoa màu, và dựa vào rừng, vào sông làm nguồn sống.

Điều kỳ lạ là chúng tôi đã hoà mình vào đời sống của người bản địa, từng chút từng chút một, năm này qua tháng khác, vài thập kỷ đã trôi qua, làng ngày một đông lên, nhưng chưa bao giờ có xô xát, mâu thuẫn giữa những gia đình người Tày với người Kinh. Có thể có mâu thuẫn giữa nội bộ hai thành phần, nhưng mâu thuẫn giữa hai bên tới mức căng thẳng thì chưa bao giờ. Mấy chục năm sống ở làng, tôi nhận thấy từng chút một sự dịch chuyển trong phong tục, tập quán, lối sống, sinh hoạt của hai bên. 

Người Kinh ở Nam Định, Thái Bình lên, thường dùng cuốc để làm cỏ, nhưng thấy người Tày dùng một thứ dụng cụ mà họ gọi là quà, tức cái cuốc bướm, mà nó hiệu quả hơn rất nhiều, thì cũng chuyển sang dùng thử. Thấy người Tày dùng dao quắm để phát nương rất nhanh, gọn gàng, thì người Kinh cũng dùng dao quắm. Người Tày vốn ăn Tết rằm tháng Bảy to lắm, to nhất trong năm, thì rồi thấy người Kinh năm nào cũng linh đình Tết Nguyên Đán, cũng dần dần cùng ăn Tết Nguyên Đán. Thế là từ lúc nào đó, làng có hai cái Tết. Người Kinh ăn chung Tết rằm tháng Bảy, người Tày ăn chung Tết Nguyên Đán. Bánh trái bên này mang tặng bên kia ăn thử, bên kia lại sang bên này gói hộ, luộc hộ.

Tôi học cấp một, cấp hai ở trường làng. Ngày ngày nửa buổi đến lớp, nửa buổi ra suối, ra sông, lên rừng. Rừng ở đây chia theo dòng họ. Mỗi dòng họ một vài khu rừng. Nơi là rừng cọ, nơi là rừng vầu, nơi chỉ đầy những cây lấy gỗ. Và đặc biệt nữa, mỗi dòng họ lại có một khu rừng mả. Khu rừng ấy không bao giờ bị chặt phá, dù là một cành củi khô. Trẻ con, người lớn không bao giờ bước chân vào, trâu bò thì thi thoảng tự lang thang đi lạc vào đấy.

Nếu như giữa một cánh đồng lúa nhấp nhô bậc thang thoai thoải ra sông mà đột nhiên lại có một khu rừng nhỏ, một chòm cây cổ thủ xanh rì, cảm giác dưới tán cây ấy là một khoảng tối om, lạnh toát, thì đó chính là rừng mả của một dòng họ nào đó. Cho đến tận bây giờ, những năm này của thế kỉ 21, làng vẫn còn những khu rừng mả yên tĩnh, tách biệt, bí hiểm như thế. Người Tày không vào rừng mả, nhưng trẻ con người Kinh thì dám, vì tò mò. Tôi luôn háo hức khi đứng trước một khu rừng mả. Tôi không sợ ma và luôn tin rằng khi chết đi người ta chỉ đơn giản là ngủ một giấc, và sau đó sẽ phiêu du sang một thế giới khác, đẹp đẽ, kỳ ảo. Tất nhiên chỉ vào chơi, chứ không dám chặt cây, lấy củi, đào măng. Dưới những tán cây tối om ấy, thi thoảng có một ngôi nhà mồ mới dựng. 

Người Tày có phong tục mỗi người qua đời thì sẽ được mang đi đủ mọi dụng cụ hàng ngày phục vụ cho đời sống, và những món đồ đó được để trong ngôi nhà mồ nhỏ xinh, lợp lá cọ, vách bằng tre vầu. Trước cửa ngôi nhà mồ có một tấm bia đá, trên đấy khắc chữ nôm Tày. Có lẽ cũng như mọi tấm bia khác, ghi họ tên của người quá cố. Lá khô rụng dày, xốp và êm ái như một tấm thảm. Những con cuốn chiếu to khủng khiếp bò đi trên lá, động vào là cuộn tròn. Những con sóc với cái đuôi rất dài nhảy vun vút trên cành. Những bọ que dài loằng ngoằng... 

Tôi có cảm giác mình đang khua một khu rừng thức dậy khi mà nó đang ngủ yên. Rừng ngủ yên như là những người qua đời đã ngủ yên, và bỏ lại trên đời tất cả những ồn ào, vất vả, bỏ lại cả vui vẻ lẫn buồn phiền. Và tôi nhận ra, sau nhiều năm làng dung chứa trong mình hai tộc người, bên cạnh những giao thoa, biến đổi, thích nghi hòa quện, thì vẫn có những cái bất biến. Trong đó có nghi lễ tinh thần đối với những đứa trẻ mới chào đời và những người già vừa ra đi. Người ta có thể thay đổi một vài chi tiết trong đám cưới, cô dâu Tày có thể vừa mặc trang phục truyền thống, lại vừa mặc áo dài. Nhưng đám tang thì tuyệt đối không xê dịch, đổi thay. Phải chăng quan niệm về sự ra đi quá khác biệt, vì thế mà cái cách tiễn người đi cũng nhất định khác biệt?

Trong cái chuỗi năm tháng kỳ lạ của đời người ấy, có rất nhiều điều người ta không thể lường trước được. Như là bố mẹ tôi, cũng như nhiều ông bà khác, đã từng nghĩ rằng sau này chết thì sẽ về tận Nam Định, Thái Bình mà nằm cạnh tổ tiên. Nhưng rồi ở mãi trong ngôi làng ấy, sinh con đẻ cái, dâu rể, cháu chắt đông đàn dài lũ, lại tự dưng nhận ra, đấy mới chính là mảnh đất mà mình vừa biết ơn vừa mang nợ. Và tận đáy lòng là một niềm biết ơn sâu sắc tới những người dân bản địa, đã lặng lẽ cưu mang, chia sẻ, mở rộng tấm lòng để dung chứa tất cả những ồn ào khác biệt, cả những phiền toái phức tạp.

Sau này, dù có đi đâu thật xa, mỗi khi ngoái lại, trong tôi vẫn đầy mến thương ngôi làng ấy, nhà sàn nằm xen lẫn với nhà mái ngói, tiếng Tày lẫn với tiếng Kinh, và những buổi chiều tắt nắng, trai gái rộn rã náo nhiệt trêu đùa nhau bằng cả hai thứ tiếng trên dòng suối nhỏ giữa làng... 
 Nhà văn Đỗ Bích Thuý