Nhà mình có hai thằng con
rể. Chúng nó tốt bằng nhau, giỏi bằng nhau nhưng thằng em uống rượu khỏe hơn thằng
anh.
Minh
họa: Tuấn Anh
Sáng
phì cười vì cách kể chuyện của Phà. Phà hút liền hai điếu thuốc lào. Cổ chân
Phà là cái dây chạc buộc lỏng. Đầu sợi chạc là con lợn lang độ chục cân đang
chổng mông vục mõm xuống búi cỏ mà dũi.
Chợ
hôm nay thưa người. Có nhẽ, tại rét quá đấy. Mọi năm, độ này, trên đỉnh núi Xùa
còn có băng trắng toát. Những phiên chợ cuối năm này thường ít người mua, nhiều
người bán. Phà dựa lưng vào cái lù cở đựng đầy bí ngô, duỗi chân ra, trông như
đang say thuốc lào. Bỗng Phà hỏi. Chưa nghỉ tết à? Sáng nhếch mép. Hai phiên
nữa mới hết hàng. Bỗng Phà nghiêng người, lấy tay che miệng, nói nhỏ, mắt hấp
háy. Vợ cũ kìa. Nhìn theo hướng đuôi mắt Phà. Sáng nhìn thấy một người đàn bà
mặt mũi bịt kín như gái đẻ, chỉ hở hai con mắt, đang ngó nghiêng ở hàng dao.
Chiếc váy của chị ta mặc rất cũ, bạc phếch, ở nếp gấp còn sờn rách. Cả chiếc
khăn len trên đầu nữa, cũng rất cũ. Đàn bà Mông mặc váy cũ đến chợ phiên thì
chỉ có hai kiểu người. Hoặc nghèo quá. Hoặc đang để tang chồng, mặc thế để
không ai trêu ghẹo.
Sáng
bán mua với người Mông bao năm, lạ gì. Chợ phiên rất hiếm váy cũ. Ngày chợ với
người Mông giống như là đi hội. Đàn bà con gái các dân tộc diện lắm. Cả tuần có
một buổi sáng để diện thôi mà. Sáng trêu. Sao để vợ cũ nghèo thế? Phà thản
nhiên nhồi thuốc, đánh lửa và rít. Tận khi khói phả mù mịt, hắn mới nói. Vợ từ
hồi xưa thôi. Lúc ấy mười ba tuổi, biết gì. Bố lấy cho thôi. À, cái lệ này thì
Sáng biết. Hai chục năm về trước, đàn ông con trai của một số tộc người vùng
này vẫn được bố mẹ cưới vợ cho từ rất sớm. Mười tuổi lấy vợ cũng chẳng lạ.
Phà
cứ tủm tỉm dõi theo nhịp váy người đàn bà như có gì đó thú vị lắm. Sao không
chào nhau một tiếng. Mà ngày xưa, sao lại bỏ, chê già à? Phà cười, nhe hàm răng
khấp khểnh, ám khói. Không bỏ đâu, bao nhiêu bạc tiền mới cưới được về. Được
nửa năm thì tự nó bỏ đi. Đẻ con xong tự bế con đi. Không phải con mình mà. Nó làm
khỏe lắm, lại chăm chỉ, nên bố mẹ lấy về. Đi thì đi thôi. Mình không bỏ. Vì nếu
bỏ thì bên ấy phải trả lại tiền cưới. Mà ngày ấy không có đăng ký đâu. Nó đủ
tuổi còn mình thì không.
Lần
nào cũng thế. Về chợ, Phà đến quầy thuốc lào của Sáng, mua một ít thuốc, rồi
mượn điếu của Sáng hút. Có lần Phà trả luôn. Có lần, đợi khi bán được lợn,
gà... Phà mới trả. Phà thường nói, chợ Mùa Chư này, góc bán thuốc lào là vui
nhất, góc bán quần áo ấm nhất, góc bán thắng cố là no say nhất. Đàn ông Mông
chịu được rét, chịu được đói, nhưng không chịu được buồn. Cũng có lần Sáng hỏi
Phà sao không đưa vợ ra chợ. Phà bảo vợ Phà bị ốm suốt, chợ xa không đi đâu.
Ngựa thì bán hết rồi, xe máy thì nó sợ. Vợ chồng Phà có hai cô con gái xinh
xắn, đều lấy chồng rồi, cuộc
sống của Phà hiu
quạnh lắm. Có thời gian, cả mấy tháng không thấy Phà ra chợ, cũng nhớ nhớ. Sau
mới biết, Phà ở trông vợ trong bệnh viện.
Chỉ
một thoáng không để ý, Sáng đã thấy Phà dắt con lợn ra cuối chợ, sát mương
nước. Ở đó có một toán người, toàn lái buôn. Phà bê con lợn, leo lên cái cân
đồng hồ to tướng, cân cả người cả lợn. Sau đó, Phà đưa con lợn cho người khác
giữ, chỉ cân người. Sáng cũng chả rõ cách cân lợn như thế này có từ bao giờ.
Nhưng chỉ là cân lợn giống. Ở chợ Mùa Chư, từ lợn, gà, dê, ngan, vịt, chó,
mèo... tất cả những con vật đem bán đều buộc dây vào chân, chứ không cho vào rọ
như vùng khác. Vì sao thì Sáng không rõ. Có vẻ như Phà đang kì kèo rất hăng. Vì
Phà chặt chẽ mà. Nếu không, giờ này, Phà cũng túy lúy trong quán thắng cố rồi,
chứ chả đứng đấy mà đấu lý với bọn buôn lợn. Có vẻ như hai thằng con rể, sau
khi cuỗm đi hai đứa con gái xinh của Phà thì chúng cũng chả lười đưa nhau về.
Nên Phà thèm được nói và ra chợ để nói.
Trời
mỗi lúc một lạnh. Gió từ trên đỉnh núi lùa về thung lũng này đem theo mùi hoa
núi rất nồng. Cái loài hoa mà bọn gái phố gọi là ly núi ý, thơm đến phát sợ. Có
nhẽ, mọi thứ đồ ở chợ này, từ thịt thà, quần áo, vải vóc cho đến thuốc lào của
Sáng đều có mùi hoa ấy. Chợ chỉ họp sáng chủ nhật hằng tuần thôi. Buổi trưa,
chợ tan, người về hết, thì mùi hoa vẫn nồng nã ở lại. Phà đang vừa đi vừa cuộn
dây chạc vào tay, rất hớn hở. Giờ đi bán bí. Sáng lại bật cười. Sao không bán
bí cùng với lợn? Phà cãi, chỗ bán lợn không ai mua bí. Chỗ bán bí thì không thể
để lợn. Bí thì Phà gửi chỗ Sáng, còn lợn đem ra bãi. Mỗi lần thèm thuốc lào,
Phà lại dắt cả lợn đến rồi buộc vào chân mình. Hút xong lại dắt lợn đi.
Quán
của Sáng là bốn cái cọc gỗ cắm xuống bốn góc, trên phủ bạt. Cái bạt và bốn cọc
gỗ theo Sáng đi khắp vùng Mường Thà bao la này. Nắng mưa, gió sương làm bạt bạc
phếch. Những vệt kẻ chỉ còn mù mờ. Đấy là nhà của thuốc lào. Còn người, nếu mưa
gió thì tự che ô mà đứng. Phà như có duyên nợ với chợ Mùa Chư. Bao nhiêu năm
nay, cứ mỗi tháng, Phà quay lại ít nhất một phiên. Dù dân vùng này rất nghèo.
Chợ của một cụm bốn xã rộng bao la mà hàng bán được rất ít.
Phà
lại chỗ Sáng mượn điếu hút thuốc lào sau khi đã bán xong, mua xong. Điếu này là
điếu chia tay. Nhà Sáng ở huyện khác, cách xa đây nửa ngày đường. Để về chợ
phiên Mùa Chư, Sáng phải đi xe máy từ chiều hôm trước, rồi ngủ lại ở thị trấn,
mơ sớm mới đi xuống chợ. Phà hút xong, xoa hai tay vào nhau, như cám ơn điếu
rồi hỉ hả: Mủng chế (*)! Sáng hỏi đầy tò mò. Không mời vợ cũ đi ăn phở à, muộn
rồi? Không mời đâu. Mời nó cũng không ăn. Này, sao trông cô ấy như khó khăn
lắm. Ừ, khổ lắm. Có mỗi thằng con trai thì bị bệnh thần kinh. Con lợn là của nó
đấy. Mình bán hộ. Chứ để nó bán, không được đủ tiền đâu. Bọn mua lợn khôn lắm.
Sáng chả buồn giấu cái sự tò mò. Thế vợ cũ không đi lấy chồng à? Bố của cậu kia
đâu? Phà cười ngượng nghịu. Không lấy ai cả. Thế có bao giờ cho vợ cũ tiền
không? Mình cũng nghèo, lấy gì ra mà cho. Giúp được gì thì giúp thôi.
Như
thể Phà rủ người đi chợ cùng về hết lượt. Chợ cứ vắng dần đến lúc những người
bán hàng chỉ còn trông thấy nhau thì hối hả thu xếp hàng hóa. Người đi ngựa thì
cho hàng lên ngựa. Người cõng hàng thì cho vào gùi. Ai có xe máy thì buộc lên
xe máy. Trời mỗi lúc một rét. Sáng chằng buộc hàng lên xe rồi ra về.
Trên
con đường nhỏ lầy lội nhớp nháp đầy dấu chân trâu ngựa, từ xa Sáng thấy hai
bóng người đứng ngay mép đường mà nói gì đó với nhau. Đi lại gần, Sáng nhận ra
Phà và người vợ cũ. Phà có vẻ như đang gay gắt chuyện gì. Sáng vờ như không
quen biết Phà, dửng dưng đi qua, dù con đường rất hẹp và cũng chẳng thể đi
nhanh. Tuy nhiên, cảm giác có ánh mắt đang trói chặt lấy bước chân mình, Sáng
bần thần một lúc rồi dừng xe, ngoái đầu nhìn lại. Khi ấy, bốn mắt nhìn xoáy vào
nhau. Sáng bủn rủn chân tay.
Khoảng
gần ba chục năm trước, Sáng cùng anh trai đi bán vải và tơ, chỉ ở chợ này. Chợ
Mùa Chư khi đó heo hút lắm. Người chưa đông như bây giờ. Khi đó, Sáng là cậu
trai hai mươi. Trai Tày, tuổi hai mươi còn ham chơi lắm. Có một cô gái Mông
trạc tuổi Sáng, hay đến hàng của anh trai để mua chỉ thêu. Thấy cô gái Mông
trẻ, xinh xắn, có vẻ hiền lành, Sáng buông lời ướm hỏi. Và rồi, hai người đã có
những mùa trăng nhớ nhung, xuyến xao, mong đợi. Mong từng ngày trôi đi để hết
một tuần, để lại đến chợ. Một lần, vào mùa hoa núi như thế này, Sáng và người
yêu rủ nhau đi sang khu rừng bên kia suối hái hoa, đem về chơi tết. Và rồi, họ
trao cho nhau những kỷ niệm tình đầu đẹp nhất. Ăn tết xong, Sáng dẫn theo mẹ
đến chợ để xem mặt người yêu và muốn dẫn mẹ về nhà người yêu thì phiên ấy cô
gái không đến. Chỉ có mẹ của người yêu đến chợ gặp Sáng. Bà xin Sáng đừng gặp
gỡ con gái bà nữa, nó đi lấy chồng rồi. Khi ấy, Sáng đã định nhảy xuống vực mà
chết đi. Nhưng thương mẹ lại không dám. Sáng có gì không bằng những người con
trai Mùa Chư? Tại sao mẹ cô lại ngăn cản hai người yêu nhau? Hay là bố mẹ cô đã
nhận sính lễ của người khác? Sao người ta lại dối lừa Sáng? Sáng đã tìm đến bản
của Pằng để dò hỏi và được biết sự thật là như thế. Người ta đã lấy chồng thật.
Chỉ sau có hai phiên chợ không gặp là đã lấy chồng. Để không gặp lại người cũ,
năm năm liền, Sáng không trở lại Mùa Chư nữa. Sau khi đã cưới vợ, không bán
hàng vải chung với anh trai nữa, Sáng chuyển sang bán thuốc lào. Sáng không
muốn nhìn thấy những kỷ niệm với người cũ ở góc chợ ấy. Pằng đến rồi đi như thể
mùi hương loài hoa núi lỡ làm người ta say một lần thì vẫn nôn nao cả khi nghĩ
đến.
Sáng
thấy con đường hôm nay dài quá. Mấy chục năm trời mới nhìn thấy người cũ mà
hoàn cảnh cô ấy như thế, Sáng thấy mình như có lỗi. Đến suối, Sáng quên cởi
giày, lội cả giày xuống nước. Nước suối lạnh buốt làm Sáng sực tỉnh. Nghĩ đến
câu chuyện Phà kể, Sáng băn khoăn lắm. Không biết, đứa con trai, người cản trở
cuộc hôn nhân của Pằng, có phải là hạt máu của Sáng không? Sao bao năm, Pằng không
nói gì? Pằng cũng có thể tìm Sáng mà. Giờ Sáng đã có một gia đình yên ấm. Con
gái lớn của Sáng đã lấy chồng có con. Hay là, Sáng cứ một lần đến nhà Pằng xem
sao? Sáng có thể giúp gì cho Pằng được không? Không biết Pằng còn ở nhà của cha
mẹ không? Hay đã đi vùng đất khác.
Qua
suối chừng mười lăm phút là một cái ngã ba lớn. Chỗ này, ô tô từ phố vẫn chở
hàng về tận đây. Sáng gửi hàng vào nhà một người quen rồi đi. Con đường về bản
của Pằng giờ đã mở to hơn. Xe máy đi vào dễ dàng, nhà cửa san sát nhau từng chòm
dưới chân núi như những cây ô xòe tán đợi mưa. Sau mấy lần hỏi thăm thì Sáng
cũng tới được nhà mẹ con Pằng ở.
Căn
nhà gỗ ba gian nhỏ nằm chênh vênh trên sườn núi xám xịt đá. Hai bên đường là
bạt ngàn hoa mua trắng. Chỉ có hoa mua trắng mới nở muộn thế này. Sáng lưỡng lự
một lúc rồi ngập ngừng gõ cửa. Phải lâu lắm mới có tiếng chân người đi ra. Cánh
cửa hé mở. Một thanh niên trạc ba mươi, nước da xanh nhợt, râu ria rậm rạp, đôi
mắt rất to và lông mày xanh rì. Cậu ta nhìn Sáng chòng chọc. Sáng giật mình. Vì
Sáng đã từng mường tượng ra cậu ấy giống hệt thế này. Sau một lúc run rẩy, Sáng
lập cập bước vào nhà. Nhà rất tối. Lại thêm giàn đỗ ván dày kín ngoài sân nên
càng tối. Bước vào nhà một lúc Sáng mới quen mắt và thấy trước mặt là một bộ
bàn ghế bằng tre. Mặt bàn là hai mảnh ván gỗ không bào nhẵn, ghép lại sơ sài.
Hai chiếc ghế băng làm từ những ống vầu cái pha đôi, úp xuống. Mỗi ghế là ba
mảnh vầu úp. Mặt ghế chỉ to hơn mặt bàn một chút nhưng thấp hơn. Nhưng Sáng
không ngồi xuống ghế mà lại ngồi xuống bên cạnh bếp. Cậu thanh niên ngồi xuống
ghế đối diện. Bếp không có lửa. Chỉ có than củi đang lụi dần. Chú là người quen
cũ của bố mẹ cháu. Tiện đường đi bán hàng thì chú ghé vào thăm. Cậu thanh niên
nhìn thẳng vào mắt Sáng, khẽ nhếch mép, chẳng nói chẳng rằng. Nó mồi thuốc, hút
như thể nó đang ngồi giữa chợ. Hút xong thì nó ho. Ho khùng khục trong họng.
Mắt nó như lồi ra ngoài, ngầu đỏ. Sáng thấy lành lạnh ở sống lưng vì chợt thấy
con dao nhọn hoắt để ngay dưới nền đất gầm bàn. Cách chỗ cậu ta ngồi chỉ hai mét.
Sáng
khuấy động cái không gian vừa tối vừa tĩnh lặng, chả giống như trong nhà một
người điên chút nào. Thấy bảo cậu bị bệnh nặng? Bệnh gì vậy? Cậu thanh niên gác
chân lên ghế, vén quần, chỉ vào vết sẹo hằn quanh cổ chân, nói tưng tửng. Mẹ
tôi trói tôi đấy. Nếu không trói thì có lẽ tôi đã bị người ta bán đi rồi. Bán
đi xa lắm, không bao giờ trở về được đâu. Cậu ta gõ tay vào đầu. Tôi bị bệnh ở
đây. Đau lắm, như sắp nổ tung ra, bùm, bùm. Sáng vội vàng đứng dậy chào về,
không quên dúi vào tay cậu ta một số tiền, nói là để cậu ta thuốc men. Cậu
thanh niên cầm nắm tiền như cầm một món đồ chơi. Bất ngờ cậu ta ném nắm tiền
rồi bật cười khanh khách. Khi Sáng đang phủi tro bám trên những tờ tiền thì bất
ngờ cậu kia giật lấy, giắt luôn vào cạp quần và đuổi Sáng như đuổi gà. Cút đi,
cút đi.
Dọc
đường, dù để ý nhưng Sáng không nhìn thấy Pằng. Có thể, còn con đường khác nữa
để đi về nhà.
***
Nhà
mình có hai đứa cháu ngoại. Chúng mà đến chơi thì mình phải đem điếu ra ngoài
vườn hút thuốc. Chết rồi, nghiện quá, bắt đền ông bán thuốc. Phà nói thế. Phiên
chợ cuối năm rất đông người. Mùa Chư giáp biên giới, những người bán hàng từ
bên kia sang rất đông. Ông chủ hàng bọc răng vàng đang quảng cáo trên loa bằng
tiếng Mông rất to. Rồi đến chú cắt tóc. Bà bán thuốc tẩy giun. Đứa bán quần áo
rét. Thi nhau mở loa chào mời quảng cáo. Nếu là người khác nói, Sáng chẳng thèm
để ý nhưng Phà nói thì Sáng quan tâm. Phà khoe, Phà vừa chém được miếng thịt
rất ngon, đang nhờ quán luộc, tí nữa mời Sáng ra quán ăn tết. Trông Phà lù đù
thế thôi, nhưng Phà mà vác dao đến hàng thịt, có đứa mất thịt. Tục ở chợ này
thế, những tay bán thịt bày trò chém thịt để lôi kéo người mua. Hẳn quả mông
lợn cao như thế, ai chém một phát đứt lìa mảnh thịt thì được biếu một cân ngon
nhất. Chém hai nhát đứt thì được nửa cân thịt ngon. Chém ba nhát mới đứt thì
được hai lạng. Nếu không chém được thì phải mua ít nhất một cân thịt. Tuy
nhiên, nói thì dễ, chém mới khó. Để lấy được hai lạng thịt không dễ. Cho nên về
chợ, việc mua dầu, mắm, muối, ớt và quần áo là của đàn bà, việc mua mỡ, thịt là
của đàn ông. Nhưng cũng rất lịch sự, thường những miếng thịt chém được, đàn ông
đem ra quán nhờ luộc rồi uống rượu mời bạn. Hàng thịt nào mà tổ chức chém thịt
thì chỗ ấy đông người lắm. Và chỉ non buổi sáng là bán hết cả con lợn to.
Lâu
lắm mới thấy Phà chém thịt, hẳn nó có chuyện vui trong lòng. Sáng nhân cái sự
vui ý mà hỏi. Này, cái thằng con riêng của vợ cũ Phà, nó có biết bố nó là ai
không? Phà cười cười. Có, hồi trước thì nó biết. Nhưng giờ nó lúc nhớ lúc quên.
Thế mẹ nó có gặp lại bố nó không? Có mà, vẫn thấy nhau.
Phiên
chợ cuối năm đông tấp nập. Mấy lần Sáng trả nhầm tiền cho khách. Lúc thừa khi
thiếu. Đầu óc cứ đảo lộn hết cả. Gần trưa, Phà lại giục Sáng. Thịt chín rồi.
Sáng vân vi. Này, thế có biết người kia không? Người kia nào? Người yêu của vợ
cũ ý. Biết chứ, biết rõ. Có nói chuyện với nhau không? Phà cười. Thì đang nói
đây gì!
Sáng
giật cái điếu cày trên tay Phà, ném ra xa. Phà chạy theo cái điếu, nhặt lên đem
lại. Đến lượt Phà ném cái mũ của Sáng ra giữa đám đàn bà Mông đang xúm xít bàn
tán gì đó. Sáng chạy ra, len vào giữa họ, cúi xuống nhặt mũ. Đám đàn bà ồ lên.
Khi Sáng ngẩng đầu thì bắt gặp một chiếc váy cũ. Tết đến nơi mà vẫn mặc váy cũ
thì chỉ có là Pằng. Pằng vẫn bịt kín mặt chỉ hở hai con mắt. Nhưng hai con mắt
ấy tránh đi, không nhìn Sáng. Sáng cầm tay Pằng kéo một mạch đến hàng váy áo và
bảo bà chủ quán bán cho người xưa của tôi bộ váy đẹp nhất. Pằng vùng vẫy, cố
bứt tay Sáng ra mà không được. Sáng để cái váy vào cở của Pằng rồi đi về chỗ
bán hàng. Ở đó Phà đang thao thao mời chào như thể mình mới là ông chủ thật sự
quán thuốc lào. Sáng giật cái mũ chàm Phà đang đội ra, ném vào đám đông. Cái mũ
đậu trên ngực một người phụ nữ. Phà chạy đi nhặt mũ. Cả đám đàn bà lại nhìn Phà
cười ngặt nghẽo. Pằng lôi cái váy mới ra ném lên người Sáng. Sáng lại ném cái
váy lên người Phà. Phà nhặt cái váy, cuộn chặt chẽ lại và để vào cái cở của
người chủ mới. Đám đàn bà đi cùng nhau cười nghiêng ngả. Có nhẽ, họ nhớ đến
những quả pao tua xanh tua đỏ xa lắc lơ một thời. Thời của yêu thương tràn ngập
trao gửi cho nhau qua những quả pao ngày hội.
Gió
lại lùa giá rét từ trên núi xuống chợ. Đương mùa hoa núi, giá rét cũng có mùi
hoa, thơm đến nao lòng.
(*)
Mủng chế: Về nhà
Tống Ngọc Hân