Gọi điện về nhà đến lần thứ ba mới có người bắt máy. Chị Hai nói đang lau cửa ở nhà sau nên không nghe, lần sau thì chạy lên không kịp...
Chỉ gói gọn hai từ “lau cửa” mà tự nhiên tôi nghe cả cái Tết đang hiện diện quanh mình, dù tôi đang ở nơi mà lúc này chỉ toàn tuyết trắng và những cây trơ trọi cành khô. Tôi không nhớ mình đã đảm nhiệm “trọng trách” lau cửa từ khi nào mỗi khi Tết đến, nhưng ký ức của tôi về Tết dường như đã bị mấy khung cửa này đóng vào từ rất lâu và rất sâu.
Nhà cũ có một cửa trước, một cửa sau, một cửa sổ lớn và hai cửa sổ nhỏ, nhưng lúc ấy tôi còn nhỏ nên cảm thấy công việc lau cửa không hề nhẹ nhàng. Tốn cả ngày trời để lau từng khung sắt bám đầy bụi đỏ của con đường đất trước nhà, cạy từng ổ tò vò bám chặt trên khung gỗ. Hai chị em phân nhau mỗi người một bên và thi nhau xem ai xong trước. Cũng nhờ có cạnh tranh và có người đồng hành cho tôi huyên thuyên nên công việc cũng đỡ nhàm chán. Trong lúc hai chị em lau cửa thì ba dọn sạch cỏ ngoài sân, mẹ nấu đủ thứ món cho mấy ngày Tết. Lâu lâu ba mẹ lại chạy lên nhà nhìn hai chị em như thể xem có còn không hay là đã bị ai bắt đi rồi.
Nhà mới lớn gấp ba lần nhà cũ và cũng đồng nghĩa là có nhiều cửa hơn. Tôi và chị làm cật lực mà phải đến gần hai ngày mới xong nhiệm vụ. Vài năm sau chị đi lấy chồng. Năm đầu tiên chị về quê chồng ở xa, tôi một mình lau cửa. Không khí Tết vẫn rất gần mà nghe trống trải. Chị gọi điện về hỏi đang làm gì. Tôi nói đang lau cửa sổ thì chị nói nhớ nhà, nhớ Tết quá. Hai câu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan gì nhau nhưng tôi hiểu rằng mấy từ bình thường này chắc đã chạm vào những kỷ niệm vô ưu ngày nào mà chị cất giữ. Mấy ngày giáp Tết này dọn dẹp mệt thì lăn ra làm một giấc, mẹ gọi dậy ăn cơm rồi có khi còn ngủ thêm giấc nữa. Giờ đó ngoài quê chồng nghe đâu rất lạnh nhưng chắc chị không dám chui vào chăn mà làm một giấc ngủ ngon lành lúc ban trưa. Mà Việt Nam ở đâu cũng đón Tết. Sao chị lại nói là nhớ Tết?
Xuân năm trước hai chị em lại cùng nhau lau cửa. Mẹ vẫn tất bật làm đủ món nhưng tiếng cuốc làm cỏ không còn vang lên đều đều như năm nào. Sau cơn tai biến, ba chỉ có thể làm những việc nhẹ trong nhà cho khuây khỏa. Công việc lau cửa cũng hay bị bỏ dở giữa chừng vì hai chị em lâu lâu phải trông chừng xem ba có cần gì hay không. Chị còn phải canh đứa con gái nhỏ xem nó ngủ có ngon giấc không. Lâu lâu nó ré lên vì không thấy mẹ nằm kế, chị lại phải chạy vào dỗ dành.
Xuân năm nay ba đã khỏe hơn. Đứa nhóc của chị thì đã nói đủ thứ chuyện trên đời. Còn tôi lại ở phương xa và không thể về quê đón Tết. Mấy chữ “lau cửa” của chị làm tôi nhớ nhà da diết. Cái công việc mà tôi từng chán ngán giờ lại hiện về như những kỷ niệm ngọt ngào nhất, như dấu hiệu báo Tết đã đến rồi của riêng tôi.
Càng lớn người ta càng có nhiều mối lo, dù những ngày vui nhất đang đến rất gần. Không như ngày trẻ khi lau cửa thì chỉ nghĩ đến vài ngày nữa sẽ được mặc áo mới, được tiền lì xì, được ăn thỏa thích. Lớn hơn thì khi cũng làm công việc ấy, tôi lại lo chị đang ở quê chồng không biết có vui không, ba đang làm gì, không biết có ai trông không,… Nhưng hình như đó cũng là một phần của mùa xuân, của Tết, của đời người. Hạnh phúc là khi còn có nhau hoặc còn có những kỷ niệm ngọt ngào về nhau…
Nguyễn Hoàng Thiện