F TẾT ĂN ĐỤNG VÀ NIỀM VUI CHIA SẺ ~ Học sinh Trường Chính Tâm

HS TRƯỜNG TH CHÍNH TÂM


TẾT ĂN ĐỤNG VÀ NIỀM VUI CHIA SẺ

Ký ức Tết trong tôi: Tết ăn đụng và niềm vui chia sẻ

Ăn đụng lợn là một trong những tập tục đẹp ngày Tết. Ngày xưa, quê tôi không chỉ có đụng lợn, mà niềm vui chia sẻ ấy còn thể hiện trong chuyện chia cá, chia hoa, chia rau. Trong đó, tục “đụng hoa” là một trong những nét đẹp ngày Tết. Tiếc rằng, trước dòng thời gian thay đổi, một vài tập tục đẹp đã nhạt phai, chỉ còn ít gia đình trong làng giữ được.

Ngày xưa, chuyện đụng lợn, đụng hoa, chia cá ngày Tết được làng đưa ra bàn từ tháng 10 âm lịch. Gia đình nào được phân công chăm vườn hoa chung của cả làng, để đến ngày 27 cận Tết có hoa chia cho mỗi gia đình.

Không phải là loại hoa gì cao sang, chỉ là hoa cúc nhỏ, nhưng khóm lớn. Hoa được chia cho mỗi gia đình. Họ sẽ tự cử người đi nhận. Gia đình nào khá giả, mua thêm quất, thêm đào, có chậu cúc sẽ thêm xuân sắc. Bằng không, gia đình khó khăn thì cũng có chậu cúc nở thì thầm từ cả tháng trước, rất bền, nở đến cuối tháng hai của năm sau. Khi đó, ai cũng nhận được niềm vui.

Với tôi, đi nhận phần hoa của gia đình mình là một cái thú vui tuyệt vời. Sau này lên phố học, việc đó giao cho em gái tôi. Em gái đi nhận hoa, lấy được chồng ưng ý. Hai năm trước, em về nhà chồng. Em vẫn đảm nhiệm việc nhận hoa cho gia đình nhỏ của mình và thay bố mẹ tôi đến giờ.
Ảnh minh họa

Đến nay, gần nửa số hộ dân làng tôi còn giữ tục đụng lợn. Đó là tập tục nhiều nơi từng có, và đã phai nhạt. Hỏi thì bố tôi nói: “Có lẽ là do cái sự thiết thực của nó. Nhà nào chẳng cần thịt để chế biến món ăn. Và điều đó còn giữ được, là giữ được cái nếp của làng. Nó thể hiện tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ vui vẻ. Người ta sống đâu chỉ cần ăn, mà bà con cần cái tình cái nghĩa, vui vẻ bên nhau”.

Từ cuối tháng 12 dương lịch, các dòng họ, gia đình sẽ “ngắm” trước con lợn định đụng, để cùng chăm sóc cho nó, sao cho không mỡ quá. Từ ngày 27 cận Tết, những chú lợn sẽ dần được thịt. Không khí vui nhộn từ xóm trong đến xóm ngoài. Các gia đình đụng lợn sẽ “đánh chén” một bữa trước. Các phần nội tạng, thủ lợn đem ra làm cỗ. Có gia đình đánh tiết canh. Bên mâm cỗ, họ vui vẻ uống với nhau chén rượu, tổng kết và tâm sự với nhau xem một năm qua mình làm ăn ra sao, phát đạt hay không, đề ra những phương hướng của năm tới. Gia đình nào có con vừa đỗ đại học, hay được khen thưởng, cũng báo cáo luôn để đúng đêm giao thừa vừa đón giao thừa, vừa quà từ quỹ khuyến học của dòng họ.

Người dân trong làng giờ đã dùng nước giếng khoan, với rất nhiều phương tiện lọc công nghệ hiện đại, có lắp cả hệ thống bình nóng lạnh. Chất lượng cuộc sống đi lên nhiều rồi. Trước đây, nước giếng vẫn dùng để ăn, vào những ngày cuối năm, hai chiếc giếng cổ hai đầu làng rất đông người gánh nước. Trai gái í ới gọi nhau. Cả năm giếng im lìm, nhưng sẽ bị đánh thức vào cuối năm khi người dân “đụng nước”. Người dân quan niệm, cuối năm và năm mới, ăn uống, rửa tay chân bằng nước giếng làng mới may mắn. Nó nhắc nhớ mỗi người nhớ tới cội nguồn. Và có một điều lạ, cuối năm giếng làng cứ trong vắt.

Trước đình làng tôi có khu hồ lớn. Đây là nơi nuôi cá để chia cho cả làng ăn Tết. Ngày chia cá thường là mùng 3 Tết, sau khi người dân đã ngấy thịt thà, hai chiếc máy bơm vận hành hết công suất từ đêm mùng 2, vậy là sáng mùng ba trai tráng trong làng được phân công bắt cá lên bờ. Tục chia cá diễn ra đến 40 năm, chục năm trở lại đây thì tục này chỉ còn là ký ức. Hỏi ra, các lão niên bảo, do nước bị ô nhiễm, nuôi cá không lớn, làng cắt bớt đi để khỏi nhiêu khê. Với chúng tôi, sẽ chẳng bao giờ muốn mất đi bất cứ tập tục nào trong ngày Tết, bởi đó là những cách đón Tết, những khoảnh khắc gắn kết tuyệt vời giữa người dẫn với nhau. Đó cũng là điều khiến chúng tôi tự hào khi đi đến bất cứ phương trời nào.

Lại nói về chiếc hồ. Đây cũng là nơi các bà các chị mang lá dong đến rửa. Lạ lắm, rửa ngay tại nhà cũng tiện, cũng nhanh chứ đâu phải tụ tập. Nhưng rửa lá là phải trò chuyện rôm rả, phải làm cho ra không khí của những ngày chuẩn bị Tết. Nên chẳng ai bảo ai, cứ thế chậu lớn chậu bé, lá dong xanh ngắt mang ra chải chuốt. Rồi những chiếc lá xanh làm nhiệm vụ gói biết bao nhọc nhằn của một năm làm lụng, gói cả hy vọng và những niềm lạc quan của cuộc sống.

Ngày cuối cùng của năm mới làng có tục tắm tất niên. Quê tôi trồng rau, rất sẵn thứ cây để gom lại, chia nhau đun nước tắm. Vật chất no đủ, có hoa tươi, có quả ngọt, thì cũng cần phải tắm táp gột rửa bụi bặm cũng như muộn phiền của năm cũ, cho qua đi để đón năm mới với niềm phấn khởi mới, sự trọn vẹn. Điều này rất đơn giản, nhưng tôi nhận ra đó là một ý nghĩ rất tuyệt vời của các cụ ta xa xưa, tạo thành tập tục để đến giờ cháu con vẫn gìn giữ.

 Ngày cuối cùng cũng là ngày diễn ra thời khắc Giao thừa. Ngay từ 8 giờ tối, ở Nhà văn hóa làng, Hội Giới trẻ, gồm nhiều thanh thiếu niên của làng tổ chức văn nghệ, kịch, thu hút đông đảo bà con tham gia. Ngay giữa sân sẽ đốt một đống lửa lớn để thanh niên nam nữ cùng nhau nhảy múa, ca hát, chia cho nhau niềm vui, nụ cười. Người lớn rất ủng hộ. Họ vui với những tiết mục văn nghệ ngộ nghĩnh, tươi mới và thêm tự hào. Cữ gần giao thừa, khép lại các tiết mục văn nghệ tan để ai về nhà nấy, cùng gia đình sum họp đón giao thừa và đi hái lộc cầu may.

Chắc chắn, trong các vùng miền đất nước nhiều tập tục đẹp ngày Tết đã nhạt phai, nhưng vẫn còn diễn ra những nét độc đáo, như ở làng tôi. Nơi nào mất những tập tục đó là một thiệt thòi cho giới trẻ hôm nay và mai sau. Và như thế, người ta sẽ phải hồi tưởng, dắt díu nhau về miền hồi tưởng, hoặc tìm cách làm sống lại những ký ức đó. Nhưng nếu còn giữ được thì đó là sự may mắn và niềm tự hào. Bởi thế cách tốt nhất để khỏi tiếc nuối, hồi tưởng là hãy giữ gìn những nét đẹp của Tết, chung tay để những nét đẹp ấy không rơi vào quá vãng, mà cùng nở rộ, trường tồn với xuân.

Nguyễn Văn Học