Ký ức Tết trong tôi: Tết Tây Nguyên
5 tuổi, tôi còn quá nhỏ để hiểu được thế nào là một cái tết xa nhà, khi ấy trong tôi chỉ là sự háo hức với những thứ mới lạ, một chút gì đó thích thú về một chuyến đi xa và có chút chạnh lòng vì phải xa mẹ.
Bố con tôi bắt vội chuyến xe vào Nam trong một chiều cuối năm mưa phùn gió bấc, chỉ hai bố con mà không có mẹ.
Tôi vẫn nhớ như in buổi chiều hôm đó, tôi như con mèo lười nằm ườn ra chiếu, cố tìm thú tiêu khiển với mấy chiếc vỏ vỏ lạc mà mẹ và bà vừa bóc xong, màn mưa ngoài trời thì cứ rả rích rơi xuống, mùi đất ẩm xộc vào nhà mang theo hơi lạnh của tiết trời cuối đông miền Bắc. Bố tôi xuất hiện ở đầu hiên nhà, vai áo vẫn còn dính vài giọt mưa, bố nhìn mẹ, ra hiệu mẹ ra ngoài hiên. Bố mẹ nói chuyện khá lâu, mãi sau mẹ mới quay vào nhà hỏi tôi: "Con có vào Tây Nguyên ăn Tết với ông bà nội không?”.
Tôi nhảy cẫng lên trên cả hai chân, mặt mày hớn hở, hét toáng lên và gật đầu lia lịa. Bố thu vội cho tôi vài cái váy mà tôi thích nhất nhét vào túi rồi bế tôi đi ra đường lớn để đón xe. Thế là bố con tôi đi.
------------------------------------------------------------------
Tây Nguyên đón tôi vào một buổi tối trời, đèn pha ô tô rọi thẳng vào con đường đất dài tít tắp, hai bên đường chỉ thấy có toàn những vườn tiêu, nhà cửa ở đây thưa thớt, thi thoảng mới thấy có ánh đèn. Tôi sốt ruột liên tục lặp lại câu hỏi “Bố ơi, đã đến nơi chưa?”. Mỗi lần tôi hỏi là một lần bố nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn ra ngoài xe qua tấm kính tối màu đang rung lắc vì xe đi qua con đường đất toàn những hục hang chi chít nhau: “Sắp tới rồi”. Tôi không nhớ nổi đến lần thứ bao nhiêu bố trả lời tôi câu đó thì thật sự tới nơi, nhưng tôi cá là cũng không quá mười lần.
Vượt qua con dốc, hiện lên trước mắt tôi là một khu dân cư đèn điện sáng trưng, các nhà cách nhau rất gần chứ chẳng xa tít tắp như khu vực tôi vừa đi qua. Nhà cửa ở đây thật lạ chỉ làm độc bằng gỗ, có chăng thì cũng chỉ có cái nền nhà là đổ xi măng. Tôi lúc ấy thích thú lắm, cứ mắt chữ “O”, mồm chữ “A” suýt xoa mãi, vì với tôi khung cảnh này rất lạ, khác hẳn với ở nhà - nơi đã quá thân thuộc với tôi.
Bước xuống xe tôi thấy ngay chú thím tôi và ông bà nội đứng ở cổng đợi, thím ôm lấy tôi, bế tôi lên tay mà thơm lấy thơm để - việc mà thím vẫn thường làm để thể hiện tình yêu thương đối với lũ nhóc chúng tôi mỗi lần vào chơi.
Tết Tây Nguyên. (Ảnh minh họa)
Tây Nguyên thật đặc biết ngày thì nóng mà đêm lại lành lạnh, không khí thì lúc nào cũng trong lành và dễ chịu, thi thoảng tôi còn ngửi thấy trong gió mùi thơm của cây rừng. Tôi thích cái hương thơm núi rừng lan tỏa vào trong làn sương sớm, tôi cũng thích hương vị trái cây nhiệt đới phả vào trong từng làn gió mà lan tỏa khắp không gian, có lẽ tôi yêu Tây Nguyên cũng chính vì lí do này.
Tết Tây Nguyên cũng đặc biệt không kém, đặc biệt từ trong cách sinh hoạt đến thời tiết. Tôi đã quen với cái Tết miền Bắc mưa phùn, lành lạnh nên khi được trải qua cái tết với ánh nắng chói chang làm tôi vô cùng thích thú. Tôi nhớ hôm ấy được thím sắm cho một cái váy trắng viền xanh lá cây xinh xắn, tôi sướng rơn, “xính” chiếc váy chẳng chịu cởi ra, đến tận khi thím phải dỗ dành mãi bảo: “Con cởi ra thím giặt cho sạch, cất đi để tết mặc thì mới đẹp được chứ", tôi cởi nhưng trong lòng vẫn còn tiếc rẻ, chỉ mong sao Tết đến thật nhanh.
Tết càng đến nhanh thì tôi càng sớm được mặc đồ đẹp, vì thế tôi đếm từng ngày. Tết của trẻ con khác Tết của người lớn, nó ấm áp hơn và đáng yêu hơn. Không mang theo gánh nặng của tiền bạc cũng không phải mùi dầu mỡ bếp núc, tết của trẻ con quả đúng thật là cái tết để yêu thương và được yêu thương.
Tết đến với trẻ con ngoài quần áo đẹp thì còn có đồ ăn ngon. Tôi vẫn nhớ mãi món mít phơi khô của bà nội. Từng miếng mít vàng ươm được tách bỏ hạt phơi ngoài nắng lại chuyển thành màu đen óng, nhưng mùi mít thơm lừng và vị ngọt lịm thì vẫn không hề mất đi. Ngày nào tôi cũng mon men lại cạy nắp chiếc hộp sắt đựng món mít đó để nhón lấy vài miếng ăn cho đỡ thèm, nhưng chỉ vài miếng thôi vì bà dặn “ăn nhiều sẽ bị đau bụng nóng đấy”.
Nếu mùa Tết miền bắc có đào có quất thì Tết Tây Nguyên có mai. Sắc mai vàng ươm như sắc nắng, làm cả căn nhà cũng bừng sáng theo, cánh mai cũng mỏng như cánh đào nhưng không hiểu sao tôi lại có cảm giác cánh hoa mai mong manh hơn đào, đụng nhẹ là rụng mất. Cũng có thể là do tôi nghịch ngợm, muốn đuổi lũ ong đến hút nhụy hoa mà nhảy chồm chồm cạnh cành mai to gấp đôi người mình để đuổi ong. Thế mà, ong bay thì ít hoa rụng thì nhiều làm tôi càng thêm phần lo lắng…
Đêm 30 Tết, tôi tuy mắt đã “gà” đi và sắp gục xuống đến nơi nhưng vì thấy đứa em mới 3 tuổi vẫn tỉnh như sáo nên phải cố mà căng mắt ngồi đợi giao thừa vì tôi nghĩ, mình 5 tuổi rồi , mình lớn rồi, mình phải thức như người lớn. Cuối cùng thì tôi cũng đợi được đến khi nghe tiếng pháo giao thừa đầu tiên vang lên.
Cả nhà cùng nhau ra hiên đứng xem pháo hoa, đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được nhìn thấy pháo hoa gần như thế. Pháo bắn lên nổ gần như ngay trên bầu trời phía trên đầu tôi, tôi thích thú định chạy ra sân nhìn cho rõ nhưng thím giữ chặt tôi không cho chạy, vậy là tôi lại đành ngậm ngùi đứng trong hiên để xem.
Sáng mùng 1 tết tôi thức dậy khá sớm, chưa kịp đánh răng rửa mặt gì đã chạy vội đi tìm thím để... lấy váy. Kết cục là vẫn bị thím “lùa” đi vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng với cả nhà sau đó mới thay đồ. Ngắm mình xinh xắn trong bộ váy trắng tinh khôi, tôi cứ nghĩ mình chính là cô công chúa nhỏ lạc giữa núi rừng Tây Nguyên này, ước sao có chàng hoàng tử cưỡi bạch mã tới đón tôi đi. Nhưng không, hoàng tử đâu tôi không thấy chỉ thấy nhóc em đứng bụm miệng cười mãi không thôi.
Tuy là ở Tây Nguyên nhưng gia đình tôi là một gia đình gốc Bắc thế nên món bánh chưng truyền thống là không thể thiếu, còn có cả món thịt đông miền Bắc nhưng phải bỏ trong tủ lạnh mới đông, chỉ có dưa hành là làm ít đi một chút vì với cái nóng của Tây Nguyên thì không thể bảo quản dưa hành được lâu.
Với tôi, Tết Tây Nguyên không chỉ mang hương thơm núi rừng, mang màu nắng vàng ươm của cao nguyên, mà trên hết còn là cả con người nơi đây, cũng thân thiện và đáng yêu y như vùng đất của họ. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác ngạc nhiên của mình khi tôi thấy những đứa trẻ trạc tuổi tôi dắt tay nhau tự đến chúc tết từng nhà trong bản, tự nhiên và thành thạo đến mức khiến tôi bất ngờ.
Nếu như ở cái tuổi của tôi lúc ấy còn phải nắm tay bố mẹ để được dắt đi chúc tết mà vẫn đầy ngại ngùng thì ở những đứa trẻ nơi đây tôi lại thấy một sự trưởng thành hơn hẳn. Có lẽ chính cái nắng, cái gió của vùng đất cao nguyên này đã tạo nên những người con chân chất đáng yêu như vậy. Chắc cũng vì thế mà tôi yêu Tây Nguyên không chỉ bởi nơi đây tôi có gia đình, có một phần tuổi thơ mà nó còn là lòng cảm mến đối với con người nơi này.
------------------------------------------------------------------
Tết Tây Nguyên còn là cái Tết đầu tiên tôi xa mẹ. Tôi là một đứa trẻ bướng bỉnh và ham chơi, cũng vì thế mà một tuần liền sau khi đến Tây Nguyên tôi không hề gọi về cho mẹ được lấy một cuộc điện thoại. Tất cả kí ức của tôi về ngày hôm đó đều rất mờ nhạt, duy chỉ có hình ảnh của một bé gái 5 tuổi chạy khắp nơi tìm bố chỉ để nghe cuộc điện thoại của mẹ gọi tới.
Tôi không tài nào nhớ được tôi và mẹ đã nói gì, kí ức duy nhất tôi còn nhớ đó là sau cuộc điện thoại đó, tôi trốn cả nhà leo lên tầng áp mái ôm mặt khóc thút thít, cả nhà gọi thế nào cũng nhất định không chịu thưa, chỉ đến khi thím tôi lên tận nơi ôm tôi vào lòng thì tôi òa lên khóc. Tôi khóc như mưa, vừa khóc vừa lặp lại câu “Con nhớ mẹ!”.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thể hiểu được cảm giác của mẹ tôi lúc ấy khi phải một mình đón Tết mà không có bố con tôi, tôi cũng không hiểu vì sao mà bố lại quyết định đi một chuyến đi xa như thế khi mà ngày Tết đang tới gần.
Thứ duy nhất tôi biết là sự cảm nhận ngây ngô của một cô bé 5 tuổi, lần đầu xa mẹ, lần đầu ăn Tết xa nhà, lần đầu được ngắm pháo hoa ở ngay trên đầu mình và lần đầu tỏ ra thán phục trước sự trưởng thành của các bạn đồng trang lứa. Khi ngồi đây và gõ những dòng này tôi đang ở cách xa Tây Nguyên lắm, khoảng 1.362 cây số, và tôi lại đang nhớ Tây Nguyên.
Kể từ đó tới nay cũng đã nhiều năm, tôi cũng chưa từng đón thêm một cái Tết nào xa nhà như thế, có lẽ tôi lại nhớ Tết Tây Nguyên rồi. Một ngày không xa nào đó trong tương lai, tôi vẫn muốn lại được một lần đón Tết Tây Nguyên, nhưng lần này sẽ khác, không chỉ tôi mà là cả gia đình, cả bố mẹ và chị em tôi.
Đặng Khánh Huyền