Ký ức Tết trong tôi: Xuân về nhớ mẹ
Những ngày gần Tết Nguyên đán, không khí tết quê tôi lại nhộn nhịp hẳn lên. Những người làm ăn ở xa, đã lác đác trở về trước cả nửa tháng, rồi đến những người làm ở các cơ quan xí nghiệp, công nhân viên chức về sau. Làng quê giờ đã thay đổi khác xưa nhiều. Những nơi sinh hoạt cộng đồng chung, giờ đã được tôn tạo phục dựng, đường trong ngõ ngoài được bê tông hóa rộng rãi sạch sẽ, những ngôi nhà cao tầng cũng đã nhiều hơn. Thôn quê, phố chợ đồng điệu giao thoa.
Mọi người gặp nhau, hồ hởi vui mừng chuyện trò thăm hỏi, cứ líu ríu vào nhau, tiếng nói tiếng cười, những cái bắt tay, nắm chặt cùng những vòng tay ôm ghì, thắm thiết nghĩa tình quê hương nồng thắm chan hòa. Càng vào những ngày này, thì hình bóng mẹ yêu lại càng hiện hữu trong tôi, với bao nhiêu hình ảnh, buồn vui đan xen lẫn lộn.
Nhớ lại những ngày tuổi thơ bên mẹ, những cái tết nghèo vật chất, mà sao thắm thiết chan hòa nghĩa tình yêu thương đùm bọc thế, như mẹ nói “đói ngày giỗ cha no ba ngày tết”. Cho nên dù thiếu kém thế nào mẹ cũng dành mấy thùng lúa nghệ hạt dài, cuối năm xay giã trắng phau, để gia đình ăn tết, mấy anh em chúng tôi được ăn cơm ngon mãi tới ngoài “mùng”.
Năm nào lúa má được mùa, mẹ cũng chung cùng mấy chú mấy bác một đùi lợn gọi là "đụng lợn tết” còn nếu thất bát thì mẹ cũng mua một vài cân, phần thịt làm cỗ tết cho mấy anh em tôi ăn, phần mỡ mẹ chiên lấy mỡ ra Giêng xào rau nấu canh, để cho người có chất mỡ, mẹ bảo vậy.
Minh họa: Đình Tân
Những trái bưởi trái cam đẹp trong vườn, mẹ chọn lựa rồi lấy vôi đánh dấu, để giành cúng tết ông bà, càng về những ngày cuối năm, nhìn trái nào cũng chín mọng vàng ươm, thơm nức. Ngày ba mươi được hái vào để trưng mâm ngũ quả.
Quanh năm tằn tiện, tích góp, cũng để dành dồn vào cái tết. Hình như phiên chợ cuối năm là mẹ phải chi tiêu nhiều nhất. Ngoài đồ đạc dụng cụ để phục vụ gia đình, cùng tái sản xuất sang năm mới, mẹ còn mua cho mấy anh em tôi mỗi đứa một bộ đồ mới, cho bằng chúng bạn.
Ngày thường anh em tôi mặc những bộ đồ rách vá, nhưng, những miếng vá của mẹ rất đẹp, từng đường kim mũi chỉ, mẹ lựa những miếng vải tệp màu, cùng quần áo chúng tôi, rồi mẹ lược lại vuông vắn, rồi mẹ mới khâu, mẹ nói "khéo vá vai, tài vá nách”.
Anh em chúng tôi, mùa đông rất thích mặc những chiếc áo vá, vì nó rất ấm. Nhưng mẹ chẳng mua cho mình dù quanh năm mẹ chỉ có hai bộ đồ thay đổi, chiếc áo nâu nhuộm bùn, cái quần “ống què.” Quanh năm dầm mưa dãi nắngđồng áng ruộng vườn, mẹ có bộ đồ chắc là đẹp nhất của đời mẹ, đó là chiếc áo cánh trắng, và cái quần vải tơ tằm, cùng chiếc áo dài màu mận chín, với chiếc “bao tượng thắt ngang lưng” màu xanh, bộ đồ này mẹ chỉ mặc trong những ngày tết, hoặc đám hội hè. Xong mẹ lại cất đi. Ôi mẹ của tôi...
Với cái lạnh se se, những vạt mưa xuân nhè nhẹ, như những đám sương mù ngưng tụ, những giọt nước trên những cành đào, bông cúc long lanh, ngậm những sắc màu như bảy sắc cầu vồng huyền diệu, những nụ đào căng tròn, như ứa lệ nhớ thương bàn tay chai sần, của mẹ vẫn thường tảo tần chăm sóc gốc đào già.
Mà cứ mỗi độ xuân về lại cho màu đỏ hồng tươi thắm, mùi trầm hương ngào ngạt, hòa quyện cùng hương thơm của những trái bưởi trái cam chín vàng, trùm lên phía chái nhà, nơi mà mẹ thường để quang gánh, liềm hái, và những vật dụng làm nông. Tôi nghẹn ngào không sao cầm nổi dòng nước mắt. Mâm cơm cúng ông bà tổ tiên ngày tết.
Những làn khói nhang uốn lượn tỏa bay, như hình bóng của mẹ yêu thương đã về cùng chúng con, để vui đón tết, đón mùa xuân quê hương đã chuyển mình đổi mới. Cuộc sống mới đổi thay, đủ đầy sung túc. Chỉ tiếc là khi cuộc sống khó khăn vất vả.
Mà mẹ đã hy sinh cả cuộc đời, để chở che bao bọc chúng con khôn lớn bằng người, nhưng giờ đây mẹ đã đi xa, lệ lòng con nhớ lắm mẹ yêu ơi.
Duy Chuông